Nếu cần tìm một bài diễn văn phản ánh tinh thần dân tộc và nghị lực vượt khó của người Hàn Quốc thì có lẽ nên là bài phát biểu của tổng thống Park Chung Hee vào năm 1964 trước 400 công nhân Hàn Quốc đang xuất khẩu lao động ở Đức.
Kiềm chế nước mắt, ông ấy phát biểu như sau:
“Nhìn những gương mặt sạm đen của mọi người, trái tim tôi tan nát. Tất cả công dân ở đây đều đánh cược với mạng sống của mình mỗi ngày, khi đi xuống hàng ngàn mét dưới mặt đất để kiếm sống. Mọi người quá cực khổ. Mọi người phải gánh chịu những giây phút cơ cực này chỉ vì Hàn Quốc của chúng ta quá nghèo.
Mặc dù chúng ta đang sống qua giai đoạn khó khăn nhưng chúng ta tuyệt đối không được truyền sự nghèo khổ này cho con cháu. Chúng ta phải gánh trách nhiệm để chấm dứt nghèo đói ở Hàn Quốc để các thế hệ sau không phải trải qua những gì chúng ta đang gánh chịu.
Khoảng 150 năm trước, cuộc cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy nước Đức, trong khi người Hàn Quốc không biết gì rằng thế giới bên ngoài đang thay đổi ra sao. Người Hàn Quốc đã mắc kẹt trong lối sống truyền thống mà không hề biết những gì đang xảy ra ở ngoài nước. Chúng ta như những con ếch ngồi dưới đáy giếng.
Làm sao để một đất nước như Hàn Quốc, vốn không sẵn sàng cho kỷ nguyên sắp tới, có thể trở nên giàu có như nước Đức hiện nay?”
Tất cả mọi người lắng nghe trong im lặng. Họ cúi đầu xuống và nước mắt chảy. Ông Park Chung Hee và bà vợ Yuk Young Soo cũng lặng lẽ rơi nước mắt. Họ đang ở một đất nước xa lạ, cách quê hương vạn cây số, để gánh vác sứ mệnh cho đất nước.
Sau khi phát biểu xong, ông Park Chung Hee và vợ đã ở lại vài tiếng đồng hồ. Tuy biết đất nước của mình nghèo, công dân phải đi làm xa quê, nhưng ông ấy không cảm thấy xấu hổ. Họ không thể rời đi vì xung quanh là hơn 400 công dân Hàn Quốc vừa khóc và vừa xin họ hãy ở lại.
Hàn Quốc hiện nay là một tiểu cường quốc với những thành tựu đáng nể:
- Tổng quy mô kinh kế $1,600 tỷ, đứng 13 trên thế giới.
- GDP đầu người $35,000.
- Hộ chiếu xếp hạng 3, có thể đi 179 quốc gia mà không cần thị thực.
- Sở hữu những thương hiệu toàn cầu, bao gồm Samsung và Hyundai.
- Nền công nghiệp phim ảnh và âm nhạc vượt trội, có thể nói là chỉ xếp sau Hollywood về chất lượng và ảnh hưởng.
- Một tầng lớp dân chúng có học thức cao.
Nhưng ít ai biết rằng, thịnh vượng Hàn Quốc có được ngày nay không khác gì một điều kỳ diệu. Sau khi đình chiến vào năm 1953, Hàn Quốc là một nước nghèo và lạc hậu. Đến mức, xuất khẩu lao động và làm lính đánh thuê được coi là cơ hội để đổi đời.
Bài phát biểu vừa rồi của Park Chung Hee là một trong vô số sự kiện. Qua nhiều năm tháng, phần lớn đã bị lãng quên. Nhưng khi nhìn lại, người ta nhớ đến bài đó nhất.
Đây là câu chuyện về nó.
Vào tháng 10 năm 1964, tổng thống Hàn Quốc thời bấy giờ, ông Park Chung Hee đến thăm Đức. Nó không chỉ là chuyến công du, mà còn là một bước ngoặt cho Hàn Quốc.
