Hãng hàng không Úc tuyển người mắc hội chứng Down

https://youtu.be/BkzRoQHAkUs

Vào tháng 7 năm 2024, một bài viết về hãng hàng không Virgin Airlines Australia đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nó cho thấy một cô nhân viên trong bộ đồng phục màu đỏ đang phục vụ khách hàng ở sân bay Melbourne.

Cô Alle Sayers đang làm cho một hãng hàng không, ở bộ phận dịch vụ khách hàng. Khác với suy nghĩ của nhiều người, cô ấy không có gương mặt của một người mẫu và cũng khó để trở thành một hot TikToker.

Thậm chí, cô ấy mắc hội chứng Down, cho nên không lanh lợi như người thường. Nhưng điều đó không cản trở cô trong công việc và trở thành nhân viên chính thức của hãng hàng không Virgin Airlines ở Úc, sau thời gian tập sự.

Theo nhận xét của ông Paul Woosnam, quản lý của hãng: “Năng lực của cô Alle không có gì để chê.”

Độc giả cảm động và chia sẻ câu chuyện. Ở dưới bình luận, phần lớn đều cảm mến Virgin Airlines vì chính sách tuyển dụng của họ trong nỗ lực đa dạng hóa nhân sự và thực hiện chính sách cộng đồng.

Thực hư của câu chuyện này là gì? Nếu nó nằm trong chiến dịch quảng bá thương hiệu của hãng Virgin đến cộng đồng thì cũng không có gì để lên án. Nhưng nếu nó thực sự xảy ra thì cũng không có gì bất ngờ. Từ lâu, các doanh nghiệp ở các nước tiên tiến luôn tìm cách để tạo việc làm cho những người khiếm khuyết.

Khi nhắc đến tiếp viên hay nhân viên hàng không ở Việt Nam, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến một cô gái xinh đẹp không khác gì người mẫu. Không chỉ hàng không, nhiều doanh nghiệp còn ghi rõ yêu cầu về ngoại hình và chiều cao trong bài tuyển dụng. Nó sẽ như sau:

  • Nữ cao ít nhất 1.58m.
  • Ngoại hình phải ưa nhìn. Đó là cách nói khác cho “Bạn phải xinh.”

Tuy không muốn so sánh, nhưng giả sử nếu cô Alle ở Việt Nam hay một nước đang phát triển nào đó, thì khả năng được chọn để làm nhân viên hàng không là bao nhiêu? Rất khó nói, nhưng cơ hội sẽ không nhiều và khả năng sẽ không cao.

Điều này nói lên ít nhiều về tư duy tuyển dụng và sử dụng tài nguyên con người giữa hai nền kinh tế. Một bên quá coi trọng hình thức bên ngoài, còn một bên thiên về năng lực.

Nếu đi sang những Mỹ, Châu Âu, hay Úc, bạn sẽ bất ngờ khi thấy tiếp viên hàng không là những phụ nữ 30-40 tuổi và nhiều nhân viên trong cửa hàng bán lẻ là người khiếm khuyết.

Bạn sẽ tự hỏi trong đầu: “Bộ mấy nước này thiếu người đẹp hay sao?”

Không. Họ chỉ ít coi trọng vẻ bề ngoại hơn. Nhưng nếu phải trả lời đầy đủ, thì lý do là như sau.

Luật cấm doanh nghiệp tuyển dụng dựa trên ngoại hình hay sắc tộc:

  • Đây có lẽ là lý do chính. Nếu đọc các bài đăng tuyển dụng ở các nước Mỹ Âu, bạn sẽ không bao giờ thấy họ ghi yêu cầu về chiều cao, giới tính, nhan sắc, chủng tộc, hay bất cứ yếu tố nào không liên quan đến chuyên môn.
  • Nó ép nhà tuyển dụng phải xét tất cả ứng viên dựa trên năng lực.

