Sau 35 tuổi tìm việc bằng CV là thất bại, sự khốc liệt của thị trường lao động Việt Nam

“Sau 35 tuổi mà bạn còn rải CV để tìm việc, thì đó không khác gì một thất bại.”

Hay ít ra, nó là suy nghĩ của một giám đốc nào đó. Mặc dù có thể chỉ là một nhận xét cá nhân, nhưng là tư duy phổ biến hiện nay. Đây không phải là bài đả kích riêng ai, mà là sự phân tích ở góc độ cá nhân và xã hội.

Bạn có thể tức giận và phẫn nộ, nhưng có một thực tế không thể chối cãi, là tuổi tác ảnh hưởng ít nhiều đến cơ hội tìm việc của một người. Bạn sẽ nhận ra điều này khi đi tìm việc sau tuổi 30. Ở một thị trường lao động cạnh tranh như Việt Nam, nhà tuyển dụng có quá nhiều lựa chọn. Nó phản ánh độ tuổi bình quân của dân số, giai đoạn phát triển kinh tế, và sự mất cân bằng trong lực lượng lao động.

Sau một hồi suy ngẫm và phân tích, mình chợt nhận ra vấn đề.

Đọc các tin tuyển dụng trong nước, các doanh nghiệp thường ghi rõ yêu cầu về tuổi tác.

  • Tuyển nhân viên kinh doanh: tuổi 18 đến 30.
  • Tuyển chuyên viên marketing: tuổi không quá 35.
  • Tuyển nhân lễ tân: có ngoại hình là một lợi thế.

Nhiều nơi còn yêu cầu bạn phải cung cấp Facebook, Instagram, và gửi tấm ảnh chân dung đến. Tuy không rõ mục đích là gì, nhưng nếu phải suy đoán, đó chính là họ muốn coi bạn có trẻ và xinh đẹp hay không. Nhất là đối với các vị trí cho nữ giới.

Nếu bạn đã đi du học hay sống ở các nước khác một thời gian, bạn sẽ dễ sốc khi nhìn lại thị trường lao động trong nước. Có chuyên môn và giỏi thôi vẫn chưa đủ, bạn phải có ngoại hình và tuổi không quá lớn.

Trong khi ở các nước phát triển khác, việc tuyển dụng dựa theo giới tính, ngoại hình, chủng tộc, hay tuổi tác là điều cấm kỵ. Không những vậy, nhiều lãnh thổ coi đó là phạm pháp. Thứ duy nhất quan trọng cần được cân nhắc chính là năng lực của ứng viên.

Mình đã nói chuyện và tìm hiểu vấn đề với các bạn bè trong và nước. Hãy coi đây là lời tâm sự của một người trên 30 tuổi.

Trước tiên, bất cứ ai cũng có ý kiến riêng. Không phải điều gì một giám đốc, tiến sỹ, hay ngôi sao nói cũng đúng. Nó chỉ là nhận xét của cá nhân họ chứ không đại diện cho đại chúng.

Như một bài nghiên cứu, nó chỉ là góc nhìn của một người với bằng chứng được củng cố. Nó không hề mang tính tuyệt đối vì sẽ luôn có người có quan điểm ngược lại. Trừ khi bạn là Tạo Hóa, thì tất cả những thứ còn lại đều mang tính đa chiều. Cho nên, đừng coi một lời nói trên mạng xã hội là sự thật hay là điều hiển nhiên.

Theo mình, có vài lý do giải thích vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại lựa chọn ứng cử viên dựa theo tuổi tác và quan điểm “Tìm việc bằng CV sau 35 tuổi là thất bại” lại được tán thành.

  1. Thị trường lao động Việt Nam quá thừa người trẻ.
  2. Tính cạnh tranh cao nên đào thải rất nhanh.
  3. Quy định chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội.
  4. Doanh nghiệp Việt không có động lực gì để cải thiện.

Thị trường lao động Việt Nam quá thừa người trẻ

Tuổi bình quân ở Việt Nam chỉ là 32 năm với 52.4 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Chúng ta là một trong những nước có dân số trẻ nhất.

Để so sánh, đây là độ tuổi bình quân ở các nước khác vào năm 2023.

