Vì sao có bong bóng tài chính và sụp đổ, góc nhìn Austrian Economics | Là một người sống qua giai đoạn bong bóng 2008, khi chứng kiến cơn sốt hiện tại thì cảm thấy mình đang trở lại quá khứ. Đây không dự đoán chừng nào sụp đổ vì không ai có thể biết trước được tương lai. Bản thân tôi cũng không thích những ai đưa ra nhận định như thể mình là nhà tiên tri.
Tuy nhiên, nếu bạn yêu thích kinh tế học và lịch sử thì có thể nhận xét như sau về sự tăng trưởng và sụp đổ của cơn bong bóng. Nếu ai chưa biết thì mình lấy thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh tế của trường phái Áo [Austrian Economics] nhé.
Bong bóng được tạo ra và thúc đẩy bởi yếu tố sau.
- Cơn sốt của đám đông. Họ nghĩ rằng cái gì đó sẽ tăng giá nên mua để đầu cơ. Khi đủ người suy nghĩ như vậy thì nó tạo ra trào lưu. Họ mặc kệ giá trị, nguyên lý cơ bản để chạy theo đám đông. Họ mua vì nghĩ rằng có thể bán lại cho ai đó với giá cao hơn. Còn nền tảng của nó có thật hay không thì tạm bỏ qua. Chỉ cần giá lên và người khác mua vô là được.
- Lượng tiền và tín dụng tân tạo. Khi ngân hàng nhà nước bơm tiền như hiện nay, nhất là để kích thích kinh tế vì đại dịch COVID-19, thì lượng tiền đó được đẩy vào chứng khoán và bất động sản. Các ngân hàng có thêm tiền cho vay, các doanh nghiệp có thêm tiền đầu tư và cá nhân có thêm tiền đầu cơ. Tất cả cộng lại thành một làn sóng đầu cơ tiền tệ. Đó là vì sao mặc dù kinh tế đang giảm phát triển nhưng thị trường nhà đất chưa bao giờ ngừng lên trời.
- Ví dụ điển hình là cơn sốt dot com công nghệ và cuối thập niên 1990 và nhà đất từ 2002 đến 2007 ở Mỹ.
Còn bong bóng đầu cơ sụp đổ bởi yếu tố sau.
- Khi đủ số lượng người ngừng mua vào và khiến giá cả không tăng được nữa. Thấy người khác không chịu mua thì người nắm giữ sẽ muốn bán. Nếu đủ người làm cùng hành vi đó thì giá giảm và bong bóng kết thúc. Còn khi nào thì chưa rõ.
- Khi lượng tiền và tín dụng tân tạo giảm, nghĩa là ngân hàng nhà nước ngừng bơm tiền bằng cách tăng lãi suất. Lúc đó ngân hàng, doanh nghiệp và người dân có bớt tiền để đầu cơ. Vì lãi suất tăng nên gánh nặng duy trì cũng tăng. Khi không chịu được nữa thì họ bán. Rồi khi đám đông làm vậy thì đó là sự suy giảm rồi sụp đổ. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh thì phát triển trở lại.
- Giá cả không thể nào tăng mãi được vì đây không phải là phát triển gì mà chỉ chuyển tiền từ người này sang người nọ. Đến một lúc nào đó trò này phải tạm dừng để thị trường tự điều chỉnh.
- Giải thích vì sao có sự sụp đổ 2000 và 2007 ở Mỹ.
Con người hành động vì tác động của chính sách. Nếu chính phủ muốn hạn chế và dẹp trò đầu cơ đánh bạc hiện nay thì phải bắt đầu với lượng tiền tệ. Không thể tiếp tục bơm tiền để nuôi cái bong bóng này.
Nói thì dễ nhưng làm thì khó vì quá nhiều người đang hưởng lợi từ hoạt động này. Các ngân hàng có chịu giảm lợi nhuận, các doanh nghiệp bất động sản có chịu giảm giá. Trên hết, người đầu cơ có chịu gánh lỗ vì mua quá cao. Còn lâu.
Chừng nào cơn sốt này sụp đổ thì chưa rõ, tôi không đoán vì không phải thầy bói. Nhưng cũng không tham gia mà chỉ muốn đầu tư dài hạn. Con bạc ăn may có lúc nào cũng có nhưng người làm bài bản sẽ tồn tại mãi mãi.
Bóc Phốt Tài Chính | 25.3.2021