Đừng làm nhà văn tuổi 20, hãy trải nghiệm cuộc đời trước | Có một bạn sau khi đọc những gì mình viết thì nhắn tin như sau “Em hiện tại đang học khoa báo chí và sau này muốn làm phóng viên hoặc nhà văn. Anh có thể chia sẻ bí quyết viết của anh được không?”
Đây là câu trả lời của mình cho bạn đó.
Nếu bạn là một sinh viên hay thanh niên mới ra đời và có tham vọng trở thành một tay viết hay nhà văn thì đây là lời khuyên của tôi. “Đừng, hãy trải nghiệm cuộc sống trước.” Có lẽ đây là một điều những bạn làm trong ngành nội dung sẽ không đồng ý.
Khi tôi ở độ tuổi 20 thì chẳng biết mình muốn làm gì, não trống trơn và không có định hướng. Lúc đó tôi không đưa ra lời khuyên được mà chỉ tìm kiếm câu trả lời từ những người đi trước. Các bạn cũng ít nhiều như vậy. Vì khi còn trẻ thì chưa có gì để nhìn lại hay sở hữu điều gì đáng nhớ. Nếu độ tuổi 10 là tờ giấy trắng thì 20 chỉ có vài dòng chữ viết lên nó.
Chính vì điều đó nên văn của các bạn trẻ thường rất nhạt, tệ và lãng mạn ngu ngơ. Bất cứ người nào đọc cũng cảm nhận được. Có vài lý do để giải thích.
- Các bạn chưa có đủ vốn xã hội | 20 là tuổi trưởng thành nhưng chưa phải là tuổi lớn. Còn đang làm sinh viên, chưa va chạm cuộc sống và chứng kiến xã hội vận hành ra sao. Cho nên khi viết, bạn chỉ có thể dựa vào những gì trong sách và đó là sai lầm chết người. Chẳng ai muốn đọc nội dung giáo khoa cả. Đó cũng giải thích vì sao nhiều cuốn tiểu thuyết và lời thoại trong phim bây giờ thật nhạt nhẽo, vì người viết chưa đủ vốn xã hội để có thể xây dựng lại bối cảnh.
- Các bạn chưa có trải nghiệm cuộc sống đủ nhiều | Là một người đã sống trên đời hơn 30 năm nên tôi đã có nhiều kinh nghiệm. Từ tình yêu, ân ái, công việc, lừa đảo, phiêu du cho đến tiêu cực xã hội. Các bạn thì chưa hoặc chưa đủ lâu. Tất cả những tôi viết bây giờ là kết quả tích lũy kinh nghiệm ngoài đời. Nhờ vậy mà có thể kể lại một cách tinh gọn vì khi truyền lại những điều nằm trong tâm trí thì không cần mất quá nhiều thời gian hay công sức. Còn một nhà văn trẻ thì phải phịa hơi nhiều và trở nên vô vị.
Nhiều người nhầm lẫn nhà văn là một người viết, đúng nhưng chưa trọn vẹn. Anh hoặc cô ta đơn thuần chỉ là một người biết trình bày vấn đề và nội dung một cách dễ hiểu nhất. Khi ai đó cố phức tạp hóa vấn đề thì đó là thất bại hoặc dấu hiệu của người chưa hiểu vụ việc. Đó chính là bạn, một người trẻ tuổi 20 muốn biến mình thành 30 nhưng bất thành.
Có những thứ bạn không thể nào nghe rồi sao chép, đọc rồi thuộc lòng và giả vờ đó là kinh nghiệm cá nhân. Chỉ có một cách duy nhất để hiểu, đó là trải nghiệm. Không chỉ trên mạng xã hội, mà ở ngoài đời. Không chỉ trong phạm vi nhất định mà còn ngoài vùng an toàn.
Chỉ khi một cá nhân có được lượng vốn xã hội, kinh nghiệm sống và kiến thức nhất định thì lúc đó mới nên làm nhà văn. Vì đó là khi họ có thể truyền đạt lại cho người khác những gì mình đã học được.
Những phóng viên kỳ cựu của những tờ báo nổi tiếng, rất ít ai dưới độ tuổi 30 hay 40. Đọc những bài bình luận trên Wall Street Journal hay Economist, tôi đó bạn tìm ra một người trẻ nào. Cực hiếm và ít vì họ chưa đủ vốn đời. Nếu đó là tiêu chuẩn của các tờ báo hàng đầu thì tại sao bạn nghĩ mình có thể làm khác được.
Cho nên nếu bạn muốn làm nhà văn hay tay viết ở tuổi 20 thì tôi khuyên là đừng. Trí tưởng tượng của bạn sẽ rất giới hạn, cách nhìn nhận vấn đề sẽ ngu ngơ và lối trình bày sẽ nghiệp dư như cuộc đời mình vậy.
Hãy đi du lịch, giao lưu, làm việc, phượt đó đây, đầu tư, lời, lỗ, có bạn thân, tạo đối thủ, yêu, chia tay, làm tình, tán tỉnh, theo đuổi, từ chối, thành công hay thất bại. Tất cả đều sẽ dồn lại thành kho tàng dữ liệu để biến thành nội dung cho sau này.
Ngừng cố gắng giả vờ. Đừng tự ép mình thành nhà văn ở tuổi 20, mà hãy trải nghiệm cuộc sống rồi quay lại sau. Lúc đó bạn sẽ thành công và văn sẽ có hồn hơn.
Bóc Phốt Tài Chính | 09.2.2021