Kiến tạo quốc gia, thành công cá nhân và thịnh vượng của đất nước

Kiến tạo quốc gia, thành công cá nhân và thịnh vượng của đất nước | Trong một buổi học do một nhóm doanh nhân tổ chức. Khi ông Lâm Minh Chánh đang chia sẻ thì có một học viên đã làm cả lớp bất ngờ với phát biểu như sau.

“50 tuổi trở thành Thủ Tướng để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc”.

Tôi không có mặt ở đó nhưng cá rằng phần lớn người hiện diện khi nghe vậy sẽ nói thầm trong đầu “Đồ thần kinh.” Nếu nhẹ hơn thì sẽ là “Nhảm.” Thậm chí, tôi đoán rằng bạn vừa mới cười.

Thực hư ra sao thì không rõ nhưng nếu nói câu đó ngoài đời thì có lẽ sẽ nhận được phản hồi tương tự. Đây có lẽ là một điều hơi đáng buồn và tiếc vì chưa gì mà cộng đồng đã coi thường khí thế của một cá nhân với mong muốn to lớn cho nơi mình sinh sống.

Khi một bạn trẻ nói “Tôi muốn làm Thủ Tướng” thì ý của bạn đó nên được hiểu là “Tôi yêu đất nước này và muốn nó phát triển.”

Tại sao điều đó lại bị chê cười chứ.

Bỏ qua sự khác biệt hay rào cản của hệ thống thì ở bất cứ quốc gia nào, sức trẻ luôn là yếu tố để thúc đẩy sự phát triển.

Các bạn chế nhạo, tôi tôn trọng. Nhưng đừng quên rằng ngày xưa cũng có một chàng thanh niên vì bức xúc trước sự bất công của đất nước và muốn nó tốt đẹp hơn nên đã lên thuyền đi bốn phương để tìm giải pháp. Vì lợi ích cá nhân và tập thể. Lạ lùng thay, bây giờ khi nhìn lại thì chúng ta khen thưởng nỗ lực đó.

Nếu ngày xưa chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành bị mọi người cười và từ bỏ ý định thì có lẽ sẽ không có đất nước như hiện nay. Việt Nam không được xây dựng bởi những người thụ động mà trên ước mơ của người trẻ, dù đó là thời trước hay hiện tại.

Tôi cũng có hoài bão là sau này là người viết diễn văn cho văn phòng Thủ Tướng, vậy đó có phải là hoang tưởng không? Có thể, nhưng đó chỉ là suy nghĩ cá nhân thôi, cũng đâu mất gì.

Tôi không rõ bạn doanh nhân kia là ai, chắc chắn là tài giỏi hơn tôi nhiều lần. Nhưng có lẽ định nghĩa của việc “Kiến tạo quốc gia” nên được xem xét lại. Mọi người có lẽ coi đó là một điều rất xa vời hoặc vĩ đại còn tôi thì cho rằng nó rất đơn giản.

Nếu muốn xây dựng đất nước thì bạn nên bắt đầu với việc phát triển sự nghiệp cá nhân. Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức thì điều đó yêu cầu bạn theo đuổi học vấn để sau này dùng trí óc để tạo sản phẩm và dịch vụ cho xã hội.

Quá trình đó bao gồm chế tạo, kinh doanh, quảng bá, giao tiếp, kết nối và đi đó đây. Bạn sẽ được trả lương, dù ở một công ty nhỏ hay doanh nghiệp lớn. Bạn sẽ học được nhiều thứ, bao gồm kỹ năng và ngoại ngữ, những thứ vô giá sau này sẽ có ích.

Nếu đủ tự tin để ra thiết lập doanh nghiệp của riêng mình thì bạn sẽ được thưởng doanh thu và lợi nhuận. Đó là cách người khác trả công cho bạn để giải quyết vấn đề.

Bạn hãy theo đuổi sự thành công của mình. Khi hàng triệu người cùng làm tương tự và thành quả được gom lại thì đó chính là nền kinh tế. Rồi khi có sự dư thừa về của cải và vật chất thì đó chính là sự thịnh vượng.

Cho nên hãy làm việc, tích lũy, kinh doanh, xây dựng, du lịch, du học, đầu tư và đóng góp. Đất nước không phải là cái gì đó lớn lao mà là sự tổng hợp của tất cả cộng lại.

Còn làm Thủ Tướng hay không lúc đó sẽ không quan trọng nữa bởi vì bạn đã trực tiếp góp phần kiến tạo quốc gia rồi.

Bóc Phốt Tài Chính | 21.4.2021

Leave a Comment