Tại sao người Việt đi định cư nước ngoài

Tại sao bây giờ, nhiều người Việt vẫn muốn đi nước ngoài sinh sống. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế luôn cao, vật chất ngày càng được cải thiện, và đời sống ngày càng phát triển – nhưng xu hướng định cư nước ngoài chưa bao giờ ngừng.

Tháng 9 năm 2023 vừa rồi, mình gặp lại một người bạn sau hơn hai chục năm mất liên lạc. Từ ngày mình làm YouTube và được biết đến, nhiều người bạn cũ đã chủ động liên hệ. Mình của 20 năm khác nhìn hơi khác so với bây giờ, nhưng giọng nói và biểu cảm vẫn không thay đổi. Nhờ mạng xã hội mà mình tìm lại được những người bạn tưởng chừng như đã biến mất. Mình coi đây là một động lực nhỏ và niềm vui trong cuộc sống.

Hai đứa mình ngồi ở một quán cà phê tại Sài Gòn và nói về đủ thứ. Tốt nghiệp trường nào, học ngành gì, giờ làm ở đâu, gia đình thế nào, tình yêu, hôn nhân, bạn gái, và kế hoạch trong tương lai. Rồi bỗng nhiên, một chủ đề được đề cập đến – định cư nước ngoài.

Nhiều người bạn cũ của mình bây giờ ai cũng thành đạt. Tuy không phải là đại gia nhưng họ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên ở Việt Nam. Trên giấy, họ là triệu phú đô la với căn nhà của gia đình. Họ có tất cả một người bình thường đều mong muốn. Đó là công việc lương cao, một bất động sản, một chiếc xe, và một gia đình hạnh phúc.

Nhưng bất chấp những điều đó, câu chuyện về định cư nước ngoài luôn được nhắc đến. Các nước được ưu tiên nhất là Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Đức, và New Zealand. Điều này khiến mình suy ngẫm, “Tại sao?”

Nếu bạn đã từng có suy nghĩ hay ý tưởng đó, thì đừng lo, bạn không phải là người duy nhất. Đừng nghĩ đây là một chuyện tiêu cực, mà là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Trước đây, có thể nó được coi là tế nhị. Còn bây giờ, người ta đã bình thường hóa nó. Hãy coi đây là lời tâm sự giữa các người bạn ở quán cà phê.

Các con số thú vị về người Việt định cư nước ngoài

Trước tiên, sau đây là vài con số thú vị về xu hướng định cư nước ngoài của người Việt Nam.