Vào thời điểm đó, Hàn Quốc phải đối mặt với các vấn đề sau:
- Cơ sở hạ tầng yếu kém, có thể nói là không có gì, vì đã bị chiến tranh tàn phá.
- Tỷ lệ thất nghiệp là 40% vì thiếu ngành công nghiệp và kinh tế chưa phát triển.
- GDP đầu người chỉ $164/năm, tương đương $13/tháng. Nếu tính theo giá trị của năm 2024 thì tương đương $1,600/năm hoặc $133/tháng, thấp hơn Campuchia cùng thời điểm.
Đất nước cũng không có nhiều tài nguyên để khai thác, trừ con người. Nắm bắt vấn đề, tổng thống Park Chung Hee đành vay vốn từ các nước khác, bao gồm Tây Đức. Nhưng vì Hàn Quốc không có tài sản để thế chấp và ngành công nghiệp để tạo doanh thu, nên nó dẫn đến một lựa chọn gây tranh cãi.
Park Chung Hee quyết định ký kết chương trình xuất khẩu lao động, gọi chính xác là trao đổi lao động. Tây Đức có ngành công nghiệp phát triển và thiếu nhân lực, còn Hàn Quốc thì thừa con người. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ gửi công dân sang Tây Đức để làm việc và thu nhập của họ được dùng để làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Nghĩa là những công nhân Hàn Quốc kia không chỉ làm việc cho chính mình, mà còn đang làm nghĩa vụ quốc gia.
Tuy số liệu không chính xác, nhưng ước tính, hơn 20,000 người Hàn Quốc đã đến Tây Đức làm việc. Bao gồm thợ mỏ, lao động phổ thông và y tá. Đó là chưa kể hàng triệu công nhân Hàn Quốc đi làm việc ở các nước Trung Đông, và tham gia chiến tranh ở Đông Dương. Khi nhìn lại, đây được coi là giai đoạn đau thương nhất của Hàn Quốc trong thời kỳ hậu chiến tranh.
Không chỉ là xuất khẩu lao động, chương trình này còn có cam kết đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, một điều phải có để xây dựng nền tảng công nghiệp. Nếu không có chương trình này, sẽ khó mà có Hàn Quốc của ngày nay.
Đây là câu chuyện của người trong cuộc. Trích từ báo The Korea Times với tiêu đề “Những thợ mỏ được đưa sang Đức: một giai đoạn bị lãng quên trong quá trình phát triển Hàn Quốc.”
Xin trích lại:
“46 năm trước, ông Kim Tae Woo, lúc đó là một chàng thanh niên trẻ, đang vẫy tay tạm biệt cha mẹ và người yêu tại sân bay quốc tế Gimpo. Bỏ lại sau lưng một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và quá ít việc làm, ông ấy hướng đến một cuộc sống mới ở Tây Đức với một công việc trả lương cao trong đoàn thợ đào mỏ Hàn Quốc.
Bây giờ, mặc bộ đồ lịch lãm ở độ tuổi 69, ông ấy ngồi nhớ lại chuyến bay Air France vào ngày 23 tháng 12, năm 1964 đó, với cảm xúc lẫn lộn. Thời gian dường như chỉ làm ký ức của ông ấy thêm sâu đậm.
Trong một buổi phỏng vấn với tờ The Korea Times, ông ấy kể lại cuộc sống của mình ở Đức khi là thành viên của đoàn lao động nước ngoài, như đang lật từng trang ảnh trắng đen ngày càng mờ.
Cảm giác ban đầu đầy háo hức.
Gần 300 người đàn ông khỏe mạnh và có học thức, mặc áo vét và thắt cà vạt. Họ ngồi thẳng lưng trên ghế của mình trên chuyến bay, với dây thắt an toàn, và háo hức chờ cất cánh.
