Shipper là công việc chứ không phải sự nghiệp

Shipper là công việc chứ không phải sự nghiệp

Trong một clip phỏng vấn đường phố, các cô gái được hỏi “Bạn có yêu một chàng trai làm shipper không?”

Mặc dù ngập ngừng, lịch sự và vòng vo nhưng câu trả lời thống nhất của các bạn gái là:

– “Không.” Họ sẽ đưa ra những lý do như không hợp tính cách, không có thời gian hay không có duyên. Nhưng tất cả chỉ là cách nói tinh tế đầy ẩn ý.

Trong lòng thì các cô gái rất muốn nói:

– “Không. Làm shipper không có tương lai và ổn định.”

Đừng hiểu sai tôi. Shipper là một việc làm chân chính và đáng được trân trọng mà không phải ai cũng có thể thực hiện. Bạn sẽ cảm nhận được điều này mỗi khi trời nóng, lười ra ngoài mà lại thèm trà sữa. Hay vào một ngày trời mưa lạnh nhưng lại thèm đồ ăn nóng. Vậy là phải đặt đồ ăn qua Grab hay ShopeeFood để được giao tận nhà. Hay khi thấy sản phẩm nào đó trên Tiki và ấn nút mua để được nhận tận tay. Nếu một ngày thiếu đi lực lượng shipper thì có lẽ ngành thương mại điện tử và đồ ăn sẽ tê liệt.

Nhưng đừng nhầm lẫn khái niệm. Shipper chỉ nên xem đây là một công việc, chứ không phải là sự nghiệp cả đời. Không phải vì nó có vấn đề gì mà vì bản chất.

1. Shipper là công việc không yêu cầu kỹ năng hay trình độ, nếu có thì rất ít. Cho nên ai cũng có thể làm. Chỉ cần mở app ra rồi chạy. Gần như không có rào cản nào. Chính vì vậy, thị trường sẽ đầy người tham gia nhưng công việc sẽ không được bảo đảm.

2. Shipper chỉ là đối tác chứ không phải nhân viên. Những tài xế cho Grab chỉ nhận tiền cước chứ không có lương. Họ cũng không có phúc lợi như Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Y Tế và Bảo Hiểm Tai Nạn. Lỡ sau này bị đụng xe hay bệnh tật thì gần như không được gì.

3. Shipper có thu nhập bấp bênh. Vì như nói trên, bạn chỉ là đối tác. Có ngày thì chạy liên tục, có ngày thì ngồi không. Nó không có tính ổn định của một công việc văn phòng hay công nhân trong nhà máy.

4. Shipper ở Việt Nam rất cực vì đường phố thì chật, người thì đông. Mỗi việc tìm địa chỉ dưới cái nắng thôi cũng đủ xỉu rồi. Đã vậy còn hay bị bom hàng. Chưa hết, phải kiêm luôn việc thu ngân.

5. Shipper không có định hướng phát triển dài hạn. Sự khác biệt giữa một shipper thường và shipper giỏi là rất thấp. Vì ngoài rành đường ra thì không có gì hơn. Chính vì vậy nên thu nhập cũng bị giới hạn bởi thời gian và công sức. Một ngày chỉ có hai mươi bốn tiếng, cho dù làm nhiều cỡ nào đi nữa thì cũng không vượt hơn được.

Cũng đừng nên so sánh thu nhập cao hơn với một nhân viên văn phòng. Nếu quy chuẩn bằng cách trừ tiền bảo hiểm, y tế, thuế và số giờ làm việc thì không hơn là bao.

Ví dụ một shipper có thu nhập 20 triệu mỗi tháng.

1. Anh ta phải chạy liên tục không nghỉ.

1. Trừ 32% tiền Bảo Hiểm Xã Hội, tầm 3% cho 2 tuần nghỉ phép, thì 20 triệu kia bây giờ chỉ còn 13 triệu.

2. Đó là chưa tính tiền xăng và hao mòn xe. Nếu tính thì còn tầm 10 triệu.

Bạn thấy vấn đề chưa. Một nhân viên văn phòng tuy có lương khởi điểm thấp nhưng có tiềm năng phát triển hơn. Mới vào làm thì chỉ 5 triệu, nhưng sau này sẽ lên 10, 20, 30 hay 40 triệu. Còn tài xế shipper sau 40 năm vẫn có mức thu nhập cố định đó chứ không hơn.

Đó là vì sao trong mắt các cô gái đang tìm kiếm người yêu hoặc người chồng tương lai, shipper không có chỗ đứng. Trong mắt cô ta, bạn không khác nào một người không có định hướng, kỹ năng và tầm nhìn dài hạn.

Ở Mỹ thì cộng đồng shipper cho Uber và DoorDash rất sôi nổi. Nhiều người kiếm được hơn $100,000 mỗi năm. Nhưng họ luôn thừa nhận và nhấn mạnh rằng chỉ nên làm việc này tạm thời trong lúc đang theo đuổi cái khác. Đó có thể là phát triển kênh YouTube, dự án kinh doanh, học tập hay công việc chính có tiềm năng hơn. Vì họ thừa biết rằng trong tương lai họ sẽ cạn kiệt sức khỏe và bị máy móc thay thế.

Nếu bạn còn trẻ thì đừng có mãi mê với số tiền trước mắt của shipper mà quên đi cái dài hạn. Bạn có thể làm tạm nhưng phải có dự tính dài hạn. Lúc này thì công việc shipper chỉ là công cụ để nâng đỡ. Đừng khóa mình trong màu áo xanh vì bạn có thể đi xa hơn.

Đó là vì sao shipper chỉ là công việc chứ không phải sự nghiệp.

Nguyễn Trọng Nhân | Bóc Phốt Tài Chính, 04.3.2022