  1. Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có tỷ lệ định cư nước ngoài cao nhất. Ước tính, mỗi năm có 100,000 người ra đi. Đó có thể là gia đình bảo lãnh, định cư tay nghề, hoặc hôn nhân.
  2. Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Chỉ trong năm 2023, hơn 16 tỷ USD đã được gửi về. Phân nửa đến từ Mỹ. Còn lại là từ những Canada, Úc, và Pháp.
  3. Việt Nam có tầm 5.3 triệu người đang sống ở ngoài nước. Nhiều nhất là ở Mỹ. Điều này dễ hiểu vì yếu tố lịch sử sau chiến tranh. Đến bây giờ, xu hướng này vẫn không thay đổi.
  4. Việt Nam đứng hạng 6 về số lượng du học sinh ở Mỹ với tầm 24,000 người. Chúng ta luôn nằm trong tốp 10 trong chục năm trở lại đây. Tuy thu nhập bình quân chỉ tầm $4,000 và dân số có thể ít hơn, nhưng tỷ lệ du học sinh không bao giờ thấp.
  5. Việt Nam đứng hạng 3 về số lượng hồ sơ EB5 [diện visa đầu tư định cư ở Mỹ]. Chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Chỉ riêng trong năm 2022, 815 visa EB5 đã được cấp. Tư vấn định cư đã trở thành một ngành dịch vụ hái ra tiền. Nếu lướt mạng xã hội hay đọc báo, bạn sẽ một lần thấy quảng cáo liên quan.
  6. Việt Nam có tầm 500,000 người lao động ở Nhật và đứng đầu danh sách. Tuy không phải là định cư nhưng nó phản ánh làn sóng xuất ngoại. Dẫn đầu là trào lưu xuất khẩu lao động được thúc đẩy bởi các công ty môi giới. Họ nhắm vào các vùng quê, nơi người thừa và việc thiếu. Nhiều người chấp nhận tốn vài trăm triệu để được đi Nhật và Hàn Quốc để làm việc vì không có cơ hội ở quê nhà. Dựa theo Bộ Lao Động, 90% người đi xuất khẩu lao động đến từ miền Bắc.
  7. Ở Đài Loan, có tầm 400,000 người Việt đang làm việc và sinh sống. Trong đó có 100,000 cô dâu Việt. Nếu đến Đài Bắc, bạn sẽ không bất ngờ khi thấy người Việt ở đây.
  8. Ở Hàn Quốc, số lượng hôn nhân giữa chồng Hàn và vợ Việt chiếm nhiều nhất. Chỉ riêng trong năm 2019, đã có hơn 44,000 người kết hôn. Con số bây giờ đã thay đổi nhưng về hạng thì không. Việt Nam vẫn đứng đầu. Nếu bạn đã lớn lên từ những năm 2005, thì sẽ quen với làn sóng lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc ở các vùng quê.
  9. Ở Anh, người Việt đứng đầu về số lượng vượt biên. Theo báo cáo của chính phủ Anh, chỉ trong năm 2023, đã có hơn 1,323 người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Họ đi bằng thuyền và xe tải. Trong vài tháng gần đây, nó đã trở thành một xu hướng trên TikTok. Người ta quay clip và chia sẻ công khai về quá trình. Sự việc gây chấn động nhất là vụ 39 người đã mất mạng vào năm 2019.
  10. Ở Úc, người Việt đứng đầu danh sách xin tỵ nạn. Trong riêng năm 2023, hơn 3,000 trường hợp đã nộp hơn. Vượt cả Trung Quốc mặc dù đất nước không có chiến tranh. Nguyên nhân chính là các công ty tư vấn đã lợi dụng luật pháp. Họ đưa người sang đây theo visa du lịch, sau đó khai tỵ nạn để được cấp visa chờ.

Các con số trên chỉ là một phần nhỏ. Vì nếu nói hết thì sẽ không bao giờ đủ. Ở đây không nói về tính pháp lý mà chỉ miêu tả làn sóng. Bạn không cần phải là chuyên gia để thấy sự phổ biến. Chỉ cần lướt TikTok, đọc báo, hay chạy xe ngoài đường, thì sẽ thấy hàng loạt quảng cáo về dịch vụ tư vấn du học và định cư.

Các yếu tố khiến người Việt ra đi

Nhưng tại sao, yếu tố gì đã dẫn đến xu hướng này? Có rất nhiều. Ở đây, mình chỉ có thể nêu một số.

  1. Yếu tố lịch sử
  2. Thu nhập thấp và nhu cầu cải thiện đời sống
  3. Người thừa việc thiếu
  4. Giá nhà vượt xa thu nhập
  5. Cơ hội nghề nghiệp
  6. Giáo dục hạn chế
  7. Chi phí nuôi con
  8. Tâm lý bất an
  9. Môi trường và ô nhiễm
  10. Ước mơ làm công dân toàn cầu

Yếu tố lịch sử

Khi nhắc đến định cư nước ngoài, chúng ta vô tình nhớ đến một giai đoạn đáng quên trong quá khứ. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nhiều người đã chọn ra đi. Đã có một thời, Việt Nam được gắn liền với những chiếc thuyền. Trong bộ phim “Dạ Cổ Hoài Lang,” có một cảnh kể về hành trình trên biển. Hoài Linh và Chí Tài trong vai hai người về hưu ở Mỹ, nhớ lại quá khứ và mong muốn tìm lại cảm giác quê nhà. Tuy giai đoạn này ngắn, nhưng nó là tiền đề cho làn sóng xuất ngoại về sau.