Doanh nghiệp có xu hướng thực hiện chính sách “Trách nhiệm xã hội” hay CSR:

  • Đó là khi các công ty không chỉ coi mình là tổ chức theo đuổi lợi nhuận, mà còn là thành viên góp ích cho cộng đồng. Vài ví dụ tiêu biểu là Walmart tuyển nhân viên khiếm khuyết cho các vị trí chăm sóc khách hàng, Starbucks trao học bổng cho nhân viên, và công ty luật hỗ trợ miễn phí các thân chủ nghèo.
  • Họ làm tất cả để xây dựng hình ảnh thân thiện trong mắt công chúng. Nó nằm trong chiến lược dài hạn để có chỗ đứng cố định trong tâm trí của người tiêu dùng. Ngược lại, họ được truyền thông tôn vinh và người tiêu dùng yêu mến. Lợi nhuận cũng từ đó mà ra.

Nhu cầu ngoại hình của người tiêu dùng:

  • Tuy không có nghiên cứu cụ thể nào, nhưng nếu sống ở các nước phát triển đủ lâu, bạn sẽ nhận ra rằng con người ở đây ít coi trọng ngoại hình trong công việc. Nói vậy cũng không chính xác, vì con người ở xã hội nào cũng thích cái đẹp. Khác ở mức độ là bao nhiêu.
  • Họ sẽ thiên về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hơn là cô tiếp viên kia có đẹp hay không. Đó là vì sao nếu đi các hãng bay ở Mỹ và Châu Âu, bạn sẽ thấy nhiều tiếp viên là phụ nữ trung niên, nhân viên ngân hàng là một người nhập cư da màu, và thu ngân siêu thị là một chú 50 tuổi.
  • Một trong những minh chứng là các hoa hậu trong những năm gần đây ở Mỹ Âu gần như không liên quan gì đến nhan sắc. Khán giả cũng ít quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp. Ví dụ, Miss United States 2024 vừa rồi chỉ thu hút 1 triệu người coi, con số thấp kỷ lục.

Tuy không muốn so sánh, nhưng theo quan sát cá nhân, Việt Nam và các nước Đông Á quá coi trọng ngoại hình. Nhất là với các vị trí nữ giới. Nó gần như là quy luật ngầm. Nó vô tình tạo ra một áp lực xã hội, nhất là với các cô gái, là họ phải đẹp vì nếu không thì sẽ không có chỗ đứng trong xã hội.

Nhưng không phải công ty nào cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp gần đây cũng bắt đầu chú trọng xây dựng hình ảnh trách nhiệm cộng đồng và tuyển dụng người khiếm khuyết.

  • The Coffee House tham gia dự án xã hội, “Bàn tay robot” Uplift. Nhằm khuyến khích người khiếm khuyết tìm việc làm.
  • Mỗi cửa Uniqlo Việt Nam tuyển một nhân viên khiếm khuyết. Chương trình nằm trong chiến lược phát triển bền vững của tập đoàn mẹ với mục tiêu tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng.
  • TokyoLife, thương hiệu tiêu dùng Nhật Bản, tuyển dụng hơn 150 nhân viên xưởng may là người khiếm khuyết. Cửa hàng của họ cũng có nhân viên với điều kiện tương tự.

Còn vô số doanh nghiệp khác đang học hỏi công thức xây dựng thương hiệu xoay quanh cộng đồng người khiếm khuyết. Người lao động cũng bắt đầu lên án các công ty có tiêu chuẩn ngoại hình quá vô lý. Sức ép từ người tiêu dùng cũng dần thúc đẩy các công ty thay đổi tư duy.

Quay lại câu chuyện ban đầu của cô Alle Sayers và Virgin Airlines ở Úc. Tuy nó mang tính hình thức và PR nhiều hơn là thực dụng, nhưng nó là một bài học về tư duy để chúng ta suy ngẫm.

Nguyễn Trọng Nhân, 13.8.2024