Đánh thuế nhà đất, có nên

Đánh thuế nhà đất, có nên | Nếu đánh thuế căn nhà thứ 2 là giải pháp để siết đầu cơ và giảm bong bóng nhà đất thì sao không tăng lên 100% mà chỉ dừng ở 4-5%. Còn không thì cấm người mua căn khác. Theo nguyên lý thì điều đó thế nào cũng đạt hiệu quả chứ?

Vấn đề với các mô hình phân tích về đánh thuế nhà đất là như sau. Nó cho rằng người mua sẽ trả rồi mua ít lại. Nhưng thực tế khi một căn nhà cho thuê bị đánh thuế thì người thuê mới là người trả. Đơn giản vì người chủ tăng giá lên chứ đâu bao giờ để nguyên. Không tin thì hãy hỏi bất cứ người nào có nhà cho thuê.

  1. Đánh thuế cố định với mua căn nhà thứ 2 | Người chủ sẽ tăng giá cho thuê, người thuê trả. Dù mức thuế là 1 hay 15% đi nữa. Như khi hàng hóa bị đánh thuế thì người tiêu dùng gánh.
  2. Đánh thuế lũy tiến từ căn thứ 2 | Tương tự, chủ nhà tăng giá thuê, người thuê trả. Bạn nghĩ họ ngây thơ đến mức không làm gì sao.
  3. Đánh thuế lũy tiến tùy theo giá trị căn nhà | Như trên, người chủ tăng giá thuê lên và người nghèo trả.
  4. Tăng thuế chuyển nhượng bất động sản | Vậy thì người đầu cơ sẽ coi đó là một phần của chi phí. Giá cả sẽ tăng lên để phản ánh vấn đề. Người mua nhà là người trả. Giống như đánh thuế hàng hóa siêu thị rồi nghĩ rằng siêu thị trả. Quá ngây thơ.
  5. Đánh thuế trên giá trị căn nhà hàng năm | Các quốc gia Mỹ Âu cũng có mức thuế này và giá nhà đất vẫn tăng. 

Cho dù mô hình và mức thuế là gì đi nữa thì câu trả lời vẫn y nguyên. Khi bạn đánh thuế người đầu tư, thì họ sẽ tăng giá cho thuê và những người đi thuê sẽ trả.

Vấn đề với thị trường nhà đất là nó hoạt động dựa trên lượng tín dụng hoặc tiền tệ tồn tại trong thị trường. Chỉ có thuyết tiền tệ mới giải thích được.

  1. Ngân hàng nhà nước in tiền.
  2. Tiền đổ vào ngân hàng thương mại. Họ có thêm tiền.
  3. Ngân hàng cho người đầu cơ và doanh nghiệp vay.
  4. Họ lấy số tiền đó để đẩy giá nhà đất lên.

Chúng ta có thể áp dụng thuyết này cho bong bóng nhà đất ở Mỹ từ 2003 đến 2007 và Việt Nam vào hiện tại. Bong bóng tài chính không ngẫu nhiên xuất phát trừ khi thị trường có lượng tín dụng tân tạo. 

Ngoài ra ở Việt Nam quy hoạch rất kém. Tôi ví dụ bạn tôi ở London đi làm cách nhà 50 km, bằng từ khu vực tỉnh Vũng Tàu đi Sài Gòn. Nhưng vì đi xe điện và buýt nên không cảm thấy xa, sáng đi chiều về. Còn nếu đi từ Suối Tiên vào Quận 1 thì bạn phải mất hơn nửa tiếng nếu không kẹt xe. 

Chính vì không có cơ sở hạ tầng nên người ta đành phải dồn vào trung tâm, hành vi này đẩy giá nhà lên. Ngay cả Metro xây chục năm vẫn không xong thì chẳng có giải pháp nào cả.

Giá nhà ở Việt Nam hiện tại cao gấp 30-50 lần thu nhập bình quân, trong khi nước khác chỉ từ 5 đến 10. Quá vô lý và không còn là tự nhiên nữa.

Vậy ai là người tạo ra lượng tiền tệ mới, ai là người quy hoạch kém? Đừng đổ lỗi cho người dân hay nhà đầu tư, họ vô tội!

Bóc Phốt Tài Chính | 15.3.2021

Leave a Comment