Yêu nước là gì? Là yêu nước

“Yêu nước là gì? Bạn có yêu nước không?”

Câu hỏi đơn giản nhưng khó trả lời. Nếu không cẩn thận, nó sẽ đưa bạn vào vị thế rủi ro không cần thiết. Để trả lời, có, tôi yêu nước. Nhưng để định nghĩa và giải thích thế nào là yêu nước, thì cần một nỗ lực dài.

Chúng ta thường xuyên thấy khái niệm này bị lạm dụng bởi các nhà tư bản và chính khách. Khi được cộng với tư duy bầy đàn của đám đông, nó trở thành yếu tố gây chia rẽ.

  • Doanh nghiệp thay vì cải tiến và sáng tạo, thì chọn núp sau vỏ bọc lòng yêu nước để kinh doanh. Trong khi sản phẩm họ bán không liên quan gì đến đất nước. “Cà phê của tôi là tinh hoa của dân tộc, của họ thì không.” “Chúng ta kinh doanh để gánh vác trọng trách của đất nước. Chúng tôi không quan tâm đến lời lỗ.”
  • Các chính trị gia thay vì trình bày chính sách và giải quyết vấn đề, họ chọn lòng yêu nước để làm chủ trương. “Hãy chọn tôi, vì nếu không, bạn không yêu nước.” “Tôi đại diện cho lòng yêu nước, người kia thì không.”

Nhưng, thế nào là yêu nước? Mình xin tự hỏi và trả lời. Lưu ý là nội dung chỉ là quan điểm cá nhân. Có đúng và có sai. Nó được chia thành các phần như sau.

  1. Định nghĩa của yêu nước
  2. Yêu nước là gì?
  3. Yêu nước không phải là gì?
  4. Yêu nước cực đoan
  5. Yêu nước trong thế giới hiện đại
  6. Khi lòng yêu nước bị lợi dụng
  7. Mình có yêu nước không?
  8. Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?
  9. Hãy trả thành người yêu nước tử tế

Một lần nữa, đây là một clip dài. Nếu bạn cảm thấy dị ứng với giọng nói của mình, hãy ráng chịu đựng lắng nghe. Xin bắt đầu với định nghĩa của yêu nước.

Định nghĩa của yêu nước

Khi bạn Google từ “Yêu nước” hay “Lòng yêu nước”, kết quả sẽ như sau.

  • Tratu Soha: Chủ nghĩa yêu nước là lòng yêu thiết tha đối với tổ quốc của mình, thường biểu hiện ở tinh thần sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc.
  • Tự điển Oxford: Tình cảm dành cho một đất nước và cảm thấy tự hào về điều đó.

Nếu bạn hỏi những người bình thường, họ sẽ ít nhiều trả lời như trên nhưng theo góc nhìn cá nhân.

Còn những người nổi tiếng hay có ảnh hưởng thì sao? Sau đây là vài ví dụ. Bắt đầu với một trong những người nổi tiếng nhất, John F. Kennedy.

Trong bài diễn văn nhậm chức của mình, vào ngày 20.1.1961, Kennedy đã có một câu nói đi vào lịch sử: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”.

Vào thời điểm đó, Mỹ và Liên Xô đang đối mặt nhau trong cuộc chiến tranh lạnh. Kennedy xuất hiện như một đại diện cho thế hệ mới, kêu gọi người Mỹ góp sức để bảo vệ thế giới tự do.

Nhưng cũng cùng thời điểm đó, một nhà kinh tế học theo trường phái tự do cổ điển, lại có góc nhìn ngược lại. Trong cuốn “Chủ nghĩ tư bản và tự do”, được xuất bản năm 1962, ông Milton Friedman lại phản bác với câu như sau:

“Một người tự do sẽ không hỏi đất nước có thể làm gì cho anh ấy, cũng không hỏi anh ấy có thể làm gì cho đất nước.”

Trong mắt Friedman, một cá nhân đã được tự do kể từ khi sinh ra và không thuộc về bất cứ nơi nào. Tại sao anh ấy phải bị lệ thuộc bởi một cơ chế nào đó?

