Nghèo đói ở Mỹ và Châu Âu, vì sao báo chí hay đưa tin vịt

Mỗi lần mình đọc những tiêu đề như sau, mình thấy hơi vô lý.

  • Người Châu Âu không đủ 3 bữa ăn mỗi ngày
  • Tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ tăng cao
  • Úc giữa cuộc khủng hoảng an ninh lương thực
  • 25% trẻ em ở EU có nguy cơ nghèo đói

Hai mươi năm về trước, các nội dung trên có thể được tin tưởng. Nhưng bây giờ thì không. Tuy vẫn có người đọc nhưng nó không còn được coi là hợp lý nữa.

Nếu bạn đã từng làm trong ngành xuất bản thì sẽ biết rằng, tác giả đôi lúc chưa chắc tin vào những gì mình đã viết. Họ chỉ coi nó là công việc tạm thời.

Vậy có phải vì báo chí phịa thông tin không hay họ thích giả vờ ngây thơ?

Để nói công bằng, báo chí ở trong nước thường xuyên lấy nội dung từ các trang nước ngoài như của News Corp, BBC hay US News.

Nhưng tại sao những bài như vậy vẫn tồn tại?

Để hiểu vấn đề, bạn cần biết cách báo chí điện tử kiếm tiền bằng cách nào. Có hai nguồn chính:

  • Tiền quảng cáo
  • Tiền PR

Tiền quảng cáo đến từ Google Adsense. Họ không phải là hệ thống duy nhất, nhưng lớn nhất, chiếm 28% thị phần quảng cáo toàn cầu. Khi nhấn vào một trang nào đó, bạn sẽ thấy hiển thị các quảng cáo về dịch vụ và sản phẩm. Hiện tại, doanh thu bình quân cho 1,000 lượt hiển thị ở Việt Nam là $0.10 hoặc 2,300 đồng. Đó là cách cơ bản một trang tin tức kiếm tiền.

Tiền PR là khi các nhà báo viết bài để giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ, cá nhân, hay doanh nghiệp nào đó trực tiếp trong bài viết.

  • “Bạn muốn xuất hiện trên trang ABC? 20 triệu.”
  • “Bạn muốn báo kia quảng bá doanh nghiệp của mình? 30 triệu.”

Cho nên bạn sẽ thấy nhiều bài PR về vài cá nhân với câu chuyện như cổ tích. “Cô ABC làm 4 việc kiếm 200 triệu mỗi tháng” hay “Anh kia bỏ học kiếm 1 tỷ mỗi tháng.”

Ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, nó phổ biến tới mức người ta công khai giá. Nếu không tin, bạn có thể hỏi bất cứ ai làm trong các agency để xác nhận.

Mục đích của các trang tin tức hiện tại không còn là đưa thông tin nữa, mà là tìm cách để tăng doanh thu. Nội dung càng tạo xung đột, càng đánh vào tâm lý độc giả, càng mập mờ – nó càng thành công.

Khi bạn đã biết cách báo chí kiếm tiền sẽ hiểu vì sao họ lại đăng các bài viết thiếu chất xám và gây tranh cãi. Nó không phải tin tức và càng không phải là thực tế. Đó là cách để báo chí kiếm tiền với chi phí thấp và hiệu quả nhất, vì nó đánh vào sự tò mò của độc giả. Đơn giản.

Nhưng nói như vậy thì chưa đủ. Vì ở Úc, Mỹ, Anh, và Châu Âu cũng có hàng loạt các bài báo tương tự. Sau đây là vài ví dụ.

  • “Người Úc được cảnh báo để chuẩn bị cho khủng hoảng lương thực.” – Daily Mail
  • “Hàng triệu gia đình ở Mỹ đối mặt với bất ổn về lương thực.” – NPR
  • “Vấn nạn nghèo đói ở nước Đức.” – BBC

Các thống kê của chính phủ cũng cho thấy điều tương tự.

