Lương cao là hạnh phúc

Lương cao là hạnh phúc | Mọi người ở đây sao thì không rõ nhưng đối với tôi lương là yếu tố hàng đầu quyết định hạnh phúc. Còn không là tổng thu nhập. Vì nó là con số hữu hình nhất, mấy cái kia chỉ là khái niệm cảm tính.  Để có lương cao … Read more

Giá trị thương hiệu và sức hút cá nhân

Giá trị thương hiệu và sức hút cá nhân | Vào năm 2015, tôi sang Kuala Lumpur du lịch. Khách sạn tôi ở cách tòa tháp đôi Petronas tầm vài trăm mét và có thể thấy nó từ cửa sổ phòng. Sáng hôm sau dậy đi dạo thì cảm thấy buồn ngủ vì thiếu cà phê. Thế là tôi đi vòng quanh để tìm. 

Mặc dù đã thấy và lướt qua hàng chục quán khác nhau nhưng cuối cùng tôi lại chọn Starbucks và ly cappuccino đá. Tôi rất ít uống chuỗi này nhưng khi ở một nơi xa lạ, logo có hình nàng tiên cá trắng trong hình tròn màu xanh lá cây lại lôi cuốn tôi.

Lúc đó thì tôi chưa đủ nhận thức nhưng bây giờ khi nhìn lại thì đó không phải là lựa chọn ngẫu nhiên mà là kết quả thành công của quá trình xây dựng thương hiệu.

Điều này khiến tôi suy ngẫm rất nhiều vì phải mất rất lâu, có thể là hơn chục năm, để tôi bắt đầu nhận ra sức mạnh nhận dạng. Tôi chưa bao giờ là một người tìm hiểu về marketing, trừ vài môn bắt buộc thời đại học. Tôi cũng chẳng hiểu sao các doanh nghiệp lại bỏ hàng tỷ tiền quảng cáo. Càng không hiểu những bạn làm trong ngành đó đóng góp gì cho xã hội.

Nhưng bây giờ khi chính tôi đang tìm kiếm chỗ đứng trong lĩnh vực đã có quá nhiều người tồn tại rồi thì mới bắt đầu cảm phục những con người dùng trí óc để tạo giá trị tàng hình. 

Từ việc lựa chọn quán cà phê khi hẹn bạn bè, khách sạn khi nghỉ mát, hãng hàng không khi bay, công ty lữ hành khi đi du lịch, fanpage khi đọc tin tức hay thậm chí một tài khoản Facebook cá nhân khi tò mò về góc nhìn riêng.

Bạn, những khách hàng, đang bị cuốn theo một cách vô giác. Đó là sự mạnh của thương hiệu.

Vừa rồi một nhà thiết kế Nhật Bản đã được trả 7 tỷ đồng để tái thiết kế logo của Xiaomi. Kết quả cuối cùng gây tò mò và làm nhiều người khó hiểu vì nó quá đơn giản. Ông ta chỉ làm cong bốn góc và thay đổi màu một chút. Nhiều người nhìn vào không hiểu sao nó có giá trên trời như vậy trong khi bất cứ một học viên thiết kế nào cũng có thể mở Illustrator và làm y chang trong vòng vài phút.

Nhưng cái chúng ta quên rằng Xiaomi không trả 7 tỷ cho vài phút vẽ mà cho uy tín 40 năm của người thực hiện và thương hiệu cá nhân của ông ta. Tôi cũng có thể vẽ đẹp hơn và cá là bạn cũng vậy, nhưng chúng ta không có giá trị thương hiệu của Kenya Hara. Nếu là một người bình thường làm thì chắc sẽ không ai quan tâm, nhưng vì nó của một nhà thiết kế có tên tuổi nên lại được coi là tác phẩm.

Khi thấy kết quả cuối cùng thì trông không hề phức tạp. Nhưng để dẫn đến những nét trông dễ làm đó là cả một vấn đề. Nếu ai đó kêu bạn phải thiết kế lại từ đầu thì có lẽ sẽ đứng hình ngay vì không biết phải làm gì. Kenya Hara tốn 40 năm để vẽ trong vài phút, logo Xiaomi có giá 7 tỷ vì nó mang giá trị của 40 năm thương hiệu cá nhân chứ không phải vì vài phút trên máy tính.

