Sài Gòn chỉ được giữ lại 21%? Suy ngẫm về thu ngân sách

Chúng ta ít khi nào bàn về tài chính công vì nó quá nhàm chán. Nhưng khi lướt mạng xã hội, các tiêu đề như sau luôn thu hút dư luận và gây tranh cãi.

  • Những địa phương nào có thu ngân sách nhiều nhất
  • Tốp 10 tỉnh thành góp ngân sách nhiều nhất
  • Tỉnh thành nào nhận trợ cấp nhiều nhất
  • Sài Gòn góp 26% thu ngân sách cả nước
  • Sài Gòn được giữ lại 21% thu ngân sách

Nhưng, sự thật là gì? Có đúng là Sài Gòn chỉ được giữ 21% thu ngân sách? Có phải là vô lý để nói Sài Gòn góp nhiều nhất cho ngân sách nhưng nhận lại quá ít?

Vậy hôm nay hãy cùng bàn về những vấn đề này. Mình có một thói quen, đó là nếu muốn tìm hiểu về một cái gì đó, hãy làm một clip YouTube về nó.

Trước tiên, xin lưu ý, mình không phải là một chuyên gia về chính sách công. Nếu có thông tin gì chưa đúng, đừng ngại góp ý.

Hãy bắt đầu.

Ngân sách nhà nước là gì?

Theo khoản 14 điều 4 luật ngân sách nhà nước năm 2015:

“Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.”

Đó là các khoản tiền nhà nước thu được từ nhiều nguồn khác nhau. Mục đích bao gồm duy trì bộ máy hành chính, chi trả cho ngân sách nhà nước, duy trì an ninh quốc phòng, và bảo đảm an sinh xã hội.

Ở Việt Nam, ngân sách được chia thành 2 loại:

  1. Ngân sách trung ương. Đây là cơ quan lãnh đạo cao nhất của một quốc gia bao gồm quốc hội, chính phủ, và các ban ngành. Nếu Mỹ có Washington D.C. là thủ đô thì Việt Nam có Hà Nội.
  2. Ngân sách địa phương. Trong đó bao gồm: a) Ngân sách tỉnh và thành phố thuộc trung ương. b) Ngân sách huyện, quận, thị xã, và thành phố thuộc tỉnh. c) Ngân sách xã, phường, và thị trấn.

Thu ngân sách nhà nước là gì?

Nói đơn giản, nó là cách nhà nước thu tiền cho ngân sách. Nguồn thu bao gồm:

  • Thuế thu nhập cá nhân
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp
  • Thuế xăng dầu
  • Thuế xuất nhập khẩu
  • Tiền xử phạt hành chính
  • Các loại phí nộp bởi cá nhân và doanh nghiệp
  • Các khoản viện trợ

Cứ mỗi lần bạn lãnh lương, ăn uống, giao dịch đất, hay đổ xăng, một phần của số tiền đó sẽ được đưa vào ngân sách.

Thu ngân sách hoạt động thế nào?

Theo tìm hiểu, các nguồn thu ngân sách ở Việt Nam có thể được chia thành 3 loại.

  • Loại 1, các khoản thu được giao cho trung ương 100%.
  • Loại 2, các khoản thu được giao cho địa phương 100%.
  • Loại 3, các khoản thu được chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và địa phương. Được quy định tại khoản 2 điều 35 của luật ngân sách nhà nước 2015. Đó là: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế bảo vệ môi trường.

Sau khi thu về ngân sách trung ương, số tiền sẽ được dùng để chi trả cho các dịch vụ công ích. Bao gồm quốc phòng, giáo dục, cảnh sát, và phát triển cơ sở hạ tầng.

Khi tiền được phân bổ lại cho các địa phương, hình thức đó gọi là “Chuyển giao ngân sách.” Mỗi năm, Quốc Hội sẽ công bố ngân sách phân bổ cho cấp thành phố, tỉnh, và các dự án quốc gia. Đặc biệt là những nơi cần phát triển.

Xin lấy ngân sách năm 2023 làm ví dụ. Lưu ý, số liệu có thể không chính xác 100%.

  • Tổng thu ngân sách nhà nước là 1,752,500 tỷ đồng.
  • Tổng thu ngân sách trung ương là 718,700 tỷ đồng.
  • Tổng thu ngân sách địa phương là 1,033,800 tỷ đồng.

Nghĩa là trung ương chiếm 41% và địa phương chiếm 59%.

Cũng trong năm 2023, Sài Gòn:

  • Có tổng thu ngân sách là 446,500 tỷ đồng.
  • Trong đó, 250,000 tỷ đồng là từ nguồn được giữ lại địa phương 100%
  • Góp cho ngân sách trung ương là 196,500 tỷ hoặc 26%.

Đây là mô hình thu ngân sách cơ bản ở bất cứ quốc gia nào. Mỗi địa phương sẽ được giữ những khoản nhất định, trung ương sẽ thu những khoản nhất định, phần còn lại sẽ được phân bổ.

Tỉnh thành nào góp cho ngân sách trung ương nhiều nhất?

Đây không phải là giao toàn bộ thu ngân sách, mà là những khoản thu có chia tỷ lệ với trung ương. Đây là điều nhiều người hay lầm tưởng. Ví dụ, Sài Gòn được giữ 21% và phải giao cho trung ương 79%, điều đó có nghĩa là:

  • Sài Gòn được giữ 100% các khoản thu được giao cho địa phương.
  • Trung ương giữ 100% các khoản thu được giao cho trung ương.
  • Còn các khoản thu có tỷ lệ chia giũa địa phương và trung ương, thì Sài Gòn chỉ được giữ 21%.

