Xin chào mọi người. Hôm nay mình không làm clip trực diện, mà làm như podcast. Vì nó nhẹ và đỡ mệt hơn. Có quá nhiều thứ mình muốn nói, nên đây là cách hiệu quả nhất. Nó bao gồm:
- Tinh thần người Việt mùa bão lũ
- Tính soi mói khi làm từ thiện
- Phông bạt từ thiện
- Katinat góp 1,000đ/ly
- Mỹ viện trợ khẩn cấp 1 triệu đô
- Ưng Hoàng Phúc làm từ thiện bị chê
- Hãy làm người từ thiện tử tế
Mình đã làm nháp 2 cái bên kênh phụ kia và thấy cách này cũng vui. Kịch bản tối thiểu, nội dung tối đa. Ai không thích coi thì có thể ngồi nghe.
Bắt đầu với bình luận này.
Tinh thần người Việt mùa bão lũ
“Mọi người giúp miền Bắc mà không thấy bà này làm.”
Tuy chỉ là một nhận xét nhưng nếu lướt mạng xã hội, bạn sẽ gặp không ít người như vậy. Từ thiện đúng nghĩa là một việc làm từ tâm và tự nguyện. Nhưng không hiểu từ bao giờ, nó trở thành một cái cớ để nhiều người soi mói, một tiêu chuẩn để đánh giá, và một áp lực của đám đông.
Trong tuần vừa qua, miền Bắc gánh chịu hậu quả của cơn bão Yagi. Người dân trên toàn quốc đã cùng nhau quyên góp để hỗ trợ.
- Lớn nhất là số tiền gửi cho Mặt Trận Tổ Quốc. Tính đến thời điểm này, tổng số tiền đã là 1,000 tỷ đồng.
- Ở miền Nam, nhất là Sài Gòn, nhiều người đã tự nguyện gửi mì gói, thực phẩm, và quần áo. Có rất nhiều chuyến xe cứu trợ được tổ chức.
Có điều này mình thấy thú vị. Đó là khi nói đến chủ đề Nam Bắc, chúng ta thường có cái nhìn tiêu cực. Như là “Bắc Kỳ Nam Kỳ.” Đến mức cái từ “Parky” được sử dụng phổ biến trên mạng.
Trong cơn khủng hoảng, chúng ta tự dưng bỏ hết những cái xung đột đó qua một bên để giúp đỡ nhau. Vì suy cho cùng, dù là Bắc hay Nam, Hà Nội hay Sài Gòn, thì vẫn là Việt Nam. Nếu phân biệt vùng miền có tồn tại, thì có lẽ chỉ ở trên mạng, chứ hiếm thấy ở ngoài đời.
Mình thấy nhiều bạn hay kêu là “Bọn kia phân biệt vùng miền” hay “Đồ phân biệt vùng miền.” Nếu nó thực sự tồn tại, thì bạn sẽ không thấy hàng loạt người ở miền Tây, Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, hay Đà Nẵng tự nguyện quyên góp.
Họ tự động kêu gọi mọi người góp tiền, quần áo, gạo, hay đồ ăn. Họ tự bỏ thời gian để đi chở hàng, đưa hàng lên xe, và kết nối với những ai cần thiết. Chúng ta thường chỉ tính giá trị của hàng hóa, nhưng thời gian cũng là tiền. Nếu quy ra thì có lẽ số tiền đã lên hàng ngàn tỷ đồng.
Nếu nhìn những hình ảnh này, mà bạn vẫn cho rằng còn chuyện phân biệt vùng miền, thì đó là một nhận xét rất thiếu hiểu biết. Trong thiên tai thì ai cũng là con người. Bây giờ miền Bắc đang bị thì miền Trung và Nam góp sức. Sau này, khi miền Trung và Nam bị, thì mình tin là sẽ thấy tinh thần này được tái diễn.
Tính soi mói khi làm từ thiện
Tuy nhiên, có một điều khiến mình và nhiều người khác cảm thấy bất bình. Đó là việc có không ít người lại biến từ thiện thành một tiêu chuẩn và nghĩa vụ.
- Họ soi mói coi anh kia đã góp bao nhiêu, nếu chưa thì sẽ hỏi “Sao anh chưa góp.
- Nếu công khai số tiền thì sẽ bị hỏi tiếp là “Sao góp ít thế?”
- Nếu đi đến chỗ ngập không nặng thì nhận xét sẽ là “Sao anh chị lại đến đây mà không lên trên kia?”
Ai cũng có ý kiến riêng. Nhưng nếu đánh giá từ thiện thì trước tiên chúng ta phải biết ý nghĩa của từ thiện là gì.