Dạo gần đây thì trong nước nổi lên một nhà thiết kế nội thất với giá trên trời. Nếu bạn muốn thuê ông ta thì phải bỏ ít nhất 11 tỷ đồng. Thực hư ra sao thì tôi không rõ, có ý kiến đồng ý và trái chiều, đó là điều bình thường.

Có thể người khác cho rằng Thái Công không phải là người thiết kế giỏi nhất, tôi cũng chẳng xác minh được. Cũng có thể bạn cho rằng ai cũng làm được như ông ta nhưng với giá thấp hơn mức trên trời kia.

Rất đúng, không hề sai. Nhưng các bạn quên rằng năng lực thôi chỉ chiếm một phần nhỏ trong thành công. Nhất là trong ngành sáng tạo, nơi khái niệm chất lượng không cố định mà được quyết định bởi người khác và thị trường. Bạn có thể thiết kế giỏi nhưng nếu không biết quảng bá bản thân, xây dựng uy tín và giao lưu trong cộng đồng thì sẽ không ai biết đến bạn.

Bạn có thể không thích ông ta nhưng phải thừa nhận rằng người đàn ông đó đã thành công trong việc định dạng thương hiệu cá nhân ở phân khúc nhất định, quảng bá bản thân trên mạng xã hội và nâng cao giá trị sản phẩm. Đó là cốt lõi và sức mạnh còn năng lực thôi chỉ là sự tối thiểu mà ai cũng có thể sao chép. Thay vì chỉ trích thì hãy học hỏi và tập xây dựng hình ảnh tương tự trong mắt công chúng. Đó là cách bạn bắt kịp với người hơn mình. 

Trong thế giới internet cũng vậy. Có hàng triệu và tỷ người dùng nhưng tại sao chỉ một số ít được coi là “Người ảnh hưởng.” Những PewDiePie, Mychonny, Michelle Phan, Giang Ơi hay Khoai Lang Thang đều là những cá nhân bình thường. Bất cứ ai cũng có thể lên YouTube bình luận, chọc vui, trang điểm, kể chuyện hay đi du lịch rồi quay lại. 

Nhưng sự khác biệt giữa đám đông kia và nhóm thiểu số này là một bên chỉ coi còn một bên chủ động phát triển tên tuổi. Kết quả phản ánh hành động và công sức. Số đông kia gần như vô danh và ít ai biết đến, còn số ít kia trở thành những người được cộng đồng theo dõi. Bạn có thể thích hay ghét nhưng họ đã có chỗ đứng nhất định.

Đó là sức mạnh của thương hiệu cá nhân.

Tại sao không phải là bạn mà lại để người khác thực hiện. Có phải vì lười, thụ động, nhát, mắc cỡ, tự ti hay đơn thuần là không có nhu cầu. Dù lý do là gì đi nữa thì đó là lựa chọn cá nhân. 

Nhưng đừng quên rằng cho mỗi vạn người ngồi im chờ đợi thì sẽ luôn có một người nắm bắt cơ hội. Chính vì điều đó, họ thành công. Sự im lặng của bạn là vấn đề chứ không phải sự tự tin là người khác. 

Nếu muốn để lại dấu ấn trong đời thì hãy bỏ tính ngại ngùng và không ngừng va chạm. Tài năng trong thầm lặng là tài năng chết, vì một không ai nhớ đến một con chim không biết hót. Thế giới này bao dung nhưng thành công không dành cho người im lặng.

Mạng xã hội cũng như cuộc đời, nó là sân khấu và bạn có thể chọn làm khán giả hoặc người đám đông hướng đến. Thương hiệu bắt đầu với cá nhân và chính bạn phải là người xây dựng nó.

Bóc Phốt Tài Chính | 10.4.2021

Bay bổng với học vấn, đường ngắn nhất đến thịnh vượng

Bay bổng với học vấn, đường ngắn nhất đến thịnh vượng | Tôi xin bắt đầu với sự khẳng định. Học vấn là cách nhanh nhất để thoát nghèo và ngắn nhất dẫn đến thịnh vượng.

