Quy luật 10,000 giờ và bí quyết để trở nên thành thạo

Quy luật 10,000 giờ và bí quyết để trở nên thành thạo | Tôi rất bất ngờ khi nhiều bạn nhắn tin hỏi “Làm sao để em viết được như anh.” Đây có lẽ là một điều vô cùng khó hiểu vì bản thân chưa bao giờ nghĩ chất lượng nội dung lại hơn những ai khác. Tất cả diễn ra giống như một sự ngẫu nhiên.

Tôi không quá tin vào tài năng, năng khiếu, bẩm sinh hay yếu tố tự có mà là một người cho rằng bạn là kết quả của sự đầu tư vào bản thân. Nhìn những người đứng trên đỉnh lĩnh vực họ tham gia thì có lẽ cũng sẽ tìm ra câu trả lời tương tự.

Không tin tôi ư.

Vào ngày 15 tháng 6 năm 2018, đội tuyển Bồ Đào Nha đang bị Tây Ban Nha dẫn trước 2-3 trong vòng bảng World Cup được tổ chức tại Nga. Trận bóng diễn ra siêu căng thẳng, vì là hai cường quốc bóng đá nên ai thắng sẽ giành vé vào vòng trong. Với lợi thế và chỉ vài phút còn lại, ai cũng tưởng là Tây Ban Nha trong đồng phục trắng sẽ giành 3 điểm.

Nhưng vào phút 85, hậu vệ Pique đã vô tình làm ngã Ronaldo và kết quả là Bồ Đào Nha được thưởng quả phạt trực tiếp ngay trước khung thành. Ronaldo, đội trưởng của Bồ Đào Nha nhận đá. Đây là cơ hội cuối để san bằng tỷ số.

Đặt bóng xuống, chàng trai số 7 lùi lại 6 bước, mắt nhìn thẳng vào trái bóng. Anh ta trông căng thẳng nhưng lại rất bình tĩnh. Với chỉ 3 phút còn lại, anh ta hít sâu, tim đập mạnh vì trọng trách đang gánh trên vai.

Trọng tài thổi còi. Ronaldo bước chậm đến trái bóng. Một bước, hai bước, ba bước rồi anh ta đá nhẹ. Trái bóng đi theo một đường cong, vượt lên trên hàng rào và bay vào bên phải của khung thành với thủ môn nhìn trong bất lực. 

Tỷ số là 3-3. Trong khoảnh khắc đầy áp lực, tài năng xuất chúng của Ronaldo đã thể hiện bản lĩnh. Đây không chỉ là một cú đá phạt đơn giản mà là tài năng tích lũy hơn chục năm. Đỉnh cao của nghệ thuật bóng đá.

Nhìn đường bóng cong thần kỳ đó thì bạn nghĩ anh ta đã mất bao lâu để đạt được. Cristiano Ronaldo là một siêu sao bóng đá và thiên tài trăm năm có một của môn thể nào này. Có thể nói rằng sau khi giải nghệ thì còn rất lâu chúng ta mới thấy được một người tương tự, trừ Messi.

Vậy bí quyết nào đã tạo một người xuất chúng như Ronaldo. Có thể bạn nói là bẩm sinh, năng khiếu hay tài năng. Rất đúng, vì để chơi bóng ở đấu trường cao nhất thì không thể nào thiếu những yếu tố đó. Nhưng từ góc nhìn phân tích thì tôi sẽ cho rằng đó là kết quả của khổ luyện. Hãy đọc lại tiểu sử của chàng trai này.

Sinh năm 1985 và bắt đầu tham gia bóng đá năm 1992, tức lúc chỉ 7 tuổi. Từ đó đi lên đội trẻ, đội Sporting CP, Manchester United, Real Madrid và hiện tại là Juventus. Hãy nghĩ lại lúc 7 tuổi bạn đang làm gì. Tôi cá là đang ở nhà chơi hay gì đó, còn Ronaldo thì chỉ biết làm một điều duy nhất, đá bóng. 

Khi đọc tiểu sử và nhìn lại cuộc đời của những siêu sao bóng đá, tôi cá là bạn sẽ tìm thấy dấu vết của khổ luyện. Những Zidane, Messi, Lampard hay Rooney đều thành thạo nghệ thuật mình theo đuổi bằng cách bắt đầu từ lúc sớm nhất có thể. 

Thật khó để quy ra số giờ. Nhưng tính sơ nếu mỗi tuần tập bóng 20 tiếng thì mỗi năm sẽ là tầm 1,000 giờ. Nhân lên 10 năm thì sẽ là 10,000 giờ. Đó là từ độ tuổi 8 đến 18. Còn khi đã tham gia bóng đá chuyên nghiệp và chơi thêm 10 năm nữa thì số giờ tập luyện đã lên hơn 20-30,000 giờ. 

Đó cũng chính là chủ đề của bài viết này. 