  • Úc 38
  • Mỹ 38
  • Pháp 41
  • Anh 40
  • Hàn Quốc 43
  • Nhật 48

Bạn không cần phải là chuyên gia để thấy sự khác biệt. Tuy độ tuổi bình quân chỉ trẻ hơn 10 năm so với các nước đã phát triển, nhưng nó là một thế hệ lao động. Cộng thêm yếu tố lịch sử, chúng ta chỉ mới thực sự mở cửa giao thương với thế giới sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào năm 1995. Cho đến nay, chỉ gần 30 năm.

Giai đoạn đó đã tạo ra một vấn đề ít ai nói đến: một thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp. Trong số đó, ít ai được ăn học, có trình độ, và cơ hội để tiến thân. Khi thị trường mở cửa, họ như bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển.

Cho đến nay, chúng ta vẫn là một nước đang phát triển với GDP đầu người $4,000. Theo đánh giá của World Bank, chỉ 30% lao động Việt Nam có trình độ và kỹ năng chuyên môn.

Chính điều này đã tạo ra sự dư thừa trong lực lượng lao động. Kết quả là người nhiều mà việc ít. Khi một doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng, họ nắm tất cả lợi thế. Vì số lượng người cần việc quá nhiều nên họ tha hồ lựa chọn.

Từ đó, chúng ta có những yêu cầu mà các nước khác ít thấy. Bao gồm tiêu chuẩn tốt nghiệp ở các trường hàng đầu, sở hữu ngoại hình, và không được quá 30 tuổi. Nếu bạn không đồng ý, thì sẽ luôn có người khác sẵn lòng. Cho nên dẫn đến vấn nạn sau.

Tính cạnh tranh cao nên đào thải rất nhanh

Có một câu nói dân văn phòng ở Sài Gòn và Hà Nội hay chia sẻ với nhau, đó là “Nếu không lên được chức quản lý trước 30 tuổi, coi như sự nghiệp thất bại.” Đây không phải là một bài nghiên cứu, cũng không có một thống kê toàn quốc nào để chứng minh. Nó chỉ là lời các nhóm bạn hay nói với nhau dựa trên quan sát.

Sở dĩ mọi người nói vậy là vì nó ít nhiều phản ánh thực tế. Đó là thị trường lao động Việt Nam đào thải rất nhanh và khốc liệt. Nó bắt đầu từ thời trung học, đại học, cho đến các công ty lớn.

Ở các nước phát triển khác, một cá nhân bình thường có thể học một trường tầm trung, rồi có một công việc lương cao. Nó đủ để có một sự nghiệp ổn định và mua căn nhà. Nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, chúng ta chưa có tích lũy đủ sự thặng dư và đạt được năng suất tương tự.

Cách duy nhất để bạn tiến thân là phải nằm ở trong tốp của tốp. Các thanh niên ở Mỹ và Úc hay phàn nàn về tính cạnh tranh, nhưng xét thực tế, nó chưa là gì so với ở các nước như Trung Quốc và Việt Nam, nơi sự cạnh tranh được nhân lên chục lần từ nhỏ đến lớn.

  • Khi đang ở tiểu học, cha mẹ đã định hướng con cái vào trường chuyên. Còn không thì phải là trường điểm hàng đầu trong khu vực.
  • Khi đang ở trung học, cha mẹ đã gây áp lực để con cái phải đậu vào các trường đại học tốp đầu. Ở Việt Nam thì đó chính là những Bách Khoa, FTU, Kinh Tế Quốc Dân, hay Đại Học Quốc Gia.
  • Những gia đình khá giả hơn thì sẽ không ngại đầu tư tiền để con săn học bổng, du học nước ngoài, hay bét lắm là học trường quốc tế như RMIT.
  • Khi đang ở đại học, cha mẹ tiếp tục thúc đẩy con cái phải đứng đầu bảng điểm để lọt vào các chương trình MT ở các công ty hàng đầu.
  • Nhìn chung, các bạn vẫn chưa được định hướng nghề nghiệp một cách đầy đủ khi còn trung học. Do đó, khả năng chọn ngành học khác với điểm mạnh của bản thân là phổ biến. Điều này lại tạo ra một lực lượng lớn lao động muốn đổi nghề khi qua tuổi 30.

Khi bạn nộp CV, các công ty sẽ sàng lọc dựa dựa theo tên trường. Trừ khi bạn có tiền hay quan hệ sẵn, thì cạnh tranh ở trường là cách tiến thân duy nhất. Nếu bạn nghĩ tỷ lệ chọi 5 hay 30% ở Mỹ Âu là mệt, thì ở Việt Nam, tỷ lệ thật là dưới 1%.

