Trung Quốc là nước tăng trưởng nhanh nhất lịch sử

Dựa theo IMF, từ năm 1980 đến 2024:

  • Trung Quốc đã tăng 11,474%
  • Trong khi đó, Mỹ chỉ tăng 878%, Nhật chỉ 528%, và Ý chỉ tăng 434%.

Mức tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc nhiều gấp chục lần các nước đã phát triển và bỏ xa phần còn lại của thế giới.

Rất đúng. Nhưng nếu chỉ nói vậy thì đó là góc nhìn thiếu tư duy, vì nó chỉ tập trung vào khoảng thời gian nhất định thay vì toàn diện.

Trung Quốc có mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử. Nhưng đó là vì họ phải bắt đầu lại từ con số không sau một giai đoạn đáng quên.

  • Từ năm 1949, Trung Quốc đã đi theo hướng kinh tế chỉ định với các chính sách như Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa. Kết quả là một thảm họa về mọi mặt. Chi tiết quá nhạy cả để nói ở đây. Nhưng chỉ cần nhìn những tấm ảnh của thời đó, bạn cũng ít nhiều cảm nhận được sự cơ cực.
  • Chỉ khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ bắt đầu với chuyến thăm của Nixon năm 1972 và tái mở cửa giao thương với thế giới, Trung Quốc mới bắt đầu phục hồi. Tóm gọn trong câu của Đặng Tiểu Bình, “Mèo đen hay trắng cũng được, miễn sao nó bắt được chuột.”

Vào năm 1980, tổng GDP của Trung Quốc là 191 tỷ. Đến năm 2023 là 18,000 tỷ. Đó mới là cú “Đại Nhảy Vọt” đúng nghĩa. Tất cả nhờ chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường, và tự do. Phải mất ba thập niên, để Trung Quốc học và áp dụng thành công thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith.

Trung Quốc có mức tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử. Vậy có nghĩa là họ tài giỏi hơn?

Không. Nó đơn thuần là ngộ nhận của thống kê. Khi bạn bắt đầu ở vị trí thấp hơn, mức tăng trưởng sẽ cao hơn. Nói cách khác, một nước nghèo sẽ có mức tăng trưởng cao hơn nước giàu.

Chúng ta có thể lấy Đài Loan để so sánh với Trung Quốc.

Vào năm 1980:

  • GDP đầu người của Trung Quốc là $194
  • GDP đầu người của Đài Loan là $2,367

Đến năm 2024:

  • GDP đầu người của Trung Quốc là $12,000
  • GDP đầu người của Đài Loan là $33,000

Trung Quốc tăng trưởng gấp 60 lần, còn Đài Loan chỉ 13 lần. Nhưng một người Đài Loan bình quân vẫn giàu hơn một người tương tự ở Trung Quốc.

Đó là chưa nói về tính trung thực của số liệu. Dựa theo chỉ số Chất Lượng Dữ Liệu, Trung Quốc xếp hạng C, không đáng tin cậy vì thiếu tính độc lập và đối lập.

Không nhưng vậy, khối bất động sản chiếm 31% GDP của Trung Quốc, một thứ dễ bị thao túng. Chúng ta có thể thấy qua những hiện tượng như thành phố ma, nơi chứa hàng loạt dự án bất động sản bị bỏ hoang. Trên giấy, GDP vẫn tăng, nhưng chất lượng thật là bao nhiêu.

Tăng trưởng cao không có nghĩa là tốt. Đôi lúc, nó chỉ là con số được viết lên trên giấy và thiếu tính xác thực với ngoài đời.

Nhưng tại sao các nước ở Mỹ Âu lại có mức tăng trưởng thấp hơn?

Không phải vì họ kém hơn. Mà vì họ đã quá phát triển. Khi đạt đến mức nào đó, bạn không thể tăng trưởng thêm nữa hoặc sẽ tăng chậm lại. Bởi vì nơi đó không còn gì để tăng.

Bệnh viện đã xây rồi, đường xá đã hiện đại, trường học đã có đủ, và chất lượng sống quá đầy đủ. Xu hướng phát triển từ đó sẽ thiên về cải cách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Còn tăng trưởng GDP chỉ là yếu tố phụ.

Ví dụ, Đan Mạch chỉ tăng 1.8% trong năm 2023 với GDP đầu người $68,000, Trung Quốc phải mất ít nhất 30 năm để bắt kịp.

Ví dụ gần gũi hơn là kênh YouTube Bóc Phốt Tài Chính. Từ 1,000 người theo dõi lên 100,000 thì không quá khó. Nhưng lên 200,000 đã là một thử thách. Còn lên 1 triệu thì là điều quá khó.

Hiện tại, Trung Quốc đáng xếp hạng 72 về GDP đầu người. Nếu có một mảng họ đang đứng số một, thì có lẽ là về số lượng người nhập cư bất hợp pháp và xin tỵ nạn ở Mỹ.

Đừng hiểu sai. Trung Quốc vẫn là nước lớn. Nhưng mức tăng trưởng GDP kia chưa bao giờ là thước đo để có cái nhìn toàn diện.

Nguyễn Trọng Nhân, 09.3.2024