Trả tiền bản quyền, người tiêu dùng văn minh

Mình là một người tiêu dùng văn minh. Hay ít ra mình tự cho là vậy. Vừa rồi trong một sự kiện của Samsung Việt Nam, màn hình hiện lên cái thông báo là: “Ứng dụng Adobe không được cấp phép của bạn đã bị vô hiệu hóa. Hãy thay thế ứng dụng đó bằng ứng dụng Adobe chính hãng và tiết kiệm đến 40%.”

Nói theo cách bình dân thì là: “Bạn đang dùng phần mềm lậu. Hãy mua bản quyền.”

Theo tìm hiểu thì đây không phải là lỗi của Samsung, mà là lỗi của một bạn làm trong agency nào đó. Họ cũng đã thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Dù vụ việc đã qua nhưng Samsung cũng bị quê vì tự nhiên bị dính phốt.

Điều mình không hiểu là tại sao một agency quảng cáo với doanh thu triệu đô lại không chịu mua bản quyền phần mềm cho nhân viên. Trong khi chi phí sẽ chiếm chưa 1% doanh thu.

Thực tế thì đây là điều phổ biến ở Việt Nam. Ở nước khác cũng có, nhưng Việt Nam nằm trong tốp. Sau đây là vài con số ấn tượng.

  • Chỉ 10% người dung sử dụng phần mềm bản quyền.
  • 74% máy tính cá nhân không dùng bản quyền.
  • Việt Nam xếp hạng 6 về tỷ lệ sử dụng phần mềm lậu.

Nói công bằng, trước đây mình cũng vậy. Khi một phần mềm, chương trình, hay game nào đó ra thì điều đầu tiên mình nghĩ là “Tải lậu nó bằng cách nào.” Mình cá là nhiều người cũng vậy. Nói vậy không có nghĩa là mình ngụy biện cho hành vi cá nhân.

Chúng ta từ lâu coi đó là điều hiển nhiên và ít khi nào quan tâm đến. Lý do có lẽ là vì thu nhập còn thấp nên bản quyền hay tài sản trí tuệ là một khái niệm xa vời. Mình còn nhớ cách đây 20 năm, gần như nhà nào cũng coi Paris By Night và phim Hàn Quốc lậu. Đến mức Nguyễn Ngọc Ngạn một lần lên chương trình kêu gọi mọi người nên có ý thức hơn. Nhưng cũng không có gì thay đổi.

Từ khi ra đời đi làm, mình tự dưng có ý thức hơn trong việc bản quyền. Dù là nội dung, tấm ảnh, phần mềm, dịch vụ, hay âm thanh. Sau đây là các phần mềm và dịch vụ bản quyền mình đang sử dụng.

  1. Canva, phần mềm thiết kế online.
  2. Office 365 của Microsoft.
  3. Envato Elements, thư viện hình và clip bản quyền.
  4. Google Drive và iCloud để chứa dữ liệu.
  5. Capcut Pro để làm clip cho tiện.
  6. Netflix để coi phim.
  7. Notion để làm việc nhóm.
  8. Các khóa học trên Udemy. Mình học cái nào thì mua chứ không tải lậu.
  9. Tờ Wall Street Journal và New York Times với giá ưu đãi.
  10. Grammarly, phần mềm sửa ngữ pháp và chính tả tiếng Anh.
  11. YouTube Premium.

Trước đây mình cũng có mua các gói của ChatGPT, Adobe, Vyond và Apple TV. Nhưng vì ít sử dụng nên mình đã hủy. Trung bình mỗi tháng, mình tiêu trên dưới $100 cho các gói dịch vụ bản quyền.

Nhiều lúc mình rất tiếc tiền và muốn dùng lậu. Nhưng nghĩ lại thì vẫn tiếp tục trả. Đây là vì sao.

  1. Dùng phần mềm lậu dễ dính vi-rút. Nếu bạn chưa biết, khi tải các phần mềm lậu, bạn đang tự đưa các mã độc về máy. Rủi ro là một ngày nào đó dữ liệu sẽ bị mất, máy sẽ bị đăng nhập, và bạn sẽ bị tống tiền. Mình không muốn bị như vậy nên không tạo cơ hội để kẻ xấu lợi dụng.
  2. Dùng phần mềm bản quyền cho mình sử dụng các tiện ích đi kèm. Mình có thể dùng trên Macbook và iPhone. Mình có thể đăng nhập bằng tài khoản thật thay vì giả. Mình có thể an tâm là dữ liệu sẽ được lưu ở đâu đó chứ không biến mất.
  3. Riêng về YouTube Premium, nó cho phép mình tải các clip về rồi nghe thay vì phải coi quảng cáo. Mình được lợi và nhà sản xuất nội dung được tiền. Nên mình thực sự không hiểu sao nhiều người vẫn tự hào dùng các gói lậu hay phần mềm lách. Cái đó giống trí khôn của Trạng Quỳnh. Nhưng thôi, đó là lựa chọn cá nhân nên mình không phán xét.
  4. Dùng phần mềm bản quyền, là cách mình đóng góp phát triển kinh tế và cộng đồng. Tư duy của mình rất đơn giản. Người khác bỏ vốn và công sức ra làm các ứng dụng, mình là người dùng nên trả tiền. Mình không bao giờ ra tiệm bánh rồi tự ý đòi ăn bánh mì miễn phí, cũng không bao giờ kêu ai làm không công, vậy tại sao lại dùng phần mềm lậu?

Nói vậy không phải là nâng cao bản thân rồi hạ thấp người khác. Nhưng có lẽ chúng ta cần suy ngẫm về văn hóa bản quyền. Sở dĩ các nhà phát triển phần mềm ít coi trọng thị trường như Việt Nam là vì ý thức trả tiền quá thấp.

Không phải ai cũng vậy. Bây giờ nhiều người đã thay đổi tư duy. Nhất là khi chúng ta đang phát triển mảng công nghệ và công nghiệp sáng tạo. Nó bắt đầu bằng nhận thức rằng chất xám cũng là sản phẩm và cần được bảo vệ. Nếu không, sau này sẽ không ai đóng góp nữa.

Mình không hoàn hảo. Đôi lúc mình vẫn tải phim lậu vì tìm hoài không ra bản gốc. Khi làm clip, mình hay sử dụng các hình ảnh không rõ nguồn tác giả. Nhưng mình luôn cố gắng nhất có thể. Đó là vì sao mình trả tiền mua bản quyền, vì mình muốn góp sức xây dựng cộng đồng và mình là một người tiêu dùng văn minh.

Nguyễn Trọng Nhân, 16.7.2024