Tác hại nghiêm trọng của cơn sốt nhà đất ở Việt Nam | Trong khi một nhóm người thiểu số đang hả hê và tự coi mình là thiên tài vì bất động sản lên giá thì cả nền kinh tế lại rơi vào trạng thái lâm nguy. Nhưng nếu đọc báo chí thì khó mà biết được vì nội dung về nhà đất tăng giá chiếm quá nhiều số lượng.
Hậu quả lớn nhất của chính sách tiền tệ nới lỏng là sự mất cân bằng trong phân phối tài nguyên và tập trung nguồn vốn. Cả nền kinh tế này gần như đang chạy theo bất động sản và lấy nó làm gốc để đi lên.
Từ ngân hàng, quảng cáo, dịch vụ, nhà sản xuất cho đến bà nội trợ. Ai cũng sốt đất và muốn làm giàu nhanh. Chẳng cần logic, miễn cần nguyên lý cơ bản và bất chấp tất cả. Nếu ai cũng chạy theo trào lưu này thì sẽ chẳng có đơn vị nào sản xuất sản phẩm và dịch vụ nữa. Sau tất cả thì chỉ còn một khoảng trống và mớ tiền chuyển tay từ người này sang người khác.
Chúng ta đang nhầm tưởng lạm phát là lợi nhuận và sốt đất là tài năng. Cả hai đều là ảo giác tạm thời để rồi sau này tan vỡ.
Sốt đất có tác hại gì.
- Các cửa hàng kinh doanh phải trả thêm tiền thuê mặt bằng mặc dù doanh thu không tăng và lợi nhuận ngày càng giảm.
- Các cơ sở sản xuất phải tốn thêm để mua đất làm nhà máy trong khi không được lợi gì.
- Tín dụng ở các ngân hàng được đẩy vào một thị trường đầu cơ mà bỏ quên sản xuất.
- Người dân không lo làm ăn mà chỉ theo trào lưu đánh bạc.
Không có quốc gia nào có thể phát triển bằng con đường chụp giật như vậy. Nếu in tiền là phát triển thì có lẽ Zimbabwe đang đi đầu. Nếu đẩy giá bất động sản lên đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế thì có lẽ chúng ta nên ngừng hết hoạt động để tất cả thành nhà đầu cơ đất.
Đừng nói sao mặc dù có tầng lớp giàu có nhưng GDP đất nước chúng ta chỉ $3,000. Cũng chớ tò mò vì sao người dân ngày càng bất mãn với cuộc sống.
Điều nghiêm trọng nhất của bong bóng nhà đất là nó nới rộng khoảng cách giàu nghèo. Một bên thấy đồng lương mình ngày mất giá trị, một bên thì hưởng lợi khi tài sản lên giá. Dần dần, hai bên coi nhau là địch thủ vì sự bất công này.
Đừng ai nói với tôi đây là thị trường tự nhiên nhé. Chẳng có một quốc gia nào có giá nhà đất cao hơn thu nhập 40-50 lần như ở đây. Cũng không có một quốc gia nào làm lơ để thông tin sai lệch ngày càng lan rộng.
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào những nhà quản lý. Nạn này phải chấm dứt. Việt Nam phải lấy sản xuất làm nền như bao quốc gia khác. Còn không thì chỉ là cái bong bóng chờ nổ tung nhưng có lẽ một đám người kia đang say mê trong cơn đần độn nên mặc kệ tất cả.
Chẳng ai coi trọng tên đánh bạc may mắn cả. Cũng không ai nể một quốc gia đánh bạc với nhà đất để làm giàu, vì họ chỉ là hư vô.
Bóc Phốt Tài Chính | 05.4.2021