Cũng chính vì giai đoạn này, nên chuyện định cư nước ngoài được gắn kết với hình ảnh tiêu cực. Trong hiện tại, thế hệ trẻ đã bình thường hóa việc ra đi hay ở lại. Nó là một lựa chọn chứ không phải là sự ưu tiên nữa.

Thu nhập thấp và nhu cầu cải thiện đời sống

Cho đến năm 2023, lương bình quân ở trong nước là 8.65 triệu đồng, tầm $360/tháng. Ở các thành phố lớn như Sài Gòn, mức lương cao hơn một chút, 9.3 triệu hoặc $387/tháng. Không ít người có lương cao hơn, nhất là những ai là quản lý cho các công ty lớn hoặc chuyên gia. Nhưng mức bình quân vẫn dao động ở mức 10 triệu. Đối với một người bình thường, số tiền đó chỉ đủ để tồn tại qua ngày.

Để cải thiện đời sống, nhiều người chọn cách đi nước ngoài. Đó là vì sao trong chục năm trở lại, xuất khẩu lao động được coi là giải pháp phù hợp nhất. Trong khi các nước như Nhật và Hàn Quốc cần lao động, Việt Nam lại có thừa.

Với mức lương xuất khẩu lao động dao động từ 40 triệu đồng trở lên, một tháng làm việc ở Nhật bằng vài tháng ở Việt Nam. Bạn sẽ khó mà tìm được một công việc nào tương xứng ở quê nhà.

Đó là việc lao động tay chân. Còn những việc yêu cầu trình độ cao thì có mức lương chênh lệch cao hơn. Nếu một kế toán ở Sài Gòn có lương 10 triệu hoặc $500/tháng, ở các nước phát triển, nó sẽ là $5000 đến $10,000. Cho nên khi có cơ hội, ít ai từ chối làm việc ở nơi có lương cao hơn.

Người thừa việc thiếu

Việt Nam là thị trường thừa người nhưng thiếu việc. Tuy đã được nhắc lại nhiều lần, nhưng cần phải được đề cập đến. Tuổi bình quân hiện tại là 32. Trong khi đó, chỉ 10 đến 30% lực lượng lao động có đủ kỹ năng tay nghề cao. Điều này tạo ra vấn đề lớn là số lượng việc làm quá ít để giải quyết nhu cầu.

Chính vấn nạn này đã cho phép các doanh nghiệp chiếm ưu thế trong việc lựa chọn. Một đề tài gây tranh cãi vừa rồi là “Nếu sau 35 tuổi, bạn rải CV để tìm việc, thì đó là thất bại.” Nó cho thấy tư duy phổ biến của không ít doanh nghiệp khi đánh giá ứng cử viên. Vì có quá nhiều người để chọn nên họ yêu cầu phải tốt nghiệp trường hàng đầu, có ngoại hình, và trẻ tuổi.

Nếu bạn lỡ nằm trong 99% kia không xinh đẹp, không xuất chúng, và quá tuổi thì phải làm gì? Giải pháp lý tưởng nhất chỉ có thể là đi sang một thị trường lao động khác để tìm cơ hội. Khi quá nhiều người chen lấn ở trong một khu vực, nó không những không giúp ích gì mà còn tạo xung đột không cần có. Thị trường lao động thế giới giờ đã phẳng và nhân sự cần được đi đến nơi phù hợp thay vì cố định ở một chỗ.

Giá nhà vượt xa thu nhập

Thu nhập mắc kẹt ở mức trung bình thấp chưa phải là mối quan tâm hàng đầu của thế hệ trẻ. Điều khiến họ cảm thấy chán nản nhất là lương không theo kịp giá nhà. Trong hai chục năm trở lại đây, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường bất động sản đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu. Nhưng nó cũng vô tình lấy đi cơ hội của nhiều người.