Chính vì điều này, nên thị trường đào thải nhanh và không quan tâm bạn cố gắng thế nào. Chỉ cần bạn ngừng lại vài năm, khi đi tìm việc lại, bạn phải cạnh tranh với cả ngàn người.

Đó là vì sao trong chục năm trở lại đây, một trong các xu hướng phổ biến nhất là xuất khẩu lao động. Các cử nhân khi không tìm được việc với mức lương đủ sống, họ chọn sang các nước khác. Để hình dung, tính đến năm 2023, đã có tầm 500,000 lao động Việt Nam đang ở Nhật. Chưa tính những Hàn Quốc hay Đài Loan.

Quy định chưa bắt kịp sự phát triển của xã hội

Sự dư thừa về số lượng lao động và khan hiếm việc làm, đã cho doanh nghiệp lợi thế trong tuyển dụng. Nó là sự bình thường của thị trường. Nhưng chính điều này đã vô tình bất công đối với những nhóm người như:

  • Các bà mẹ muốn trở lại làm việc sau vài năm ở nhà chăm con. Họ chưa lên chức quản lý và phải cạnh tranh với các bạn trẻ hơn mình 10 tuổi.
  • Những người muốn làm lại cuộc đời. Đó có thể là anh kỹ sư xây dựng, muốn đổi sang ngành truyền thông, hay cô giáo viên muốn làm công việc văn phòng.
  • Những người mắc sai lầm trong quá khứ.

Trong lớp thạc sỹ mình đang học, đa số học viên trên 30 tuổi. Có người trên 40 tuổi và đi học lại để đổi ngành. Người ta coi đó là điều bình thường. Nhưng nếu ở Việt Nam, sẽ cực khó để bạn làm điều đó vì những lý do nêu trên.

Luật pháp của chúng ta chưa bắt kịp với sự phát triển của xã hội và vô tình dẫn đến khoảng cách cơ hội. Một bà mẹ 30 tuổi sẽ lấy đâu ra nhan sắc hay tuổi trẻ để đáp ứng yêu cầu?

Doanh nghiệp Việt không có động lực gì để cải thiện

Hiện tại, vì dân số còn trẻ, nên người ta coi các yêu cầu về tuổi là bình thường. Các giám đốc có thể thoải mái yêu cầu nhân viên phải trẻ đẹp, học vấn cao, và tuổi không quá già. Nhưng sau này, khi dân số già, đó sẽ là một sai lầm. Các nước kia đã phát triển rồi, còn chúng ta thì chưa.

Nếu chỉ chờ các công ty săn đầu người chào đón, thì có lẽ cơ hội sẽ không đến với bạn. Việc rải CV để tìm việc là một điều bình thường dù là ở tuổi 20 hay 30. tỷ lệ phổ biến giữa số lượng nhân viên và quản lý trên thế giới là 10-1. Điều này có nghĩa là không phải ai cũng làm quản lý. Không lẽ p hần còn lại đều thất bại? Có người làm sếp thì phải có người làm nhân viên.

Chúng ta có nhiều suy nghĩ tiêu cực dành cho người lao động trên 30 tuổi, như:

  • Thiếu sự linh hoạt
  • Thiếu sáng tạo
  • Bận gia đình nên không dấn thân

Nhưng là một người trên 30 tuổi, mình không đồng ý với các định kiến này. Người trên 30 tuổi có nhiều kiến thức xã hội và kinh nghiệm sống để áp dụng trong công việc.

Ví dụ là kênh YouTube này, nếu quay lại thời 20 tuổi, mình sẽ không biết nói về cái gì vì lúc đó còn quá trẻ. Bây giờ, khi đã va chạm với xã hội đủ nhiều, mình tự dưng có nhiều ý tưởng. Như làm về địa lý, cuộc sống, phân tích, hay giáo dục.

Tuổi thọ bình quân là 70 năm, 35 tuổi chỉ là phân nửa cuộc đời. Doanh nghiệp nên thay đổi tư duy để bắt kịp với xã hội. Nhưng cho dù có nói gì đi nữa, thực tế vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn là một nước trẻ và doanh nghiệp có quá nhiều lựa chọn. Không có động lực gì để họ cải tiến.

Nếu bạn sau 35 tuổi mà vẫn rải CV để tìm việc, thì đừng lo, đó là điều bình thường. Không phải cái gì bạn đọc trên mạng xã hội cũng đúng.

Nguyễn Trọng Nhân, 25.4.2024