Cá mập thao túng trong cổ phiếu và tiền ảo | Đây có lẽ là một trong những ngộ nhận phổ biến nhất. Từ “Cá mập” dùng để miêu tả những người nắm giữ cổ phần lớn và có ảnh hưởng nhất định.
Trong bất cứ thị trường nào cũng có người lớn và nhỏ, dù là cổ phiếu hay tiền ảo. Musk nắm 20% cổ phiếu Tesla cũng như Bezos sử hữu 11% cổ phiếu của Amazon. Đó là chưa tính hàng loạt cổ đông tổ chức từ các quỹ đầu tư, chiến lược và hưu trí.
Riêng Dogecoin thì có một tài khoản sở hữu 28%. Đây là điều bình thường. Dù không thể xác nhận nhưng có thể suy đoán là họ vào sớm rồi kêu gọi người khác mua vào để đẩy giá lên.
Nhưng có một điểm khác biệt.
Nếu một cá nhân hay tổ chức nắm hơn 5% cổ phiếu của một doanh nghiệp thì họ phải báo cho SEC và công chúng sẽ biết là ai. Lý do là khi bạn nắm giữ phần lớn thì có thể tác động đến chính sách điều hành cho nên phải công khai để hạn chế rủi ro.
Rất khó để bán số lượng lớn mà không thông báo. Nhất là những giám đốc hay cổ đông lớn. Cho nên khả năng họ thao túng là gần không. Chỉ cần ăn nói hồ đồ và tác động không tự nhiên đến giá cổ phiếu là đã bị điều tra rồi. Ngay cả Musk trước đây cũng bị cho nên không dám Tweet bừa về Tesla nữa.
Nhưng với tiền ảo, dù là Bitcoin hay Dogecoin, thì nó nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan. Cho nên một tài khoản lớn nếu muốn thao túng thì chẳng ai có thể làm gì được.
Chúng ta thường được nghe “Cá mập thao túng cổ phiếu.” Nhưng theo dữ liệu công khai thì không hề có điều đó. Những cổ đông lớn ít khi nào bán mua liên tục mà họ giữ dài hạn. Mỗi lần bán thì phải công bố chứ không thể tuỳ tiện.
Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng chính là tâm lý của các người nhỏ lẻ. Họ đầu cơ chụp giật theo cảm tính rồi thua lỗ chứ không có “Thao túng” nào ở đây hết. Nếu có thì nó nằm ở thị trường phi kiểm soát.
Nhiều người nhầm lẫn thị trường tự do với “phi kiểm soát.” Không ai cấm bạn mua bán, nhưng nếu không có một sân chơi phẳng thì sẽ không có cái gọi là thị trường. Đó chính là vấn đề với tiền ảo.
Bóc Phốt Tài Chính | 24.5.2021