Triệu phú Việt Nam xuất ngoại, mừng hay lo?

“Trong năm 2024, ước tính 300 triệu phú Việt Nam sẽ đi định cư nước ngoài. Làn sóng xuất ngoại này được thúc đẩy bởi nhu cầu tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn, sự tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, và tiêu chuẩn sống cao hơn.”

Đó là một nhận xét trong báo cáo của Henley & Partners. Nếu thường xuyên đọc cái bài đánh giá sức mạnh hộ chiếu, bạn sẽ ít nhiều biết đến công ty này. Đây là một tổ chức chuyên tư vấn định cư cho giới siêu giàu. Nói đơn giản, họ làm dịch vụ mua bán hộ chiếu và quốc tịch cho những ai có tiền.

Làn sóng giới thượng lưu tìm kiếm hộ chiếu của các nước phát triển đã diễn ra từ lâu và luôn là một chủ đề gây sự tò mò. Bài viết này xin trả lời và giải thích các câu hỏi liên quan.

Đầu tư lấy hộ chiếu là gì?

Đây là chương trình của một số nước trên thế giới nhằm thu hút nhân tài và vốn. Họ thiết lập các tiêu chuẩn để bất cứ ai cũng có thể đăng ký. Sau khi đáp ứng đầu đủ, chính phủ nước sở tại sẽ cung cấp hộ chiếu cho cá nhân đó. Đổi lại, cá nhân đó sẽ trở thành công dân và hưởng các phúc lợi.

Nếu lướt TikTok hay đọc báo, bạn sẽ ít nhiều thấy các quảng cáo như sau:

  • “5 chương trình đầu tư lấy quốc tịch hàng đầu.”
  • “Top 10 quốc gia có quốc tịch nhanh nhất.”
  • “Đầu tư 250,000 Euro, sau 4 năm nhận hộ chiếu Châu Âu.”
  • “Định cư Mỹ dễ dàng với 1 triệu USD.”

Không như ngộ nhận của nhiều người, quốc tịch và hộ chiếu bây giờ đã được thương mại hóa. Một bên có môi trường và cơ hội, còn một bên có tiền và tài năng. Hai bên tìm đến nhau như lẽ tự nhiên.

Dịch vụ này phổ biến hơn nhiều người nghĩ. Ngành đầu tư lấu hộ chiếu ước tính sẽ có doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2025. Bên mua chủ yếu đến từ các nước đang phát triển và bên bán là các nước đã phát triển.

Mỗi nước có yêu cầu khác nhau, nhưng sau đây là hai ví dụ.

  • Mỹ: Đầu tư 1.05 triệu USD cho chương trình EB5, tham gia mở doanh nghiệp và tạo 10 việc làm ở khu vực nhất định, và có thể mang gia đình theo. Sau tầm 3 đến 5 năm, cả gia đình sẽ được nhập tịch Mỹ.
  • Bồ Đào Nha: Đầu tư 250,000 Euro đến 1,500,000 Euro vào chương trình Visa Vàng, mua bất động sản hay mở doanh nghiệp, có thể mang gia đình theo, và sau tầm 5 năm sẽ được cấp hộ chiếu Bồ Đào Nha.

Đó chỉ là yêu cầu cơ bản. Trong thực tế, thời gian chờ đợi từ ngày nộp hồ sơ cho đến khi được chấp thuận sẽ tầm 3 đến 5 năm hoặc lâu hơn. Nhưng điều đó không ngăn cản các gia đình giàu đăng ký tham gia và nhu cầu chưa bao giờ giảm.

“Triệu phú xuất ngoại” là gì?

Chính làn sóng ngày đã tạo ra một cụm từ mới, “Triệu phú xuất ngoại” hay “Nhà giàu định cư” nhằm để miêu tả đối tượng nhắm đến.

Đây là vài con số để chúng ta suy ngẫm.

  • Dựa theo Bộ Ngoại Giao Mỹ, 90% visa EB5 được cấp cho người dân Châu Á.
  • Trong năm 2023-2024, Việt Nam được cấp nhiều nhất với 844 visa EB5 và nơi được cấp nhiều nhất là Thành Phố Hồ Chí Minh.

Để hình dung sự di chuyển, đây là các con số định cư của triệu phú trong năm 2024:

  • Mỹ nhận 3,800 người
  • Canada nhận 3,200 người
  • UAE nhận 6,700 người
  • Singapore nhận 3,500 người
  • Úc nhận 2,500 người

Ngược lại, Trung Quốc có 15,200 triệu phú xuất ngoại. Trong khi đó, Ấn Độ mất 4,300 triệu phú và Việt Nam mất 300 triệu phú. Vì lý do nào đó, làn sóng xuất ngoại chỉ chảy một chiều.

