Mới đây, có một đề xuất nhằm giới hạn số giờ làm việc của sinh viên. Theo dự thảo:
- Học sinh sinh viên không thể đi làm hơn 20 tiếng mỗi tuần trong kỳ học.
- Còn trong kỳ nghỉ, có thể tăng lên 48 giờ như bình thường.
Vậy, mục đích của ý tưởng này là gì? Đó là để bảo đảm việc học và hạn chế lãng phí tiền bạc lẫn thời gian của gia đình. Cha mẹ trả học phí để các bạn đi học, chứ không phải đi làm thêm bên ngoài.
Nhưng trong thực tế thì sao?
Hiện tại, không có một nghiên cứu hay thống kê nào đủ lớn để tìm hiểu vấn đề. Nhưng dựa theo các nguồn thông tin công khai, chúng ta có thể tự đưa ra các nhận xét như sau.
- Sài Gòn ước tính có hơn 50 trường cao đẳng đại học và hơn 600,000 sinh viên. Tuy không biết chính xác bao nhiêu đến từ các tỉnh, nhưng nếu lấy dân số của Sài Gòn và cả nước, chúng ta có thể ước tính là tầm 70-80% sinh viên đến từ các tỉnh khác.
- Dựa theo Bộ Lao Động, 80% dân số có thu nhập dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Ở các tỉnh, con số này còn thấp hơn, tầm 6 triệu.
- Trong khi đó, học phí đại học không ngừng tăng. Trong khi các trường công lập có mức học phí 10 đến 20 triệu/năm, các trường tư thục có mức cao hơn tầm 30 đến hơn 100 triệu.
Cộng thêm tiền sinh hoạt, một gia đình sẽ phải chi không dưới 200 triệu trong 4 năm để có được một cử nhân.
Để giảm gánh nặng tiền bạc cho gia đình, phần lớn sinh viên đi làm thêm là để kiếm thêm tiền sống qua ngày. Họ chỉ coi đó là công việc tạm thời chứ không phải là kế hoạch dài hạn. Đó là những công việc linh hoạt, có tính chuyên môn thấp, và dễ tìm.
Vài ví dụ tiêu biểu là nhân viên pha chế, phục vụ, bán hàng, hay chạy Grab. Nếu đi uống trà sữa, ăn cơm, hay mua cà phê, khả năng cao người phục vụ bạn sẽ là một sinh viên. Với mức lương bình quân dao động 20,000 đến 30,000 đồng, nó chỉ đủ tồn tại ở một thành phố lớn. Đa số tạm chấp nhận vì không có việc làm nào đáp ứng được tính linh hoạt.
Đối với người trẻ, công việc làm thêm không chỉ là để kiếm tiền, mà còn là cách để học hỏi kinh nghiệm sống và kỹ năng. Nếu là một người hay rụt rè, thì sau vài ngày đi chạy bàn, bạn sẽ trở nên tự tin hơn. Còn ở các chuỗi lớn như Highlands và Starbucks, công việc pha chế sẽ giúp bạn hiểu cách một doanh nghiệp vận hành. Để rồi khi vào lớp học, lý thuyết sẽ trở bớt nhàm chán hơn.
Nếu sinh viên không được đi làm hơn 20 tiếng/tuần thì sao?
- Về mặt thu nhập, 30,000 đồng nhân 20 tiếng nhân cho 4 tuần, mỗi tháng họ sẽ kiếm được tối đa 2.4 triệu đồng. Trong khi ổ bánh mì thịt đã là 20,000 đồng, bạn có thể làm được gì với số tiền đó?
- Về tâm lý, nó có thể ép họ tập trung vào việc học hơn. Các chủ lao động cũng không thể lợi nguồn lao động giá rẻ này mà phải cạnh tranh hơn.
- Nếu thu nhập không đủ trang trải cho nhu cầu cơ bản, sinh viên sẽ rất khó để an tâm và tập trung vào việc học.
- Chưa kể, khi giờ làm tối đa bị cắt còn một nửa, cơ hội tìm được việc của sinh viên cũng sẽ bị giảm xuống, vì không phải nơi nào cũng chấp nhận hoặc xếp được lịch cho nhân sự với giờ làm hạn chế như vậy.
Nhưng đó là lý thuyết. Còn trong thực tế, có thể người ta sẽ phớt lờ. Nếu cần tiền thì sinh viên vẫn phải đi làm, vì thiếu trợ cấp và không có ai nuôi. Các tiệm trà sữa và quán nhậu vẫn tuyển sinh viên vì không có lựa chọn nào hợp lý hơn. Các việc làm đó không hề biến mất, mà chỉ lọt vào vùng kinh tế ngầm.
Vậy còn các nước khác thì sao?
Nếu việc giới hạn số giờ sinh viên không được đi làm hơn 20 giờ nghe quen, thì đó là vì nó đã có một số nước đã thực hiện. Nhưng nó chỉ áp dụng đối với người nước ngoài và du học sinh. Mỗi nơi sẽ có giới hạn khác nhau.
- Ở Mỹ, du học sinh không được đi làm bên ngoài, mà chỉ làm được trong trường. Số giờ tối đa là 20 tiếng/tuần.
- Ở Úc, du học sinh không được làm quá 24 tiếng/tuần.
- Ở Canada, du học sinh không được làm quá 20 tiếng/tuần.
Nhấn mạnh một lần nữa, quy định trên chỉ áp dụng với du học sinh. Còn đối với các công dân, thì không có giới hạn nào. Lý do đơn giản, các sinh viên đã hơn 18 tuổi và là người lớn. Tuần này họ rảnh nên muốn đi làm thêm, còn tuần sau bận học nên sẽ nghỉ. Đi làm thêm sẽ cho họ biết quý giá tri thức vì các công việc lao động rất cực. Từ đó, sinh viên sẽ có động lực hơn. Họ đã trưởng thành và có thể tự đưa ra quyết định cho cuộc đời mình.
Giới hạn số giờ sinh viên có thể đi làm sẽ khó mà giúp ích gì. Trong khi đó, có nhiều thứ quan trọng đáng được quan tâm hơn. Như học phí tăng bao nhiêu, môn triết học nào không cần thiết nữa, và tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu.
Vậy tại sao lại phải giới hạn số giờ sinh viên đi làm thêm? Đó có lẽ là câu hỏi không có câu trả lời. Nó có thể chỉ là một trong vô số đề xuất không bao giờ trở thành luật. Nhưng nó giúp chúng ta nhìn lại các vấn đề đang ảnh hưởng đến các trí thức của đất nước.
Nguyễn Trọng Nhân, 22.4.2023