Giá trị thương hiệu và sức hút cá nhân

Giá trị thương hiệu và sức hút cá nhân | Vào năm 2015, tôi sang Kuala Lumpur du lịch. Khách sạn tôi ở cách tòa tháp đôi Petronas tầm vài trăm mét và có thể thấy nó từ cửa sổ phòng. Sáng hôm sau dậy đi dạo thì cảm thấy buồn ngủ vì thiếu cà phê. Thế là tôi đi vòng quanh để tìm. 

Mặc dù đã thấy và lướt qua hàng chục quán khác nhau nhưng cuối cùng tôi lại chọn Starbucks và ly cappuccino đá. Tôi rất ít uống chuỗi này nhưng khi ở một nơi xa lạ, logo có hình nàng tiên cá trắng trong hình tròn màu xanh lá cây lại lôi cuốn tôi.

Lúc đó thì tôi chưa đủ nhận thức nhưng bây giờ khi nhìn lại thì đó không phải là lựa chọn ngẫu nhiên mà là kết quả thành công của quá trình xây dựng thương hiệu.

Điều này khiến tôi suy ngẫm rất nhiều vì phải mất rất lâu, có thể là hơn chục năm, để tôi bắt đầu nhận ra sức mạnh nhận dạng. Tôi chưa bao giờ là một người tìm hiểu về marketing, trừ vài môn bắt buộc thời đại học. Tôi cũng chẳng hiểu sao các doanh nghiệp lại bỏ hàng tỷ tiền quảng cáo. Càng không hiểu những bạn làm trong ngành đó đóng góp gì cho xã hội.

Nhưng bây giờ khi chính tôi đang tìm kiếm chỗ đứng trong lĩnh vực đã có quá nhiều người tồn tại rồi thì mới bắt đầu cảm phục những con người dùng trí óc để tạo giá trị tàng hình. 

Từ việc lựa chọn quán cà phê khi hẹn bạn bè, khách sạn khi nghỉ mát, hãng hàng không khi bay, công ty lữ hành khi đi du lịch, fanpage khi đọc tin tức hay thậm chí một tài khoản Facebook cá nhân khi tò mò về góc nhìn riêng.

Bạn, những khách hàng, đang bị cuốn theo một cách vô giác. Đó là sự mạnh của thương hiệu.

Vừa rồi một nhà thiết kế Nhật Bản đã được trả 7 tỷ đồng để tái thiết kế logo của Xiaomi. Kết quả cuối cùng gây tò mò và làm nhiều người khó hiểu vì nó quá đơn giản. Ông ta chỉ làm cong bốn góc và thay đổi màu một chút. Nhiều người nhìn vào không hiểu sao nó có giá trên trời như vậy trong khi bất cứ một học viên thiết kế nào cũng có thể mở Illustrator và làm y chang trong vòng vài phút.

Nhưng cái chúng ta quên rằng Xiaomi không trả 7 tỷ cho vài phút vẽ mà cho uy tín 40 năm của người thực hiện và thương hiệu cá nhân của ông ta. Tôi cũng có thể vẽ đẹp hơn và cá là bạn cũng vậy, nhưng chúng ta không có giá trị thương hiệu của Kenya Hara. Nếu là một người bình thường làm thì chắc sẽ không ai quan tâm, nhưng vì nó của một nhà thiết kế có tên tuổi nên lại được coi là tác phẩm.

Khi thấy kết quả cuối cùng thì trông không hề phức tạp. Nhưng để dẫn đến những nét trông dễ làm đó là cả một vấn đề. Nếu ai đó kêu bạn phải thiết kế lại từ đầu thì có lẽ sẽ đứng hình ngay vì không biết phải làm gì. Kenya Hara tốn 40 năm để vẽ trong vài phút, logo Xiaomi có giá 7 tỷ vì nó mang giá trị của 40 năm thương hiệu cá nhân chứ không phải vì vài phút trên máy tính.

Dạo gần đây thì trong nước nổi lên một nhà thiết kế nội thất với giá trên trời. Nếu bạn muốn thuê ông ta thì phải bỏ ít nhất 11 tỷ đồng. Thực hư ra sao thì tôi không rõ, có ý kiến đồng ý và trái chiều, đó là điều bình thường.

Có thể người khác cho rằng Thái Công không phải là người thiết kế giỏi nhất, tôi cũng chẳng xác minh được. Cũng có thể bạn cho rằng ai cũng làm được như ông ta nhưng với giá thấp hơn mức trên trời kia.

Rất đúng, không hề sai. Nhưng các bạn quên rằng năng lực thôi chỉ chiếm một phần nhỏ trong thành công. Nhất là trong ngành sáng tạo, nơi khái niệm chất lượng không cố định mà được quyết định bởi người khác và thị trường. Bạn có thể thiết kế giỏi nhưng nếu không biết quảng bá bản thân, xây dựng uy tín và giao lưu trong cộng đồng thì sẽ không ai biết đến bạn.

Bạn có thể không thích ông ta nhưng phải thừa nhận rằng người đàn ông đó đã thành công trong việc định dạng thương hiệu cá nhân ở phân khúc nhất định, quảng bá bản thân trên mạng xã hội và nâng cao giá trị sản phẩm. Đó là cốt lõi và sức mạnh còn năng lực thôi chỉ là sự tối thiểu mà ai cũng có thể sao chép. Thay vì chỉ trích thì hãy học hỏi và tập xây dựng hình ảnh tương tự trong mắt công chúng. Đó là cách bạn bắt kịp với người hơn mình. 

Trong thế giới internet cũng vậy. Có hàng triệu và tỷ người dùng nhưng tại sao chỉ một số ít được coi là “Người ảnh hưởng.” Những PewDiePie, Mychonny, Michelle Phan, Giang Ơi hay Khoai Lang Thang đều là những cá nhân bình thường. Bất cứ ai cũng có thể lên YouTube bình luận, chọc vui, trang điểm, kể chuyện hay đi du lịch rồi quay lại. 

Nhưng sự khác biệt giữa đám đông kia và nhóm thiểu số này là một bên chỉ coi còn một bên chủ động phát triển tên tuổi. Kết quả phản ánh hành động và công sức. Số đông kia gần như vô danh và ít ai biết đến, còn số ít kia trở thành những người được cộng đồng theo dõi. Bạn có thể thích hay ghét nhưng họ đã có chỗ đứng nhất định.

Đó là sức mạnh của thương hiệu cá nhân.

Tại sao không phải là bạn mà lại để người khác thực hiện. Có phải vì lười, thụ động, nhát, mắc cỡ, tự ti hay đơn thuần là không có nhu cầu. Dù lý do là gì đi nữa thì đó là lựa chọn cá nhân. 

Nhưng đừng quên rằng cho mỗi vạn người ngồi im chờ đợi thì sẽ luôn có một người nắm bắt cơ hội. Chính vì điều đó, họ thành công. Sự im lặng của bạn là vấn đề chứ không phải sự tự tin là người khác. 

Nếu muốn để lại dấu ấn trong đời thì hãy bỏ tính ngại ngùng và không ngừng va chạm. Tài năng trong thầm lặng là tài năng chết, vì một không ai nhớ đến một con chim không biết hót. Thế giới này bao dung nhưng thành công không dành cho người im lặng.

Mạng xã hội cũng như cuộc đời, nó là sân khấu và bạn có thể chọn làm khán giả hoặc người đám đông hướng đến. Thương hiệu bắt đầu với cá nhân và chính bạn phải là người xây dựng nó.

Bóc Phốt Tài Chính | 10.4.2021

Leave a Comment