Hàng rong chặt chém, nguồn gốc của vấn nạn

Bạn có thể nhìn thấy nhiều điều chỉ trong một tấm ảnh. Tháng rồi, một du khách Tây đến Hà Nội và bị chặt chém ở đường Thụy Khuê. Cô bán hàng rong đã bán bịch trái cây với giá 200k. Trong khi đáng lẽ ra, nó chỉ có giá 50k.

Khi clip được xuất bản trên YouTube, nó đã thu hút không ít bình luận tiêu cực. Tiêu biểu nhất là “Hà Nội thế này, Hà Nội thế kia.”

Nhưng nếu chỉ nói vậy, bạn sẽ không thấy toàn diện vấn đề. Nó không công bằng với Hà Nội, Sài Gòn, hay bất cứ thành phố nào.

Nạn nói thách và trả giá là điều phổ biến ở các nước đang phát triển. Đi dạo ở trên đường, bạn sẽ không cảm thấy thoái mái khi được các gánh hàng rong chèo kéo. Đi vào các khu chợ, khi biết mính phải trả giá cao hơn người địa phương, năng lượng tham quan cũng không còn.

Nếu là một du khách ở các nước tiên tiến đến chơi, bạn sẽ ít nhiều cảm thấy mệt mỏi vì phải luôn hỏi giá trước khi mua. Về mặt tâm lý, nó mang lại cảm giác phân biệt. Còn về hình ảnh, nó là sự thiệt hại về thương hiệu.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại tấm ảnh để hiểu nguyên nhân dẫn đến nạn chặt chém.

Một đất nước đang phát triển

Quan sát, chúng ta dễ thấy đường phố chật hẹp và không hiện đại. Xe thì ngừng ngược chiều và vỉa hè thì nhỏ. Cho thấy đây là một nước đang phát triển nên cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Từ đó tạo nhiều vấn đề cần được giải quyết. Nếu bạn là du khách thì sẽ dễ sốc.

Quá khứ bao cấp

Cô bán hàng rong tầm 50 tuổi, còn tầm 10 năm nữa là về hưu. Mặt cô ấy có nhiều vết nhăn, cho thấy một quá khứ không dư dả về vật chất. Cô ấy sinh ra trong một giai đoạn kinh tế cơ cực. Vì không thể tìm hiểu quá sâu nên chúng ta chỉ nhận xét những cái hiện diện trước mắt.

Nhiều người thuộc thế hệ này không được đến trường và phải đi làm từ nhỏ. Cộng thêm thời kỳ bao cấp, cái khổ bị nhân lên. Khi kinh tế bắt đầu mở cửa thì vẫn chưa có nhiều cơ hội để tiến thân.

Đi bộ trên bất cứ đường phố nào, bạn cũng sẽ thấy cảnh này.

Thiếu cơ chế an sinh xã hội

Sao đến bây giờ vẫn phải đi bán hàng rong? Vì cô ấy thích hay vì thiếu cơ chế an sinh xã hội. Theo báo cáo của nhà nước, 16 triệu người sẽ không có lương hưu vào năm 2030. Chỉ 35% người cao tuổi có tiền trợ cấp hưu trí.

Ở các nước phát triển, bạn hiếm khi nào thấy cảnh người già bán hàng dạo, bán vé số, hay ăn xin. Vì khi đạt đến mức phát triển nhất định, nền kinh tế sẽ có đủ thặng dư để chăm sóc người già.

Tiếc thay, điều tương tự chưa tồn tại ở các nước đang phát triển. Vì thiếu nền tảng bao bọc, mọi người phải tự lo cho bản thân. Bán hàng rong là một trong những kế mưu sinh độc lập. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực dẹp bỏ, nhưng chỉ sau một thời gian, mọi thứ lại như cũ.

Giá mặt bằng đắt đỏ

Thụy Khuê nằm kế Hồ Tây. Đây là một con đường đắt đỏ thuộc vị trí trung tâm. Giá thuê mặt bằng dao động là 20 đến 100 triệu đồng mỗi tháng. Còn giá đất không dưới 150 triệu đồng/m2. Có tiền chưa chắc mua được vì ít ai bán. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến cách buôn bán. Vì không đủ tiền thuê mặt bằng nên nhiều người chọn bán trên vỉa hè hoặc hàng rong. Từ đó tạo ra mô hình kinh doanh du kích, bán nhanh rút gọn.

