Ký ức bong bóng tài chính 2008

Mỗi thế hệ sẽ chứng khiến ít nhất một cái bong bóng tài chính. Vào thời điểm nội dung này được xuất bản vào tháng 11 năm 2022 thì VNIndex đã giảm 33% từ đỉnh, vài đại gia bất động sản lừng danh một thời đã bị bắt vì tội thao túng thị trường, lãi suất ngân hàng đã tăng lên 9% và một trong những câu được hỏi nhiều nhất là, “Liệu có giống năm 2008?”

Đó là một giai đoạn khó quên. Tiếc thay, thời gian trôi nhanh và phần lớn người trẻ bây giờ chưa hề biết gì hoặc quá ít. Mặc dù nhiều bài báo thời đó vẫn còn lưu giữ trên mạng, nhưng đọc là một chuyện, trải nghiệm là một chuyện khác.

2008 là bong bóng tài chính đầu tiên của Việt Nam.

Nếu bạn đã sống qua thời đó thì có lẽ bây giờ đã 30 đến 40 tuổi rồi. Mình cũng vậy. Cho nên xin kể lại những gì đã trải qua để thế hệ trẻ bây giờ biết chút về lịch sử kinh tế Việt Nam.

Trước tiên, chúng ta cần biết chút ít về bối cảnh thời bấy giờ. Tuy tiêu đề là về năm 2008 nhưng thực chất là những năm trước và sau đỉnh điểm đó.

  • Việt Nam chuyển mình từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường vào năm 1986.
  • Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995.
  • Việt Nam gia nhập tổ chức WTO năm 2007.

Nghĩa là khi bong bóng nhà đất và chứng khoán xảy ra, Việt Nam chỉ mới hòa nhập vào cộng đồng quốc tế và đa số người dân chưa hề biết kinh tế tư bản và thị trường chứng khoán là gì. Đợt đó là lần đầu tiên người Việt va chạm với biến động thị trường sau một khoảng thời gian dài sống trong bao cấp.

Vậy lúc đó chuyện gì xảy ra?

  1. Tô phở chỉ 10,000 đồng, ổ bánh mì vài ngàn. Bạn có thể sẽ nhớ đến tiếng hàng rong “Bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ. Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon.
  2. Tờ 500,000 đồng có giá trị cao và chỉ những ai khá giả mới sử dụng. Cầm tờ 500k là đủ cho nhóm ăn tối chứ không mất giá như bây giờ.
  3. Sốt đất khắp nơi và nhiều người trở thành đại gia nhờ bán đất. Giá cả nhảy điên loạn, nhân 2 nhân 3 chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều người trở nên giàu có trong giai đoạn này.
  4. Nhiều anh chị Việt kiều thấy giá đất lên. Ham quá nên nhờ người thân đứng tên mua. Rồi dẫn đến hàng tá vụ tranh chấp xảy ra khi lòng tham làm thay đổi con người.
  5. Những Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt và Đà Nẵng phất lên nhờ trúng đất. Huyền thoại về tăng trưởng kinh tế từ đó mà ra.
  6. Ở nhiều sàn bất động sản, bạn chỉ cần cọc tiền, tháng sau quay lại là bán có lời. Chuyện tưởng như đùa nhưng vào lúc đó, người ta coi là bình thường.
  7. Ngành tài chính ngân hàng được coi là hot nhất, thu hút thí sinh giỏi nhất và điểm chuẩn cũng cao tương đương. Muốn vào một khóa ở trường hàng đầu thì điểm phải ít nhất là 21, lúc chưa bị lạm phát điểm số như hiện nay.
  8. Các vị trí trong ngân hàng được coi là cực phẩm. Dẫn đến cơn sốt “lót tiền để chạy việc.” Bây giờ thì đỡ rồi.
  9. Lãi suất tiết kiệm lên 19%. Chính phủ áp mức trần nhưng nhiều ngân hàng vẫn lách để nâng lãi suất lên cao hơn nữa. Người dân ham quá nên gửi vô. Nhưng ít ai biết rằng tiền mất giá.
  10. Lãi suất cho vay thì 22-27%, tùy ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh toát mồ hôi vì lãi ăn sạch lợi nhuận.
  11. Tiền mất giá siêu nhanh. Các hộ kinh doanh phải thay đổi bảng giá sau vài tháng vì chi phí đầu vào tăng không trần.
  12. Người chơi chứng khoán đa số tới sàn ngồi, coi bảng giá rồi mua bán. Lúc đó iPhone chưa thịnh hành. Nếu muốn hòa mình vào cơn lốc chứng khoán, bạn phải đến sàn. Chứng khoán trở thành môn bóng đá và người mua là dân đánh cược.
  13. Báo chí liên tục đưa tin về những sinh viên phù thủy chứng khoán. Ai cũng coi mình là thiên tài. Thậm chí, nếu rảnh thì bạn có thể Google “2007 sinh viên chơi chứng khoán” để đọc lại những bài cũ và sẽ thấy sự cuồng nhiệt của thế hệ trẻ một thời.
  14. Khi ra quán cà phê, bạn sẽ thấy người ta mở laptop và bàn tán về chứng khoán. Người giàu, nghèo, già và trẻ đều sốt chứng khoán. Vì chỉ cần mua là lời, khỏi cần tài năng hay suy nghĩ gì. Kiếm tiền quá dễ.

Rồi 1-2-3 chứng khoán giảm từ từ và dẫn đến chuỗi ngày đỏ suốt mấy năm. Hàng loạt người mất trắng hoặc tài khoản giảm quá sâu. Trong cơn sốc, họ bán để bỏ chạy. Nhiều người kinh doanh vay ngân hàng vì gánh không nổi lãi suất trên 20% nên phá sản. Những tiêu đề về Việt Nam trở thành con hổ Châu Á không còn xuất hiện nữa.

Những người đã trải qua giai đoạn đó mất cũng không ít tiền nhưng nhận ra bài học là chụp giật không bao giờ bền. Đó là vì sao nhiều người sợ chứng khoán Việt Nam. Lần đầu cũng là lần cuối.

Như một bom tấn Hollywood. Nếu Mỹ có The Big Short thì có lẽ sau này, Việt Nam sẽ có bộ phim “Cuộc sụp đổ vĩ đại” cho riêng mình.

Bây giờ sau 14 năm, mọi thứ như được lặp lại. Phần lớn các bạn trẻ lúc đó còn học cấp 1-2 nên chưa trải qua nhưng bây giờ có thể sẽ đến lượt. Sóng nào cũng tạo ra người thắng, người thua, kẻ cuồng và kẻ hoang tưởng.

Cho nên không quá khó hiểu vì sao chỉ 6% dân số Việt Nam chơi chứng khoán. Không phải vì họ ngu ngốc mà vì trải nghiệm đầu tiên đã làm cháy túi họ rồi. Đó là ký ức bong bóng 2008.

Bóc Phốt Tài Chính, 04.11.2022