Số lượng tỷ phú có phải là một thước đo cho sự phát triển và thịnh vượng? Nói cách khác, liệu một quốc gia có càng nhiều tỷ phú, thì có nghĩa là nơi đó càng giàu có không?
Có và không. Hãy cùng mình suy luận.
Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030, phải có ít nhất 10 tỷ phú đô la. Đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế đã chuyển từ gia công sang công nghiệp tri thức. Doanh nghiệp càng lớn thì chủ đầu tư cũng giàu lên.
Về lý thuyết thì hoàn toàn đúng. Nếu để ý, các nước lớn luôn áp đảo về số lượng tỷ phú. Nó cho thấy nhà đầu tư có niềm tin và thị trường đang ổn định.
Sau đây là 5 nước có nhiều tỷ phú nhất trong năm 2023:
- Mỹ, 813
- Trung Quốc, 406
- Ấn Độ, 200
- Đức, 132
- Nga, 120
Danh sách và số lượng sẽ thay đổi theo thời gian và thống kê. Nhưng thông thường, nước nào càng lớn thì sẽ càng có nhiều tỷ phú.
Nhưng liệu số lượng tỷ phú có phải là thước đo đánh giá sức mạnh của nền kinh tế? Không hẳn. Mô hình này có vài vấn đề.
- Nguồn gốc tài sản là từ đâu: Thừa kế, đầu tư, cơ cấu, thân hữu, hay từ trên trời rơi xuống?
- Hình thức làm giàu là gì: Sản xuất, công nghiệp, sáng chế, sáng tạo, trúng số, hay quan hệ?
- Hàng hóa và dịch vụ đóng vai trò then chốt thế nào: Họ giúp ích gì cho thị trường và xã hội?
- Sự lên xuống của giá trị: Giá trị đến sự việc bơm thổi cổ phiếu hay là tài sản cứng? Ở các nước đang phát triển, giá trị thật là khái niệm mập mờ.
Nếu tỷ phú đến từ ngành công nghiệp xuyên thế hệ như ở Châu Âu, nó là điều tự nhiên. Nếu làm giàu từ ngành công nghệ như ở Mỹ, nó là điều bình thường. Không ai lên án tầng lớp quý tộc của Anh và cũng không ai ghen tị với Bill Gates. Chúng ta tự nguyện sử dụng Office 365, Facebook, và Google mỗi ngày. Chúng ta tận hưởng giá trị của họ tạo nên hoàn toàn khâm phục họ.
Sự gia tăng trong khoảng cách giàu nghèo ở đây là điều tự nhiên và cần có trong nền kinh tế thị trường. Nó là phần thưởng công chúng tặng cho những ai giải quyết vấn đề.
Nhưng nếu tỷ phú giàu lên từ việc phân lô bán nền, thì ý nghĩa cần được coi lại. Nhất là khi giá đất được bơm thổi. Nó không cho thấy tài năng, mà chỉ là sự thao túng của thị trường, một điều cấm kỵ ở bất cứ nơi đâu. Trịnh Văn Quyết trước đây là một tỷ phú và lọt vào tốp 3 người giàu nhất sàn chứng khoán trong nước, còn bây giờ thì không và cũng không ai coi ông ấy là tấm gương.
Số tượng tỷ phú chỉ cho thấy mức độ tăng trưởng cao, chứ chưa bao giờ là sức mạnh kinh tế. Sau đây là vài ví dụ để só sánh.
- New Zealand chỉ có 4 tỷ phú, nhưng GDP đầu người là $50,000.
- Nga có tận 120 tỷ phú, nhưng thu nhập bình quân chỉ $10,000.
Vậy không lẽ Nga giàu hơn New Zealand, Thụy Sỹ, và Hàn Quốc vì có nhiều tỷ phú hơn? Không thể nào và sẽ vô lý để nói vậy. Nhất là khi họ đang bị cấm vận.
- Philippines có 16 tỷ phú, nhưng tổng GDP chỉ $404 tỷ.
- Hà Lan chỉ có 14 tỷ phú, nhưng tổng GDP lại là $1,009 tỷ.
Mình tin chắc rằng sẽ không ai nói rằng Philippines giàu hơn Hà Lan về quy mô hay thu nhập.
Muốn có cái nhìn tổng quát về sức mạnh kinh tế, chúng ta có thể dùng các yếu tố sau:
- Công nghệ lõi: Quốc gia đó tạo ra cái gì mà không thể bị thay thế? Trung Quốc có thể tạo ra những TikTok và Tencent. Nhưng nó sẽ vô dụng nếu thiếu Apple và Google.
- Số doanh nghiệp hàng đầu: Quốc gia đó có bao nhiêu doanh nghiệp trong tốp 100 thế giới?
- Thu nhập bình quân: Một giờ lao động mua được bao nhiêu?
- Môi trường và an sinh xã hội: Một người ở đáy của xã hội có tiêu chuẩn sống thế nào? Họ có trợ cấp không? Các dịch vụ công cộng có giúp họ cuộc sống họ dễ chịu hơn không?
Các nước phát triển từ lâu đã không còn dùng số lượng tỷ phú hay tòa nhà chọc trời để làm thước đo nữa, vì những lý do nêu trên. Nó là kết quả chứ không bao giờ là mục đích.
Tương tự như bạn xây một tòa nhà cao tầng ở một xóm nghèo hay mua khu đất rồi bán lại. Trên giấy, quy trình đó sẽ tạo ra tỷ phú, nhưng thu nhập bình quân vẫn thấp. Công chúng có thể trầm trồ trước độ cao, nhưng những người sống ở dưới mặt đất vẫn cơ cực.
Tạo ra tỷ phú thì dễ, tạo thịnh vượng mới khó, và hai thứ đó không hề giống nhau.
Nguyễn Trọng Nhân, 13.5.2024