Vào năm 1992, tổng GDP của Việt Nam chỉ là 9.9 tỷ USD, bằng 1 phần 15 của Đan Mạch. Một khoảng cách quá khổng lồ.
Nhưng đến năm 2023, GDP của Việt Nam lại nhảy vọt lên 430 tỷ USD, còn Đan Mạch thì 407 tỷ USD. Nghĩa là sau 30 năm, Việt Nam đã vượt mặt Đan Mạch và sẽ tiếp tục bỏ xa.
Những dự đoán như vậy không hề sai và thường được sử dụng để mang lại năng lượng tích cực. Nó cho thấy chúng ta đã vượt qua nhiều rào cản. Từ một nền kinh tế bao cấp kém phát triển, bây giờ đã vượt một nước giàu có khác.
Chúng ta không chỉ vượt Đan Mạch mà còn cả trăm nước khác. Hiện tại, với tổng GDP là 430 tỷ USD, Việt Nam đang xếp hạng 34. Nghĩa là trên giấy, chúng ta giàu hơn Đan Mạch, Hồng Kông, Phần Lan, New Zealand, và Bồ Đào Nha.
Nhưng nếu chỉ suy nghĩ như vậy, nó không toàn diện chút nào. Không những vậy, số liệu dễ làm chúng ta ảo tưởng. Điều đó không hề tốt chút nào.
Việt Nam vượt mặt Đan Mạch. Điều đó là sự thật, không ai chối cãi. Nhưng, có vài vấn đề chúng ta có thể suy luận.
- Dân số của Việt Nam là gì, so với Đan Mạch?
- Diện tích của hai nước là bao nhiêu?
Còn những thứ khác như thu nhập bình quân, chất lượng giáo dục, môi trường, không khí, và hạng hộ chiếu?
Có nhiều thứ cần phải được nói lại nhiều lần. Nói ra không phải để chê bai đất nước, mà để hiểu ý nghĩa và sự thật.
Về dân số:
- Việt Nam có dân số là 100 triệu người và lực lượng lao động là 52 triệu người.
- Trong khi đó, Đan Mạch chỉ có 5.9 triệu người và lực lượng lao động là 3.1 triệu người.
- Nghĩa là Đan Mạch chỉ cần 5.9 triệu người để làm ra 400 tỷ USD, còn Việt Nam cần đến 100 triệu người.
- So sánh như vậy thì quá khập khiễng bởi vì 100 triệu người thì phải làm nhiều và sản xuất nhiều hơn 5.9 triệu người rồi.
Về diện tích quốc gia:
- Việt Nam rộng 331,690 km2.
- Đan Mạch rộng 42,952 km2.
- Chúng ta rộng hơn họ gấp 7 lần. Nhưng tổng sản lượng chỉ hơn một chút. Một lần nữa, khoảng cách quá chênh lệch.
Về thu nhập bình quân:
- Một người ở Sài Gòn có lương bình quân là 10.4 triệu đồng hoặc 416 USD/tháng. Con số này gây tranh cãi vì tùy theo ngành nghề và trình độ. Ngoài ra, nhiều người còn kiếm thêm ngoài giờ. Nhưng khi nhắc đến lương, đó là số tiền cố định được trả cho khoảng thời gian làm việc nhất định. Thực tế, đa số các công việc lao động phổ thông được trả thấp hơn, khoảng 25,000đ hoặc 1 USD/giờ.
- Trong khi đó, một người ở Copenhagen có thu nhập bình quân khoảng 4,200 USD. Gấp 10 lần một người ở Sài Gòn. Đó chỉ là thu nhập, chứ chưa nói về thuế và chất lượng sống.
Về thuế:
- Việt Nam tỷ lệ doanh thu thuế trên GDP là 11.4%.
- Đan Mạch có tỷ lệ doanh thu thuế trên GDP là 43.4% đến năm 2023. Người Đan Mạch đóng thuế cao hơn người Việt Nam. Nhưng đó chỉ phân nửa của câu chuyện.