“Tôi vẫn nhớ rõ ổ bánh mì, đồ ăn, và nước uống trên máy bay ngon cỡ nào. Tôi thích nhất cảm giác nhâm nhi ly rượu được rót từ cái bình bằng gỗ nhỏ như bàn tay. Nó thật tuyệt vời…”
Họ giống như một “đội tuyển quốc gia” vậy.
Nhưng sự chăm sóc họ được hưởng trên chuyến bay không phải vì họ là vận động viên hay thợ thủ công được kỳ vọng mang vinh quang về cho nước nhà. Họ là những người thợ mỏ sắp bị phân công đến hơn 140 mỏ than trên toàn Tây Đức một khi hạ cánh, và sẽ làm việc ở đó 3 năm trời.
Bắt đầu từ tháng 12 năm 1963, nước Hàn Quốc nghèo đói đã gửi tổng cộng 7,968 công nhân trong độ tuổi 20 đến 30 theo từng giai đoạn. Họ đến các mỏ than ở thung lũng Ruhr. Theo một hợp đồng giữa hai chính phủ, họ sẽ làm thợ mỏ trong thời hạn 3 năm. Đổi lại là gói cứu trợ tài chính trị giá 150 triệu Mark. Tương đương 75 triệu USD theo giá trị năm 2024. Vào thời điểm đó, GDP đầu người của Hàn Quốc chỉ có $87, thuộc một trong những nước nghèo nhất thế giới.
Cũng vào thời điểm đó, Tây Đức chứng kiến sự bùng nổ công nghiệp. Điều này gia tăng nhu cầu cho than, nhưng lại thiếu thốn nguồn thợ mỏ.
Cuộc di cư đó, vốn được coi là cuộc xuất khẩu lao động đầu tiên của Hàn Quốc, đã tiếp tục cho đến tháng 12 năm 1977.
Số tiền có được từ thỏa thuận này đã xây dựng nền tảng cơ bản và quan trọng cho họ. Một quốc gia đã bị tàn phá bởi chiến tranh từ 1950 đến 1953. Để rồi sau này, Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế.
Nhưng rất ít người trẻ hiện tại của Hàn Quốc biết về quá khứ đau buồn này của ông cha mình đã trải qua ở bên kia trái đất. Cũng như sự khao khát phát triển kinh tế của thế hệ trước. Rất ít sách giáo khoa tiểu học và trung học kể về câu chuyện này, khiến nó dần bị lãng quên trong lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.
“Chúng tôi là tài sản thế chấp. Để bảo đảm cho các khoản viện trợ từ các nước khác, chính quyền Hàn Quốc đã tìm mọi cách nhưng thất bại vì không có tài sản bảo đảm. Khi biết Tây Đức thiếu nhân lực ở các mỏ than, chính phủ đã đề nghị trao đổi lao động để lấy tiền cứu trợ và được chấp nhận.”
Đa số các thợ mỏ được cử đi Tây Đức đều khá giả và có học thức hơn phần lớn nhóm cùng tuổi, ở một đất nước mà chỉ số ít học sinh học lên đại học. Theo tài liệu, cứ 4 thợ mỏ, có 1 người có bằng đại học, và phân nửa đã tốt nghiệp trung học.
Điều kiện làm việc ở các mỏ than ở Đức rất thô sơ. Chính phủ ước tính có tầm 117 thợ mỏ Hàn Quốc đã chết trong các hầm sâu 700 đến 800 mét.
“Chúng tôi thức dậy vào lúc 4 giờ sáng trong một ký túc xá gần mỏ than. Sau khi ăn sáng bằng phô mai và sữa, chúng tôi đi vào đường hầm và xuống đáy hầm bằng thang máy. Chúng tôi khoan, đập, và xúc than lên băng chuyền trong cái nóng cháy người và không khí đầy bụi bặm.”
Ông ấy kể rằng công việc dưới hầm ở mỏ than làm theo nguyên tắc “đào than hoặc bị đào thải.”