Trong cuốn Outliers, tác giả Malcolm Gladwell đã dùng một ví dụ khác. Không phải cầu thủ bóng đá mà là nghệ sĩ vĩ cầm. Trong đó họ chia học viên thành ba nhóm như sau.

  1. Ngôi sao, những người sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng toàn thế giới.
  2. Tài năng, những người có năng khiếu nhưng sẽ khó nổi tiếng.
  3. Không tài năng, những người sẽ không chơi vĩ cầm chuyên nghiệp vì quá tệ.

Câu hỏi được đặt tương tự “Kể từ khi bắt đầu chơi vĩ cầm, bạn đã tập luyện bao nhiêu tiếng?”

Như trên, nếu bạn cho rằng sự khác biệt nằm ở tài năng sẽ đã quá sai lầm hoặc ngộ nhận. Mặc dù tất cả học viên đều bắt đầu chơi ở độ tuổi 5 nhưng khi lên 8 thì chỉ một ít gắn bó. Những ai tập luyện hơn 6 giờ mỗi tuần bắt đầu trở thành tài giỏi hơn. Càng lớn thì họ càng tập luyện nhiều hơn để đến độ tuổi 20 thì số giờ chơi trung bình là 30 mỗi tuần.

Nếu nhân lên thì sẽ tầm 11-15,000 ngàn giờ, nhiều hơn con số 10,000. Rồi những ngôi sao vĩ cầm tương lai không hề ngừng lại mà càng luyện tập nhiều hơn và nhóm đó trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Khổ luyện và kiên trì chính là bí quyết chứ không có yếu tố nào khác giải thích được.

Bây giờ quay lại trường hợp cá nhân. Tôi không rõ là mình đã tập luyện hơn 10,000 giờ chưa vì đó là một con số khổng lồ. Nhưng nếu quy ra thì chắc cũng chỉ phân nửa. Tôi thấy thích đọc, nó không chỉ là niềm vui mà là cách để cải thiện bản thân. Những Wall Street Journal, Gladwell, Friedman, Hayek, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyên Sa, Hàn Mặc Tử, Hồ Dzếnh và Nguyễn Bính đã góp phần cực lớn trong việc gián tiếp đào tạo người vô danh này.

Như nói trên, tài năng không phải là sẵn có mà là kết quả của khổ luyện. Nếu bất cứ một cá nhân nào muốn trở thành tài giỏi, thành thạo hay xuất chúng trong lĩnh vực mình theo đuổi thì phải bỏ thời gian lẫn công sức đầu tư.

Còn không thì bạn sẽ mắc kẹt ở cái bẫy tầm thường. Đó là trạng thái hài lòng. Nó không có gì sai nhưng bạn sẽ nhận được điều mình mong muốn.  Người khác bỏ xa bạn vì bản thân bạn không chịu khổ luyện chứ không phải vì họ siêng năng.

Khi đã đạt lên cấp bậc thì sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng. Còn khi lên đỉnh thì bạn sẽ thấy sự phức tạp trông thật đơn giản. Giống như một Gladwell với các tác phẩm văn học, Ronaldo với trái bóng hay một ký giả của một tờ báo lừng danh. Đằng sau họ là hàng vạn giờ tập luyện nhưng bạn chỉ thấy kết quả cuối cùng.

Tôi có thể áp dụng nguyên lý này cho gần như tất cả. Dù là Gates, Zuckerberg hay Musk. Nếu đó quá vĩ mô thì hãy lấy những Mỹ Tâm, giám đốc doanh nghiệp hay đơn thuần là một nhân vật tài ba nào đó bạn theo dõi trên mạng xã hội như người sáng lập một kênh YouTube hay blog triệu view. Họ có được thành quả vì đã bỏ công chứ không bao giờ từ trên trời rơi xuống.

Nếu có bí quyết thì đó chính là khổ luyện. Nếu có động lực thúc đẩy thì có lẽ là đam mê. Còn nếu có con số chứng minh thì đó sẽ là 10,000 giờ. Đó là cách duy nhất.

Bóc Phốt Tài Chính | 14.4.2021

Bay bổng với học vấn, đường ngắn nhất đến thịnh vượng

Bay bổng với học vấn, đường ngắn nhất đến thịnh vượng | Tôi xin bắt đầu với sự khẳng định. Học vấn là cách nhanh nhất để thoát nghèo và ngắn nhất dẫn đến thịnh vượng. Đó không phải là điều tôi nhặt được từ cuốn sách, bộ phim mà từ hơn ba thập niên … Read more

Đừng lo làm giàu tuổi 20, hãy trải nghiệm

Đừng lo làm giàu tuổi 20, hãy trải nghiệm | Độ tuổi 20 đến 25 là quá trẻ để bạn có thể làm được gì chứ đừng nói đến “gây dựng sự nghiệp.” Lúc đó thì bạn chỉ là sinh viên hoặc mới ra trưởng, kinh nghiệm xã hội gần không. Tôi thừa nhận là … Read more