Đây là tỷ lệ người nghèo ở:

  • Việt Nam 2.93%
  • Thái Lan 6.32%
  • Mỹ 12%
  • Úc 13%
  • Anh 13%
  • Pháp 15%
  • Đức 16%

Không lẽ báo chí ở các nước văn minh như Mỹ Âu cũng đăng tin vịt để câu view? Một phần. Nhưng để hiểu vì sao họ lại thường xuyên nói về nạn nghèo đói ở nước họ, bạn cần biết chuẩn nghèo là gì.

Mỗi nước có định nghĩa khác nhau về nghèo đói.

  • Ở Việt Nam: thu nhập đầu người thấp hơn 1.5 triệu đồng/tháng. Tầm 65 USD/tháng.
  • Ở Thái Lan: thu nhập đầu người thấp hơn 2,762 Baht/tháng hoặc 80 USD/tháng.
  • Ở Mỹ: thu nhập đầu người thấp hơn 1,000 USD/tháng.
  • Ở Đức: thu nhập đầu người thấp hơn 1,236 Euro/tháng hoặc 1,370 USD/tháng.
  • Ở Úc: thu nhập đầu người thấp hơn 489 AUD/tuần hoặc 1,500 USD/tháng.

Khi so sánh tiêu chuẩn, bạn sẽ thấy vấn đề. Một người nghèo ở Mỹ vẫn giàu hơn một người nghèo ở Việt Nam hay Thái Lan gấp 10 đến 20 lần. Một khoảng cách khổng lồ.

Đó chỉ là thu nhập. Còn đây là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của người nghèo ở Mỹ.

  • 99% có tủ lạnh.
  • 97% có TV.
  • 84% có xe hơi.
  • 78% có máy lạnh.

Ở Úc và Châu Âu cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn. Với lương tối thiểu là 15 USD/giờ, bất cứ ai cũng có thể đi làm và có cuộc sống ổn định, chỉ là có muốn hay không.

Chưa hết. Các thống kê trên không hề nói về cơ chế trợ cấp và an sinh xã hội. Người nghèo ở Úc và Châu Âu được hưởng những quyền lợi như sau:

  • Trợ cấp thất nghiệp
  • Y tế miễn phí
  • Giáo dục miễn phí
  • Nhà ở chính phủ
  • Trợ cấp lương thực
  • Dịch vụ giới thiệu việc làm

Vì có quá nhiều ưu đãi, nên một số nhà bình luận cho rằng nó đã góp phần tạo nên một tầng lớp “Nghèo tự nguyện.” Đó là khi một cá nhân trở nên thụ động và tự khóa mình trong trạng thái nghèo đói. Không phải vì bị ai cưỡng ép, mà họ thích như vậy. Nghèo đói ở các nước Mỹ Âu không khác gì sự tự nguyện.

[Trước đây, kênh có làm một clip giải thích vấn đề này, mang tên “Nghèo tự nguyện.”]

Khi đã hiểu vấn đề, bạn có thể tự kết luận vì sao Mỹ Âu có nhiều người nghèo.

  • Tiêu chuẩn nghèo của họ cao hơn.
  • Họ có tầm nhìn xa nên không để ai quá nghèo.
  • Báo chí chỉ đăng tin cảnh báo chứ không nói thực trạng.
  • Cơ chế an sinh xã hội quá tốt nên nhiều người tự nguyện nghèo để hưởng trợ cấp.

Nếu Mỹ, Châu Âu, hay Úc nghèo thì tại sao vô số người lại muốn đến đó? Ở Việt Nam, khi bàn về du học, chúng ta chỉ tìm trường ở Phương Tây chứ ít ai chọn Trung Quốc hay Nga. Các đại gia hay ca sĩ khi đi định cư, cũng chỉ đến những Mỹ hay Châu Âu.

Ở đâu cũng có người giàu và nghèo, nhưng người nghèo ở Mỹ Âu sống với tiêu chuẩn cao hơn người trung lưu ở các nước đang phát triển. Họ không hoàn hảo nhưng vẫn là miền đất cơ hội tốt nhất.

Không phải lúc nào báo chí cũng đúng. Không phải cái gì họ nói cũng là sự thật. Ngày xưa, đọc báo để có kiến thức, còn bây giờ phải có kiến thức mới đọc được báo.

Nguyễn Trọng Nhân, 28.12.2023