Nước nghèo tăng trưởng nhanh, nước giàu tăng trưởng chậm

Đan Mạch tăng trưởng âm

Đan Mạch được mệnh danh là đất nước hạnh phúc nhất thế giới khi liên tục nằm trong top các quốc gia đang sống. Người dân nơi đây có gần như tất cả bạn có thể ao ước. Một hệ thống quản lý đa nguyên, nền kinh tế thị trường cởi mở và cảnh đẹp quanh năm.

Ngoài ra, Đan Mạch luôn khiến nơi khác ghen tị khi được hưởng những cơ chế an sinh xã hội không thể nào chê được. Từ giáo dục miễn phí, y tế miễn phí, trợ cấp thất nghiệp cho đến hưu trí.

Không những vậy, đất nước nhỏ bé này còn có nhiều thành tích tiêu biểu khác.

  1. Hạng 1 quốc gia lý tưởng nhất để sinh con. Dựa theo US News.
  2. Hạng 1 quốc gia có môi trường thân thiện nhất. Dựa theo World Population Review.
  3. Hạng 5 quốc gia đáng sống nhất cho phụ nữ. Dựa theo CEOWorld.
  4. Hạng 10 tự do kinh tế. Theo Heritage Foundation.

Tất cả gần như hoàn hảo. Đó là vì sao khái niệm “Hygge” được phổ biến như cách sống hạnh phúc của người Đan Mạch. Vì khi bạn không phải lo lắng về nghèo đói, việc làm, thu nhập, tai nạn, bệnh tật hay những chuyện khác gì thì cuộc sống không có gì ngoài hạnh phúc.

Hygge, nghệ thuật sống của người Đan Mạch

Nhưng trên giấy, Đan Mạch chẳng khác nào như một nơi chậm phát triển. Mặc dù mỗi người dân sản xuất ra trung bình $60,000 nhưng GDP liên tục tăng trưởng âm hoặc dao động ở mức 1 đến 2 phần trăm mỗi năm. Thậm chí, dựa theo World Bank, lần cuối nơi này có mức tăng trưởng GDP trên 5 phần trăm là vào năm 1994, gần ba thập niên về trước.

Vấn đề với Đan Mạch, những nước Mỹ Âu tương tự chính là họ đã đạt đến đỉnh của sự phát triển. Vì lượng vốn quá dư nên lãi suất của đồng Krone hiện tại là -0.6%. Nghĩa là thay vì ngân hàng trả tiền lãi cho người gửi, thì người gửi phải làm điều ngược lại.

Nhưng chẳng vấn đề gì vì đó được coi là điều bình thường hơn mấy chục năm nay.

Việt Nam tăng trưởng nhanh

Trong khi đó, Việt Nam đang chứng kiến sự trái ngược. Thay vì có mức âm hoặc thấp, mỗi năm chúng ta tăng trưởng 6 đến 10%. Với GDP đầu người khoảng $3,000, xu hướng này chưa cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Để so sánh thì đây là nhận xét của Louis Nguyễn, một “Cá Mập” trong chương trình Shark Tank Vietnam.

“GDP ở Việt Nam tăng 6-7% qua mỗi năm. Còn ở Mỹ chỉ khoảng 2-3% là họ vui lắm rồi. Các bạn đang sống ở một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất thế giới.”

Điều này liệu có đúng và chúng ta có nên tự hào không. Để nhận xét thì chúng ta trước tiên phải hiểu vấn đề.

Ngộ nhận về GDP?

Trước tiên, chúng ta cần nắm rõ GDP là gì?

GDP là công thức tổng kết tổng sản lượng sản xuất của nền kinh tế trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Từ lâu, nó đã được sử dụng để đo lượng của cải nhưng cũng bị chỉ trích khá nhiều bởi các học giả. Lý do đơn giản, nó chỉ cho thấy tổng giá trị sản xuất là gì nhưng không hề nhắc đến chất lượng hoặc chi phí phải trả.

Giả sử bây giờ một nhà máy sản xuất $100 triệu nhưng lại gây thiệt hại môi trường. Vậy sự tăng trưởng đó có đáng gọi là thịnh vượng không.

Ngược lại, một nhà máy dùng vốn để nghiên cứu phát triển môi trường để giảm thiểu chất thải. Trong khoảng thời gian đó thì sản xuất ít hơn nhưng trong dài hạn thì chất lượng sống của khu vực xung quanh sẽ tốt hơn.

Nhưng GDP sẽ không phản ánh điều này.

Vì bị lạm dụng quá mức nên đôi lúc GDP làm con người quên đi ý nghĩa thật. Nó chỉ là một công thức hiện đại được sử dụng từ năm 1944 đến nay để tham khảo, chứ không nên được coi là tuyệt đối.

Việt Nam từ 1986 đến nay

Vào năm 1986, sau khoảng thời gian dài khép kín, kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại với chính sách Đổi Mới. Cột mốc quan trọng khác là năm 1995 khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Rồi năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế [WTO]. Kể từ đó, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ khi vốn đầu tư quốc tế liên tục được rót vào.

