Self-help, tích cực độc hại và giàu nghèo trong xã hội

“Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn.”

Đây là một trong những câu nói được cho là của Bill Gates. Như bao thứ khác tự phát trên mạng xã hội, nó hoàn toàn không có nguồn gốc. Nếu bạn thử Google bằng tiếng Anh thì cũng sẽ không ra kết quả. Trong khi Bill Gates là một trong những người được truyền thông theo dõi nhất. Nên nếu ông ta thực sự có nhận xét như vậy, báo chí sẽ không bao giờ bỏ qua.

Nhưng dù có hay không thì hàm ý của câu đó vẫn không thay đổi. Đó là tư duy điển hình trong nội dung self-help.

Bạn sẽ thấy nó được sử dụng nhiều lần trong các bài viết về tư duy tích cực. Một cá nhân không có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng kết quả của cuộc đời là sự tích lũy của những lựa chọn. Nếu bạn chết trong sự nghèo khó , đó cũng là một phần trách nhiệm của bạn. Vì ở đâu cũng có giàu nghèo và bất công, mình làm gì để đối mặt với nó mới quan trọng.

Vậy suy nghĩ đó đúng hay sai?

Nếu bạn đang sống ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay Châu Âu, sự giàu nghèo của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Nhưng nếu nói điều tương tự ở Việt Nam, nó sẽ khó mà thuyết phục.

Đây là vì sao. Sự khác biệt nằm ở mức độ phát triển của mỗi xã hội.

Ở Châu Âu, tất cả công dân đều được hưởng chế độ y tế và giáo dục miễn phí. Sẽ không dễ để bạn trở nên giàu có, nhưng sẽ quá khó để bạn chết đói. Ở Mỹ, người nghèo được hưởng chính sách tem phiếu lương thực và sự hỗ trợ về nhà ở. Kèm với hàng loạt ưu ái khác, nếu nêu ra thì sẽ không hết.

Giả sử bây giờ bạn là một người không có trình độ học vấn, tay nghề yếu, và ngôn ngữ kém, bạn vẫn có thể tìm được một công việc với lương tối thiểu $15 một giờ như rửa chén hay nhân viên vệ sinh. Nó không cao, nhưng vẫn bảo đảm một cuộc sống đủ tồn tại. Bạn chỉ cần làm việc 40 tiếng một tuần, nếu thêm giờ thì sẽ được trả nhiều hơn. Trong thời gian rảnh, bạn có thể chủ động hay trau dồi kỹ năng.

Sau khi để dành một khoản tiền, bạn có thể tự mua xe để chạy dịch vụ như giao hàng hay chở khách cho Uber. Từ một người làm thuê, bạn có quyền làm chủ cho riêng mình. Khách luôn có, việc luôn tồn tại, chỉ là bạn có siêng năng hay không.

Nếu bạn có ý định đi học, dù là hàn lâm hay trường nghề, nhà nước sẽ bảo trợ khoản vay học phí. Đó là nếu có học phí. Bạn sẽ được tạo mọi điều kiện để tiến thân về học thức.

Chính điều này là cơ sở của câu: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn.”

Đó cũng là sự hợp lý của tư duy self-help. Nó yêu cầu bạn phải chủ động và sử dụng tất cả những điều kiện có sẵn để tiến thân. Với tất cả những điều kiện đó, bao gồm trợ cấp và cơ hội, nếu bạn nghèo thì chỉ có thể là bản thân quá lười và thụ động. Bạn có thể ngồi đó trách đời và ghen tị với người khác, nhưng sẽ không ai quan tâm. Xã hội đã cho bạn gần như tất cả nhưng bạn không tận dụng, thì đó là lỗi của bạn, của chính bạn và chỉ riêng bạn.

Nhưng đó là xã hội ở các nước phát triển, nơi thị trường phẳng, cơ hội công bằng và tiêu chuẩn sống tốt hơn phần còn lại của thế giới. Tuy có nhiều vấn đề, nhưng luôn tồn tại những bậc thang cho ai muốn đi lên.