Cách đó nửa thế kỷ, tác giả Mark Twain cũng đưa ra quan điểm của mình với câu kinh điển:

“Trung thành với tổ quốc? Mãi mãi. Còn trung thành với nhà nước? Chỉ khi họ xứng đáng.”

Ở đây mình không nói ai đúng ai sai, vì mỗi cá nhân sẽ có quan điểm riêng. Những câu nói triết lý sẽ làm bạn khó hiểu yêu nước là gì?

Yêu nước là gì?

Thay vì triết lý, chúng ta có thể suy nghĩ đơn giản.

  1. Yêu nước là mong đất nước mình phát triển, dù ở bất cứ thời điểm nào, hay dù người điều hành là ai. Sẽ là sai lầm nếu muốn người đứng đầu thất bại chỉ vì bạn không đồng ý với quan điểm của họ. Đó là vì sao ở các nước tiên tiến, sau các cuộc bầu cử, đôi bên đều bắt tay làm việc. Thành công của đất nước là ưu tiên, chứ không phải của riêng ai.
  2. Yêu nước là muốn kinh tế ngày càng tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm. Để nhiều người trở nên hạnh phúc.
  3. Yêu nước là làm những việc có ích cho đất nước. Đơn giản như đóng thuế, tuân thủ pháp luật, bỏ rác đúng nơi quy định, không gian lận, và bảo vệ môi trường.
  4. Yêu nước là xuất khẩu hàng hóa để mang đô la về. Ngân sách nhà nước sẽ có nhiều tiền hơn. Để xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội.
  5. Yêu nước là trở thành một nhà khởi nghiệp, để giải quyết vấn đề nào đó cho thị trường. Và làm giàu cho bản thân. Lòng tham của nhà tư bản thúc đẩy họ phải phục vụ công ích và xã hội.
  6. Yêu nước là đi du học, học hỏi những cái hay của thế giới, trở thành cầu nối với toàn cầu.
  7. Yêu nước là đi lao động ở nước ngoài, vừa giảm gánh nặng cho quê nhà. Vừa nuôi bản thân, vừa vừa gửi tiền về giúp đỡ gia đình.
  8. Yêu nước là quảng bá thương hiệu quốc gia đến bạn bè quốc tế. Từ cà phê, địa điểm du lịch, văn hóa, ngôn ngữ, cho đến luật pháp.
  9. Yêu nước là tử tế với người khác, dù ở ngoài đời hay trên mạng xã hội. Mục đích là để họ có hiện cảm với chúng ta. Rồi từ đó, hình ảnh và thương hiệu của đất nước sẽ trở nên quyến rũ hơn. Họ sẽ ăn phở, mua mì gói, và đến Sài Gòn hay Hà Nội để du lịch.
  10. Yêu nước là luôn tử tế với người không đồng ý với mình. Chứ không phải chửi bới, bóc phốt, hay đả kích cá nhân họ chỉ vì họ không đồng ý với mình. Sẽ là một nghịch lý khi một ai đó tự gọi mình là người yêu nước. Nhưng lại cư xử vô văn hóa dưới danh nghĩa đó.

Nếu bạn suy ngẫm, tất cả những điều đó đều là nguyên tắc cử xử chuẩn mực hằng ngày. Đúng rồi, nó đâu có gì vĩ đại. Yêu nước đơn thuần chỉ là sống như một công dân tử tế thôi. Sự việc chỉ rối lên khi con người phức tạp hóa một thứ đơn giản. Vậy nếu yêu nước là sống tử tế, thì không yêu nước là gì?

Thế nào không phải là yêu nước

Đây là một câu hỏi khó. Rất dễ để quy chụp ai đó là người không yêu nước, nhất là khi họ không đồng ý với mình. Nhưng nếu suy nghĩ, nó không khác gì lẽ sống. Sau đây là những hành động không phải là tình yêu nước.