“Những ai bị đánh giá là không đạt chuẩn sẽ bị ép quay về quê nhà và đền bù số tiền chính phủ Đức đã trả để đưa họ đến đây. Cho nên chúng tôi phải hoàn thành công việc, không cần biết vấn đề là gì.”
Chính phủ Đức cũng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự khổ cực mà các thợ mỏ Hàn Quốc đã trải qua, miêu tả nỗ lực của họ là một đóng góp quan trọng trong lịch sử hiện đại của nước Đức.
Đại sứ Đức ở Seoul, ông Hans-Ulrich Seidt đã kể với tờ The Korea Times rằng các thợ mỏ Hàn Quốc đã chung sức với các đồng nghiệp Đức của mình trong những giây phút khó khăn.
“Sự chăm chỉ và thân thiện của họ đã giành được sự tôn trọng và lòng biết ơn của người dân Đức. Sự hợp tác giữa các thợ mỏ Hàn Quốc và Đức ở thung lũng Ruhr sẽ mãi là một phần quan trọng trong lịch sử của chúng ta.”
Tờ Dong-A Ilbo đã viết vào ngày 22 tháng 12 năm 1966, theo lời kể của một thợ mỏ người Đức, “Thợ mỏ Hàn Quốc khá siêng năng và bản lĩnh.”
Mặc dù công việc cực khổ, nhưng giành được một vé để đi xuất khẩu lao động sang Đức đào mỏ là vô cùng cạnh tranh. Tỷ lệ chọi là 500:1. Điều thu hút vô số hồ sơ cho công việc này là tiền lương, được coi là siêu cao so với mức lương ở Hàn Quốc.
“Mỗi tháng tôi được trả 1,000 Mark, tương đương với 50,000 won (cỡ 2,300 USD vào năm 2024). Đây là số tiền khổng lồ so với mức lương 3,000 won mỗi tháng của bạn gái tôi làm ở ngân hàng.” Vào thời điểm đó, nhân viên ngân hàng lại thuộc nhóm được trả lương cao nhất Hàn Quốc.
Trào lưu xuất khẩu lao động sang Đức hấp dẫn đến mức, tờ báo Kinh Tế Maeil đã đăng một bài vào ngày 22 tháng 11 năm 1973, kể về sự thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành khai thác mỏ và sự lên án từ Hiệp Hội Than Hàn Quốc.
Ông Kim hiện tại đang cố gắng hết sức để nhắc cho mọi người nhớ lịch sử về giai đoạn này, vốn ngày càng bị lãng quên.
Ông ấy đã thành lập một công ty làm phim ở Seoul vào cuối thập niên 1960, sử dụng những kiến thức học được từ khóa học cấp tốc 6 tháng ở Đức, và mới đây đã thành lập hiệp hội Thợ Mỏ Hàn Quốc ở Tây Đức. Hiệp hội đã bắt đầu hoạt động vào tháng 1 và đang lên kế hoạch sẽ quảng bá toàn quốc.
Ông ấy cũng cân nhắc làm một bộ phim dựa trên những trải nghiệm của bản thân và đồng nghiệp, nếu nó cần thiết cho mục tiêu quảng bá.
“Chúng tôi có thể trở thành câu chuyện tiêu biểu để kể về tinh thần phấn đấu không ngừng của người Hàn Quốc. Nó là một giá trị tinh thần trường tồn và sẽ tiếp tục thành công.”
Hiệp hội cũng sẽ vận động để ủng hộ những người lao động nhập cư ở Hàn Quốc.
“Trước đây, chính chúng tôi cũng đã bị phân biệt ở Đức, chỉ vì quê quán và màu da của mình. Chúng tôi sẽ tìm cách để tạo một môi trường, nơi người Hàn Quốc sẽ chào đón tất cả người nước ngoài bất kể chủng tộc, quê quán, hoặc những yếu tố khác.”
