Bạn không cần đầu tư chứng khoán, mục đích của tài chính cá nhân

Đây có thể gọi là một quan điểm trái chiều với dư luận và ngay cả nội dung của blog này. Đó là bạn không cần hay không nhất thiết phải đầu tư chứng khoán với tiền của mình.

Nói vậy không có nghĩa là bác bỏ tất cả những gì tác giả đã quảng bá bấy lâu nay, mà là muốn mỗi người tự suy ngẫm rồi đưa ra quyết định phù hợp với mình nhất. Bởi vì mục đích gốc của tài chính cá nhân chính là nó phải phục vụ lợi ích cá nhân. Chính vì điều đó nên không có một nguyên lý, trường phái hay triết lý nào đúng hoàn toàn.

Nếu coi Youtube hay đọc trên báo chí thì bạn sẽ ít nhiều gặp những tiêu đề như sau: Đầu tư index dài hạn, đầu tư cổ phiếu blue chip, cách để tìm cổ phiếu giá trị, tôi kiếm được trăm triệu từ chứng khoán thế nào, đầu tư chứng khoán với 2 triệu mỗi tháng hay khóa học chứng khoán cho người mới bắt đầu.

Ngược lại, những tiêu đề sau như phản bác lại: Tôi mất hết tiền chơi chứng khoán thế nào, bỏ chứng khoán để làm giàu, ngừng uống trà sữa để mua nhà, uống cà phê ở nhà để tiết kiệm hay chứng khoán không khác gì cờ bạc.

Tại sao cũng cùng một thể loại nội dung nhưng lại có quan điểm trái nghịch. Vậy ai đúng và ai sai?

Vấn đề với tài chính cá nhân nằm trong chính tên gọi – tài chính và cá nhân. Mà đã thuộc phạm vi cá nhân thì không thể nào đúng với người khác. Đơn giản vì nó phù hợp với tác giả vào thời điểm đó, với số tiền sẵn có và tầm nhìn. Bạn không phải là họ, họ không phải là bạn, cho nên không bao giờ có chuyện ai đúng ai sai.

Nhưng xét tổng quát, chứng khoán có nhiều lợi thế hơn các kênh khác.

  1. Giá cả công khai, cho nên gian lận được hạn chế.
  2. Giao dịch tập trung, cho nên ít bị thao túng.
  3. Đa dạng trong lựa chọn. Chỉ riêng ở Việt Nam thì có cả trăm công ty để bạn lựa chọn.
  4. Vốn tối thiểu thấp, chỉ cần vài trăm ngàn là đủ. Với những app lô lẻ như Anfin hay Infina thì bạn có thể bắt đầu với 10,000 VND. Đó là điều bạn không thể nào thực hiện với vàng hay bất động sản được.

Chính vì những yếu tố trên, chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh huy động vốn và đầu tư phát triển mạnh nhất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đa số chúng ta đang ở Việt Nam và điều này tạo ra vài vấn đề. Khác với thị trường Mỹ Âu, chứng khoán Việt Nam chỉ có tuổi đời hai thập niên, nghĩa là còn trẻ và còn rất nhiều hạn chế. Như bạn không thể mua lô lẻ trực tiếp, thị trường được thống trị bởi cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Trên hết, Việt Nam có một lịch sử tài chính không ổn định, chiến tranh kéo dài và trải nghiệm đổi tiền. Cho nên người dân có tư duy tài chính khác.

Nếu cảm thấy chứng khoán không phù hợp, bạn hãy dùng tiền để mua đất và vàng. Chẳng vấn đề gì. Hiệu suất nó vẫn tương đương với chứng khoán vì lạm phát trong dài hạn sẽ đẩy tất cả tài sản lên cao bất chấp tình hình kinh tế. Đó là cách cha mẹ bạn đã làm từ lâu.

Nếu bạn là một người có tâm lý không vững và dễ bị tác động bởi giá cả, thì tốt nhất nên né xa chứng khoán. Vì càng tham gia, bạn sẽ tự biến mình thành con bạc thầm lặng.

Nếu bạn là người muốn có sự kiểm soát gần tuyệt đối với vốn thì chỉ có vàng mới đáp ứng được nhu cầu đó. Bạn mua vàng về cất, không ai có thể đụng vào.

Nếu bạn không có niềm tin dài hạn, chưa nói đó là đúng hay sai, thì chứng khoán Việt Nam sẽ không phù hợp với bạn vì nó còn quá non trẻ và sẽ cần trải qua nhiều đợt thanh lọc để trở nên hoàn hảo.

Hàng loạt influencers chứng khoán đã ra đời trong cơn bong bóng. Từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp, từ người chuyên ngành đến người chỉ coi chứng khoán là công cụ. Họ đều là những cá nhân riêng biệt và quan điểm cũng vậy. Họ không phải là bạn và chỉ bạn mới biết chính xác mình cần gì và nên làm gì để bảo vệ tiền của mình. Đó là vì sao tranh cãi về lập trường tài chính không bao giờ có hồi kết.

Cho nên, bạn không cần đầu tư chứng khoán, mà hãy để tiền vào nơi bạn cảm thấy yên tâm nhất. Tiền chỉ đẻ thêm tiền nếu bạn có tâm lý ổn định để nó hoạt động. Còn nếu hoang mang thì một vạn chuyên gia hay clip YouTube cũng không thể giúp được gì.

Chứng khoán, vàng, trái phiếu, bất động sản, gửi ngân hàng, ETF, Index hay kinh doanh online chỉ là công cụ. Hãy tìm nơi nào khiến bạn cảm thấy an tâm nhất, đó là mục đích của tài chính cá nhân.

Nguyễn Trọng Nhân, 13.5.2022