  1. Yêu nước không phải là nghĩ dân tộc mình thượng đẳng, còn dân tộc khác hạ đẳng. Đó là yêu nước cực đoan. Ví dụ điển hình cho tư duy này là nước Đức thời Quốc Xã trong thập niên 1930 đến 1945. Lúc đó, có một chàng họa sĩ thất bại, lợi dụng sự căm hận của người Đức để đưa một dân tộc vào cuộc chiến với thế giới. Khi nhìn lại quá khứ, người Đức luôn cảm thấy xấu hổ và không hiểu sao lúc đó, họ lại cho phép một tổ chức tàn ác điều hành đất nước mình.
  2. Yêu nước không phải là tìm mọi cách để nâng đất nước mình lên, rồi dìm nước khác xuống. Không có đất nước nào hoàn hảo. Dân tộc thượng đẳng chỉ là khái niệm hư cấu. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng. Nơi tất cả quốc gia đều kết nối và ít nhiều phụ thuộc vào nhau. Không ai có thể hoàn toàn cô lập. Nhất là trong nền kinh tế thị trường toàn cầu. Mượn lời trong bộ phim Miền Đất Phúc: “Độc lập gì chứ độc lập, chứ độc lập kinh tế là tầm bậy.” Bạn không thể tự sản xuất ra tất cả. Mà phải hợp tác với người khác.
  3. Yêu nước không phải là chửi bới, làm nhục, và triệt hạ người khác chỉ vì họ có suy nghĩ không giống mình. Lối sống soi mói thời Đông Đức đã trôi vào dĩ vãng và không có chỗ đứng trong xã hội hiện đại.
  4. Yêu nước không phải là đi xuất khẩu lao động rồi bỏ trốn ở lại, đi du lịch rồi làm chui, hay vượt biên lậu, để làm giảm uy tín của hộ chiếu.
  5. Yêu nước không phải là đi nước ngoài rồi ăn cắp. Để họ phải nhắc nhở bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
  6. Yêu nước không phải là vi phạm luật pháp ở nước ngoài. Để người ta ghét bỏ rồi mất thiện cảm.
  7. Yêu nước không phải là tìm mọi cách để bao che cho những sai phạm, bác bỏ những vấn đề ở nơi mình sống, và giả vờ nó không tồn tại.
  8. Yêu nước không phải là bác bỏ ý kiến của người khác và cho rằng họ có ý đồ gì xấu.
  9. Yêu nước không phải là đi so sánh lòng yêu nước của mình với lòng yêu nước của dân tộc khác. Và cho rằng họ tầm thường hơn mình.
  10. Yêu nước không phải là làm theo phong trào với các hình thức online. Mỗi người có cách thể hiện khác nhau chứ không có quy chuẩn.

Còn vô số hành động khác nữa, nhưng nếu liệt kê thì sẽ không bao giờ hết. Những cái đó, không nguy hiểm bằng yêu nước cực đoan.

Yêu nước cực đoan

Đây là điểm thấp nhất của yêu nước. Yêu nước cực đoan là khi một ai đó hay một nhóm người nào đó lợi dụng lòng yêu nước để chửi bới, triệt ha, lăng mạ, và hạ thấp những ai không đồng tình với mình. Họ bác bỏ tất cả những ý kiến, đóng góp, và quy chụp người bất đồng. Không có một nhà nước hay nhà sáng lập nào lại đồng ý với các hành động đó.

Trong quá khứ, mỗi khi có sự nổi dậy của lòng yêu nước cực đoan, chúng ta không thấy sự phát triển, mà chỉ là những ngày bắt đầu cho sự suy tàn.

Vào cuối tháng 7 năm 1914, sau khi đại công tước Franz Ferdinand của Đế Quốc Áo-Hung bị ám sát, trong cơn lốc lòng yêu nước kèm với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các quốc gia ở Châu Âu tuyên chiến. Các sử gia khi nhìn lại, cũng không thể giải thích được tại sao sự kiện đó lại dẫn đến một thế chiến khiến 20 triệu người thiệt mạng.

Nhưng cuộc chiến đó chưa thực sự chấm dứt, mà chỉ là tiền đề cho cuộc chiến tiếp theo.

Sau khi đầu hàng quân đồng minh, nước Đức bị tước đi thuộc địa và mất lãnh thổ. Ngoài việc mất vị thế, họ phải gánh thêm chi phí đền bù thiệt hại. Kéo theo đó là nạn thất nghiệp, siêu lạm phát, và cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong cơn phẫn nộ đó, người dân Đức bắt dầu nghe theo một cựu chiến binh gốc Áo. Ông ấy cho rằng Đức chưa bao giờ thua, mà chỉ bị phản bội. Tất cả những vấn đề Đức đang đối mặt là kết quả của người Do Thái và sự thiếu vắng của lòng yêu nước.