- Từ thiện là làm từ cái tâm. Nó là hành động tự nguyện. Không có ai ép và không có áp lực. Bạn góp là vì bạn thực sự muốn chứ không phải vì ai đó chỉ thị.
- Chính vì vậy, số tiền chưa bao giờ là tiêu chuẩn. Một ngàn hay một triệu quyên góp vẫn là tiền.
- Một khi chúng ta lấy nó làm thước đo, từ thiện sẽ mất đi ý nghĩa. Người góp sẽ không cảm thấy vui. Người nhận cũng không vui, không những vậy, họ sẽ cảm thấy áy náy.
Khi bị soi mói, từ thiện vô tình trở thành áp lực. Ở Sài Gòn, chỗ làm bạn của mình, mọi người quyên góp. Sẽ không có vấn đề gì nếu mọi người hỏi “Mày góp bao nhiêu” hay “Anh kia góp bao nhiêu.” Mặc dù họ có ý tốt, nhưng mọi người tự dưng có áp lực là không thể góp số tiền quá thấp. Vì sẽ bị nói là “Keo kiệt”, hay “Mày không thương đồng bào hả?”
Mặc dù không phải ai cũng vậy, nhưng nó khiến từ thiện trở nên vô vị.
Vấn đề này không nằm ở vùng miền. Mình không bao giờ coi đây là cơ hội để tạo xung đột. Nhưng theo kinh nghiệm của mình, mỗi lần miền Trung bị bão lũ, bất cứ khoản đóng góp nào cũng được nhận. Dù là thùng mì gói, 10,000 đồng, 100 đô, hay bộ quần áo.
Không có ai chê bai hay phán xét như:
- “Ở đây không cần, thích thì lên kia mà từ thiện.”
- “Cho có mấy chục mà cũng cho.”
- “Giàu vậy mà cho ít thế.”
Thậm chí, mình đố bạn tìm ra một người miền Trung nào mà chê sự đóng góp. Mặc dù năm nào họ cũng gánh chịu thiên tai. Họ không đòi hỏi vì thừa biết là dù số tiền ít hay nhiều, nó vẫn là tấm lòng của người khác.
Chính vì vậy, nên mọi người cảm thấy thoải mái hơn. Không có xung đột hay khó chịu. Chỉ cần biết nơi nào đó đang gặp khó khăn, mọi người sẽ quyên góp. Từ đó, ý nghĩa của từ thiện luôn dễ thương. Chứ không trở thành một cơ hội để soi mói.
Phông bạt từ thiện
Nói vậy không phải là mình lên án ai. Sẽ là sai lầm nếu lấy bình luận của một số người để đánh đồng lên một tập thể. Sở dĩ có vấn nạn này là từ lâu, từ thiện đã bị một số người lạm dụng để làm hình ảnh cho bản thân và trục lợi. Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta cũng chưa phát triển bằng các nước lớn khác. Nên không thể cứu giúp tất cả. Từ trong sự hỗn loạn đó, con người mất niềm tin và hoài nghi về người khác.
Bây giờ, cái từ được nhắc đến nhiều nhất là “Phông bạt.”
Nếu bạn chưa nghe đến từ này bao giờ thì không sao. Mình cũng vậy. Ban đầu, mình tưởng tiếng Việt của mình kém bởi vì chưa bao giờ nghe qua từ này. Cách đây vài năm thì không ai dùng hết.
Theo Google:
“Phông bạt” là từ ngữ miêu tả lối sống hào nhoáng bên ngoài nhưng thiếu sự chân thật bên trong. Những người có lối sống này thường cố gắng tạo dựng hình ảnh hoàn hảo, hào nhoáng trên mạng xã hội, nhưng thực tế lại khác xa với những gì họ thể hiện.”
Mình là người bình dân, nên thích từ “Sống xạo,” “Xạo ke” hay “Xạo lờ.” Còn phông bạt thì lạ quá.
Chuyện là vừa rồi, MTTQ đã công khai sao kê trên mạng để mọi người kiểm tra. Có một số bạn cho rằng nó vi phạm quyền riêng tư. Mình không phải là luật sư. Nhưng theo tìm hiểu, lý do MTTQ làm vậy là vì họ muốn mọi người an tâm là số tiền đã được nhận. Nhờ vậy mà chúng ta mới khám phá ra nhiều điều thú vị.
Hàng loạt KOL và hội nhóm, đã thổi phòng số tiền mình góp.
- Cô A góp 500k nhưng lại nói là 500 triệu.
