Văn học Việt và viết lách, từ ghét sang mê

Văn học Việt và viết lách, từ ghét sang mê | Mình có tâm sự này có lẽ nhiều người cũng từng trải qua. Đó là thời đi học phổ thông, mình rất ghét văn. Không những vậy, đó là nỗi ám ảnh của mình vì nó siêu nhàm chán cùng với môn lịch sử. 

Nguyên nhân thì không cần phải nói. Cách dạy văn ở Việt Nam thực chất là học vẹt. Thầy cô ra đề tài, cấp mẫu văn và việc của học sinh là nhớ thuộc lòng sau đó thi chép lại y chang.

Cấp một thì dạy viết tả ông ngoại với tóc bạc. Lớn lên chút thì miêu tả Truyện Kiều và vài tác phẩm văn học với văn phong trong khuôn khổ nhất định. Đến mức nếu cầm ngẫu nhiên một trăm bài thì sẽ nghĩ rằng nó được viết bởi một người vì quá giống nhau. Mình chỉ miêu tả vậy thôi chứ đừng bắt bẻ mức độ chính xác. Đó là trải nghiệm của đa số học sinh chứ không phải cá biệt đâu.

Vào thời trung học, tiểu thuyết duy nhất mình đọc mà không thấy chán là ‘Thằng Quỷ Nhỏ’ và bộ truyện ‘Kính Vạn Hoa’ của Nguyễn Nhật Ánh. Ngoài ra sách duy nhất mình đọc là truyện tranh vì nhắc tới văn học là buồn ngủ rồi.

Mình chúa ghét sách và chẳng thấy có hứng thú gì với viết lách hết. Nếu ai đó trước đây nói mình sẽ gắn bó với chữ thì trong đầu mình sẽ nói họ điên. Ngay cả khi ở đại học, mình chỉ làm bài luận cho có. Không hứng thú gì cả.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Facebook phát triển. Với bản chất là người tò mò nên hay đi comment dạo. Rồi bỗng ngày nọ có bạn kia kêu mình viết một bài tham gia. Chủ đề là “Lòng hiếu thảo.” Dù chỉ ngắn thôi nhưng được nhiều người khen. Từ đó mình cảm thấy chữ không chỉ là những thứ hiện lên trên giấy, mà có còn sở hữu quyền lực ảnh hưởng người khác. Những ai nắm được điều này sẽ ít nhiều có tác động đến xã hội.

Rồi từ đó mình tự tìm hiểu về văn học Việt Nam. Mình đọc lại hết các cuốn của Nguyễn Nhật Ánh, vài tiểu thuyết của Duyên Anh và các tập thơ tình. Chẳng hiểu sao những bài của Hàn Mặc Tử, Nguyên Sa, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu lại trở nên hay đến vậy. Chắc lúc đó đã trưởng thành nên mới hiểu được họ muốn gửi thông điệp gì.

Mình thực sự không hiểu vì sao thời đi học, các thầy vô không cho học sinh đọc những thứ này. Đây mới chính là văn học Việt Nam vì nó có chất và hồn trong từng câu chữ. Không khô khan như những bài lịch sử về cách mạng hay bài văn miêu tả cái gì đó sáo rỗng. Văn học Việt Nam thật phong phú, vậy mà mình có cảm giác ai đó cứ muốn che giấu.

Từ đó mình tìm hiểu thêm về ngành viết lách và thường xuyên tham gia. Thỉnh thoảng làm tự do dù lương quá bèo nhưng với mình tiền chưa bao giờ là mục tiêu khi làm việc này. Nó cho mình quen với nhiều bạn và ảnh hưởng người khác.

Mình coi viết lách là một nghệ thuật và văn học Việt Nam là cơ sở đề phát triển. Bạn có thể làm người tạo nội dung mà không cần phải ham đọc, nhưng nếu muốn thành công thì nên. Vì từ văn học, bạn mới có được nghệ thuật truyền tải ý nghĩa và ảnh hưởng người khác qua chữ viết. 

Đây là có lẽ là sự thiếu sót và mình trách nhà trường. Họ nên làm tốt hơn để học sinh có cảm hứng với văn học Việt Nam. Mình nói không phải vì tinh thần dân tộc ảo, mà là khen thực sự. Văn học Việt Nam không thua kém ai, chỉ là cách quảng bá không bằng.

Đôi lời vu vơ thôi, cảm ơn ai đã ghé qua đọc.

Bóc Phốt Tài Chính | 19.11.2020

Leave a Comment