Đó không phải là điều tôi nhặt được từ cuốn sách, bộ phim mà từ hơn ba thập niên cuộc đời. Nó vẫn quá ít để kết luận nhưng vừa đủ dài để vẽ ra lộ trình cho một người bình thường có thể đi từ tay trắng lên sự nghiệp và từ tận đáy lên thành công.

Để hiểu nguyên nhân vì sao thì bạn phải biết sự vận hành của nền kinh tế và quy luật xã hội.

Hãy nhìn xung quanh bạn, tôi đố bạn chỉ hay tìm ra một cái gì đó được thiết lập mà không cần kiến thức. Trái đất này chỉ là sỏi đá cho đến khi có trí tuệ con người chế biến nó thành những dụng cụ. 

Hãy quan sát xã hội bạn đang sống, tôi đố bạn tìm ra một ai đó thành công mà chẳng cần học tập. Từ giáo viên dạy bạn ở tiểu học, người lập trình ra phần mềm bạn đang dùng để đọc bài viết này cho đến ông bác sĩ bạn tìm đến khi bệnh. Tất cả đều là sản phẩm của giáo dục.

Sự bực bội của tôi nổi lên mỗi khi nghe ai đó hạ thấp học vấn bằng cách so sánh thu nhập của người tốt nghiệp đại học với cô người mẫu nào đó, khi báo chí trích lời của một doanh nhân nói “Bằng đại học không có ý nghĩa” và nhất là khi một khóa làm giàu kể về một nhân vật nào đó bỏ học rồi lập đế chế tỷ đô.

Những trường hợp đó thực sự có tồn tại, nhưng hiếm, đến mức mỗi khi họ xuất hiện thì bạn sẽ biết đến vì đó là câu chuyện thần kỳ. Cứ mỗi một người nào đó tay trắng rồi thành công thì sẽ có hàng vạn cá nhân khác rơi vào vòng xoay cơ cực. Tôi không tin vào may mắn hay phép màu mà vào sự chắc chắn của hành động. 

Khi tháo hết những vật bao che cơ thể thì tài sản quý giá nhất của bạn nằm trong bộ não. Đó là thứ duy nhất bạn còn khi mọi thứ xung quanh biến mất. Với kiến thức đó, bạn mới có thể bắt đầu xây dựng được cho mình một cuộc sống và từ đó phát triển.

Nếu có một quá trình thì sẽ là như sau.

  1. Học tập | Khi không có gì trong tay thì chỉ học vấn mới biến bạn hành một tài sản trong mắt xã hội. Đó có thể là đại học, trường nghề hoặc trung tâm đào tạo nào đó.
  2. Làm việc | Trắng tay thì chỉ có thể làm thuê cho ai đó đi trước mình. Đừng nghĩ đây là làm công hay nô lệ mà ngược lại mới đúng. Bạn đang được trả lương để học hỏi và phát triển bản thân. Lương không phải là gông xích khóa chân bạn lại như các khóa dạy làm giàu nói, mà là phần thưởng thị trường dành cho người đóng góp công lao cho xã hội thông qua việc tạo sản phẩm và dịch vụ. Sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, phần còn lại là sự dư thừa để bạn tích lũy cho tương lai.
  3. Đầu tư | Khi đã đi làm và có tiền, bạn trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế. Tuy bạn nhỏ bé nhưng nó sẽ không thể vận hành nếu thiếu hàng triệu người như bạn. Với số tiền dư đó, bạn có thể đem đầu tư. Có thể cổ phiếu, trái phiếu, vàng hay căn nhà bạn mơ ước. Đó là dấu ấn bạn để lại và là minh chứng cho sự đóng góp của bạn trong thế giới mình giúp xây dựng.
  4. Mạo hiểm | Sau một thời gian đi làm, bạn không chỉ là con người nữa mà là một tài sản. Khi đủ kinh nghiệm, có thể bạn cảm thấy chán nản. Bạn thấy một vấn đề nào đó đang tồn tại trong xã hội và muốn là người giải quyết nó. Bây giờ khi đã đủ vốn và kiến thức, bạn có thể mạo hiểm khởi nghiệp. Có người thành công, có người thất bại nhưng kết quả nằm trong tay bạn. Còn không thì hãy tiếp tục làm việc và tích lũy vốn, nó sẽ nhân lên theo năm tháng.
  5. Thành công | Lúc này thì có hai kết quả. Một là bạn đã thành công với dự án của mình, hai là bạn có đủ khả năng tài chính để có cuộc sống ổn định sau thời gian làm việc. Có thể bạn không giàu nhưng dư hơn lúc trắng tay. Chúc mừng, bạn đã thành công.