Về an sinh xã hội:
- Việt Nam hiện tại đang có một hệ thống an sinh xã hội chưa quá tốt và cần nhiều cải thiện. Đây là điều bình thường của một nước đang phát triển. Ước tính, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Khi đi ngoài đường, bạn dễ dàng bắt gặp các cụ già ăn xin và trẻ em bán vé số.
- Để so sánh, Đan Mạch có một hệ thống an sinh xã hội phát triển và toàn diện. Một trong những lý do là họ chi nhiều hơn, khoảng 33%. Bây giờ chúng ta đã hiểu vì sao họ lại phải đóng thuế cao rồi. Nó thực chất là tiền của người đóng thuế, chạy vào ngân sách và quỹ hưu trí, rồi chạy ngược lại khi cần.
- Người già ở Đan Mạch được hưởng lương hưu, theo báo cáo công khai là 15,000 Kroner cho người độc thân, khoảng 2,100 USD hoặc 52 triệu đồng mỗi tháng.
- Trẻ em ở Đan Mạch được đi học miễn phí từ mẫu giáo cho tới đại học. Khi là sinh viên, bạn có thể nhận tiền trợ cấp mỗi tháng khoảng 1,000 USD. Bạn nào ở Đan Mạch thì sẽ rành hơn về điều này.
- Nếu bị bệnh, bạn không cần phải lo lắng viện phí. Cho nên Đan Mạch không có hiện tượng livestream quyên góp tiền chữa bệnh hay nền công nghiệp TikTok từ thiện.
- Cho nên dùng tỷ lệ doanh thu thuế trên GDP không công bằng chút nào. Đóng thuế ít không có nghĩa là tốt và đóng thuế nhiều không có nghĩa là xấu. Quan trọng là đóng thuế để làm gì. và chất lượng ra sao.
Về môi trường và chất lượng sống:
- Hà Nội và TPHCM luôn nằm trong tốp các thành phố lớn ô nhiễm không khí nhất thế giới. Đôi lúc Hà Nội lại đứng đầu trên bảng xếp hạng IQAir.
- Còn Đan Mạch có môi trường và không khí siêu sạch. Thế nào là sạch và thế nào là ô nhiễm? Rất khó để nói chính xác. Nhưng chỉ cần nhìn bảng xếp hạng IQAir, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt.
- Ngoài ra, Đan Mạch luôn nằm trong tốp 10 quốc gia có chất lượng sống tốt nhất.
Ngay lúc này, chúng ta mới có cái nhìn toàn diện. Cái gọi là tổng GDP chỉ là một trong nhiều con số dùng để so sánh. Việt Nam vượt Đan Mạch về tổng GDP, nhưng đó là vì chúng ta có 100 triệu người, còn họ chỉ 5.9 triệu. Còn khi trong thực tế, GDP đầu người của Việt Nam là 4,400 USD, còn của Đan Mạch là 68,000 USD. Nghĩa là một người ở Đan Mạch có năng suất cao gấp 15 lần một người ở Việt Nam.
Cho nên luôn là một sai lầm nếu chỉ tập trung vào GDP mà bỏ qua các yếu tố khác như an sinh xã hội, môi trường, và chất lượng sống.
Một người giàu ở Sài Gòn hay Hà Nội, cũng không thể nào mua được không khí trong sạch. Cầm cuốn hộ chiếu Đan Mạch, họ có thể đi 199 nước mà không cần thị thực. Trong khi đó, hộ chiếu Việt Nam chỉ đi được 51 nước mà không cần thị thực.
Suy ngẫm, Đan Mạch cũng không quá quan tâm liệu ai đó đã vượt mặt họ hay không. Đan Mạch là một nước đang ở vị trí đỉnh cao của phát triển và ưu tiên của họ không phải là tăng trưởng nữa, mà là cân bằng cuộc sống.
Nói vậy không có nghĩa là mang lại năng lượng tiêu cực. Chúng ta nên vui vì đã có sự tăng trưởng vượt trội trong vài chục năm qua, nhưng không thể dựa vào một con số được. Việt Nam vượt xa Đan Mạch về tổng GDP, còn về các mặt khác, chúng ta còn nhiều nỗ lực hơn, bởi vì khoảng cách quá lớn để so sánh.
Nguyễn Trọng Nhân, BPTC, 10.3.2025