- Anh B góp 10k nhưng “phông bạt” thành 100 triệu.
Nó cho thấy là chúng ta không nên tin những gì trên mạng xã hội, nhất là những cá nhân tạo hình ảnh sang trọng, thành công, và nhiều tiền. Nó khiến mình suy ngẫm là bao nhiêu là thật và bao nhiêu là giả.
Lý do là chúng ta thường ngưỡng mộ những ai như vậy. Bây giờ chắc sẽ bớt lại. Phông bạt làm gì? Hãy sống thật.
Katinat góp 1,000đ/ly
Nếu lên án sự phông bạt thì cũng nên lên án sự soi mói của cộng đồng mạng về việc làm từ thiện. Katinat là một ví dụ điển hình. Nếu ai không theo dõi thì vụ việc như sau.
Katinat là một chuỗi cà phê ở Việt Nam với hơn 70 cửa hàng. Nếu ở Sài Gòn, bạn khó mà chạy qua một con đường nào ở khu vực trung tâm mà không thấy Katinat.
Vừa rồi, Katinat đăng tấm ảnh lên Facebook, thông báo về chương trình đóng góp cứu trợ của họ. Nguyên văn như sau.
“Gửi đến đồng bào miền Bắc lời chia sẻ thân thương.
Trong giai đoạn khó khăn vì bão lũ tại các tỉnh miền Bắc. Katinat mong muốn góp chút sức nhỏ bằng cách trích 1,000đ trên mỗi ly nước bán ra tại hệ thống từ ngày 12/9 đến 30/9. Đồng hành cùng đồng bào khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng. Cầu mong tất cả mọi người luôn bình an.”
Hết trích.
Ngay sau đó, không hiểu vì lý do gì, Katinat lại bị lên án ở hàng loạt diễn đàn. Vấn đề như sau.
Nhiều bạn chỉ tập trung vào cái 1,000 đồng và cho rằng nó thấp. Vì nếu tính ra, một người phải mua 100 ly nước giá 60,000đ, thì Katinat mới góp 100k. Họ sẽ nghĩ trong đầu là:
- “Chuỗi lớn vậy mà góp 1,000đ. Thà không làm còn hơn.”
- “Nói theo cách GenZ bây giờ, “Vậy là từ thiện dữ chưa?”
- “Thay vì mua thì sao không gửi 100k cho các hội từ thiện?”
Mình rất hiểu suy nghĩ đó. Nếu đánh giá công tâm thì cách trình bày của Katinat dễ gây hiểu lầm. Cho nên không trách sao nhiều bạn lại phẫn nộ.
Nhưng nếu chịu suy ngẫm một chút thì sẽ hiểu vì sao.
- Katinat là một hệ thống cà phê lớn, với hơn 70 cửa hàng trên toàn quốc. Doanh thu trong năm 2023 là 470 tỷ đồng hoặc 20 triệu đô.
- Ước tính, mỗi ngày họ bán được 20,000 ly nước, tầm 285 ly ở mỗi cửa hàng. Thực tế, con số còn cao hơn nhiều.
- 1000đ trông nhỏ nhưng nhân cho 20,000 ly thì là 20 triệu đồng mỗi ngày.
- 20 triệu đồng nhân cho 18 ngày là 360 triệu đồng. Đó là số tiền không ít.
- Chưa kể, họ đã góp 1 tỷ đồng rồi.
Nghĩa là 1,000đ tuy nhỏ, nhưng nhân lên tổng số ly bán được thì thành số tiền khổng lồ. Tuy nhiên, cách trình bày của cái bạn viết nội dung lại khiến người ta nghĩ rằng Katinat chỉ muốn góp 1000đ trên mỗi ly bán 60,000đ.
Nếu là mình, mình sẽ viết là:
- Katinat đã góp 2 tỷ đồng và mong đồng bào mau qua khỏi cơn bão.
- Katinat sẽ góp 2% doanh thu để góp sức.
- Katinat sẽ góp 10% lợi nhuận sau thuế để cứu đồng bào miền Bắc.
Còn ghi “1,000 đồng” thì dễ bị hiểu lầm. Nhất là trong thời buổi nội dung ngắn lên ngôi và tiêu diệt kỹ năng suy luận của không ít người. Mình không rõ đây là sơ hở hay là cố tình. Nhưng trong mùa bão thì có góp còn hơn không. Đã là từ thiện thì có nghĩa là tự nguyện.
Một doanh nghiệp muốn làm từ thiện thì phải tạo ra lợi nhuận. Mình không bênh Katinat hay nói dân mạng sai. Nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc doanh nghiệp tồn tại đã là một thành công, chứ đừng nói gì đến dùng một phần của lợi nhuận để cứu trợ.