Hãy nhìn lại quá trình này. Một con người chỉ bắt đầu với con số không nhưng lại có được kết quả tốt đẹp. Đó là quy luật phát triển từ ngàn xưa và tôi không biết cách nào khác hiệu quả hơn.

Sẽ luôn có những cá nhân xuất chúng hoặc đặc biệt không đi theo hướng này nhưng vẫn có được thành công. Đó có thể là cô gái xinh đẹp lấy được chồng giàu, một người may mắn trúng số hay một thiên tài trăm năm có một nhảy vọt lên đỉnh cao. Nhưng nếu bạn không được phúc rơi vào trường hợp đó thì học vấn vẫn là đường tốt nhất và đại học là chìa khóa mở cánh cửa.

Đừng hiểu sai khi tôi đề cao học vấn rồi đánh đồng với việc hạ thấp những con người làm việc lao động. Họ vô cùng quý giá vì là thành viên không thể thay thế được trong xã hội. Nhưng dù tất cả công việc đều đáng quý, không phải công việc nào cũng như nhau.

Một người sử dụng sức mạnh cơ bắp luôn bị giới hạn bởi sức lực, tuổi trẻ và thời gian. Còn một người dùng sử dụng sự sáng tạo sẽ vượt qua rào cản đó. Một nông dân chỉ bán mặt cho đất và bán lưng cho trời, nhưng một nhà khoa học nông nghiệp sẽ dùng trí óc để ruộng lúa luôn nảy nở. Một công nhân chỉ bán sức qua ngày nhưng một kỹ sư sẽ chế tạo máy móc để nhân mồ hôi kia với thép và công nghệ để biến thành cỗ máy sản xuất.

Những nông dân và công nhân kia chỉ đỡ vất vả hơn khi ai đó chế ra thiết bị tiết kiệm công sức và thời gian, điều đó chỉ thực hiện được qua đường học tập. Người theo đuổi học vấn không chỉ giúp bản thân họ mà còn người khác bằng cách nâng cao giá trị lao động. 

Những bác sĩ, nha sĩ, luật sư, nhà khoa học, nhà tài chính, nhân viên ngân hàng, giáo viên, nghệ sĩ hay nhà sáng tạo nội dung. Tất cả đều làm cuộc sống con người tốt hơn vì họ tạo và rót thêm giá trị vào mồ hôi. 

Đó là sự đầu tư không hề vô ích và những ai chọn con đường này luôn có chỗ đứng nhất định.

Con chim biết bay vì có đôi cánh, học vấn là công cụ tương tự của con người. Với bàn tay, bạn chỉ có thể làm việc suốt đời. Nhưng với trí óc, bạn sẽ bay bổng.

Bóc Phốt Tài Chính | 02.4.2021

Bill Gates kêu đánh thuế robot

Bill Gates kêu đánh thuế robot | Nội dung hoàn toàn dịch và hiểu sai phát ngôn của Bill Gates. Đây là nguyên văn của ông ta. “Right now if a human worker does you know, $50,000 worth of work in a factory, that income is taxed. If a robot comes in to do the … Read more

Shark Linh khuyên dùng 10% lương mua cổ phiếu

Shark Linh khuyên dùng 10% lương mua cổ phiếu | Tôi rất ngưỡng mộ “Shark” Linh, cô ta là người tài giỏi và xinh đẹp, trên đẳng cấp hiện tại của tôi. Nhưng e rằng lời khuyên này hơi sáo rỗng. Lương trung bình ở Việt Nam là 10 triệu, mỗi tháng dư vài trăm … Read more