Nếu có một thành phố vừa làm mình yêu, ghét, tiếc nuối, và giận dữ – thì đó sẽ là Đà Lạt. Như một lời cảnh báo, cộng với chút đau lòng, câu chuyện của Đà Lạt miêu tả tất cả những thứ tốt đẹp và tiêu cực nhất. Từ kiến trúc cổ điển, nạn phân lô bán nền, cho vấn đề với ngành du lịch. Mình viết không nhằm thay đổi gì, chỉ là góp ý, vì tin chắc rằng có vô số người khác có suy nghĩ tương tự.
Trong chuyến đi Đà Lạt vào tháng 8 năm 2023 vừa rồi, mình phải làm một chuyện trước đây chưa bao giờ nghĩ đến. Mình phải mở quạt vì trong phòng quá nóng.
Nằm trên giường, nhìn cái quạt trần quay vòng, mình không thể ngừng suy nghĩ về chuyện gì đang xảy ra với Đà Lạt. Vì lý do nào đó, cảm giác lãng mạn mình từng có khi đến đây giờ không còn nhiều như trước.
Ai trong chúng ta cũng có ít nhiều ký ức về Đà Lạt qua năm tháng. Đây là trải nghiệm của mình.
Lần đầu tiên mình đặt chân lên thành phố này là cuối thập niên 1990. Lúc đó còn quá nhỏ để nhớ từng chi tiết. Những tấm ảnh cũ vẫn cho thấy cả gia đình đều mặc áo lạnh.
Phải hơn hai mươi năm sau vào năm 2013, mình mới quay lại Đà Lạt. Lúc đó, khí hậu vẫn còn lạnh. Đến mức mình chưa bao giờ tháo chiếc áo khoác ra, trừ khi đi vệ sinh. Mình vẫn còn nhớ cảm giác đi bộ quanh Khu Hoà Bình và thở ra hơi khói, ly sữa đậu nóng bỗng dưng ngon hơn bình thường, và cái mền trong phòng khách sạn như chưa đủ dày để sưởi ấm.
Nhưng khi trở lại vào năm 2022, những hình ảnh về một Đà Lạt thơ mộng trong ký ức mình bỗng dưng biến mất. Rồi khi mình quay lại vào năm 2023, mọi thứ như tồi tệ hơn.
Đà Lạt của hiện tại là thành phố bê tông
Nếu trong ký ức của bạn, Đà Lạt là một thành phố trên Tây Nguyên với những đồi thông che khuất bởi làn sương mờ, những con dốc có thể làm nền để tự sướng trong hàng trăm tấm ảnh, những cái hồ làm nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ, những tòa nhà có nét kiến trúc Pháp lãng mạn, những con phố yên bình khiến bạn muốn yêu trở lại, hay những giây phút ngồi uống ly cà phê ấm giữa cái lạnh – thì xin lỗi bạn, bạn sẽ hơi thất vọng, nếu không phải là sụp đổ hoàn toàn.
Đà Lạt bây giờ không còn lạnh nữa, hay ít ra là ít lạnh hơn so với trước đây. Khi đi ra đường vào ban ngày, bạn sẽ cảm thấy nóng. Khi đi dạo phố vào buổi tối, bạn không cần mặc áo lạnh. Nếu trước đây, nơi đây có biệt danh là “Thành phố không cần máy lạnh hay quạt” thì bây giờ, khi ngủ trong phòng, bạn sẽ cần nó.
Thành phố ngàn hoa ngày càng nóng. Có nhiều lý do như biến đổi khí hậu và xu hướng ấm lên của toàn cầu. Nhưng nạn bê tông hóa nhanh chóng và nặng nề đã góp phần không ít.
Vì sao mình nói vậy? Theo Báo Lâm Đồng, nhiệt độ trung bình của Đà Lạt trong 30 năm qua chỉ tăng 0.7 độ. Cho nên yếu tố chính ở đây không thể nào là tự nhiên được.
Khi đã qua đèo Prenn và trên đường đến Hồ Xuân Hương, đập vào mắt bạn là một rừng bê tông từ đầu đến cuối. Tỷ lệ đô thị hóa của Đà Lạt bây giờ là 60%, còn khu vực quanh chợ thì gần như toàn bộ. Không tin, bạn hãy mở Google Map và sẽ thấy màu xanh của lá cây đã được thay thế bởi màu xám của xi măng.