Đến năm 2023, giá nhà bình quân ở Sài Gòn và Hà Nội cao gấp 32 lần thu nhập. Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của một người trẻ. Lương tháng 10 triệu nhưng giá một chung cư 3 tỷ, vậy phải đi làm bao lâu để mua được một nơi ở cho riêng mình? 10 năm, 20 năm, 30 năm, hay không bao giờ?

Khi con người không thể sở hữu một nơi để ổn định cuộc sống, họ mất đi sự gắn bó với vùng đất đó. Cảm giác của họ là mình không có cổ phần trong cuộc sống.

Nói vậy không có nghĩa là người trẻ thiếu học hay thất bại. Chỉ là tài năng của họ không đủ bù cho lạm phát và giá nhà đất. Khi không thể an cư lạc nghiệp ở nơi đây, con người sẽ tìm đến nơi khác, như bản năng tự nhiên.

Cơ hội nghề nghiệp

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế gia công giá trị thấp. Điều này dễ hiểu vì chúng ta chỉ mới mở lại cửa với thế giới cách đây ba thập niên. Nó dẫn đến vấn đề thiếu việc làm chuyên môn cao. Không khó hiểu vì sao các trí thức ngại quay về sau khi học xong.

Trong một bài phỏng vấn, nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trả lời: “Không nhất thiết sau khi đi du học ở nước ngoài xong phải quay trở về Việt Nam làm việc thì mới là cống hiến.”

Giả sử bây giờ bạn học về sinh học hay y khoa. Nếu về nước thì sẽ làm cái gì, sự nghiệp sẽ phát triển ra sao, và lương bao nhiêu? Thật khó trả lời.

Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển đã đi trước và có đầy đủ cơ sở vật chất để một cá nhân phát triển. Sẽ là một sai lầm nếu bắt tài năng đi về khi họ sẽ không phát triển được.

Hồi đầu năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã kiện 19 giảng viên vì không quay về công tác sau khi du học xong. Nó đã tạo ra sự tranh cãi.

  • “Các bạn đã dùng tiền ngân sách nhưng không giữ đúng lời hứa.”
  • “Người Đà Nẵng đã đóng tiền thuế để đào tạo các bạn, bây giờ không được gì.”

Tuy số giảng viên không quay về chỉ là số ít, nhưng nó phản ánh ít nhiều về môi trường và cơ hội. Chúng ta có thể trách, nhưng tại sao họ lại bất chấp uy tín và chấp nhận trả tiền đền bù, thay vì quay về?

Vì lương sẽ không đủ sống, vì cơ hội nghiên cứu không nhiều, hay vì môi trường làm việc không cởi mở. Dù gì đi nữa, không thể chối cãi rằng họ đã làm mất uy tín và lấy đi cơ hội của người khác thực sự cần.

Chúng ta có thể lấy vài ví dụ khác và tự hỏi.

  • Nếu Ngô Bảo Châu trở về, thay vì phát triển ở Pháp và Mỹ, thì kết quả sẽ là gì? Mình xin đoán rằng thế giới sẽ mất đi một nhân tài toán học.
  • Nếu Huyền Chip ở Hà Nội thay vì qua Mỹ học thì bây giờ sự nghiệp sẽ ra sao? Mình cũng xin đoán là thay vì trở thành một nhà sáng lập của start-up về AI, cô ấy sẽ là một lập trình viên bình thường và chúng ta sẽ mất đi một tài năng công nghệ.

Nói vậy không phải là chê bai, mà để gợi ý rằng trong thời đại thế giới phẳng, việc bạn ở đâu không quan trọng bằng việc bạn có thể làm gì. Nếu là một người có tư duy cởi mở, bạn sẽ cho rằng con người đi đến đâu là đất nước đi đến đó. Chất xám cần được thả lỏng thay vì bị khóa cố định.

