Nghệ thuật viết, quyền lực tâm trí của chữ

Nghệ thuật viết, quyền lực tâm trí của chữ | Viết là công cụ có thể cho phép một người bình thường ảnh hưởng đến công chúng bởi vì nó không chỉ là những chữ trên màn hình mà là tâm trí con người. Những ai nắm được nghệ thuật này sẽ luôn có chỗ đứng trong xã hội và đạt được thành tựu ở quy mô vô hạn. 

Đây có thể là bài hướng nghiệp, tâm sự hoặc cả hai về ngành nội dung từ một người tay ngang. Hy vọng các bạn sẽ có chút cảm hứng để tiếp tục theo đuổi.

Nếu bạn tò mò tôi vô tình đến với “Nghề Viết” thế nào thì đây có thể được coi là lời kể về hành trình đó. Tôi không tin vào hư vô nhưng trường hợp này giống như từ trên trời rơi xuống.

Thay vì trả lời hàng trăm câu hỏi tương tự thì tôi sẽ tiết kiệm nhiều công sức cho tất cả. Còn với những ai sau này sẽ làm việc chung thì sẽ dễ dàng hơn nếu biết tôi tư duy thế nào.

Trước đây khi còn là một học sinh trung học, tầm 14 hay 15 tuổi gì đó. Có một lần tôi nói với mẹ “Sau này con muốn làm nhà văn, nhà thơ.” Câu trả lời của bà ta đã ít nhiều đẩy tôi theo hướng nghiệp khác về sau, “Nhà văn không có ông nào giàu hết.”

Thời đó thì đúng thật, tôi chẳng biết một người nào có thể kiếm được tiền từ văn cả. Vào lúc đó thì có cơn sốt Harry Potter và nó cũng ít nhiều thay đổi quan điểm về nghề văn. Tác giả JK Rowling đi từ một người thất nghiệp thành triệu phú từ việc bán sản phẩm trí óc.

Nhưng xét tổng quát thì nhà văn là cái gì đó không được coi trọng. Có lẽ là vì tác động của một thời kinh tế cơ cực, khi chưa khá giả thì những ngành sáng tạo khó mà phát triển vì con người chưa có nhu cầu.

Khi lên đại học thì tôi cũng không theo ngành sáng tạo mà là kinh tế rồi đi làm vài chỗ khác nhau. Chẳng liên quan gì tới viết hết. Tôi tạm nghỉ một thời gian để đi phượt đó đây, rồi cũng không làm gì. Blog hay YouTube lúc đó là thứ mơ hồ.

Cho tới tận đầu năm nay thì tôi mới chủ động tham gia công khai và thường xuyên. Vì sao tôi phải chờ lâu để làm vậy thì có lẽ không có câu trả lời.

Nhưng khi nhìn lại thì đó không phải là khoảng thời gian vô ích mà là sự tích lũy của kinh nghiệm và vốn xã hội. Để rồi bây giờ khi đã trải qua hơn ba thập niên cuộc đời thì mới ngồi đây biến những gì mình đã tâm tư thành chữ và bạn chính là người đang đọc đó. Vì nếu không thì tôi chẳng có gì để kể lại, cũng không có câu chuyện gì để nhận xét hay ý tưởng để thực hiện mà chỉ là một khoảng trống.

Vậy viết ở đây là gì. Tôi thực sự không thích dùng từ này vì nó dễ gây hiểu lầm, tôi ưa thuật ngữ “Tạo nội dung” hơn. Dù cả hai đều cùng là một hành động nhưng khoảng cách vô cùng lớn.

Viết mang hàm ý tự phát, cái tôi và không định hướng. Bất cứ ai cũng viết được vì nó không có gì khó, bạn chỉ cần cây bút hoặc bàn phím. Thậm chí, bạn đang làm điều đó ngay lúc này. Vì nó quá dư thừa nên không ai coi nó là tài sản, giống như cát bụi vậy.

Còn “Tạo nội dung” mang hàm ý nghệ thuật, có đầu tư thời gian nghiên cứu, có mục đích, có đối tượng và có chút giải pháp cho vấn đề. Đây chính là điều người khác cần. Dù là một công ty làm sản phẩm cần người làm nội dung để kết nối với khách hàng, một nhà làm phim cần kịch bản hay một người phát triển YouTube cần ý tưởng cho clip tiếp theo.