Bất ổn giá cả và thiếu niềm tin

Khi đi mua một ly cà phê ở Mỹ hay cái bánh ở Châu Âu, bạn sẽ ít cảm thấy giá cả biến động. Mặc dù giá hàng hóa trên thị trường lên xuống liên tục, nhưng các doanh nghiệp luôn có cơ chế giao dịch để bình ổn giá. Một ly Starbucks tháng rồi có giá $5, tháng sau nó cũng có giá $5. Nếu có tăng, họ sẽ thông báo để khách hàng chuẩn bị tâm lý. Điều tương tự với bánh Big Mac hay thịt gà bạn mua trong siêu thị.

Một điều đơn giản mà tất cả chúng ta đều coi là hiển nhiên là một kết quả của hàng trăm năm phát triển. Để làm được thì cần cơ chế tiền tệ ổn định, lạm phát thấp, luật pháp minh bạch, môi trường thân thiện, và chính sách phẳng.

Cửa hàng có thể an tâm niêm yết giá vì họ tin chắc rằng số tiền họ nhận lại sẽ tương xứng. Người bán hàng có thể tự tin giữ ổn giá hàng hóa vì họ tự tin là doanh thu và chi phí sẽ không lên xuống quá nhiều.

Nhưng ở các nước đang phát triển, đó là sự quý hiếm, nhất là cấp tiểu thương. Cái họ thiếu là sự ổn định về giá cả và kinh tế. Lối sống của họ không phải là có kế hoạch dài hạn, mà tìm mọi cách để sinh tồn qua ngày.

Ông bán bánh ở Afghanistan không chắc ngày mai sẽ còn bán được hay không, cô bán thịt ở Châu Phi không rõ giá bán sỉ sẽ tăng bao nhiêu, và tiểu thương ở Nam Mỹ không tự tin tờ tiền họ cầm trên tay liệu còn giữ được giá. Cộng tất cả những yếu tố đó lại, không có một lý do gì để con người buôn bán ổn định.

Tư duy chụp giật

Chính vì buôn bán với tư duy ngắn hạn, nên đã dẫn đến sự chụp giật về cư xử. Chụp giật là hành vi đến từ sự bất ổn về tâm lý và doanh thu. Người bán không biết chắc rằng hôm nay mình sẽ kiếm được bao nhiêu, ngày mai lợi nhuận là gì, và cuối tháng có đủ tiền không.

Cho nên tư duy buôn bán của hàng rong là: “Tôi sẽ tìm mọi cách để kiếm thật nhiều tiền trong ngày hôm nay. Nếu có xung đột thì cũng không sao. Vì mỗi ngày tôi bán ở một nơi khác nhau. Tôi cũng không có thương hiệu để bảo vệ.”

Thay vì niêm yết giá công khai, nhiều người tự định giá. Đó là vì sao ở các nước phát triển, bạn ít khi nào phải trả giá. Còn ở các nước đang phát triển, nói thách và trả giá là một nét văn hóa. Đây là vấn nạn chung ở các môi trường chưa ổn định. Bạn khó mà thuyết phục một số người dân có tư duy dài hạn trong khi họ chỉ biết kiếm sống qua ngày.

Nhưng không phải ai cũng vậy. Nếu để ý, những cơ sở kinh doanh có thương hiệu và mặt bằng cố định sẽ có suy nghĩ dài hạn hơn. Không phải vì họ tài giỏi hơn, mà vì họ thừa biết rằng nếu họ lợi dụng, khách hàng sẽ không quay lại và thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng. Điều này ép họ phải bình ổn giá và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Những Circle K, Aeon Mall, và Lotte là ví dụ tiêu biểu.

Càng phát triển theo hướng kinh tế tư bản, con người tự động có ý thức và hình ảnh và uy tín hơn. Xu hướng này không giới hạn ở Hà Nội hay Sài Gòn, mà là quy luật phát triển chung.

Nguồn gốc của vấn đề

Vật chất ảnh hưởng đến ý thức. Khi nhận xét một vụ việc gì đó, bạn phải có cái nhìn tổng quát về yếu tố giai đoạn phát triển, luật pháp, và cơ sở vật chất.

Theo phân tích cá nhân, chặt chém không phải là nét đặc trưng văn hóa, mà là kết quả của môi trường sống. Muốn dẹp bỏ nạn buôn bán chụp giật, thì tốt nhất phải xây dựng môi trường minh bạch. Khi thiếu sự ổn định về cuộc sống, chụp giật là cách con người giải quyết vấn đề. Còn khi đạt đến mức độ thịnh vượng nhất định, hành vi con người cũng được cải thiện theo.

Nói vậy không phải là biện hộ cho cái sai. Nhưng phải hỏi vì sao nó tồn tại. Đó là nguồn gốc của hàng rong chặt chém.

Nguyễn Trọng Nhân, 10.4.2024