Giáo dục hạn chế

Trong năm 2023, tỷ lệ sinh đẻ ở Sài Gòn chỉ là 1.27 con cho mỗi người phụ nữ. Đây là mức thấp kỷ lục. Nếu hỏi một người trẻ, câu trả lời sẽ ít nhiều liên quan đến chi phí sinh đẻ, chi phí nuôi con, và chi phí ăn học. Để nuôi một đứa trẻ thành tài là điều không dễ và không rẻ.

Cứ mỗi năm ở Hà Nội, bạn sẽ thấy cảnh cha mẹ xếp hàng để xin cho con vào trường chất lượng cao. Còn không, cha mẹ sẽ thúc đẩy con thi vào trường điểm. Việc học trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều người. Nếu bạn nghĩ sự cạnh tranh ở Mỹ hay Anh đã cao, thì nó chưa là gì so với ở Việt Nam. Ở đây, sự thi đua bắt đầu từ cấp 1, cha mẹ muốn con vào trường chuyên, rồi đại học hàng đầu. Nếu không, cơ hội thăng tiến sẽ không nhiều.

Cha mẹ nào đã học trường lớp cũng muốn con mình được đào tạo trong môi trường khai phóng để phát triển khả năng tối đa. Giáo dục không chỉ là điểm số và thành tích. Dễ hiểu vì sao trong nhiều nằm trở lại đây, số trường quốc tế ở Việt Nam không ngừng tăng. Mặc dù GDP đầu người chỉ $4,000/năm, nhưng Việt Nam lại nằm trong tốp 5 thị trường cho trường quốc tế. Dù học phí tăng lên vài trăm triệu mỗi năm, nó vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Để hình dung, bạn hãy tìm hiểu các ngôi sao hàng đầu đang gửi con mình học ở đâu.

Chi phí nuôi con

Đó là chưa nói đến chi phí. Đây là ví dụ chân thật của một người bạn của mình ở Sài Gòn. Cô ấy đang làm ngân hàng và có hai đứa con.

  1. Tiền học cho 2 đứa: 12 triệu
  2. Tiền sữa: 1 triệu
  3. Tiền ăn: 2 triệu
  4. Tiền lặt vặt khác: 1 triệu

Tổng cộng, để nuôi hai đứa con, số tiền sẽ không dưới 16 triệu/tháng hoặc 8 triệu/đứa. Mỗi gia đình sẽ có con số khác nhau, nhưng nó cho thấy gánh nặng tài chính để nuôi con.

Trong khi ở các nước phát triển khác, người mẹ được giảm nhiều gánh nặng và nuôi con không cực bằng. Bắt đầu với y tế miễn phí, tiền trợ cấp nuôi con, cho đến miễn học phí cấp phổ thông. Tâm sự với các bà mẹ ở Úc, Mỹ, hay Canada, nuôi con tự nhiên thành niềm vui trong cuộc sống. Nếu bạn muốn xây dựng một gia đình, thì không có lý do gì để từ chối cơ hội để sống trong một nơi như vậy.

Tâm lý bất an

Đây không phải là nghiên cứu khoa học, mà chỉ là nhận xét cá nhân. Khi hỏi, các người bạn của mình cảm thấy bất an. Một phần vì khi mở mạng xã hội, họ thấy hàng loạt tin tiêu cực và điều này ảnh hưởng đến tâm lý. Nhưng cũng không chối cãi, sự bất an này đến từ các sự kiện xảy ra bên ngoài.