Chúng ta phải nhìn tổng quát, chứ không thể soi mói tiểu tiết. Nó không công bằng chút nào. Tại sao chúng ta lại lên án. Thay vào đó, chúng ta có thể góp ý nhẹ nhàng và tinh tế giống như mình. Của ít lòng nhiều. Đúng không?
Để sau này, các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn trong việc góp sức. Một lần nữa, khi chúng ta biến từ thiện thành tiêu chuẩn để soi mói, nó sẽ mất ý nghĩa. Dù là Katinat hay doanh nghiệp nào đi nữa.
Mỹ Âu viện trợ khẩn cấp 1 triệu đô
Không chỉ doanh nghiệp quyên góp, các chính phủ Mỹ Âu cũng viện trợ.
- Mỹ 1 triệu đô
- Úc 3 triệu đô
- Hàn Quốc 2 triệu đô
- Anh 1.3 triệu đô
- Ấn Độ 1 triệu đô
Đây không phải là lần đầu tiên. Mỹ, Úc, và Châu Âu luôn nằm trong tốp các nước viện trợ nhân đạo. Chỉ riêng trong năm 2023, Mỹ đã chi 63 tỷ đô cho viện trợ quốc tế. Đó là chưa tính số tiền người dân tự quyên góp. Việt Nam chúng ta cũng nhận rất nhiều.
Tại sao mình lại nói vậy. Đó là khi lướt mạng xã hội, mình hay gặp những nhận xét như sau.
- “Ôi cái bọn tư bản này thì tốt lành gì, toàn làm màu.”
- “Ngày xưa bọn Anh cướp cả ngàn tỷ thì sao?”
- “Bọn đấy viện trợ 1 triệu nhưng nhận lại cả tỷ từ doanh thu xuất khẩu. Làm ăn cả thôi chứ chả ai cho không ai cái gì cả.”
- “Một triệu đô tính ra chỉ hơn 24 tỷ VND. Nhiều quá cơ.”
Một lần nữa, ai cũng có ý kiến riêng. Nhưng nếu sau tất cả những gì các nước tư bản đã giúp đỡ cho Việt Nam, mà bạn còn ganh ghét, thì bạn sự thực có vấn đề.
Đúng là không ai cho không ai cái gì. Lý do các nước Mỹ Âu viện trợ là vì họ muốn tạo hình ảnh thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Họ muốn cho người ta biết là họ là bạn chứ không phải là địch thủ. Nó là một trong những nỗ lực để xây dựng ảnh hưởng thông qua quyền lực mềm. Và đơn giản, người ta gọi là ngoại giao.
Người hưởng lợi là các doanh nghiệp Mỹ, khi họ có thêm thị trường xuất khẩu mới. Giá trị thương thiệu của Mỹ cũng được nâng cao. Mỹ duy trì sức hút của mình. Bây giờ học phí 1 năm đại học lên đến $50,000/năm nhưng người Việt Nam vẫn xếp hàng để đi. Họ bỏ một nhưng họ được mười.
Nhưng, rồi sao? Đó là lòng tốt của tư bản. Tư bản ép bạn phải làm điều có ích cho người khác nếu muốn trở nên giàu có. Với mình, đây là điều bình thường. Việt Nam đã hưởng lợi rất nhiều. Từ xóa đói giảm nghèo, giáo dục, xuất khẩu, cho đến tri thức.
Trong đó có sự đóng góp gián tiếp của các kiều bào. Những người ở Úc, Pháp, hay bang California chẳng hạn. Bằng cách nào?
- Họ đi làm đóng thuế.
- Chính phủ dùng một khoản tiền đó để viện trợ.
- Người nhận là Việt Nam.
Cho dù muốn hay không, kiều bào và Việt Nam vẫn có sự gắn kết. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta chế nhạo ai đó làm nail, trong khi công việc của họ cũng là lao động chân chính. Những người đó đang đóng góp gián tiếp cho Việt Nam.
Ngay cả ở Việt Nam, cộng đồng người nước ngoài cũng kêu gọi đóng góp. Mình lướt TikTok thì thấy ca sĩ Han Sara, anh giám đốc người Hàn Quốc nào đó, và các bạn Tây. Ai cũng muốn làm gì đó.
Còn những nước như Nga, Cuba, Trung Quốc hay Bắc Hàn thì mình chưa thấy góp gì. Có thể họ sẽ góp nhưng mình tìm không ra. Nhưng không sao, từ thiện là tự nguyên và không nên phán xét.
