Đi học đại học hay buôn đất | Hậu quả của nền kinh tế bong bóng dựa trên đầu cơ ngắn hạn kèm với tư duy chụp giật bần nông ở Việt Nam là nó tạo ra một tầng lớp con người phát triển không dựa trên sản xuất mà là chuyển tiền từ tay này sang tay nọ.
Trong hơn chục năm qua, chính sách nới lỏng tiền tệ đã khiến tiền lương tăng chậm trong khi giá nhà đất thì tăng phi mã. Có câu chuyện vui này. Nhà cậu thanh niên kia bán miếng đất 500 triệu để anh ta ăn học, sau 4 năm ra trường thì lương 6 triệu/tháng trong khi miếng đất nó thành 3 tỷ.
Nhiều bạn có bằng đại học sẽ tự hỏi và trách bản thân “Biết vậy hồi đó mình đi làm cò đất là được, ăn học làm gì.” Khi ai đó hỏi vậy thì tôi trả lời là họ đang nhầm lẫn giữa thu nhập ổn định dài hạn với lợi tức nhất thời.
Trong cơn bong bóng, khi lượng tiền mới được đổ vô nhà đất thì ai cũng trở thành thiên tài vì mua là có lời. Điều này cũng tương tự với cổ phiếu, ví dụ điển hình là từ tháng 3/2020 cho đến nay tăng 100% rồi làm bao thanh niên ảo tưởng mình đã đánh bại Buffett.
Sự khác biệt ở đây là ổn định và nhất thời. Sau khi cơn sốt đất đó hết thì những con người kia sẽ sống ra sao, họ sẽ làm gì. Còn bạn, những người được ăn học, có bằng cấp và công việc ổn định sẽ vẫn phát triển. Lương sẽ tăng và tiền sẽ nhiều.
Bạn từ từ lấy tiền dư đem đầu tư. Có thể là mua cổ phiếu và đất để số vốn đó được nhân lên nhiều lần. Bạn không sợ thị trường sẽ biến động ra sao vì mình đang nắm tài sản dài hạn. Sau một thời gian, lãi suất kép và hiệu suất tăng trưởng sẽ hoạt động và ban thưởng cho bạn thành tựu mình đáng được hưởng.
Mượn ý của Buffett, kẻ đánh cược ăn hên sẽ lên xuống nhất thời, còn một người đầu tư giá trị sẽ tồn tại vô tận. Đó là lúc những con người trí thức chiến thắng. Không ai biết kết quả trận bóng trong 10 phút đầu bao giờ chứ đừng nói gì đến sự nghiệp 40 năm.
Bóc Phốt Tài Chính | 25.2.2021