Sau đây là vài ví dụ:

  • Khi mua chung cư, mình không chắc là dự án có được cấp sổ không. Hay phải chờ nhiều năm để có được tờ giấy chứng minh quyền sở hữu.
  • Khi mua trái phiếu, nó lãi thật không. Hay sẽ bị dính vào vụ tai tiếng nào đó.
  • Khi đi ăn bên ngoài, đồ ăn có thực sự sạch không. Hay là thịt quá hạn.
  • Khi chạy xe ngoài đường, mình có an toàn không. Hay sẽ bị một kẻ vô ý thức nào đó va chạm.
  • Khi bị tai nạn và phải vào bệnh viện, mình có đủ tiền chữa trị không. Hay sẽ phải chờ và trở thành gánh nặng cho gia đình.

Ai cũng có nỗi bất an. Đây không chỉ là vấn đề của riêng thành phố nào, mà là tâm lý chung ở bất cứ nơi đâu. Nhưng khi sự bất an được nhân lên, con người sẽ không cảm thấy thoải mái nữa.

Để so sánh, các nước phát triển có hệ thống an sinh xã hội và tiêu chuẩn an toàn cao. Bạn có thể an tâm tập trung cho sự nghiệp mà không phải lo sợ quá nhiều. Đi mua hàng hay đi ăn, bạn có thể an tâm là đồ ăn sẽ luôn tươi. Nếu bị tai nạn, bạn an tâm là mình sẽ phục hồi và cuộc sống sẽ không bị quá ảnh hưởng. Kinh doanh có phá sản thì gia đình vẫn không bị gì. Đó chính là sự an tâm mà nhiều người tìm kiếm.

Môi trường và ô nhiễm

Nếu bạn đã từng đẩy xe em bé ở Sài Gòn, bạn sẽ nhận ra một vấn đề. Đó là nó cực khó vì vỉa hè đã bị lấn chiếm. Ở các nước khác, sẽ là bình thường nếu để con mình đi chơi bên ngoài hay tự bắt xe. Còn ở đây, cha mẹ luôn phải giám sát con cái. Từ việc đưa đi học rồi chở về, cho đến canh chừng nó đang chơi ở đâu. Miêu tả công tâm nhất chính là đường xá ở đây không lý tưởng cho các đứa trẻ.

Ô nhiễm cũng đóng một phần. Nếu chạy mà không đeo khẩu trang, bạn sẽ phải hít bụi. Nạn ô nhiễm trong vài năm trở lại đây là thứ khiến người dân ở các thành phố lớn quan ngại. Để hình dung, chỉ số chất lượng không khí “AQI” ở Hà Nội là 137, còn ở Toronto chỉ là 20.

Nói vậy không phải là để nâng một nơi và dìm một nơi, mà chỉ ra vấn đề. Ô nhiễm là một trong nhiều nguyên nhân khiến người khác muốn đi nước ngoài sống. Còn không, đi đến thành phố khác. Nó cũng được coi là giải pháp thuận lợi cho đôi bên. Giảm một người thì coi như giảm một chiếc xe máy.

Ước mơ làm công dân toàn cầu

Giữa năm rồi, mình và nhóm lên kế hoạch đi du lịch Đài Loan. Tất cả đã được chuẩn bị, trừ cái visa. Vì nhiều lý do, bạn phải xin visa nếu muốn đi du lịch. Điều này không những làm mất thời gian mà còn lãng phí tiền bạc. Khi một bạn rớt visa, nhóm phải hủy kế hoạch. Trong sự bực bội này, nhiều người thèm muốn trở thành một công dân toàn cầu để có thể đi đó đây dễ dàng hơn.

Nếu đọc báo, khả năng cao là bạn đã thấy các quảng cáo về đầu tư định cư lấy hộ chiếu. Không phải ngẫu nhiên mà có dịch vụ này đâu. Nó xuất phát từ nhu cầu đi lại tự do của con người. Thế giới đã phẳng, nhưng tại sao một nhóm người có thể dễ dàng đi đó đây, còn một nhóm người khác phải tốn thời gian xin phép.

