Vào ngày 8 tháng 9 năm 2022, Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm cai trị. Phần lớn thế giới tiếc nuối và Khối Thịnh Vượng chuẩn bị đón nhận một quốc trưởng mới. Đó là vì Nữ Hoàng Anh, hay bây giờ là Vua Charles, không chỉ là một cá nhân, mà là một biểu tượng đoàn kết Vương Quốc Anh và 14 quốc gia khác.
Nó cho thấy thương hiệu của Anh Quốc còn đang ở đỉnh và mức ảnh hưởng của quốc đảo nhỏ này vẫn thống trị. Từ kinh tế, văn hóa, chính trị cho đến triết lý, bạn khó mà sống trong thế giới hiện đại mà thoát khỏi di sản của người Anh để lại.
Nhưng nội dung này không phải về lịch sử chính trị, mà là về bí quyết để khiến một quốc gia có sức hút mãnh liệt. Từ giai đoạn cận đại cho đến nay, không một quốc gia nào đã đóng góp cho nhân loại nhiều hơn Đế Chế Anh.
Trước tiên, để hình dung mức ảnh hưởng của Anh Quốc, chúng ta hãy suy ngẫm về những điều sau.
- Vương Quốc Anh chỉ rộng 243,610 km2, tức chỉ chiếm 0.048% diện tích trái đất , nhưng vào thời đỉnh của đế chế lại kiểm soát 25%. Đó là một kỳ tích quá vĩ đại đối với một nước có diện tích nhỏ.
- Dân số Anh vào năm 2020 chỉ 67 triệu, nhưng tiếng Anh lại là ngôn ngữ toàn cầu với hơn 1.38 tỷ người sử dụng. Chưa bao giờ, một dân tộc nhỏ lại có mức tác động khổng lồ như vậy.
- Các nước nói tiếng Anh chiếm 35% GDP toàn cầu. Đi đầu là Mỹ, Anh Quốc và Canada, Úc và New Zealand.
- Thương hiệu “Anh Quốc” trị giá 3729 tỷ USD.
- Anh Quốc đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Quyền Lực Mềm, chỉ sau Mỹ, cũng là một nước nói tiếng Anh.
- 58 trên 377 nguyên thủ quốc gia và chính phủ hiện tại đã từng học tập ở Anh Quốc. Đó là chưa tính hàng vạn viên quan chức cấp dưới cũng đã từng học tập ở môi trường tương tự. Cho thấy người Anh không chỉ ảnh hưởng về kinh tế, tài chính mà còn tư duy chính sách.
- Anh Quốc xếp thứ 2 về số lượng du học sinh với hơn 550,000 người đang học tập. Một lần nữa, chỉ sau Mỹ, một thuộc địa cũ.
- Giải bóng đá Ngoại Hạng Anh đứng đầu với hơn 4.7 tỷ người xem và doanh thu 2.2 tỷ bảng Anh.
Cho dù quan điểm của bạn là gì đi nữa, thì không thể nào chối cãi được sự ảnh hưởng của Anh Quốc. Riêng ở Việt Nam thì “du học UK” trở thành một trào lưu đắt giá, cho thấy các bạn trẻ luôn coi Anh Quốc là một điểm đến để học hỏi.
Nhưng bí quyết hay sức hút của họ là gì? Nói đến đây, thì có lẽ bạn đã từng nghe những quan điểm như sau.
- “Tây Phương giàu có nhờ xâm chiếm.”
- “Anh Quốc giàu có nhờ thuộc địa.”
- “Anh Quốc thịnh vượng nhờ bóc lột người khác.”
Những nhận xét đó không hề sai cũng chưa hoàn toàn chính xác. Đúng là xâm chiếm là một trong những yếu tố khiến Anh trở nên giàu có. Nhưng nếu chỉ nói vậy thì không đủ. Vì xâm chiếm là quy luật từ ngàn xưa và gần như tất cả quốc gia đều ít nhiều thực hiện trong lịch sử. Thậm chí, chúng ta nên hỏi ngược lại “Có quốc gia nào chưa bao giờ dùng vũ lực hay xâm chiếm?”
Nếu chỉ cần đem quân chiếm vùng đất khác và nô lệ hóa đối thủ là tự động giàu có thì sẽ không thể giải thích những điều sau.
- Hy Lạp đi trước La Mã, nhưng sau này một bên tàn còn một bên thì phát triển để trở thành nền tảng văn minh Tây Phương. Chữ viết Latin chúng ta đang dùng hiện nay đến từ người dân của một thành phố kế con sông Tiber. Chính xác hơn là họ tiếp thu từ người Etruscans và tiến hóa nó.
- Mông Cổ dưới thời Thành Cát Tư Hãn đã chiếm Trung Quốc, Trung Đông và một phần Đông Âu nhưng lại lụi tàn. Ngoài những ký ức được ghi trong sách sử thì gần như không để lại dấu ấn gì. Đến nay, GDP của Mông Cổ là 13 tỷ USD, thua một tỉnh nhỏ ở Việt Nam.
- Đế chế Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều đi trước Anh, nhưng các cựu thuộc địa ở Nam Mỹ vẫn mắc kẹt trong bẫy thu nhập thấp. Hai cường quốc kia trước đây, bây giờ thua kém Anh về mọi mặt.