Đến năm 2023, có 18 trên 63 tỉnh thành điều tiết về ngân sách trung ương. Nhưng tốp 10 là:

  1. Sài Gòn, giao 79% và giữ 21%.
  2. Hà Nội, giao 68% và giữ 32%.
  3. Bình Dương, giao 67% và giữ 33%.
  4. Đồng Nai, giao 50% và giữ 50%.
  5. Quảng Ninh, giao 49% và giữ 51%.

Còn 45 tỉnh thành khác không có điều tiết ngân sách cho trung ương, nhưng họ vẫn có ngân sách riêng.

Tỉnh thành nào nhận trợ cấp từ trung ương nhiều nhất?

Theo ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Tài Chính, sau đây là tốp 5 tỉnh thành nhận trợ cấp từ trung ương nhiều nhất.

  1. Thanh Hóa, 14,800 tỷ đồng.
  2. Nghệ An, 9,900 tỷ đồng.
  3. Đắk Lắk, 7,600 tỷ đồng.
  4. Hà Giang, 7,200 tỷ đồng.
  5. Bắc Giang, 6,500 tỷ đồng

Tại sao thu ngân sách không đồng đều theo phần trăm?

Đây là các câu hỏi gây tranh cãi.

  • Tại sao vài địa phương đóng nhiều hơn địa phương khác?
  • Tại sao Sài Gòn chỉ được giữ 21%, còn Hà Nội được giữ 32%
  • Điều này có công bằng không?

Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nhưng từ nguyên lý quản lý công cơ bản, đây là điều cần thiết.

  • Điều tiết ngân sách từ trung ương giúp các địa phương nghèo hơn có cơ hội phát triển.
  • Cũng tương tự như nguyên lý thuế thu nhập lũy tiến. Cá nhân có thu nhập thấp đóng thuế ít vì chưa có điều kiện, còn cá nhân có thu nhập cao hơn sẽ đóng nhiều hơn. Điều này nhằm tạo cơ hội cho người nghèo, khi họ giàu lên thì sẽ đóng góp lại.
  • Nếu chúng ta thu ở mức cố định, ví dụ 21%, thì gánh nặng sẽ đè lên các địa phương chưa phát triển. Điều này không những sẽ phản tác dụng mà còn kiềm chế sự phát triển. Lấy ví dụ, chúng ta không thể bắt tỉnh Nghệ An phải góp ngang với Hà Nội, hay Cà Mau góp ngang với Sài Gòn. Điều đó sẽ bất khả thi vì mức độ phát triển quá chênh lệch.
  • Ở các nước khác cũng tương tự, bang California chiếm 14% GDP của Mỹ, còn bang Vermont chỉ chiếm 0.16%. Sẽ là không tưởng nếu bắt họ đóng ngang nhau.

Đó là vì sao lại có ngân sách trung ương. Nó đại diện cho tổng thu tập thể của các nước chứ không riêng nơi nào. Sẽ hiệu quả hơn nếu tất cả góp chung vào ngân sách, rồi từ đó phân bổ lại cho nơi cần thiết.

Sài Gòn chỉ được giữ lại 21% thu ngân sách, tại sao?

Đây có lẽ là một trong những điều gây tranh cãi nhất. Sài Gòn tuy là nền kinh tế lớn nhất của Việt Nam, chiếm 15% GDP và 26% thu ngân sách trung ương, nhưng chỉ được giữ lại 21%. Chúng ta có thể suy luận thêm.

  • Trong năm 2023, lương bình quân ở Sài Gòn là 9,3 triệu. Còn lương bình quân ở Hà Nội là 9.9 triệu. Nhưng tại Sài Gòn được giữ 21% thu ngân sách, còn Hà Nội là 32%. Còn xét về GDP, của Sài Gòn chiếm 15% và Hà Nội chiếm 13%. Cả hai nơi đều có mức thịnh vượng tương đồng, nhưng một bên bị thu nhiều hơn.
  • Các địa phương khác như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, chưa phát triển bằng Sài Gòn. Nhưng chỉ An Giang nằm trong tốp 10 địa phương nhận trợ cấp cao nhất từ trung ương. Còn những nơi khác có nên được quan tâm hơn?

Hiện nay, đang có đề xuất để Sài Gòn được giữ thêm ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng. Ví dụ, tăng từ 21% lên 32%, tỷ lệ ngang với Hà Nội. Nếu có thêm tiền trong ngân sách, cơ sở hạ tầng sẽ được nâng cấp hơn.

Quay lại câu hỏi ban đầu. Sài Gòn chỉ được giữ lại 21% thu ngân sách. Điều này có công bằng không? Đây là một câu hỏi khó trả lời và cần được tham khảo nhiều hơn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi. Đây là một chủ đề nhàm chán nhưng cần thiết để chúng ta suy luận. Mình không phải là chuyên gia quản trị công nên không mắc khỏi nhiều sai lầm. Việc tra cứu số liệu là một điều khó khăn vì nhiều cái Google không ra. Nội dung này không nhằm tạo xung đột, mà để khuyến khích tranh luận. Nếu có gì sai, mong mọi người đóng góp.

Nguyễn Trọng Nhân, 31.7.2024