Trinh và Trân là đôi bạn thân ở Sài Gòn. Cả hai đều là dân tỉnh lẻ lên thành phố lớn học tập và ở lại sinh sống. Ra trường đã 5 năm và lương trên 10 triệu. Như bao người khác đến Sài Gòn tìm cơ hội, họ phải thuê trọ. Trong những năm qua thì họ đã chứng kiến giá nhà tăng chóng mặt.
Một căn chung cư tầm trung trước đây chỉ 1 tỷ đồng thì bây giờ đã là 2 tỷ. Trong khi lương của họ gần như không thay đổi. Giống hàng triệu bạn trẻ khác, Trinh và Trân cảm thấy có gì đó sai sai.
Cái họ đang chứng kiến chính là tác hại của cơn sốt nhà đất đang diễn ra ở đất nước này. Ở đâu cũng có cơn sốt đất nhưng ở Việt Nam thì điên khùng và khó hiểu nhất. Để hình dung thì chúng ta nên suy ngẫm về những điều sau.
Ở Mỹ và Châu Âu thì giá nhà chỉ cao hơn thu nhập hàng năm ở mức 5 lần. Ngay cả khi ở đỉnh của bong bóng nhà đất 2008 thì giá nhà ở Mỹ chỉ gấp 7 lần thu nhập bình quân.
Còn ở Việt Nam thì giá nhà lại cao gấp 20 đến 50 lần thu nhập. Với mức thu nhập bình quân mỗi tháng là 5 triệu đồng, một người Việt Nam bình quân phải đi làm 50 đến 100 năm mới đủ tiền mua một căn nhà. Đó là nếu họ không ăn uống, không chi tiêu và không bệnh tật gì trong suốt khoảng thời gian đó.
Truyền thông cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy cơn sốt đất này. Lướt trên mạng xã hội hay theo dõi những trang tin thì nội dung về bất động sản chiếm số lượng không ít, có thể nói là đa số.
Kéo theo đó là hàng loạt bài báo về những nhân vật làm giàu từ buôn đất. Với những tiêu đề như “Từ tay trắng tôi có chục tỷ nhờ bất động sản.” Nó không chỉ làm người khác ảo tưởng mà còn tạo nhận thức phi thực tế về cuộc sống.
Việc nhà đất tăng tưởng không ngừng trong những năm qua đã làm nhiều người trở nên rất khá giả vì thấy tài sản mình được nhân lên không ngừng. Cảm giác không khác gì tiền từ trên trời rơi xuống. Mặc dù hưởng lợi từ chính sách tiền tệ của chính phủ nhưng tôi luôn cho rằng tác hại của nó không để tránh né được vì cuộc vui này sớm muộn gì cũng phải ngừng.
Tôi luôn cho rằng và sẽ tiếp tục khẳng định nếu bạn đầu tư kiếm lời chứng khoán và bất động sản trong thập niên qua thì đó không phải là tài năng mà chỉ là hiệu ứng lạm phát. Nhưng trong cơn say thì người ta mặc kệ giá trị nguyên thuỷ, miễn sao có tiền là được.
Đó là tác hại lớn nhất kèm với những hậu quả như sau.
Tác hại thứ 1.
Nó làm con người ảo tưởng về khả năng của mình và nhầm lẫn lạm phát là tài năng. Tại sao phải bỏ công sức ăn học trong khi chỉ cần ngồi không thì giá đất cũng tăng phi mã. Tâm lý này giải thích cho xu hướng làm giàu đi tắt trong những năm qua. Người ta không quá chú trọng đến chất xám nữa vì họ lấy tiền làm thước đo nhưng quên rằng đó là kết quả của tiền tệ nới lỏng chứ không phải vì tài năng gì.
Giá nhà đất tăng không phải vì tài năng mà là vì lạm phát, sự mất giá của đồng tiền. Bất cứ ai sở hữu đất hay tài sản nào cũng thấy nó tăng giá. Từ ông giám đốc cho đến cô bán hàng rong. Một con khỉ bị bịt mắt ném phi tiêu cũng có thể mua đất rồi trở nên giàu có. Một đứa trẻ cũng có thể chọn ngẫu nhiên vài cổ phiếu và thấy nó tăng lên trời.