Mình không thể trách Đà Lạt hay người dân được. Đây là một thành phố du lịch nổi tiếng với hơn 5 triệu du khách đến mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu, những khách sạn phải được xây. Hiện tại theo trang Dalat.vn, Đà Lạt đang có 1,275 cơ sở lưu trú và chưa tính những nơi chưa được ghi nhận trên hệ thống.
Kéo theo đó là những homestay, cà phê, và quán ăn mọc lên khắp nơi. Đến mức nếu không nói, bạn sẽ lầm tưởng mình đang ở Sài Gòn. Nơi nào cũng phải phát triển và thay đổi. Đà Lạt cũng vậy.
Vào năm 1999, dân số Đà Lạt chỉ là 160,000 người và mật độ là 410 người/km2. Nhưng đến năm 2022, dân số đã tăng lên 237,000 người và mật độ là 602 người/km2. Trong thực tế, nó phải nhiều hơn vì số lượng du khách.
Mình vui vì thấy Đà Lạt đã trở thành một nơi thu hút người từ khắp nơi đến sinh sống. Nhưng cũng chính điều đó cũng làm chuyến đi đến Đà Lạt không giống như trước đây.
Trải nghiệm ăn uống Đà Lạt hiện tại
Nếu tìm kiếm trên mạng xã hội, bạn sẽ bất ngờ khi thấy những món ăn ở Đà Lạt được chia sẻ nhiều nhất lại là những thứ phổ biến ở nơi khác. Lẩu gà lá é, bánh ướt lòng gà, bánh bèo, hay bánh tráng nướng thì ở đâu cũng có. Khác ở chỗ là khi ăn ở Đà Lạt, bạn sẽ cảm thấy nó ngon hơn, vì khí hậu mát mẻ. Điều mình hay nói vui với bạn bè là, “Sau khi đi bộ vòng vòng mệt quá thì sẽ đói, cho nên ăn cái gì cũng thấy ngon hơn.”
Nói vậy không phải là chê, đó là một lời khen. Nó cho thấy du lịch bây giờ đã phát triển và xã hội đã hội nhập. Cái gọi là đặc sản dần phai mờ vì làn sóng người nhập cư đã mang các món khắp nơi đến. Những người từ Huế, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, hay miền Tây lên đây lập nghiệp và mang theo những hương vị của quê hương mình. Kết quả là một Đà Lạt đa dạng và phong phú. Nhờ lẩu gà lá é mà mình mới có động lực tìm hiểu về Phú Yên.
Nhưng cũng vì vậy mà có thêm vài vấn đề.
- Các hàng quán mọc lên khắp nơi. Như chỗ nào trống là sẽ có một cái quán xuất hiện. Vì vậy nên chất lượng không đồng đều. Khách du lịch như bị rối mù giữa một rừng quán xá với tên giống nhau. Sẽ không hề công bằng nếu nêu tên vì đây là tình trạng chung.
- Giá cả ở Đà Lạt bây giờ không hề rẻ, nó đã ngang với Sài Gòn. Nếu bạn nghĩ lên đây để tiết kiệm tiền ăn uống thì nên suy nghĩ lại, vì bạn sẽ tốn kém nhiều hơn trong khi chất lượng nhận lại không tương xứng. Đó là vì sao nếu ai đó đi du lịch trong nước đủ nhiều thì sẽ nhận xét, “Sài Gòn là nơi ăn uống rẻ nhất.”
- Mình vẫn không hiểu sao bây giờ vẫn còn nạn chèo kéo khách, nhất là quanh Chợ Đà Lạt. Nó mang lại cảm giác không thoải mái chút nào. Từ góc nhìn của một du khách, Đà Lạt bỗng trở nên nhếch nhác và lộn xộn. Dễ hiểu vì sao nhiều người một đi không trở lại.
Mình ngạc nhiên khi thấy đường phố lại vắng hơn so mới mong đợi. Mặc dù hôm đó là ngày cuối tuần. Tuy đây chỉ là nhận xét cá nhân, nhưng lý do có lẽ là du khách đã tìm đến nơi khác hoặc kinh tế đang đi xuống. Sau vài tháng, những con số được công bố trên báo chí cũng xác nhận điều này, lượng du khách đến Đà Lạt giảm mạnh so với những năm trước đây.