Còn đây là bài báo Hàn Quốc thứ hai, mang tên “Cựu thợ mỏ nhớ lại bài phát biểu của tổng thống Park Chung Hee ở Đức vào năm 1964.” Cũng được xuất bản bởi The Korea Times.
Nó kể từ góc nhìn của giáo sư Kwon Yi Chong, một cựu thợ mỏ có mặt trong buổi gặp mặt và chứng kiến giây phút cảm động của đồng bào và tổng thống Park Chung Hee.
Mình dịch chuyển ngữ và trích dẫn.
Bài phát biểu xúc động của tổng thống Park Chung Hee tại thành phố Duisburg, Tây Đức, vào ngày 10 tháng 12 năm 1964, đã chạm đến trái tim của những thợ mỏ Hàn Quốc đang có mặt ở đó, cách xa quê nhà.
Ông Kwon Yi Chong, là 1 trong 400 thợ mỏ có mặt vào hôm đó, kể lại trong một buổi phỏng vấn rằng: gần như tất cả mọi người đều khóc nức nở khi tổng thống Park phát biểu.
“Thậm chí, chúng tôi đã xúc động ngay từ khi tổng thống Park bước vào hội trường. Khi ông ấy lên bục phát biểu, tôi bắt đầu rơi nước mắt vì không thể kiềm chế được cảm xúc.”
“Tổng thống Park và phu nhân Yuk Young Soo đã không thể rời hội trường trong mấy tiếng đồng hồ vì các thợ mỏ đã xin họ ở lại lâu hơn.” Ông Kwon kể lại.
Ông Kwon bây giờ là một giáo sư danh dự tại Đại Học Giáo Dục Quốc Gia Hàn Quốc, kể rằng hàng trăm thợ mỏ với nỗi nhớ nhà, đã đi bằng xe buýt đến để gặp trực tiếp tổng thống.
Nhìn đồng bào của mình, tổng thống Park Chung-hee đã phát biểu:
“Nhìn những gương mặt sạm đen của mọi người, trái tim tôi tan nát. Tất cả công dân ở đây đều đánh cược với mạng sống của mình mỗi ngày, khi đi xuống hàng ngàn mét dưới mặt đất để kiếm sống. Mọi người quá cực khổ. Mọi người phải gánh chịu những giây phút cơ cực này chỉ vì Hàn Quốc của chúng ta quá nghèo.”
“Mặc dù chúng ta đang sống qua giai đoạn khó khăn, nhưng chúng ta tuyệt đối không được truyền sự nghèo khổ này cho con cháu. Chúng ta phải gánh trách nhiệm để chấm dứt nghèo đói ở Hàn Quốc, để các thế hệ sau không phải trải qua những gì chúng ta đang gánh chịu.”
Tổng thống Park, vốn cũng là cha của nguyên tổng thống Park Geun Hye, đã chỉ ra nguồn gốc của nghèo đói ở Hàn Quốc, bằng cách so sánh với nước Đức.
“Khoảng 150 năm trước, cuộc cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy nước Đức, còn người Hàn Quốc thì không biết rằng thế giới bên ngoài đang thay đổi ra sao. Người Hàn Quốc đã mắc kẹt trong lối sống truyền thống mà không hề biết những gì đang xảy ra ở ngoài nước. Chúng ta như những con ếch ngồi dưới đáy giếng.”
“Làm sao để một đất nước như Hàn Quốc, vốn không sẵn sàng cho kỷ nguyên sắp tới, có thể trở nên giàu có như nước Đức hiện nay?”
Bài phát biểu của tổng thống Park đã tiếp tục nhưng tác giả chỉ nhớ lại những lời cảm động nhất.
Kwon đã đến Đức vài tháng trước khi tổng thống Park đến thăm Duisburg. Ông ấy nói các thợ mỏ Hàn Quốc đã đối mặt với một vài thách thức, bao gồm khác biệt ngôn ngữ, vì họ đang làm việc cực nhọc ở nước Đức.
