Cho bạn mượn tiền, mất cả hai | Tâm lý tiền bạc

Tiền và bạn là hai thứ quan trọng mà ai trong chúng ta cũng cần có. Nhưng nếu pha trộn lại thì sẽ thành một vấn đề lớn. Bởi vì tiền đã là một chủ đề nhạy cảm dễ gây chia rẽ rồi, khi được cộng với bạn bè thì tác hại bị nhân đôi.

Bài viết này bắt đầu không phải với một câu hỏi hay nhận xét mà là sự khẳng định. Đó là đừng bao giờ cho bạn bè mượn tiền vì sẽ mất cả hai.

Thừa nhận là sẽ có những trường hợp cá biệt và đặc biệt. Đó là những người bạn tin tưởng tuyệt đối, họ có uy tín và luôn giữ niềm tin. Nhưng đa số trường hợp thì không được như vậy.

Vài năm trước đây, Trinh đã cho một cô bạn mượn 5 triệu đồng bởi vì thấy cô ta cần giúp đỡ. Vì là chỗ quen biết và thân thiết nên tin tưởng nhau. Lúc đó thì 5 triệu đồng không có nhiều nhưng cũng không ít, cũng bằng một tháng lương của Trinh. Nhưng vì tình bạn nên mượn tiền là chuyện nhỏ.

Nhưng sự việc bắt đầu xoay ngược khi năm tháng trôi qua mà cô bạn kia không trả số tiền đã mượn. Một tháng, hai tháng, ba tháng, một năm, hai năm rồi ba, bốn năm. Tới bây giờ thì số tiền đó vẫn chưa thấy đâu. Nó không khác gì một khoản nợ xấu.

Tuy Trinh có nhắc khéo, cô bạn kia cũng đôi lần kể lể và hứa sẽ trả, nhưng số tiền kia vẫn chưa được trả.

Rồi bỗng một ngày, Trinh và cô bạn kia cãi lộn về khoản tiền đó. Thế là cả hai nghỉ chơi, chấm dứt tình bạn, chỉ vì tiền.

Đó không phải là lần đầu tiên hay là duy nhất. Nó đã xảy ra với Trinh hơn chục lần rồi. Lúc mượn thì ai cũng trông như người có uy tín và đáng tin tưởng. Nhưng vì lý do nào đó, khoản tiền cho mượn kia lại biến họ thành một người bất tín.

Câu chuyện của Trinh không phải là hiếm, có thể nói là phổ biến. Bạn thậm chí đã trải qua rồi.

Ngay cả mình cũng không tránh khỏi. Trước đây mình cho người bạn kia mượn tiền, nhưng như câu chuyện của Trinh, người bạn kia không trả. Rồi sau này cả hai từ mặt nhau.

Mượn tiền như một sự thử thách niềm tin và là cách nhanh nhất để chấm dứt một tình bạn. Đó là một bài học mà trường đời sẽ dạy bạn, nếu chưa.

Đừng bao giờ cho bạn bè mượn tiền vì sẽ mất cả hai.

Đây không phải là trường hợp ở riêng Việt Nam đâu mà ở đâu cũng vậy. Các tạp chí tài chính ở Mỹ và Châu Âu cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Hàng loạt câu chuyện đã được xuất bản và kịch bản như một. Bạn mượn tiền không trả, tình bạn tan vỡ.

Nhưng tại sao lại như vậy. Nguyên nhân là gì. Đây là tâm lý tài chính của con người thôi. Để mình giải thích nhé.

Tâm lý mượn tiền bạn bè so với vay tiền ngân hàng – Khi bạn vay tiền ngân hàng thì sẽ phải trả lãi, ký hàng loạt giấy tờ có công chứng và cung cấp đầy đủ thông tin. Giữa người vay và ngân hàng tồn tại một hợp đồng pháp lý ràng buộc. Nếu không trả thì sẽ có những biện pháp trừng phạt bao gồm áp phí, phạt tiền và ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân.

Ngay từ khi vay tiền ngân hàng, người vay đã chuẩn bị kỹ tâm lý là sẽ trả bằng mọi cách. Họ phải cân nhắc rủi ro và chấp nhận. Họ tự nói trong đầu là “Phải trả”, không có nhưng hay viện cớ gì. Vì nếu không trả đúng hạn thì sẽ phải trả nhiều hơn. Nỗi sợ này tạo nên tính kỷ luật cho người vay ép họ phải có trách nhiệm chứ không thể nào thoát được.

Đó là khi bạn vay ngân hàng. Còn khi mượn tiền bạn bè thì nó khác hoàn toàn.

Chúng ta phải phân biệt vay và mượn.

  1. Vay là tính lãi và trả lại kèm với tiền gốc.
  2. Vay tiền có thời hạn rõ ràng và quy định lúc nào phải trả.
  3. Mượn tiền là chỉ xin rồi trả lại đúng khoản tiền nhất định.
  4. Mượn tiền không có thời hạn và dựa trên cảm tính.

Khi mượn tiền bạn bè thì đó chỉ là lời hứa bằng miệng chứ hiếm ai làm giấy tờ. Nếu có thì cũng ít ai đem công chứng. Mượn tiền xét về nhiều mặt là một thỏa thuận giữa con người với nhau chứ không mang tính pháp lý rõ ràng như hợp đồng vay tiền ngân hàng.