Bạn có thể lật lại trang sử và nêu thêm. Attila, Ottoman, Áo, Nga hay Đức. Tất cả đều suy giảm và bây giờ, chỉ còn Anh Quốc. Cho thấy, xâm chiếm thôi thì chưa bao giờ đủ để trở nên giàu có.
Chúng ta dù lên án chế độ thực dân nhưng vẫn dùng chữ Latin, coi bánh mì là biểu tượng ẩm thực và đến những di sản kiến trúc thời Pháp để chụp ảnh. Bạn có thể có quan điểm tiêu cực về Anh Quốc, nhưng vẫn phải thi IELTS.
Vậy sự khác biệt là gì?
Yếu tố quyết định không phải là kiếm, mã, súng hay tàu chiến. Mà là những cơ chế chính trị, hệ thống kinh tế và sức hút văn hóa. Đó là những thứ chinh phục con người và cho phép họ cơ hội để bứt phát từ nghèo đói đến thịnh vượng.
Vì không thể nói về tất cả nên chỉ tập trung vào đế chế Anh. Sau đây là những đặc điểm mang lại sự đột phá cho quốc đảo đó.
- Magna Carta hay Đại Hiến Chương | Nó là bản văn kiện giới hạn quyền lực của nhà vua, lúc đó là vua John, vào năm 1215. Đây là tiền đề quan trọng để ngăn cản sự lạm quyền chính trị. Sau này dẫn đến chế độ Quân Chủ Lập Hiến, vốn tước quyền nhà vua và biến hoàng tộc thành biểu tượng nghi thức. Những nước khác phải mất hàng trăm năm sau mới làm được.
- John Locke và Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ | Khác với ngộ nhận của nhiều người, Thomas Jefferson tuy là người viết lên văn bản nổi tiếng đó, nhưng ông ta đã lấy cảm hứng từ lý tưởng của John Locke. Vốn cho rằng tự do không đến từ nhà vua, mà từ tạo hóa. Đây là một khái niệm quan trọng vì nó tách biệt quốc gia và dân tộc từ tay người cai trị. Cho đến tận nay, tuyệt tác tiếng Anh này vẫn làm nguồn cảm hứng cho các học giả. Không phải chỉ vì những ý tưởng, mà còn là nghệ thuật văn.
- Adam Smith và chủ nghĩa tư bản | Cuốn “Nguồn gốc của thịnh vượng” xuất bản cùng năm với cuộc cách mạng Mỹ 1776, đang đem lại hệ tư tưởng mới cho đế chế Anh. Từ nô lệ, trọng thương và xâm chiếm, họ dần chuyển sang hướng thương mại để làm giàu. Con người dần chuyển tư duy từ “Một mất một còn” thành “Lợi ích song phương.” Bạn có thể không thích người khác, nhưng vì lợi ích kinh tế, cả hai đều phải làm việc gián tiếp với nhau. Người bán thịt thức khuya dậy sớm không phải vì lợi ích của ai khác mà là để làm giàu cho bản thân. Vì “Những ai theo đuổi lợi ích riêng, đang được thúc đẩy bởi bàn tay vô hình để phục vụ người khác, dù nó không phải là động cơ của họ.”
- Chế độ nhân tài | Đế chế Anh quá rộng nên họ không thể nào áp dụng phương pháp cai trị như người Tây Ban Nha đã làm ở Nam Mỹ được. Hiểu rõ điều đó, họ áp dụng triết lý nhân tài. Ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ là Ấn Độ. Thay vì nô lệ hóa người dân ở thuộc địa, họ có chính sách quyền lực mềm và tuyển dụng người tài để cùng quản lý. Bộ luật Ilbert vào năm 1883 cho phép thẩm phán Ấn có quyền xử công dân Anh phạm tội ở Ấn, một điều không tưởng ở nơi khác, cho thấy người Anh coi trọng luật thay vì lý lịch.
Các bạn trẻ Việt Nam hiện tại coi Anh là một điểm đến để du học và sinh sống. Đó là sức hút ít quốc gia nào có được. Họ bị cuốn hút bởi cơ chế văn minh, chế độ nhân tài, và cơ hội để được nhập tịch vào một xã hội trọng dụng con người chứ không phải dựa vào gia đình bạn là ai.
Hãy thử hỏi, bao nhiêu quốc gia trên thế giới có hệ thống và nền tảng như Anh Quốc. Trừ những Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Singapore? Tất cả đều từng là thuộc địa Anh. Dòng chảy nhập cư chỉ một chiều, từ phần còn lại của thế giới vào khối tiếng Anh, chứ không phải ngược lại.
Bạo lực chỉ thắng được ban đầu, để duy trì thì cần giá trị nhân văn. Nếu một quốc gia muốn trở nên thịnh vượng, thì phải tạo cơ hội để con người hòa nhập và làm giàu dựa trên tư lợi, không phải vì một lý tưởng nào đó xa vời, mà là cho chính bản thân họ.
Đó là cục nam châm thúc đẩy Anh Quốc thành đế chế thống trị và trở nên thịnh vượng. Một bài học cho thế giới suy ngẫm.
Bóc Phốt Tài Chính, 03.10.2022