Còn ở những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì tiếc thay, chúng ta khó nói điều tương tự. Sẽ là sai lầm nếu so sánh với Châu Âu và là một ngộ nhận nếu áp dụng triết lý tự lực của Mỹ vào một xã hội chưa có mức độ thịnh vượng tương đương. Vì những khác biệt quá lớn về GDP, lương, tiền tệ, y tế, giáo dục, cơ hội kinh doanh và cơ chế an sinh xã hội.

Để hiểu vì sao, chúng ta cần so sánh vài thứ.

  • GDP của Châu Âu là $50,000. GDP đầu người của Việt Nam chỉ là $4,000. Đó là một sự chênh lệch quá lớn.
  • Đồng Dollar Mỹ là tiền dự trữ của thế giới, nên người tiêu dùng Mỹ được hưởng nhiều đặc ân như lãi suất thấp và giá trị mua sắm cao. Còn VND thì không. Nếu một người mua nhà ở Mỹ chỉ trả lãi suất 5%, một người tương tự ở Việt Nam phải trả 10%.
  • Nếu bạn bị bệnh ở Châu Âu, viện phí sẽ không là vấn đề. Còn nếu bạn bị tai nạn ở Việt Nam, nó sẽ là một gánh nặng cho cả gia đình.
  • Một đứa trẻ nghèo ở Mỹ và Châu Âu sẽ được ăn học miễn phí cho đến khi trưởng thành. Tiếc thay, chúng ta không thể nói điều tương tự với các trẻ em ở Việt Nam. Mỗi lần ra đường, bạn sẽ thấy cảnh ăn xin hay bán vé số.
  • Nếu bạn kinh doanh phá sản ở Mỹ Âu, bạn có thể đi làm vài năm để phục hồi, đời sống gia đình sẽ không bị ảnh hưởng đến mức chết đói. Còn nếu khủng hoảng tài chính cá nhân đó xảy ra ở Việt Nam, nó sẽ là cơn ác mộng.

Còn hàng tá thứ khác nhưng nếu liệt kê hết thì sẽ thành một cuốn sách vài trăm trang. Nhưng nếu tóm gọn, thì tiêu chuẩn sống, cơ chế an sinh xã hội, và cơ hội ở Mỹ Âu và Việt Nam hoàn toàn chênh lệch nhau.

Giàu nghèo vì tư duy hay môi trường?

Khi phân tích giàu nghèo, chúng ta chia ra 2 phần.

  1. Yếu tố cá nhân. Đó là những hành vi, lựa chọn và tư duy của mỗi người. Ví dụ, ông kia lười không chịu đi làm nên nghèo.
  2. Yếu tố môi trường. Đó là những thứ như chính sách tiền tệ, giáo dục, quốc gia, y tế và thời đại.

Vậy cái nào quan trọng hơn?

Nếu bạn theo trường phái “Tự lực cá nhân” thì mỗi người phải chịu trách nhiệm cho bản thân mình và đừng đổ lỗi cho ai khác. Điều này không sai, nhưng thiếu.

Nếu bạn theo trường phái “Môi trường tạo con người” thì mỗi cá nhân là kết quả của nơi mình sống. Vậy trách nhiệm đâu?

Mình sẽ ví dụ.

Giờ có hai người, bạn A và B. Cả hai đều có cùng học thức, nhan sắc, tài sản và cơ hội. Chỉ khác chỗ là A sống ở Campuchia [hay một nước đang phát triển nào đó] và B đang sống ở Pháp.

Bỗng một ngày nọ, cả hai người đều bị xe đụng và phải nhập viện. Kết quả sẽ như sau.

  1. A vì ở Campuchia cho nên công nghệ y tế không bằng và tốn nhiều tiền để chữa. Trợ cấp tai nạn và thất nghiệp cũng không có. Sau khi hồi phục, A đi làm lại từ bàn tay trắng vì đã quá nhiều tiền và thời gian.
  2. B vì ở Pháp, một nước văn minh hiện đại. Y tế miễn phí, nằm viện có trợ cấp, thất nghiệp không có đói và sau khi xuất viện đi làm lại bình thường.

Tuy A và B là hai cá nhân y chang nhau, nhưng vì ở khác môi trường nên có kết quả trái nghịch. Cho nên giàu nghèo được quyết định không chỉ bởi tư duy, mà môi trường đóng vai trò then chốt.