Những Samsung và Apple bây giờ đã bắt đầu chuyển gia công từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Các doanh nghiệp quốc tế cũng tranh đua khai thác thị trường này.

Kết quả được trông thấy rõ rệt. Vào năm 2000, GDP đầu người của Việt Nam chỉ $300. Nhưng vào năm 2020 đã tăng gấp 10 lần, lên $3,000. Tính trung bình là tăng 10-12%, một con số đáng ghen tị.

Vậy tại sao lại có hiện tượng này.

Đó là vì khi là một nền kinh tế non trẻ và vừa mở cửa thì vẫn còn nhiều thứ để khai thác. Hàng loạt khu dân cư cần xây dựng, cơ sở hạ tầng cần triển khai và việc làm cần tạo ra để người dân có thu nhập. Chỉ cần đi dạo phố, bạn sẽ thấy cơ hội khắp nơi. Nếu vốn của bạn được đầu tư vào đúng thời điểm, nó sẽ nhân lên chục lần bằng lãi kép.

Đó cũng là mục đích. Để thuyết phục người khác đến rót vốn thì mức tăng trưởng phải đủ cao để bù đắp cho rủi ro. Nhà đầu tư có lợi nhuận cao, người dân có việc làm, đôi bên đều có lợi.

Mỹ bão hòa phát triển

Còn ở Mỹ, nơi ông Louis Nguyễn đã làm việc, thì đã quá phát triển. Với GDP $65,000 trên đầu người, cơ sở hạ tầng đã được xây và các doanh nghiệp đang định hướng nền kinh tế toàn cầu, thì cơ hội tăng trưởng ngày càng ít. Bởi vì không còn cái gì để làm nữa.

Trường học, phim ảnh, quán ăn, trung tâm mua sắm, bệnh viện, khách sạn và công nghệ? Tất cả đã có sẵn. Mức tăng trưởng 2-3% kia là dấu hiệu cho thấy thị trường đã bão hòa.

Cũng như trường hợp của Đan Mạch, cơ hội ít dần khi mọi thứ đã trở nên dư thừa. Cho dù bây giờ bạn có vốn thì cũng không biết nên để vào đâu.

Đó là vì sao thay vì đầu tư trong nước, các doanh nghiệp Mỹ Âu lại chọn ra nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Việt Nam là một trong những điểm đến đó.

Vậy chúng ta có nên tự hào không. Nên, vì xét toàn diện thì mọi thứ đã được cải thiện rất nhiều. Từ đời sống, nhà cửa, việc làm cho đến môi trường, mọi thứ dần tốt hơn.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chúng ta đánh đồng tăng trưởng nhanh và cao với giàu có. GDP chúng ta tăng cao có nghĩa là còn nhiều lĩnh vực cần đầu tư và quan tâm. Còn GDP của họ tăng thấp là vì họ đã đạt đến đỉnh.

Việt Nam chúng ta có thể tăng trưởng nhanh hơn phải mất vài chục năm mới bắt kịp họ. Nên nhớ 2% của $60,000 là $1,200. Còn 10% của $3,000 chỉ là $300. Đó là khoảng cách siêu lớn.

Suy ngẫm về Việt Nam

Hãy chạy một vòng thành phố. Bạn sẽ thấy nhiều người ăn xin, bán vé số và lao động trẻ em.

Ngoài ra, chúng ta nên suy ngẫm về những con số sau.

  1. Việt Nam xếp hạng 127 về GDP theo đầu người. Nghĩa là tuy có quy mô kinh tế lớn nhưng chất lượng thì chưa.
  2. Việt Nam xếp hạng 22 về ô nhiễm không khí. Dựa theo IQAir.
  3. Việt Nam có 60% người già không có lương hưu. Dựa Tổ Chức Lao Động Quốc Tế [ILO].

Với mức thu nhập chỉ $3,000 thì rất khó có cuộc sống tốt. Về mặt an sinh xã hội và chất lượng sống thì chúng ta còn phải làm rất nhiều.

Ngược lại, khi một quốc gia đã phát triển đến mức nhất định thì họ sẽ chuyển mình từ tập trung cho tăng trưởng sang cải tiến môi trường sống. Khi quá dư của cải thì con người sẽ quan tâm đến không khí, vệ sinh và an toàn hơn.

Các chính sách ở Đan Mạch và Mỹ trong những năm gần đây thiên về hạn chế khí thải, cải cách y tế và trách nhiệm xã hội. Lợi nhuận không còn là sự ưu tiên nữa mà họ muốn doanh nghiệp của mình phải thực hiện công ích, nhất là về môi trường. Để biến nơi đáng sống trở nên đáng sống hơn nữa.

Việt Nam đang mở cửa và có nhiều điều phải làm, cho nên cần phát triển hơn. Còn những Mỹ hay Đan Mạch thì đã phát triển và dư thừa, cho nên không còn đặt nặng thành tích nữa.

Đó là vì sao nước nghèo tăng trưởng nhanh, còn nước giàu tăng trưởng chậm.

Bóc Phốt Tài Chính | 27.10.2021

Leave a Comment