Ông ấy nói nếu bạn yêu nước, bạn phải yêu ông ấy, nếu không thì là phản quốc. Khẩu hiệu được lặp đi lặp lại. “Một đế chế, một dân tộc, một lãnh tụ.” “Lãnh tụ muôn năm.”

Những ai bất đồng đều bị lăng mạ và triệt hạ. Bạn chỉ có một lựa chọn. Đó là yêu nước Đức và yêu ông ấy. Nếu không, bạn là kẻ phản quốc.

Nếu ông ta nói vậy ở đất nước khác, người ta sẽ nghĩ là kẻ điên. Nhưng trong sự căm hận, người Đức đã cho phép ông ấy lên điều hành và biến đất nước họ thành cỗ máy chiến tranh. Từ quốc gia văn minh, Đức trở thành tàn bạo và lôi thế giới vào chiến tranh một lần nữa.

Sau sáu năm, 75 triệu người chết, trong đó là 6 triệu người Do Thái bị thảm sát, Quốc Xã bị dẹp bỏ, và Đức trở lại bình thường. Nhưng đã quá muộn. Khi nhìn lại, thật khó hiểu vì sao một dân tộc tiên tiến lại trở nên vô cảm và máu lạnh.

Đó là bài học nhân lại vẫn còn nhớ đến. Khi lòng yêu nước cực đoan trở nên mất kiểm soát và bị lợi dụng, nó trở thành vũ khí. Đó là một điều người Đức không hề muốn lặp lại ở đất nước họ hay bất cứ nơi đâu, vì lòng yêu nước cực đoan đi ngược với lòng yêu nước trong thế giới hiện đại.

Lòng yêu nước trong thế giới hiện đại

Đừng hiểu sai. Lòng yêu nước là điều cần thiết. Vì nếu không, chúng ta lấy gì để phân chia lãnh thổ và lập ranh giới? Mặc dù chúng ta đang sống trong thế giới đa văn hóa và kết nối với nhau. Chúng ta vẫn cần nhà nước, biên giới, và luật pháp để tồn tại. Trừ khi chúng ta muốn trở về thời đồ đá.

Yêu nước vào thời xưa khác với bây giờ. Trước đây, các dân tộc sống cách biệt nhau và ít có cơ hội để va chạm. Cách đây một năm trăm, con người chưa có iPhone và Facebook để tìm hiểu về nhau. Còn bây giờ, khái niệm yêu nước là điều gì đó mập mờ.

Thế nào là một người Việt Nam, một người Úc, hay một người Mỹ? Nếu một đứa trẻ có cha người Hàn và mẹ người Việt, thì nó là người gì? Một thế hệ thanh niên đã lớn lên trong thế giới phẳng và coi trái đất là nhà. Kéo theo đó là hàng loạt người song tịch, họ sống nửa năm ở nơi này, và nửa năm ở nơi khác. Sẽ quá khó để họ định nghĩa thế nào là yêu nước.

Yêu nước bây giờ không phải là tìm cách để triệt hạ lẫn nhau hay hơn thua giữa các quốc gia. mà là tìm cách để cải thiện nơi mình sống. Và cùng lúc kết nối với toàn cầu. Suy cho cùng, dù bạn có quốc tịch gì đi nữa, thì vẫn là con người. Nhìn rộng hơn, yêu nước có nghĩa là yêu nhân loại. Chứ không phải nâng đất nước của mình lên rồi dìm đất nước khác xuống.

Chúng ta có thể cạnh tranh ở thương trường, hơn thua nhau ở Olympic, và thi đua trên bảng xếp hạng nơi đáng sống. Nhưng không có nghĩa là triệt hạ nhau.

Nhưng dù lý tưởng hóa đến mức nào đi nữa, lòng yêu nước vẫn luôn bị lợi dụng.