Môi trường và tác động đến thành tựu cá nhân

Con người là sản phẩm phản ánh môi trường anh ta sống và những cơ hội nơi đó mang lại. Đó là một trong những quan điểm chính của Malcolm Gladwell trong cuốn “Kẻ xuất chúng” [Outliers].

Ở cấp độ vĩ mô như xã hội và quốc gia, mức độ thịnh vượng phụ thuộc ít nhiều bởi hệ thống người dân nơi họ đang sinh sống. Đó là luận điểm chính của Acemoglu và Robinson trong “Tại sao các quốc gia thất bại” [Why nations fail].

Hai cái nhìn ngược với đám đông đó đã giải thích phần nào về thành tựu của những cá nhân không bao giờ là ngẫu nhiên và sự giàu có của quốc gia không bao giờ đến từ sự quản lý tập trung.

Vậy nó liên quan gì đến nhau. Để hình dung thì chúng ta có thể dùng vài ví dụ của một trong những người giàu nhất nước Mỹ.

Bill Gates là nhà sáng lập Microsoft. Truyền thông thường cho rằng ông ta tự làm giàu. Nhưng nếu đọc hồi ký và tìm hiểu lý lịch thì bạn sẽ thấy đằng sau là bàn tay vô hình hỗ trợ người đàn ông đó.

  1. Ông ta sinh ra ở Mỹ, một siêu cường quốc được bảo vệ bởi hai đại dương nên nằm khỏi ngoại xâm từ thời lập nước. Chính sự hòa bình này đã giúp thiết lập nền kinh tế và sự tăng trưởng ổn định phi gián đoạn.
  2. Ông ta sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha làm luật sư và mẹ làm giám đốc. Vì kinh tế gia đình khá giả nên được học trường tư nhân hàng đầu bang Washington. Trong khi đa số học sinh chưa chạm tay vào máy tính, ông ta và người bạn của mình đã được tiếp vận cũng như sử dụng nó thường xuyên. Chính lợi thế đó đã rèn luyện kỹ năng lập trình để sau này giúp ích cho công việc.
  3. Ông ta được mẹ kết nối với chủ tịch của IBM nên nhận được hợp đồng đầu tiên mặc dù công ty thời đó chưa có gì.
  4. Ông ta làm giàu trong thời bùng nổ công nghệ ở một thị trường chứng khoán sôi động nhất thế giới.
  5. Ông ta cho đến bây giờ vẫn nằm trong top những người giàu nhất thế giới và Microsoft vẫn thống trị mảng công nghệ. Nếu làm việc văn phòng, bạn khó trải qua một ngày mà không sử dụng những Office 365 hay Windows.

Bây giờ chúng ta hãy hỏi ngược lại. Giả sử như Bill Gates không phải là con của một gia đình có điều kiện thuận lợi về kinh tế, và ông ta không sinh ra ở Mỹ. Kết quả sẽ ra sao?

Nếu ông ta sinh ra ở Việt Nam, Thái Lan, hay Châu Phi, thì có lẽ thế giới sẽ không có Microsoft.

Chính điều này giải thích vì sao nội dung self-help nghe hợp lý ở Mỹ, lại trở thành ảo tưởng ở Việt Nam. Vì ngay lúc này, nền tảng xã hội mới là yếu tố quyết định lớn nhất chứ không phải là tự lực cá nhân.

Nói ra không phải để chê bai đất nước, mà nhằm giải thích vì sao triết lý tự lực và tích cực khi được áp dụng sai chỗ, nó sẽ trở thành tích cực độc hại.

Self-help ở Việt Nam và tư duy con người

Trong một ngày cuối tuần không có gì làm, mình quyết định mở app trên iPhone để tìm sách đọc. Nhưng sau một hồi lướt thì phải ngừng lại, vì thể loại chiếm nhiều nhất chính là self-help. Từ tác giả ngoại đến nội, chủ đề về tư duy và năng lượng tích cực vì một lý do nào đó, lại chiếm số đông. Ngay cả trên các nền tảng khác như Spotify và YouTube cũng không có gì khác, self-help thống trị.