Việc sở hữu cuốn hộ chiếu khác không có nghĩa là bạn bác bỏ quốc tịch hiện tại. Bây giờ, người ta coi quốc tịch như một hàng hóa. Ai có tiền thì sẽ mua, ai có tài thì sẽ làm theo quy trình để đạt được.

Đừng nói về người bình thường, hãy coi các doanh nhân và ngôi sao. Mình sẽ không nêu tên ai, nhưng nếu bạn tìm hiểu, thì sẽ nhận ra họ đã lên kế hoạch định cư nước ngoài từ lâu. Như anh ca sĩ nọ, cô người mẫu kia.

Riêng mình, mình muốn có thêm cuốn hộ chiếu để dễ dàng kinh doanh và đi lại thuận tiện hơn. Chứ không phải là để đề cao một nơi rồi chê bai một nơi khác. Mình muốn trở thành một công dân toàn cầu. Đơn giản.

Đi để trở về

Cũng vào đầu năm 2024, dân mạng vui mừng chia sẻ thông tin về một cựu quán quân Đường Lên Đỉnh Olympia đã trở về sau hơn 10 năm ở nước ngoài. Anh ấy bây giờ đang giảng dạy ở đại học Huế và thành công trong sự nghiệp của mình. Tuy là số lẻ, nhưng nó đánh dấu một bước ngoặc. Cho thấy kinh tế Việt Nam đã bắt đầu chuyển hướng từ gia công sang tri thức.

Khi nói đến việc ra đi, chúng ta thường nghĩ về một chiều. Nhưng bây giờ, nó là suy nghĩ quá lỗi thời. Trong bài hát cùng tên, có lời nhạc như sau:

“Cuộc đời thật đẹp khi được đi.

Muôn nơi xa xôi rộng lớn.

Nhưng ta vẫn có nơi để trở về sau mỗi chuyến đi.”

Mặc dù đã nói nhiều lần nhưng vẫn cần nhắc lại, đó là thế giới đã phẳng. Không ai lên án một người Mỹ sang Châu Âu sống, cũng không ai chê một người Hàn sang Úc sống, vậy thì tại sao lại quan trọng hóa vấn đề người Việt đi đến nơi khác?

Tư duy của mình rất hiện đại. Bạn hãy đi đến nơi để tìm thành công. Khi thành công rồi bạn hãy quay về để làm giàu cho bản thân và đóng góp. Còn khi trắng tay, cống hiến là khái niệm mơ hồ.

Theo quan điểm cá nhân, bạn đừng quá đề cao bản thân. Việc bạn ra đi hay ở đâu cũng không ảnh hưởng quá nhiều, trừ khi bạn là một siêu nhân.

  • Dân số Việt Nam là 100 triệu
  • Mỗi năm có tầm 100,000 người đi định cư nước ngoài.
  • Cộng thêm tầm 100,000 người đi du học.
  • Cộng thêm 100,000 người đi xuất khẩu lao động.

300,000 người trong tổng dân số 100 triệu là 0.3%. Không rõ bạn suy nghĩ, chứ theo mình, đó là con số quá nhỏ để có thể tác động.

Người ta ra đi để làm việc rồi gửi tiền về, đó cũng là góp phần xây dựng kinh tế. Người làm nghiên cứu cũng đóng góp cho kho tàng tri thức thế giới. Người làm công nghệ hay nội dung cũng góp phần xây dựng hỉnh ảnh đất nước. Phát triển không phải là cái gì đó cao siêu, mà chỉ là sự tổng kết tập thể của hàng triệu người. Bạn thành công, đất nước thành công.

Xu hướng người Việt Nam đi nước ngoài sẽ không ngừng hay giảm, vì nó là nhu cầu cơ bản của con người. Ai cũng muốn sống ở nơi tốt hơn, vậy tại sao phải lo lắng. Thay vì quan ngại, chúng ta hãy bình thường hóa việc xuất ngoại.

Nguyễn Trọng Nhân, 29.4.2024