Khi miêu tả báo chí hiện tại, chúng ta hay dùng một câu chế nhạo, “Ngày xưa đọc báo để có kiến thức, còn bây giờ phải có kiến thức mới đọc được báo.”
Đây là một ví dụ.
- 1 trong 3 học sinh Úc không đạt chuẩn về đọc, viết, và tính toán.
- Học sinh lớp 9 ở Úc có trình độ viết ngang lớp 3.
- Việt Nam lọt vào tốp 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới
- Học sinh Mỹ học kém như 20 năm trước.
Có thể là bạn đã thấy nó được chia sẻ trên các diễn đàn. Nếu chỉ đọc tiêu đề và nội dung, bạn sẽ nghĩ rằng giáo dục Úc và các nước Phương Tây đang tụt hậu.
Đây không phải là lần đầu tiên. Mỗi năm, Úc sẽ tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực học sinh lớp 3, 5, 7, và 9. Gọi là NAPLAN, nó bao gồm bài kiểm tra đọc và tính toán. Mục đích là để đánh giá chất lượng giáo dục ở các trường nhằm cải thiện. Kết quả của năm 2024 cho thấy như sau:
- 10% học sinh đang tụt hậu nghiêm trọng so với bạn bè cùng trang lứa.
- 33% học sinh không đạt chuẩn về đọc, viết, và tính toán.
- 24% học sinh ở các trường vùng sâu vùng xa không đạt chuẩn.
Những con số đó không sai, nhưng cách báo chí trình bày sẽ khiến độc giả nghĩ rằng giáo dục Úc đang thất bại khi một phần ba học sinh không đạt tiêu chuẩn.
Nhưng, sự thật là gì?
Kết quả bài thi kiểm tra ở Úc và các nước phát triển luôn cho thấy ba loại học sinh như sau:
- Học sinh có điểm cao
- Học sinh có điểm trung bình
- Học sinh có điểm thấp
Đây là điều bình thường và tự nhiên ở bất cứ nơi đâu. Hãy suy ngẫm, trong một xã hội, số lượng học sinh giỏi luôn là thiểu số vì không phải ai cũng có năng khiếu. Nhưng điều đó không có nghĩa là học sinh điểm thấp là ngu ngốc.
Mục đích của bài kiểm tra không phải là để chạy thành tích, coi trường nào có nhiều điểm hơn, hay khu vực nào có nhiều học sinh giỏi hơn. Càng không phải để soi mói và so sánh hơn thua. Động cơ của bài thi đánh giá giáo dục là để:
- Kiểm tra chất lượng nhằm bảo đảm tính công bằng cơ hội. Khi học sinh ở khu vực nào đó có điểm kém hơn, bộ giáo dục sẽ chú trọng nhiều hơn để cải thiện tình hình.
- Đánh giá chương trình đào tạo nhằm cải thiện. Nếu có kết quả yếu thì nên làm gì để khắc phục.
- Định hướng nghề nghiệp và tương lai cho học sinh. Nếu ai đó có năng khiếu toán lý hoá thì sẽ học các môn tự nhiên. Còn lại sẽ được định hướng để học nghề, mỹ thuật, âm nhạc, và ngôn ngữ. Đó là vì sao từ năm lớp 8, học sinh có thể chọn các môn phù hợp với mình. Khi lên lớp 11, chỉ môn Tiếng Anh là bắt buộc, còn lại là tự chọn. Cái này tùy tiểu bang và nên nói ở lúc khác.
Sau khi có kết quả, những học sinh nào có điểm thấp sẽ được giáo viên và nhà trường để ý hơn. Nếu cần thì sẽ được dạy thêm để có thể đạt tiêu chuẩn. Đây là cách nhà trường bảo vệ quyền lợi của học sinh. Ở đâu cũng có học sinh giỏi và học sinh cần được giúp đỡ, quan trọng là hệ thống giáo dục sẽ làm gì để hỗ trợ.
Cho nên, hệ thống phải minh bạch trong việc đánh giá và tuyệt đối không được chạy thành tích ảo. Đó là vì sao bạn thường xuyên thấy các tiêu đề như sau:
- 2 trong 3 học sinh Mỹ không thể đọc
- ‘Báo động’: học sinh ở Đức đang tụt hậu ở kỹ năng đọc
- Điểm toán và đọc của học sinh Canada giảm từ năm 2018
Họ không giấu giếm mà công khai để khắc phục vì xã hội không có chuyện hoàn hảo và chủng tộc thưởng đẳng chỉ là khái niệm hư cấu.
Việc phát hiện học sinh kém là điều bình thường. Điều bất bình thường chính là nạn lạm phát học sinh giỏi. Nơi học sinh nào cũng đạt loại giỏi và điểm trung bình trở thành bất thường. Nơi số điểm học sinh không ngừng giảm nhưng số lượng thanh niên bỏ đại học để đi xuất khẩu lao động cũng không ngừng tăng. Đó là một mâu thuẫn không có lời giải đáp.
Úc, Mỹ, Canada, và Châu Âu luôn thừa nhận mình không hoàn hảo để khắc phục, chứ không núp sau thống kê để tự lừa dối bản thân. Mục đích của giáo dục là giúp đỡ học sinh đạt kết quả tốt nhất trong học tập và sự nghiệp, chứ không phải hơn thua về thành tích.
Đây là một ví dụ, chỉ 24% học sinh ở trường vùng sâu vùng xa đạt tiêu chuẩn về đọc viết.
Đó là vì đa số là học sinh của gia đình Thổ Dân ở các vùng xa trung tâm. Vì nhiều lý do, như tác động gia đình, cơ sở đào tạo, và cơ hội tiếp cận, nên kết quả giáo dục luôn thua kém học sinh ở thành thị. Nhưng nhờ biết vậy nên bộ giáo dục Úc luôn chú trọng và rót vốn mạnh hơn để cải thiện.
Còn nếu muốn đánh giá hệ thống toàn diện, chúng ta có thể nhìn các thành tích như sau.
- Úc đứng hạng 8 trong bảng xếp hạng quốc gia có nền giáo dục tốt nhất, năm 2021.
- Úc có 6 trường đại học nằm trong tốp 100 thế giới.
- Úc có hơn 780,000 du học sinh đang học tập, trong đó bao gồm tầm 25,000 người từ Việt Nam.
Chất lượng giáo dục không nằm ở điểm số, mà còn là cơ sở vật chất, hệ thống hỗ trợ, điều kiện kinh tế, cơ hội nghề nghiệp, và môi trường khai phóng. Trường học của họ không hoàn hảo. Nhưng ít ai, họ thừa nhận điều đó để phát triển.
Chúng ta có thể tự hỏi, nếu giáo dục Úc tệ đến mức 1 trong 3 học sinh không đạt chuẩn đọc viết, thì tại sao nhiều gia đình ở Việt Nam lại không ngại tiêu tiền tỷ để đưa con mình qua đây. Câu hỏi tương tự cũng nên áp dụng với các gia đình gửi con sang Mỹ, Canada, Anh, và Châu Âu.
Tại sao người ta lại tiêu tiền để đi từ một nước có thành tích cao sang một nước có thành tích tầm thường? Điều đó có lẽ không cần trả lời.
Nguyễn Trọng Nhân, 19.8.2024