Khi lòng yêu nước bị lợi dụng

Tuy không cực đoan như nước Đức trong thập niên 1930, nhiều tổ chức lạm dụng lòng yêu nước vì lợi ích riêng, dù mục đích là thương mại hay dân túy. Suy nghĩ, thì đó là một trong những cách dễ nhất để phát triển. Vì một khi bạn núp sau vỏ bọc yêu nước, thì dễ quy chụp người khác khi họ không đồng tình với mình.

Ở chính trường, chúng ta từng bắt gặp các chính khách tranh cử dựa trên tư duy nhị nguyên. Một, bạn ủng hộ tôi và là người yêu nước. Hai, bạn là kẻ thù của tôi và không yêu nước.

Hình thức này được ủng hộ rất nhiều trong thời gian đầu, vì người ta nhầm tưởng đó là yêu nước. Nhưng sau một thời gian, cơn sốt đó bắt đầu dịu dần. Người ta bắt đầu nhận ra rằng người kia không có ý tưởng hay chính sách gì ngoài vỏ bọc yêu nước.

Từ từ, sự lạm dụng của lòng yêu nước sẽ trở nên vô vị và vô nghĩa. Yêu nước chưa bao giờ yêu cầu phải bạn thích hay ghét một ai đó. Một người Mỹ có thể không đồng ý với tổng thống Mỹ và vẫn yêu nước. Một người Anh có thể không đồng ý với thủ tướng và vẫn yêu nước. Đây đâu phải là Bắc Hàn? Yêu nước không liên quan gì đến việc bạn chọn ai, thích ai, hay ủng hộ ai.

Còn ở thương trường, chúng ta không khó thấy các doanh nghiệp lạm dụng tinh thần dân tộc và lòng yêu nước để kinh doanh.

Ví dụ, một doanh nghiệp cà phê có thể nói rằng: “Cà phê này ẩn chứa tinh thần dân tộc, là mồ hôi nước mắt của nông dân.”

Mặc dù không nói trực tiếp, nhưng hàm ý của họ là: “Nếu là một người yêu nước, bạn nên mua cà phê này.” Trong khi ly cà phê đó không liên quan gì đến lòng yêu nước.

Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi.

Ví dụ tiêu biểu là chiếc xe của công ty kia.

Mặc dù không hề sở hữu bất cứ công nghệ gốc nào, có lợi thế cạnh tranh gì, và giá cả lại cao hơn đối thủ. Nhưng truyền thông vẫn bơm thổi nó là “Chiếc xe quốc dân.”

Họ chỉ có thể làm vậy ở thị trường nội địa, còn khi ra nước ngoài thì sẽ không ai quan tâm. Cái người tiêu dùng toàn cầu coi trọng là chất lượng của sản phẩm. Họ mua vì sản phẩm đó mang lại lợi ích cho họ. Chứ không phải vì lòng yêu nước.

Lòng yêu nước không chỉ bị lạm dụng trong thương trường, nó còn được đưa vào nghệ thuật và âm nhạc để cạnh tranh. Khi ghép lịch sử vào một bài nhạc, bạn vô tình đưa khán giả và ban giám khảo vào vị thế khó xử. Nếu chê thì sẽ bị lầm tưởng là không có tinh thần dân tộc, còn nặng hơn là “phản quốc” mặc dù nó không liên quan gì.

Khi lợi dụng lòng yêu nước để kinh doanh, điều bạn đang gợi ý là:

  • “Sản phẩm này không hề có gì đặc biệt.”
  • “Sản phẩm này không sự sáng tạo, mà là phiên bản sao chép.”
  • “Tôi không có thế mạnh gì để lôi cuốn người khác.”

Nếu người khác không mua hay không tán thưởng thì sao? Họ không yêu nước?

Từ bao giờ khái niệm đó lại được định nghĩa bởi một sản phẩm.

Bạn muốn bán bất cứ cái gì để kiếm tiền cũng không sao. Tiền là động lực vĩ đại. Nhưng đừng lợi dụng lòng yêu nước làm vỏ bọc. Hãy cạnh tranh bằng trí tuệ và sự sáng tạo. Đó là cách bền vững duy nhất.

Còn khi lạm dụng lòng yêu nước, đó là dấu hiệu của thua kém. Doanh nghiệp đó sẽ mất đi sự phấn đấu. Thay vì phải cạnh tranh, họ sẽ trở nên thụ động và mất đi tính sáng tạo.

