Tác giả Cha Giàu Cha Nghèo chê đại học | Là một người đã đọc hết các cuốn sách trong chuỗi “Cha Giàu, Cha Nghèo” của Kiyosaki, tôi thừa nhận ông ta đã làm rất tốt trong việc giải thích khái niệm tài sản và tiêu sản cho người bình dân.
Nhưng không thể vì vậy mà mù quáng tin hết, nhất là việc lên án hệ thống giáo dục và gián tiếp cổ súy các bạn trẻ nghỉ học để kinh doanh.
Tôi thì không rõ ông ta đang miêu tả hệ thống nào nhưng nếu ai học đại học ở Mỹ Âu thì sẽ biết rằng trường nào cũng có lớp kinh tế và tài chính cơ bản trong năm đại cương. Bất cứ sinh viên nào cũng sẽ biết lãi suất, lạm phát, tài sản và nợ là gì.
Còn nếu ông ta đang nói về “Tài Chính Cá Nhân” thì đó là ngộ nhận. Lý do nhà trường không dạy là vì nó là khái niệm do truyền thông và báo chí làm ra chứ không phải là đề tài hàn lâm.
Nó cũng không có gì mới mà chỉ theo vài nguyên tắc.
- Tiết kiệm tiền và kiểm soát chi tiêu.
- Dùng tiền để đầu tư nhằm đẻ thêm tiền.
- Khi có đủ tiền rồi thì về hưu. Lúc đó bạn đạt được “Tự do tài chính.”
Mấy cái này thì cần gì phải dạy vì ai mà không biết. Sở dĩ ông ta lên án làm công ăn lương là vì đó là chiêu các tác giả trong ngành dạy làm giàu hay dùng để bán sách và khóa học. Trong khi thực tế thì nếu bạn không có vốn và quan hệ thì làm công là cách tốt nhất.
Làm thuê cho người khác không phải là tự nghèo đi mà mình đang được trả lương để học hỏi và phát triển bản thân. Ở Mỹ thì hàng trăm triệu người đã trở thành khá giả nhờ ăn học và đi làm. Khi tích lũy được đủ vốn và kinh nghiệm thì họ mới can đảm khởi nghiệp rồi may mắn sẽ thành công. Chứ không ai tay trắng mà làm giàu được hết.
Điều nguy hiểm nhất nhiều người mắc phải là hạ thấp việc làm công trong khi đó là điều cơ bản cần thiết trong quá trình xây dựng thịnh vượng. Khi nhận lương, tôi vui vì biết rằng mình đã góp sức cho xã hội chứ không hề nghèo đi.
Nếu có hối hận thì đó là đã đốt tiền mua các cuốn sách dạy làm giàu rồi tin đó là thật.
Bóc Phốt Tài Chính | 28.3.2021