Hãy nhìn xung quanh, tôi đố bạn có thể đi đâu đó quá lâu mà không phải va chạm với nội dung. Dù đó là Facebook, bảng quảng cáo, phim, podcast, cuốn sách hay tờ báo. Tất cả đều phải được tạo ra bởi ai đó.

Người viết trong trường hợp này không chỉ còn ghép chữ ngẫu nhiên nữa mà phải tìm tòi, học hỏi, phân tích, suy ngẫm và trình bày cho đối tượng để đạt đến mức hiệu quả nhất. Chính điều này là yếu tố phân biệt giữa tầm thường và chất lượng. 

Để tạo một nội dung thì chỉ cần vài giờ. Nhưng quá trình tích lũy kinh nghiệm sống để dẫn đến giây phút đó lại mất vài chục năm. Nó đơn giản nhưng không dễ. Bất cứ ai cũng có thể gõ bàn phím nhưng không có nghĩa là tạo nội dung. Cũng như ai cũng có thể bấm Photoshop nhưng để thiết kế thì cần tư duy hay ai cũng có thể đá bóng nhưng để làm cầu thủ thì cần trình hộ hơn mức bình thường.

Nếu bạn xác định muốn dấn thân vào ngành này thì đừng coi mình là một người viết, vì đó chỉ là kỹ năng công cụ. Thay vào đó, hãy tự coi mình là một người giải quyết vấn đề trí tuệ cho xã hội. Con người luôn tò mò và chính vì điều đó nên mới cần đến sự tồn tại của bạn. Trừ khi Trái Đất này ngừng quay thì sẽ không có giới hạn để bạn phát triển.

Viết là cách bạn để lại dấu ấn cho đời. Có thể hiện tại chưa nghĩ đến nhưng tôi cá rằng vài chục hay trăm năm sau khi nhìn lại, sẽ có một ai đó biết đến sự tồn tại của bạn bởi vì bạn đã bỏ công lưu lại.

Khi đã giỏi viết rồi, bạn sẽ cảm giác mình có thể chinh phục thế giới. Đó không phải suy nghĩ hoang tưởng mà một trong những cách thế giới vận hành.

Đế Chế Rome có hơn 70 Hoàng Đế nhưng nếu hỏi ngẫu nhiên thì đa số chúng ta sẽ chỉ nhắc đến Caesar hoặc Aurelius bởi vì họ là hai người siêng tư duy và ghi khắc bằng chữ nhất. Binh sĩ và kiếm có thể là công cụ xây dựng đế chế nhưng chữ mới là thứ biến nó thành di sản ngàn năm dù nhiều công trình hữu hình không còn tồn tại nữa. Khi bạn đọc về câu chuyện đoàn quân bước qua sông Rubicon cho đến sự sụp đổ của Constantinople, thì đó là vì ai đó trước đây đã chấp bút lưu lại.

Còn trong thế giới hiện tại chúng ta đang sống, những ai nắm bắt nghệ thuật viết sẽ điều khiển tâm trí đám đông.

Nói về một chủ đề và biến nó thành một bài viết, bạn là Thomas Friedman. Phân tích vấn đề chuyên sâu và biến nó thành cuốn sách, bạn là Malcolm Gladwell. Tưởng tượng ra một tình huống hư cấu, bạn là Quentin Tarantino. Ghép những chữ vần với nhau rồi hát rap, bạn sẽ thành BinZ. Sàng lọc câu từ, nói trước ống kính và đăng lên YouTube, bạn là Giang Ơi.

Giá trị không nằm trong chữ mà với người thực hiện, đó là bạn. Chữ khi đứng riêng lẻ thì vô nghĩa, khi đi kèm với một thương hiệu cá nhân thì trở thành nội dung chất lượng cao. Thị trường sẽ thưởng cho bạn vì đã góp công vào kho tàng tri thức nhân loại.

Thế nào. Bạn còn coi thường nghề viết nữa không. Nó chỉ là những chữ ngẫu nhiên hay là đỉnh cao của tâm trí. Nó chỉ là thứ vô bổ hay một công cụ chinh phục. Nó là điều đơn giản hay là một nghệ thuật vạn người làm mà chỉ một người thành thạo. 

Tầm thường hay phi thường, vô nghĩa hay giá trị. Chính bạn là người quyết định vì tâm trí không có giới hạn.

Bóc Phốt Tài Chính | 17.4.2021

Leave a Comment