Một sản phẩm núp sau lòng yêu nước là một sản phẩm thất bại.

Mình có yêu nước không?

Nếu ai đó hỏi mình, “Bạn có yêu nước không?” Mình sẽ thẳng thắn trả lời, “Có, tôi yêu nước.”

Không phải vì tôi là một cá nhân nào đó vĩ đại, mà dựa theo định nghĩa của yêu nước và hành động.

  1. Mình muốn kinh tế phát triển, dù người điều hành đất nước là ai đi nữa. Có thể là nhiều người sẽ không đồng ý với điều này.
  2. Mình thích nước mắm, phở, hủ tiếu, bún chả, bánh tráng trộn, và các món ngon của Việt Nam.
  3. Mình thích làm clip tài liệu về địa lý, văn hóa, và lịch sử. Nó giống như một niềm vui. Tuy chưa đủ lớn để thành công việc, nhưng nó giúp duy trì kỹ năng.
  4. Mình thích đi du lịch và lưu lại những tấm ảnh và clip quay. Tuy chưa đi đến 63 tỉnh thành, nhưng sẽ cố gắng.
  5. Mình thích làm nội dung về kinh tế, tiền bạc, và xã hội. Vừa cho cuộc sống bớt nhàm chán, vừa tạo công ăn việc làm, vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, và vừa làm giàu cho bản thân. Bàn tay vô hình của Adam Smith hiệu quả hơn bất cứ cộng cơ nào khác.

Khi ở Việt Nam, mình đóng thuế và mua sắm. Khi ở nước ngoài, mình gửi ngoại tệ về. Dù ở đâu, mình vẫn đóng góp cho đất nước. Chứ yêu nước là thế nào nữa?

Tự nhiên mình nhớ tới một câu hỏi kinh điển: “Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?”

Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?

Đây là một bài viết cũ, tuy đã hai năm rồi, nhưng mình xin đọc lại.

“Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?

“Bạn cống hiến cho tổ quốc chưa?”

Khi bàn về chủ đề kinh tế ở cấp địa phương và quốc gia, đây là một trong những câu bạn sẽ được nghe nhiều nhất. Chỉ cần nói ra, người đối diện ngay lập tức đưa đối phương vào vị thế bế tắc. Không phải vì nó khó, mà vì khái niệm “cống hiến” và “tổ quốc” là cái gì đó quá vĩ đại đối với phần lớn chúng ta. Mình cũng không phải là ngoại lệ.

  • “Bạn đóng góp gì chưa?”
  • “Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?’
  • “Bạn cống hiến gì chưa?”

Những con chữ này mang sức nặng đủ để san lấp tư duy độc lập. Bạn sẽ im lặng, suy nghĩ rồi tìm câu trả lời cho một thử thách trí tuệ không có giải đáp.

Mình chỉ là một công dân, người đi làm thuê, nhân viên nhận lương và một cá nhân bình thường như hàng triệu người khác. Vậy cống hiến hay đóng góp là nghĩa gì?

Mình phải cầm súng ra chiến trường, phải hô khẩu hiệu, phải trở thành doanh nhân triệu đô, phải sáng lập công ty tỷ đô, phải có sáng chế tác động toàn cầu, phải có sức ảnh hưởng đến hàng triệu người, phải có chức vụ, phải nổi tiếng, hay phải có thật nhiều tiền?

Nếu đó là định nghĩa của cống hiến thì mình chưa đạt tiêu chuẩn và hơn chín mươi triệu người dân thường ngoài kia cũng tương tự.

Đó là vì sao mình lại tìm đến Adam Smith.

Cống hiến không yêu cầu bạn làm quá nhiều đâu, mà nó diễn ra gần như vô thức ở mặt tiền tệ mỗi ngày trong cuộc sống.

