Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ, lý tưởng tự do và thịnh vượng

Nếu có một văn kiện đã làm nguồn cảm hứng cho vô số tác giả khi viết về khái niệm tự do và thịnh vượng, thì đó sẽ là “Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ”.

Mượn ý tưởng từ John Locke, Thomas Jefferson đã dùng tài văn của mình để viết lên giấy 1,320 chữ tuyệt đỉnh. Cho đến bây giờ, khi đọc lại, bạn sẽ khó mà tìm ra một tác giả nào có tầm ảnh hưởng tương tự.

Đây là điểm nhấn đã đi vào lịch sử:

“We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness”.

Phiên bản dịch tiếng Việt:

“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nếu nghe quen, thì đó là vì ngày 2 tháng 9 năm 1945, đã có một người Việt Nam sử dụng những mỹ từ đó để cho ra đời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tiền thân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Ở đây không bàn về tính chính trị, mà là sự ảnh hưởng của văn kiện.

Các nhà sử học cho rằng chúng ta có hai nền cộng hòa đã thiết lập thế giới hiện đại.

  • Nền cộng hòa La Mã năm 509 BC
  • Nền cộng hòa Mỹ năm 1776 AD

Sự ra đời của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ là bước ngoặt trong lịch sử nhân loại vì nó thay thế sự cai trị của Vua bằng sự phân chia quyền lực của một mô hình điều hành quốc gia được thiết lập bởi công dân.

Trong khi Hoàng Gia Châu Âu đang bận tranh chấp lãnh thổ, George Washington đã tự nguyện về hưu sau hai nhiệm kỳ.

Từ đó, thế giới chứng kiến những điều chỉ tồn tại trong sách sử về La Mã.

  • Sự chuyển giao quyền lực trong ôn hòa.
  • Sự tôn trọng của chính kiến.
  • Sự bảo vệ của tự do cá nhân.

Mỹ và Anh là hai quốc gia duy nhất trong lịch sử đấu tranh để chấm dứt nô lệ. Vua George III ký kết bãi bỏ nạn buôn nô lệ vào năm 1807, còn Mỹ phải trải qua cuộc nội chiến Bắc Nam để làm điều tương tự vào năm 1865.

Abraham Lincoln và phe Liên Bang không những thắng trên chiến trường, mà còn để lại bài học về đối nhân xử thế cho các thế hệ sau. Thay vì đàn áp và làm nhục đối thủ, nước Mỹ tiến hành quá trình tái xây dựng đất nước và hàn gắn dân tộc sau cuộc chiến.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc.

Khi sự tồn tại của Châu Âu bị đe dọa vào năm 1914, Anh và Mỹ đã trở thành yếu tố quyết định trong việc bảo vệ tự do.

Điều tương tự được chứng kiến ba thập niên sau. Khi Thế Chiến Thứ 2 chấm dứt, Mỹ trở thành siêu cường quốc hạt nhân duy nhất và nắm toàn quyền quyết định số phận của tất cả con người trên trái đất và không gặp bất cứ cản trở nào. Truman có thể dùng binh lính để nô lệ hóa nhân loại.

Nhưng thay vào đó, Mỹ chọn cách hỗ trợ tái xây dựng để trở thành cục nam châm cho tất cả những ai muốn lan tỏa lý tưởng của mình. Chưa bao giờ, một ai đó có toàn quyền nhưng lại không sử dụng nó.

Vào năm 1963 ở Tây Berlin, đối mặt với một địch thủ có lý tưởng trái nghịch, John F. Kennedy không ngần ngại lên tiếng bảo vệ phần còn lại của Châu Âu và thế giới.

“Ich bin ein Berliner”.

“Tôi là một người Berlin”.

Đến năm 1987, Reagan cũng đến địa điểm đó và đây có lẽ là câu nổi tiếng nhất của ông.

“Hãy giật sập bức tường này”.

Với nền tảng đó, các quốc gia có thể an tâm phát triển kinh tế. Khi con người được tự do và được bảo vệ, khái niệm kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản được nẩy nở để xây dựng thế giới hiện đại.

Nếu bạn đang sống trong tự do, hãy cảm ơn John Locke và Thomas Jefferson. Tất cả đều bắt đầu từ văn kiện vĩ đại của năm 1776.

Nguyễn Trọng Nhân, 18.9.2023