Cách suy nghĩ của self-help Việt Nam rất đơn giản. “Bạn phải suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống.”

Nếu bạn thường xuyên tham gia mạng xã hội thì sẽ bắt gặp những bình luận và nhận định như sau khi bàn về những sự kiện tiêu cực.

  • “Ở đâu mà không có người này người kia.”
  • “Nước nào mà không có tiêu cực.”
  • “Chỗ nào mà không có lừa đảo.”
  • “Kinh doanh ở đâu mà không khó.”
  • “Ở đâu mà không có người nghèo.”

Tuy không có bằng chứng để kết luận, nhưng những suy nghĩ trên phải bắt đầu từ đâu đó. Nguồn gốc và rõ ràng nhất chính là self-help, hay tích cực độc hại. Tích cực vì nó luôn muốn người ta hướng đến điều tốt đẹp bất chấp tình huống, nhưng độc hại vì nó tiêu diệt khả năng quan sát và nhìn nhận vấn đề xung quanh.

Đó là vì sao những sự kiện liên quan đến tranh chấp, ngân hàng đánh tráo khái niệm hay trái phiếu, luôn bị phớt lờ sau một thời gian. Vì con người mỗi lần thấy tin tiêu cực là tránh né. Cộng thêm sự kiểm soát của truyền thông, nó làm người theo dõi chỉ nghiêng về một phía và coi cái còn lại như không tồn tại.

Vậy ở Mỹ hay Châu Âu thì không có self-help?

Có, Mỹ là nơi bắt đầu trào lưu này với Carnegie. Nhưng khác ở chỗ là họ luôn nhìn nhận hai mặt. Có tin tiêu cực và tích cực. Có bình luận ủng hộ và phê bình. Còn ở Việt Nam thì bạn chỉ được nói tích cực và chỉ được khen. Nó giống như bị bịt một mắt lại. Chính sự mất cân bằng này đã biến dạng self-help và khiến nó thành độc hại.

Vậy tại sao người nổi tiếng lại nói về self-help?

Đơn giản, vì nó an toàn và không đụng chạm đến ai. Một doanh nhân triệu phú khó mà phát triển nếu nói về những nạn như hành chính rườm rà hay gánh nặng quan liêu. Một ca sĩ cũng khó mà tồn tại nếu bình luận về vấn đề xã hội.

Đó là vì sao bạn sẽ nghe các câu đầy tính tự lực như:

  • “Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được.”
  • “Đi làm đừng về trước 6 giờ vì quá sớm.”
  • “Đã khởi nghiệp thì đừng nghĩ đến thất bại.”
  • “Làm gì để đạt được tự do tài chính?”

Các nhà sản xuất sẽ gặp cản trở với đối tác quảng cáo nếu đề cập đến thông tin gây bất mãn. Self-help là nội dung ít mạo hiểm nhất, khi bạn đã có thương hiệu cá nhân và thương hiệu tổ chức đủ mạnh thì người ta sẽ không quan tâm bạn nói gì, họ chỉ cần biết bạn là ai. Nếu họ nói về những vấn đề nhạy cảm như hành chính phức tạp hoặc các vấn đề xã hội, họ có thể gặp khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu của mình. Nên năng lượng tích cực là cách an toàn và hiệu quả nhất.

Vậy giải pháp là gì?

Gần như không có vì đây là lựa chọn của mỗi cá nhân theo quy luật cung cầu. Nhưng nếu nhận ra vấn đề này, bạn ít ra sẽ không bị chìm vào nó. Vì ở đâu cũng có người này người kia và này nọ, nhưng quan trọng tỷ lệ là bao nhiêu?

Quay lại câu mở đầu.

“Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn.”

Điều đó chỉ đúng ở Mỹ Âu, chứ không phải ở Việt Nam. Có thể sau này, khi chúng ta là một nền kinh tế phát triển, nó sẽ trở thành chân lý. Nhưng hiện tại thì không. Nên đừng lạm dụng, vì nó không những phi thực tế mà còn tự đánh lừa bản thân.

Self-help như bia rượu. Một vài ly sẽ làm bạn dễ chịu. Nhưng quá nhiều, sẽ thành nước độc.

Nguyễn Trọng Nhân, 26.4.2023