Tác hại của xuất ngoại là gì?

Sự ra đi của các triệu phú không chỉ là con số mà còn là sự mất mát về tài nguyên, chất xám, con người, và mối quan hệ. Tuy con số quá nhỏ so với tổng dân số, nhưng về giá trị thì không.

Đó có thể là một doanh nhân thành tài, một nhà khởi nghiệp với ý tưởng đột phá, một kỹ sư với nhiều năm kinh nghiệm, hay một khoa học gia với lượng chất xám cao.

Như anh ca sỹ kia, cô người mẫu nọ, hay một cá mập nào đó. Nó phổ biến đến mức giống như một công thức: tập trung kiếm tiền rồi tìm cách đi sang các nước Mỹ Âu.

Tác hại là các nước đang phát triển, vốn cần chất xám và nhân sự để cạnh tranh, phải đối mặt với sự thâm hụt. Nó làm khoảng các giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng lớn. Nó bất công vì các nước như Việt Nam là nơi sản sinh ra nhiều tài năng, tốn công đào tạo, nhưng rồi lại mất đi các thành quả đó vào tay nước khác.

Tại sao lại có làn sóng này?

Trước đây, xuất ngoại là lựa chọn của chủ yếu tầng lớp nghèo đến bình dân. Họ là những người có ít học thức, không tài sản, không địa vị, và không tìm thấy cơ hội để phát triển nơi mình sinh sống. Nhưng tầm hai thập niên trở lại đây, xuất ngoại trở thành một đặc quyền cho giới nhà giàu. Để ra đi, bạn không chỉ cần tiền, mà cần rất nhiều tiền.

Nó dẫn đến một điều khó hiểu. Tại sao những người ưu tú nhất, tưởng chừng như có tất cả, nhưng lại vẫn chọn xuất ngoại?

Tuy không có khảo sát cụ thể, có lẽ chúng ta cũng không cần. Các lý do thường là:

  • Cơ hội kinh tế: Thị trường Mỹ và Châu Âu lớn gấp chục lần Việt Nam. Những ai có tham vọng trở nên giàu có hơn sẽ khó là cưỡng lại cơ hội.
  • Cơ hội thăng tiến: Các nước phát triển đã có nền kinh tế ổn định hàng trăm năm. Nơi đó có nhiều công ty toàn cầu. Việc ra đi là lựa chọn để thăng chức trong công việc và khẳng định bản thân trên thị trường toàn cầu. Suy cho cùng, Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi và một nước đang phát triển.
  • Giáo dục tiên tiến: Theo dõi các bảng xếp hạng của các nước có nền giáo dục tốt nhất, Mỹ và Châu Âu luôn đứng đầu. Học sinh được miễn học phí phổ thông, học phí đại học được trợ giá, và cơ hội để tiếp cận công nghệ mới nhất. Trong khi đó, học phí ở các trường quốc tế tại Sài Gòn sẽ không dưới 20,000 USD/năm. Việc đi định cư ở các nước phát triển không những giúp tiết kiệm tiền, mà còn là cách để con cái học tập và phát triển tương lai.

Đó chỉ là những lý do ai cũng thấy. Nhưng nếu đào sâu hơn, chúng ta sẽ hiểu có nhiều thứ tiền không thể nào mua được. Như môi trường, khí hậu, luật pháp, đặc quyền hộ chiếu, và an toàn.

Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của một triệu phú Trung Quốc. Bạn may mắn khởi nghiệp đúng thời điểm và trở nên giàu có. Tuy nhiên, có những thứ bạn muốn làm nhưng không thể và những điều bạn muốn nói nhưng không dám. Cách duy nhất là chọn đi sang nước khác, nơi tài sản bạn sẽ được bảo đảm và không phụ thuộc vào sự cảm tính của cá nhân nào khác.

Lợi ích của đầu tư hộ chiếu là gì?

Bây giờ, chúng ta đã ít nhiều hiểu vì sao người giàu chọn ra đi. Nếu người nghèo ra đi vì kinh tế, thì người giàu ra đi vì những thứ kinh tế không thể đáp ứng được. Một khi con người đã đạt đến mức thịnh vượng nhất định, họ sẽ có nhu cầu cao hơn cho cuộc sống.

Đầu tư hộ chiếu sẽ mang lại cho họ vô số lợi ích. Bao gồm sự an toàn, môi trường, giáo dục, và cuốn hộ chiếu cho phép họ đi lại tự do trên thế giới.