Bất chấp những rào cản đó, ông Kwon vẫn đạt được giấc mơ Đức của mình. Đó là nhờ vào lòng nhân ái của một số người Đức tốt bụng ông đã gặp.
“Trong suốt 16 năm tôi ở Đức, cuộc sống quá khó khăn. Tôi đến đó làm thợ mỏ vào năm 1964, vài năm sau khi tốt nghiệp trung học, và tiếp tục ở lại để theo đuổi con đường đại học trong ngành giáo dục.”
“Cuộc sống không như tôi mong muốn. Sau khi hợp đồng 3 năm chấm dứt, tôi chuẩn bị về Hàn Quốc. Tôi đã soạn tất cả đồ đạc và đến sân bay để bay về. Nhưng một người phụ Đức đã khuyên tôi ở lại Đức, vì bà ấy biết rằng tôi khao khát học đại học ở đó thế nào. Bà ấy cũng là người đã chăm sóc tôi như người mẹ nuôi trong suốt khoảng thời gian đó”
Ông Kwon phải mất 16 năm để biến giấc mơ Đức của mình thành hiện thức.
“Học tập ở một trường đại học Đức bằng một ngoại ngữ là điều khó khăn. Ngoài rào cản ngôn ngữ, tôi phải đối mặt với thử thách khác, cái nghèo. Rất khó để kiếm sống qua ngày ở đó. Cho nên tôi đã khóc trong phòng vệ sinh mỗi khi cảm thấy quá tải bởi những thách thức mình phải đối mặt.”
Ông Kwon kể lại.
Cuối cùng, sau tất cả cố gắng, ông Kwon đã thành công đạt được bằng tiến sỹ giáo dục. Ông ấy đã trở về Hàn Quốc vào năm 1979 và trở thành giáo sư ở một số trường đại học trong nước.
Hết trích.
Không có gì cảm động và chân thật bằng lời kể của người trong cuộc. Đó chỉ là một vài câu chuyện trong hàng ngàn, nhưng chúng ta sẽ không được biết đến.
Hàn Quốc hiện nay là một quốc gia thịnh vượng. Bây giờ, họ không xuất khẩu lao động như trong thập niên 1960 nữa. Những thợ mỏ và y tá năm nào được thay thế bằng những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc xe hiện đại, những bộ phim bom tấn, và những bài nhạc bắt tai. Bạn khó mà đi đến nơi nào mà không có dấu ấn của Hàn Quốc.
Nhưng sự thịnh vượng đó không đến từ hư vô, mà từ sự hy sinh của thế hệ trước. Sau cuộc chiến, Hàn Quốc là một nước nghèo, và người Hàn Quốc đã chịu tủi nhục. Nhưng họ, cũng như tổng thống Park Chung Hee, chưa bao giờ xấu hổ về quá khứ đó.
Nhưng dù không xấu hổ, họ cũng không than trách hay đòi hỏi thế hệ sau phải biết ơn mình. Họ chỉ coi nó như một phần của quá khứ.
Sau tất cả, người Hàn Quốc xứng đáng với thành quả họ đã đạt được. Câu chuyện xuất khẩu lao động sang Đức tuy chỉ là một phần nhỏ trong quá trình phấn đấu, nhưng là một ký ức không bao giờ lãng quên.
Cảm ơn bạn đã theo dõi. Lưu ý là kênh chỉ chuyển ngữ và lấy thông tin từ các nguồn khác nhau, nên có thể không chính xác. Nếu bạn nào biết tiếng Hàn Quốc, thì có thể đóng góp thêm.
Nguyễn Trọng Nhân, 17.12.2024
Nguồn sử dụng:
Coal Miners Sent to Germany: Forgotten Chapter of Koreas Nation Building
Book recounts poverty-stricken Korean coal miners’ contribution to their country
The Hidden History of Korean Labor Migrants in Germany