Trải nghiệm tham quan ở Đà Lạt hiện tại
Đà Lạt chưa bao giờ là thiên đường ăn uống, người ta đến đây vì cảnh đẹp. Hay ít ra họ suy nghĩ như vậy. Nhưng với đà bê tông hóa nặng nề, kèm với nhiệt độ ngày càng ấm dần, cảnh đẹp ở Đà Lạt vì vậy cũng giảm bớt.
- Vỉa hè bị lấn chiếm nên không thể đi bộ. Đây không phải là vấn đề của riêng Đà Lạt, mà đã diễn ra trên toàn nước từ lâu. Nếu bạn thử đi bộ để khám phá, bạn sẽ nhận ra đây là một cực hình. Khi quá bất lực, bạn đành phải dùng chiếc xe máy. Điều này đã vô tình làm tăng tiếng ồn và ô nhiễm ở Đà Lạt. Khi không còn sự yên tĩnh và thiếu đi văn hóa đi bộ, mượn lời của các bạn trẻ, “Đà Lạt mất chất.” Cảm giác như họ bỏ Sài Gòn, để đến một Sài Gòn lạnh hơn một chút.
- Hàng rong lấn chiếm. Khu vực vỉa hè ven Hồ Xuân Hương ở trước Chợ Đà Lạt từ bây giờ đã bị hàng chục gánh hàng rong lấn chiếm. Họ ngang nhiên coi khu vực công là của riêng. Những chiếc ghế nhựa bỗng dưng xuất hiện và nếu muốn ngồi, bạn phải mua gì đó. Thuận mua vừa bán không có gì sai, nhưng nó đã khiến chuyến đi bộ quanh hồ trở thành một sự bực bội vì phải xuống đường chen với xe máy. Đây đâu phải là một Đà Lạt thơ mộng như nhiều người tưởng tượng. Khoan nói về vệ sinh thực phẩm hay mỹ quan đô thị. Chỉ cần một lần va chạm, bạn sẽ mất hết cảm tình với Đà Lạt.
- Thu phí và bán vé khắp nơi. Mình không có vấn đề gì với việc khu du lịch bán vé. Đây là điều cần thiết để có kinh phí duy trì bởi vì đâu có gì là miễn phí? Nhưng chất lượng nhận lại khó thuyết phục so với giá bán. Vé vào Thung Lũng Vàng, 70k. Vé vào Thung Lũng Tình Yêu, 250k. Vé vào Dinh Bảo Đại, 90k. Nêu hết thì sẽ tốn cả trang giấy. Nếu bạn muốn đi hết các điểm tham quan, tổng thiệt hại sẽ không dưới một triệu. Còn về chất lượng, nói nhẹ thì là không xứng đáng, còn nói nặng sẽ là “Đi rồi không hiểu sao họ bán vé với giá đó.” Các điểm tham quan đều xuống cấp và dịch vụ sơ sài. Khó thuyết phục du khách quay trở lại.
Đó chỉ là trải nghiệm của mình và không hề đại diện cho số đông. Nhưng khi hỏi bạn bè, họ cũng đồng ý. Đà Lạt của họ bây giờ không còn như xưa nữa.
Một Đà Lạt mất chất
Mình không thể hiểu được tư duy của một số người làm du lịch ở Đà Lạt. Họ xây lên những công trình giả tạo, thuê truyền thông bơm thổi, du khách kéo đến chụp hình sống ảo, và sau một thời gian thì lụi tàn.
Mình sẽ không nêu tên nơi nào. Nhưng theo kinh nghiệm, nếu bạn thấy chỗ nào trên TikTok được quảng cáo rầm rộ, thì bảo đảm khi đến, sẽ lắc đầu không hiểu nó có gì mà lại thu vé. Các bạn trẻ đua nhau chụp trước “Nấc thang lên thiên đường” hay cái vườn hoa nào đó. Còn mình đứng nhìn trong sự khó hiểu.
Vĩ mô hơn, đã từng có kế hoạch xây dựng casino ở Đà Lạt để thu hút du khách. Tuy đây chỉ là dự thảo, nhưng nó phần nào cho thấy xu hướng phát triển thành phố này trong những năm sắp tới.
Người ta muốn xây những công trình nghìn tỷ, những khu giải trí nghìn mét vuông, và những khu dân cư cao cấp. Rồi khi bạn đến, sẽ không hiểu giá trị của nó là gì. Ngay cả những người bạn Đà Lạt của mình cũng nhận xét tương tự.
