90% người Việt sở hữu nhà ở, ở Mỹ chỉ 66%, thống kê có biết nói dối?

Có một câu nói vui, đó là “Có ba loại giả dối: lời nói dối, lời nói dối, và số liệu thống kê.”

Dựa theo báo cáo của các tổ chức hàng đầu như BBC, Brookings, và Garretts: tỷ lệ sở hữu nhà ở Việt Nam là 90%, thuộc mức cao nhất trên thế giới. Nhưng đó chưa phải là cao nhất. Ở Romania là 95.3% và ở Lào là 95.9%.

Trong khi đó, Mỹ chỉ có tỷ lệ sở hữu là 66%, Pháp chỉ 65%, và Đức chỉ 49%.

Hàng loạt các chuyên gia và tờ báo đã sử dụng con số thống kê này nhưng ít ai chịu giải thích ý nghĩa của nó.

Tỷ lệ sở hữu nhà [homeownership rate] là gì? Nó được đo lường bằng cách như sau:

  • Lấy tổng số lượng căn nhà đang được sinh sống bởi chính người chủ.
  • Chia cho tổng số lượng căn nhà đang có người sinh sống.

Ví dụ:

  • Nước A có 100 căn nhà.
  • 90 căn có chủ nhà đang ở đó.
  • Tỷ lệ là 90%.

Nó không có nghĩa là 90% dân số đang sở hữu nhà. Mà là 90% căn nhà đang có chính chủ sinh sống. 10% căn nhà còn lại đang được người khác thuê.

Chính điều này dẫn đến nhiều sự hiểu lầm và lạm dụng thống kê.

Ở đất nước chúng ta, cách để tính không thay đổi. Thống kê này được phản ánh bởi sổ hộ khẩu. Muốn có sổ hộ khẩu thì phải có nhà. Đó là một thứ bất cứ công dân nào cũng phải sở hữu nếu muốn có giấy tờ tùy thân. Nếu không, bạn là người vô gia cư và không được tính.

Vì đa số người dân nằm trong sổ hộ khẩu nên theo thống kê, họ đang có nhà. Mặc dù chỉ có một người đứng ra đại diện sở hữu. Còn lại đang có nơi thường trú. Bạn đang sống trong một căn nhà, nhưng không có nghĩa là đang đứng tên sở hữu nó.

Lấy ví dụ như sau:

  • Gia đình bạn 5 người, người cha đứng tên sổ hồng, 4 người còn lại thì không, nhưng vẫn được tính là căn nhà có chính chủ sinh sống.
  • Bạn đang ở trong căn phòng trọ 20 m2 ở Sài Gòn, nhưng vì bạn có hộ khẩu ở quê, nên được tính là có nhà ở.
  • Bạn đang ở trọ nhà người thân và được nhập hộ khẩu để tiện đi lại. Tuy bạn không phải là chủ sở hữu nhà nhưng theo thống kê, bạn nằm trong số 90% sở hữu.

Còn ở các nước phát triển, họ không có sổ hộ khẩu. Con người di chuyển vì công việc nhiều hơn, con cái 18 tuổi là ra ngoài tự lập.

Đây là tỷ lệ người từ 18 đến 19 tuổi đang sống cùng với gia đình ở:

  • Mỹ 33%
  • Pháp 30%

Lý do là sau khi tốt nghiệp, họ dọn ra riêng nên không đứng tên nơi mình đang sinh sống. Khi ổn định cuộc sống với công việc lương cao, họ sẽ tự mua nhà. Đó là lúc họ đứng tên sở hữu và được tính theo thống kê. Đó mới là sở hữu thực sự.

Nếu nói con số kia với bất cứ bạn trẻ nào ở Sài Gòn hay Hà Nội, họ sẽ hoài nghi. Vì đa số người thuộc thế hệ trẻ đang ở trọ hoặc thuê tạm. Khi giá chung cư bình quân gấp 50 lần thu nhập, khả năng sở hữu một nơi ở của riêng mình là điều không dễ.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở nước ta là 90% hay tỷ lệ sở hữu nhà ở Mỹ chỉ 66% không có nhiều ý nghĩa. Nó chỉ là ngộ nhận thống kê.

  • Tầm 2.64 triệu người Mỹ sở hữu căn nhà thứ hai. Vì họ không sống ở đó, nên các căn đó không được tính là chính chủ. Nhưng nó cũng có nghĩa là họ giàu có hơn vì có tài sản đầu tư.
  • Lào là nước có tỷ lệ sở hữu nhà 95%, nhưng đó là vì kinh tế chưa phát triển nên người dân phải ở một chỗ. Nó không có nghĩa là Lào giàu có hơn Mỹ.

Tỷ lệ sở hữu nhà tầm 60% ở các nước Mỹ Âu còn có nghĩa là họ đang có số lượng nhà cho thuê nhiều hơn. Con người thuê vì chi phí sẽ thấp và linh hoạt hơn. Nó cho thấy kinh tế họ năng động hơn. Đó có thể là người nhập cư đang thuê trong khi tìm cơ hội, hay du học sinh đang ở ghép để tiết kiệm.

Thống kê chỉ là các con số. Nó không biết nói dối, nhưng người sử dụng nó thì chưa chắc. Đừng để nó đánh lừa bạn.

Nội dung trên chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Nếu có sai, mong các bạn đóng góp. Cảm ơn bạn đã theo dõi.

Nguyễn Trọng Nhân, 23.12.2023