Người mượn tiền thích thì trả. Nếu không trả thì cũng chẳng sao. Họ tự nói “Nó sẽ làm gì được mình chứ?”

Chính vì tâm lý dễ dãi đó nên đã tạo ra vấn nạn mượn tiền rồi không trả. Bởi vì không trả thì ai làm gì được ai. Sự thoải mái về trách nhiệm khiến con người mất tính kỷ luật và cam kết.

Người cho mượn có thể sẽ giận, tức, gọi đòi và thậm chí chửi. Nhưng sau đó thì hết, không làm được gì người đã mượn tiền mình.

Các bạn thấy sự khác biệt về tâm lý khi vay tiền ngân hàng và mượn tiền chưa. Đó là vì sao ai vay ngân hàng thì cũng phải trả, còn mượn tiền bạn bè thì “Thích thì trả, không thì làm gì được nhau.”

Đó là một hành động vô trách nhiệm. Bây giờ các bạn đã hiểu vì sao khi mượn tiền thì lại bị từ chối chưa. Đừng trách người bạn đó, hãy đặt mình vào vị trí của họ.

  1. Tiền không bao giờ từ trên trời rơi xuống. Nó là kết quả của hàng trăm giờ lao động. Nó là khoản tích góp. Nó là mồ hôi và công sức. Tiền không phải miễn phí cho nên đừng bao giờ đòi hỏi hay ép ai đó phải cho mình mượn vô điều kiện.
  2. Mỗi người đều có mục đích riêng. Bạn mượn tiền thì người ta cũng cần tiền để làm việc khác. Họ phải đặt lợi ích họ trước. Bạn cũng vậy thôi, nếu không thì bạn mượn tiền làm gì.
  3. Mượn tiền là đánh đổi. Bạn có tiền thì người bạn kia phải lùi lại kế hoạch. Bạn được lợi còn người kia không được gì. Vậy đâu có công bằng.
  4. Ngân hàng nếu có nợ xấu thì chỉ chiếm phần nhỏ. Còn nếu cho mượn mà bạn không trả thì nó ảnh hưởng đến toàn bộ số tiền. Mức độ rủi ro khác nhau hoàn toàn.
  5. Bạn là người có uy tín thì mới được tin tưởng. Nếu ngân hàng từ chối cho bạn vay thì lý do gì để người khác cho bạn mượn chứ. Hỏi ngược lại, giờ ai đó mượn tiền bạn thì bạn có cho không hay cũng cân nhắc và lo sợ.

Cho nên đừng bao giờ giận dữ khi người bạn kia từ chối cho mình mượn tiền. Người không hiểu chuyện chính là bạn. Tại sao lại muốn bạn bè mình gánh rủi ro đó.

Thay vì trách móc thì hãy tự hỏi bản thân.

  1. Mình có thực sự cần số tiền đó không.
  2. Mình có thể đi làm tích góp mà, sao phải mượn tiền.
  3. Mình có thể vay ngân hàng không. Nếu họ từ chối thì nghĩa là mình quá rủi ro.

Bây giờ bạn hiểu vấn đề về mượn tiền chưa? Tốt nhất là đừng mượn tiền bạn bè, đó nên là giải pháp cuối cùng khi tất cả thất bại.

Sẽ có những trường hợp đặc biệt và những người cần sự giúp đỡ, như người bạn kia bị bệnh và cần tiền đóng viện phí, anh kia bị đụng xe và cần tiền đền bù, đang đi mua đồ và người bạn không có đủ tiền mặt nên mượn tạm.

Nếu là khoản tiền nhỏ thì chẳng sao, hãy tin tưởng nhau. Còn nếu là số tiền lớn hơn thì hãy cẩn thận vì nguy cơ là mất cả tiền và bạn.

Còn nếu bạn là người cho mượn bạn bè mượn tiền thì hãy suy nghĩ kỹ và tự hỏi.

  1. Người đó có đáng tin không, mình có đủ thân để tin tưởng họ không.
  2. Nếu họ không trả thì tài chính mình có bị ảnh hưởng không.
  3. Mình có chấp nhận mất luôn số tiền đó không.

Nếu bạn bè trong trường hợp cần giúp đỡ thì hãy giúp đỡ. Nhưng nên nhớ giúp là cho luôn và không mong chờ nhận lại số tiền đó. Như cho từ thiện vậy. Bạn cần phân biệt rõ ràng.

Ai trong chúng ta cũng sẽ có ít nhất một lần rơi vào trường hợp bạn bè mượn tiền. Như nói trên, tốt nhất là đừng. Đừng, đừng, đừng và đừng.

Đừng bao giờ cho bạn bè mượn tiền vì bạn sẽ mất cả hai. Vì tâm lý, hành vi và mối quan hệ. Nếu giúp thì coi như cho luôn hoặc không mong chờ gì.

Tiền và bạn bè là hai thứ sẽ tạo ra xung đột. Lúc mượn thì ngọt ngạo, lúc mình đòi thì chửi lộn rồi tan rã tình bạn.

Cho bạn mượn tiền thì sẽ mất cả hai. Nên tốt nhất là đừng.

Bóc Phốt Tài Chính | 22.12.2021