  1. Bạn đi làm, nhận lương và đóng thuế. Khoản tiền đó được gửi vào ngân sách. Khi hàng triệu người làm vậy, thì số tiền đó trở thành cái quỹ tài chính khổng lồ. Để nhà nước chi trả cho viên chức, duy trì quân đội, xây bệnh viện và vận hành hàng tá dịch vụ công khác. Ở cấp cá nhân, bạn sẽ không nhận ra vì số tiền quá nhỏ, nhưng khi có sự cộng hưởng tập thể, nó trở thành sức mạnh khổng lồ.
  2. Bạn ăn uống, mua sắm đổ xăng hay đi du lịch thì sẽ phải đóng thuế mỗi lần giao dịch. Số tiền đó sẽ được dùng để tạo công ăn việc làm, nhân viên nhận lương sẽ tiếp tục sử dụng khoản thu đó để tái tạo nhu cầu trong xã hội. Đó là hiệu ứng chuỗi trong nền kinh tế quốc gia.
  3. Bạn tích lũy, gửi vào ngân hàng hay đưa vào hệ thống tài chính, số tiền đó trở thành vốn để cỗ máy sản xuất có thể hoạt động. Doanh nghiệp lấy để phát triển, tạo việc làm, mang lại lợi nhuận và đóng thuế. Ở cấp cá nhân, đó là sự giàu có của bạn. Còn khi gom lại cùng hàng triệu người khác, đó là thịnh vượng quốc gia.
  4. Bạn đi du học, đi làm ở nước ngoài hay nói chuyện với bạn bè quốc tế, thì đang tạo hình ảnh về đất nước. Khi người khác cảm thấy bị đất nước của bạn quyến rũ, họ sẽ đến du lịch và đầu tư. Vị thế quốc gia được nâng cấp trong mỗi đợt tương tác.

Miễn sao bạn đừng làm gì phạm pháp hay gây thiệt hại cho người khác.

Đó là sự cống hiến cho đất nước bạn làm mỗi ngày trong cuộc sống. Bạn không có ý định làm vậy mà chỉ muốn kiếm lợi ích cho bản thân. Nhưng để đạt được điều đó, bạn phải hợp tác với người khác và tạo giá trị cộng sinh. Bạn theo đuổi mục tiêu riêng và người khác cũng vậy, nhưng lại vô tình góp sức thiết lập thịnh vượng của xã hội, và đất nước.

Mình gọi đó là “Lòng yêu nước vô giác” hay “Sự cống hiến tự nguyện.”

Nó xảy ra thầm lặng mỗi lần bạn mua ly cà phê, dẫn cô gái đi ăn, mua cổ phiếu, đặt vé máy bay, tận tâm làm việc hay xuất khẩu hàng hóa. Dù là ở trong hay ngoài nước.

Nó cũng không phân biệt bạn là ai, học thức cao hay thấp, làm việc ngoài trời nắng hay ngồi trong phòng máy lạnh, ở vùng quê hay thành phố, hay địa vị là gì. Đất nước là sự tổng hợp của con người. Nếu thiếu đi cô thợ may, chú xe ôm, anh thiết kế, chị kế toán hay bác nhà văn, nền kinh tế sẽ ngừng hoạt động. Mọi thứ sẽ chỉ là hư vô. Tất cả đều đang hỗ trợ cho nhau và đóng góp cho nơi mình sống mỗi ngày.

Quay lại câu, “Bạn cống hiến cho tổ quốc chưa.” Sự tồn tại và đóng góp của bạn đã là khoản cống hiến rồi. Nó là một câu hỏi tưởng chừng như vĩ đại nhưng sáo rỗng và vô nghĩa khi suy ngẫm lại.

Thay vì hỏi những câu quá vĩ đại, chúng ta có thể làm người yêu nước tử tế.

Hãy làm người yêu nước tử tế

Đó là đóng thuế, tuân thủ luật pháp, và tạo giá trị cho xã hội. Bạn làm giàu cho bản thân, khi hàng triệu người cùng làm, đó là kết quả yêu nước tập thể.

Hơn nữa, chúng ta không nên chửi bới những ai không cùng quan điểm. Nếu họ không thích ở đây, hãy để họ đi tìm thành công ở nơi khác. Không cần phải đả kích, vì nó là điều không cần thiết. Chúng ta hãy chúc họ thành công. Thành công của họ cũng là thành công của đất nước.

Suy cho cùng, yêu nước không phải là cái gì đó to lớn. Nó đơn thuần chỉ là những việc bình thường nên làm mỗi ngày. Yêu nước có nghĩa là yêu nước.

Nguyễn Trọng Nhân, 05.10.2022