Tác hại của bong bóng tài chính | Việc chứng khoán tăng tưởng không ngừng trong 10 năm qua đã làm nhiều người trở nên rất khá giá vì thấy tài sản mình được nhân lên không ngừng. Cảm giác không khác gì tiền từ trên trời rơi xuống. Mặc dù hưởng lợi từ chính sách tiền tệ của chính phủ nhưng tôi luôn cho rằng tác hại của nó không để tránh né được vì cuộc vui này sớm muộn gì cũng phải ngừng.
Tôi luôn cho rằng và sẽ tiếp tục khẳng định nếu bạn đầu tư kiếm lời chứng khoán và bất động sản trong thập niên qua thì đó không phải là tài năng mà chỉ là hiệu ứng lạm phát. Nhưng trong cơn say thì người ta mặc kệ giá trị nguyên thuỷ, miễn sao có tiền là được.
Đó là tác hại lớn nhất kèm với những hậu quả như sau.
- Nó làm con người ảo tưởng về khả năng của mình. Tại sao phải bỏ công sức ăn học trong khi chỉ cần ngồi không thì giá đất cũng tăng phi mã. Giải thích cho xu hướng làm giàu đi tắt trong những năm qua. Người ta không quá chú trọng đến chất xám nữa vì họ lấy tiền làm thước đó nhưng quên rằng đó là kết quả của tiền tệ nới lỏng chứ không phải vì tài năng gì. Một con khỉ bị bịt mắt ném phi tiêu cũng có thể mua đất rồi trở nên giàu có. Một đứa trẻ cũng có thể chọn ngẫu nhiên vài cổ phiếu và thấy nó tăng lên trời.
- Nó chuyển hướng từ đầu tư dài hạn sang ngắn hạn. Ở Việt Nam thì gần như không có khái niệm đầu tư bền vững mà chỉ có một cái sòng bạc mang tên chứng khoán. Doanh thu công ty ra sao, sản phẩm là gì, lợi thế là gì thì mặc kệ. Miễn sao giá cổ phiếu tăng. Tăng là đúng còn tất cả cái khác là sai. Tạo ra một thế hệ với tư duy chụp giật và khôn vặt đúng bản chất.
- Nó thưởng những ai nắm tài sản thay vì những ai có trí tuệ. Với mức lương trung bình 10 triệu cho người có bằng đại học thì phải làm ít nhất 20 năm mới có thể mua được căn nhà, đó là nếu họ không ăn uống gì trong suốt khoảng thời gian đó. Trong khi những người có nhà cửa trước thì không cần làm gì cũng có ăn. Điều này làm nản lòng rất nhiều trí thức vì cảm thấy chất xám mình không được thị trường trọng dụng.
- Nó làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo một cách bất thường. Nếu để ý sẽ thấy người giàu ở Việt Nam xuất phát từ tầng lớp tài sản chứ không có sản xuất ra sản phẩm gì cho xã hội. Trong danh sách các đại gia thì hơn 70% liên quan đến ngành bất động sản và chi phối các lĩnh vực còn lại. Nếu bạn là một người bình thường làm công ăn lương thì sẽ khó mà lọt vào tầng lớp trung lưu được. Chính điều này tạo ra sự phân biệt giai cấp và xung đột xã hội.
Điều cay đắng là tôi cũng không thể đi ngược với xu hướng này. Nó sẽ tiếp tục chứ không ngừng lại. Chỉ trích nhưng vẫn mua cổ phiếu và bất động sản chứ không thể nào chống lại quy luật đám đông. Chỉ có một sự sụp đổ hoặc suy giảm mạnh mới có thể tác động toàn diện để chúng ta tái cơ cấu lại xã hội từ một đám đông đầu cơ chụp giật thành một nền kinh tế tạo lợi nhuận bền vững.
Bóc Phốt Tài Chính | 13.2.2021