Các bạn thấy gì. Riêng mình, mình thấy các nước tư bản quá tử tế. Khi con người có dư thừa của cải, họ sẽ trở nên thân thiện hơn. Phú quý sinh lễ nghĩa, tư bản làm con người tử tế.
Ưng Hoàng Phúc làm từ thiện bị chê
Nếu đã nói về việc soi mói thì không thể nào suy luận về chuyện ca sĩ Ưng Hoàng Phúc bị chê khi làm từ thiện. Chuyện như sau.
- Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc và vợ ra ngoài Bắc để làm từ thiện. Theo kế hoạch thì họ sẽ ra Hà Nội, rồi lên các tỉnh bị bão lụt.
- Khi đi phát mì gói ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiến, Hà Nội, thì bị cho là làm màu và phông bạt. Lý do là đây là một quận trung tâm của Hà Nội chứ không phải là một vùng bị ngập nặng.
- Có một đoạn người quay phim nói với Phúc là “Đừng lùi ra kia, cho nước ngập sâu sâu tí, lên hình cho đẹp.”
- Kết quả là không ít người chế nhạo. Thậm chí còn quay clip diễn lại khoảnh khắc đó để chê cười.
Mình thì không rõ tại sao Ưng Hoàng Phúc lại chọn làm từ thiện như vậy. Theo tìm hiểu thì anh ấy đi theo người hướng dẫn. Dự tính là sẽ lên vùng sâu vùng xa chứ không chỉ dừng ở Hà Nội.
Anh ấy có lòng tốt, nhưng vì nhiều lý do nên bị hiểu lầm. Đây là vấn đề chung khi làm từ thiện tự túc. Với sự nổi tiếng của mình, anh ấy có thể đóng góp như sau:
- Mở livestream hát rồi kêu gọi khán giả quyên góp. Hát bài “Người ta nói” hay “Nỗi nhớ con tim mồ côi.”
- Đi diễn rồi dùng doanh thu bán bé để quyên góp.
- Còn không, sử dụng danh tiếng của mình để kêu gọi ủng hộ. Số tiền sẽ không hề nhỏ.
Vấn đề với làm từ thiện cá nhân là như sau.
- Bạn sẽ thiếu thông tin. Bây giờ nên đi đâu, đến khu gì, giúp gia đình nào?
- Bạn sẽ thiếu quy mô. Bạn không thể nào mang theo chục tấn mì gói hay quần áo rồi phân phối hiệu quả.
- Bạn sẽ phản ứng không kịp thời. Giờ không lẽ từ Sài Gòn bay ra Hà Nội, rồi lái xe lên Yên Bái, rồi đi phát cho từng nhà?
Nói vậy không phải là chỉ trích. Mình rất ngưỡng mộ những ai đóng góp công sức hay tiền bạc trong khủng hoảng. Anh ấy không lấy từ ai cái gì, mà tự nguyện dùng tiền của mình. Chỉ vì thiếu thông tin nên dẫn đến sự việc không đáng có.
Sau này, có lẽ các nghệ sĩ sẽ ít đi làm từ thiện hơn vì bị soi mói quá nhiều. Họ vẫn đóng góp bằng tiền và sức ảnh hưởng, nhưng sẽ suy nghĩ kỹ khi đi trực tiếp.
Ý kiến riêng của mình là, cách cứu trợ hiệu quả nhất vẫn là cơ chế trợ cấp và an sinh xã hội tập trung. Hiện tại, chúng ta đang phát triển hệ thống, nhưng chưa bằng các nước tiên tiến khác. Đây là một chủ đề khó và mình sẽ nói sau. Clip đó chắc sẽ mang tên “Vai trò của hệ thống an sinh xã hội.”
Hãy làm người từ thiện tử tế
Còn bây giờ, một điều bạn có thể làm là trở thành người từ thiện tử tế. Nó không yêu cầu gì nhiều. Bạn chỉ cần:
- Đóng góp trong khả năng. Ít hay nhiều vẫn là đóng góp.
- Đóng thuế như bạn làm mỗi ngày. Một phần trong số tiền đó sẽ được dùng cho hệ thống an sinh xã hội.
- Không phán xét việc ai đó góp bao nhiêu tiền. Đã làm từ thiện là tự nguyện.
Nếu tiếp tục chắc sẽ không bao giờ hết. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe. Mình mong cơn bão nào sẽ chấm dứt và chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Nhất là những người bạn miền Bắc của mình.
Nếu phải tóm tắt chỉ chắc là, làm từ thiện thì đừng phông bạt hay soi mói.