Bệnh ngại hỏi vì sợ sai | Nhớ trước đây khi mình đi học ở một nơi xa xôi, điều mình ấn tượng nhất không phải là cơ sở vật chất hay chương trình mà là văn hoá “Hỏi” của bạn bè quốc tế. Lớp học có thể chia ra 3 loại.
- Sinh viên Châu Á trong đó có Việt Nam.
- Sinh viên sắc tộc khác.
- Sinh viên Tây.
Châu Á thì học giỏi nhất nhưng trong lớp học thì ít khi nào phát biểu hay đặt câu hỏi. Sinh viên thuộc các sắc tộc khác thì cũng hay hỏi và chủ động hơn. Còn sinh viên Tây thì có lẽ là người đưa tay phát biểu và hỏi nhiều nhất.
Các câu họ đưa ra tưởng chừng như rất ngây ngô và “ngốc.” Như “Tại sao cái này như vậy” hay “Tôi không hiểu cái này, nếu làm thế kia thì sao?” Các bạn Châu Á ngồi cùng phòng thì chỉ nghe, nhìn và có lẽ trong đầu họ nói thầm “Thằng kia ăn học gì mà dở thế, trong sách khi vậy rồi mà còn hỏi.”
Nhưng đó lại là sai lầm chết người. Môi trường đại học không nhắm đến việc học thuộc lòng mà là nâng cao tư duy. Đó là vì sao các giảng viên đưa ra hàng loạt sách để đọc nhưng khi đặt câu hỏi hoặc thi thì phân nửa sẽ là tình huống không tồn tại trong sách vở. Nếu bạn chỉ học thuộc và không tự suy nghĩ thì đó là thất bại vì tư duy đang bị nhốt ở trạng thái bất động.
Người ta không ngại hỏi để khám phá, họ không sợ bị ai đó chê cười là “ngốc” vì không ai biết tất cả. Chỉ khi hỏi và hỏi thì mới có sự tiến bộ. Đó là sự chủ động và cải tiến của tư duy. Còn học thuộc lòng thì không khác gì một con vẹt.
Suy ngẫm lại thì người Việt Nam rất ngại hỏi. Nó xuất phát từ giáo dục nhà trường chỉ đề cao học thuộc lòng. Cho nên khi ra đời bạn sẽ thấy tác hại rất rõ rệt. Vì sợ sai, cho nên họ bám theo số đông. Vì ngại suy nghĩ khác, cho nên họ im lặng. Vì không chủ động tìm hiểu, nên họ đọc gì tin đó mà nghĩ mình là người tài giỏi nhất.
Nó cũng giải thích có nhiều hiện tượng xã hội và chính trị xuất hiện ở đất nước này. Khi thế giới văn minh suy nghĩ một đằng, người Việt Nam suy nghĩ một nẻo. Chúng ta cổ vũ cho những thứ con người tiến bộ bác bỏ. Khi họ đọc tin tức, chúng ta đọc tin giả tự phát. Khi họ đề cao bằng chứng, chúng ta tin vào thuyết âm mưu. Nhưng đáng buồn thay, bản thân lại nghĩ mình ưu việt khi bảo vệ niềm tin dối trá và cho rằng nó là sự thật.
Ngại hỏi vì sợ sai theo thời gian sẽ tiêu diệt khả năng suy luận và tư duy của bạn. Vì sợ sai nên không dám dấn thân. Vì sợ sai nên ít khi nào có đột phá. Vì sợ sai nên không dám làm gì, mà chỉ ngồi không coi người khác làm rồi soi mói. Nhưng trong mắt họ, bạn chỉ là một kẻ thất bại không đáng quan tâm đến.
Đừng ngại hỏi vì sợ sai, chẳng có câu hỏi nào ngốc đâu. Kẻ ngu là người không dám hỏi và dậm chân tại chỗ.
Bóc Phốt Tài Chính | 04.12.2020