Sốt đất ở Mỹ và thuyết tiền tệ | Hiện tượng sốt nhà đất và bong bóng đầu cơ tài chính xuất hiện ở khắp nơi chứ không riêng Việt Nam hay Mỹ, chỉ khác nhau ở mức độ. Qua cơ chế kiểm soát, chính sách thuế và hình thức đầu tư, mỗi chính quyền quốc gia có cách để kiềm chế nhưng không thể loại bỏ.
Những ai sống qua giai đoạn bong bóng 2008 của Mỹ thì sẽ ít nhiều còn nhớ.
- Bắt đầu sau 2001, FED bơm tiền để cứu thị trường và hạ lãi suất xuống mức dưới 2%. Vào thời điểm đó thì là mức thấp kỷ lục chưa từng thấy.
- Khi thị trường được rót vào một lượng tiền và tín dụng quá nhiều thì nó sẽ chạy vào đâu đó. Hai kênh chính là bất động sản và chứng khoán.
- Kèm với những chính sách ưu đãi bởi Fannie Mae và Freddie Mac, chính phủ Mỹ gián tiếp trợ cấp các gói vay mạo hiểm.
- Các ngân hàng “đóng gói” các khoản vay thế chấp rồi biến nó thành chứng khoán, sau đó bán ra thị trường. Cho nên họ không quá quan tâm điểm tín dụng và chất lượng là gì mà chỉ cho vay thật nhanh để ăn hoa hồng.
- Điều này tạo cơn sốt khắp nơi. Rồi khi nó vượt mức chịu đựng, cơn bong bóng bắt đầu sụp vào năm 2007.
Bây giờ thì không như ngày xưa vì chính phủ đã đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế đầu cơ vô tội vạ rất nhiều. Nhưng kể từ tháng 3/2020, khi thị trường suy giảm vì COVID-19 thì FED và chính phủ Mỹ đã lặp lại hình thức bơm tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Kết quả là cơn sốt đất trở lại và lần này không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu vì hơn 50% lượng tiền USD đang nằm ở ngoài lãnh thổ.
Chỉ có thuyết tiền tệ và kinh tế Austrian mới giải thích được hiện tượng bong bóng nhà đất.
Bóc Phốt Tài Chính | 31.3.2021