Tuy hơi bất công, nhưng đây là một thực tế. Thế giới có có tầm 199 hộ chiếu và tất cả đều không có vị thế như nhau.

  • Nếu bạn là công dân Pháp, bạn có thể đi đến 135 nước mà không cần xin visa.
  • Nếu có hộ chiếu Singapore, bạn có thể thoải mái đi đến 178 nước.
  • Ngược lại, nếu bạn là công dân Trung Quốc, bạn chỉ có thể đi đến 42 nước miễn visa và phải xin cho 104 nước còn lại.

Một triệu phú Trung Quốc tuy có nhiều tiền hơn một người thường ở Pháp, nhưng lại thua kém về tự do đi lại. Đầu tư hộ chiếu chính là giải pháp cho giới hạn này. Đó là cách con người bỏ tiền để mua lại cuốn sổ thông hành ra thế giới và trở thành công dân toàn cầu. Họ có thể đầu tư và kinh doanh thoải mái hơn.

Cuối cùng, chúng ta có nên lo lắng không?

Nếu bạn là một người bi quan, thì sẽ cho rằng việc các triệu phú xuất ngoại là một thảm họa cho kinh tế. Một số bình luận cũng sẽ cho rằng đây là nạn chảy máu chất xám và thua thiệt về sức cạnh tranh.

Có thể. Nhưng nếu là một người hiện đại với tư duy mở, bạn sẽ cho rằng đây là điều bình thường và không có gì để lo lắng. Đây là vì sao chúng ta không nên quá bi quan.

  1. Các triệu phú đó ra đi nhưng không có nghĩa là vĩnh biệt. Đây cũng là một điều hay bị hiểu lầm. Họ chỉ ra đi để tìm cơ hội tốt hơn. Cơ sơ kinh doanh vẫn ở Việt Nam và tiếp tục phát triển. Họ chỉ đang thực hiện nghĩa vụ để lấy hộ chiếu cho an tâm, rồi quay về. Vài ví dụ tiêu biểu có thể là Shark Louis và Shark Liên. Có ai dám nói họ không đóng góp cho đất nước không?
  2. Trái đất bây giờ đã phẳng, việc ai đó đi đâu là lựa chọn cá nhân. Mỗi người có thế mạnh riêng và cần được đến nơi phù hợp nhất. Ngô Bảo Châu chọn sang Pháp và Mỹ để theo đuổi toán học, Việt Nam vẫn hưởng lợi. Ngược lại, B-Ray sau một thời gian sống ở Mỹ chọn về Việt Nam để phát triển sự nghiệp rap, nhờ vậy mà chúng ta có một tài năng âm nhạc.
  3. Quốc tịch hay hộ chiếu bây giờ đã được thương mại hóa. Nó không còn sự quý giá như thời La Mã, nơi các binh sĩ phải phục vụ 25 năm mới có được tờ giấy đó. Giống như một người quê miền Tây chọn lập nghiệp ở Sài Gòn, hay một người Nghệ An lên Hà Nội học. Con người vẫn ở đó, chứ không có biến mất. Việc cố định hóa nơi ở đã là khái niệm quá lỗi thời.
  4. Đầu tư lấy hộ chiếu khuyến khích sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Nó ép các nhà quản lý phải liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi để chiêu mộ vốn và con người. Nếu tất cả quốc gia đều làm như một, thì trái đất sẽ ngừng xoay và nền kinh tế sẽ trở nên bất động. Thay vì trách móc hay quan ngại, các nước đang phát triển có thể học hỏi để làm theo.

Quay lại tiêu đề. Việc 300 triệu phú Việt Nam kia ra đi không có nghĩa là họ từ biệt, mà chỉ là họ tạm thời chọn đi nơi khác sống. Như bất cứ ai, một khi có đủ tiền, con người muốn tìm sự an toàn. Đôi lúc, sự an toàn nằm ở cuốn hộ chiếu giống như gói bảo hiểm. Chỉ một khi không còn lo âu, con người mới an tâm đóng góp. Họ thành công thì xã hội sẽ thành công theo.

Những công ty họ thành lập vẫn còn vận hành và tiếp tục là cỗ máy tạo thịnh vượng. Xu hướng này không ngững sẽ không giảm, mà còn sẽ tăng mạnh hơn. Thay vì bi quan, hãy bình thường hóa và đón nhận lối sống của thế giới hiện đại.

Nguyễn Trọng Nhân, 08.7.2024