Mình đến Đà Lạt không phải vì sự phồn vinh giả tạo đó. Mà để ngắm rừng núi, uống cà phê bên hồ, và tạm quên đi cái nóng. Nếu người ta muốn nhìn tòa nhà cao tầng, họ sẽ ở lại Sài Gòn. Nếu muốn đi mua sắm, họ sẽ bay sang Thái. Nếu muốn đánh bạc, họ sẽ bắt xe qua Campuchia.
Sức hút của Đà Lạt chính là nét đẹp tự nhiên. Một khi thay thế nó bằng những dự án bê tông, thương hiệu Đà Lạt sẽ giảm và dần biến mất.
Tại sao Đà Lạt lại cuốn hút?
Muốn hiểu vì sao du khách thất vọng, bạn phải hiểu những thứ quyến rũ họ đến Đà Lạt. Tây Nguyên có những Buôn Ma Thuột, Pleiku, Bảo Lộc, và Măng Đen, nhưng không nơi nào có thể thay thế được Đà Lạt.
Không phải vì nơi đó thiếu cái lạnh hay đồi thông, mà là không có câu chuyện của thương hiệu tương tự. Nó được xây dựng với di sản Pháp để lại và bao văn thơ tồn tại xuyên thời gian.
Đây là một khẩu trong bài Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mặc Tử:
“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ.”
Cộng với những bài như Thành Phố Buồn, Đà Lạt được tô thêm tính lãng mạn qua trí óc của nghệ sĩ. Khi ghép chung với nét kiến trúc thời Pháp ở những Trường Cao Đẳng Sư Phạm, Nhà Thờ Con Gà, và Dinh Bảo Đại – Đà Lạt biến thành một thương hiệu.
Nhưng đó chỉ là ký ức tồn tại trong sự tưởng tượng.
“Ai đã phá nát Đà Lạt?”
Nhiều lúc mình muốn nói như vậy. Bây giờ ngoài nạn bê tông hóa, Đà Lạt còn phải gánh chịu nạn ngập lụt và sạt lở. Nghe thì hơi vô lý, vì tại sao một thành phố nào cao hơn 1,500m so với mặt bước biển lại ngập được?
Bây giờ ở Việt Nam thì chỗ nào cũng ngập được. Sài Gòn, Hà Nội, Vũng Tàu, Huế hay Đà Lạt.
Cách phát triển kinh tế ở Việt Nam rất quái dị và bạn không cần là chuyên gia để thấy. Lấy Đà Lạt làm ví dụ.
- Bê tông hoá mọi nơi, mặc kệ cơ sở hạ tầng.
- Phân lô bán nền bất chấp.
- Xây dựng không kiểm soát.
Còn giá trị thương hiệu, tác hại đến cảnh quan, hay chất lượng sống thì ít được chú trọng đến. Miễn sao có dự án, nhà hàng, và khách sạn là được. Quái dị thay, có một số người lại cho đó là thành công.
Nếu chạy một vòng Đà Lạt, nhất là ở trên cao, bạn sẽ thấy nhiều căn nhà được xây bên ven đồi. Nguyên một con đường có cả trăm căn như vậy. Rồi khi mưa quá tải thì sạt lở và ngập lụt vì nước không có lối thoát.
Nó cho thấy tính chụp giật trong tầm nhìn và suy nghĩ. Rồi chúng ta hỏi tại sao du khách không trở lại hay thất vọng. Đáng buồn là khi Đà Lạt quá chật, người ta sẽ đi nơi khác và áp dụng công thức tương tự.
Ai đã lấy đi nét đẹp của Đà Lạt? Ai đã biến thành phố của sự lãng mạn và mộng mơ thành bãi bê tông?
Tiếc nuối cho Đà Lạt
Mình sẽ quay lại Đà Lạt. Nơi đây vẫn còn nhiều thứ để lưu lại. Mình cũng quen thêm vài người bạn ở thành phố này. Những điều mình nói trên không phải là lỗi của họ hay lựa chọn của Đà Lạt.
Nhưng nếu là một người yêu Đà Lạt, bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối. Vì Đà Lạt bây giờ không chỉ là địa điểm du lịch, mà còn là bài học về cách để phá nát một thành phố.
Yêu Đà Lạt.
Nguyễn Trọng Nhân, 25.9.2023