Tài năng là khi bạn sản xuất ra cái gì đó chứ không phải ngồi không hưởng lời từ lượng tiền tân tạo. Nếu tăng giá là thịnh vượng thì có lẽ Venezuela đang là cường quốc vì lạm phát bên họ là trên 1 triệu phần trăm.
Tác hại thứ 2.
Nó chuyển hướng từ đầu tư dài hạn sang ngắn hạn. Ở Việt Nam thì gần như không có khái niệm đầu tư bền vững mà chỉ có một cái sòng bạc mang tên chứng khoán và nhà đất. Doanh thu công ty ra sao, sản phẩm là gì, lợi thế là gì thì mặc kệ. Miễn sao giá cổ phiếu tăng. Đời sống của công nhân sẽ ra sao, những bạn trẻ ra trường không thể mua nhà thì sẽ làm sao. Miễn quan tâm, chỉ cần giá đất tăng là một số người vẫn vui vẻ. Tăng là đúng còn tất cả điều khác là sai. Nó tạo ra một thế hệ với tư duy chụp giật và khôn vặt đúng bản chất.
Tác hại thứ 3.
Nó thưởng những ai nắm tài sản thay vì những ai có trí tuệ. Với mức lương trung bình 10 triệu cho người có bằng đại học thì phải làm ít nhất 20 năm mới có thể mua được căn nhà, đó là nếu họ không ăn uống gì trong suốt khoảng thời gian đó. Trong khi những người có nhà cửa trước thì không cần làm gì cũng có ăn. Điều này làm nản lòng rất nhiều trí thức vì cảm thấy chất xám mình không được thị trường trọng dụng. Họ cảm thấy bằng cấp là dư thừa, giáo dục là thứ rẻ bèo. Sự thịnh vượng không nằm trong tay người sở hữu kiến thức mà thuộc về giữ tài sản.
Tác hại thứ 4.
Nó làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo một cách bất thường. Nếu để ý sẽ thấy người giàu ở Việt Nam xuất phát từ tầng lớp tài sản chứ không có sản xuất ra sản phẩm gì cho xã hội. Trong top 10 người giàu nhất thì phân nửa là từ bất động sản. Trong danh sách các đại gia thì hơn 70% liên quan đến ngành bất động sản và chi phối các lĩnh vực còn lại.
Nếu bạn là một người bình thường làm công ăn lương thì sẽ khó mà lọt vào tầng lớp trung lưu được. Chính điều này tạo ra sự phân biệt giai cấp và xung đột xã hội.
Người nghèo cảm thấy bất mãn vì không có phần trong sự phát triển. Nhất là các bạn trẻ ở tỉnh vào thành phố lập nghiệp. Họ cố gắng, tích góp và phấn đấu nhưng vẫn không đuổi kịp giá nhà.
Kết luận.
Ở đâu cũng có bong bóng tài chính. Khi các chính phủ đua nhau in tiền thì giá nhà ở mọi nơi đều tăng giá. Nhưng riêng ở Việt Nam thì nó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng dẫn đến bất an xã hội.
Nhưng điều cay đắng là hiện tại vẫn chưa có giải pháp gì để hạn chế. Người ta vẫn phải mua cổ phiếu, vàng và nhà đất để tránh tiền bị mất giá.
Nếu muốn mua nhà thì bạn không có quá nhiều lựa chọn. Chỉ có cách là tăng lương để đủ mua trả góp.
Chúng ta phải thừa nhận là cơn sốt nhà đất sẽ tiếp tục chứ không ngừng lại. Dù chỉ trích nhưng vẫn phải mua vì không có lựa chọn nào khác tốt hơn.
Điều cay đắng là tôi cũng không thể đi ngược với xu hướng này. Nó sẽ tiếp tục chứ không ngừng lại. Chỉ trích nhưng vẫn mua cổ phiếu và bất động sản chứ không thể nào chống lại quy luật đám đông.
Chỉ có một sự sụp đổ hoặc suy giảm mạnh mới có thể tác động toàn diện để chúng ta tái cơ cấu lại xã hội từ một đám đông đầu cơ chụp giật thành một nền kinh tế tạo lợi nhuận bền vững.
Bóc Phốt Tài Chính | 13.2.2021