Người Việt ít đi bộ, trong đó có mình, vì sao?

Người Việt ít khi nào đi bộ, trong đó có mình. Dựa theo báo Tuổi Trẻ, người Việt thuộc nhóm ít vận động và đi bộ nhất. Bình quân trong một ngày:

  • Người Việt đi bộ 3,000 bước, còn nhân viên văn phòng thì chỉ 600 bước.
  • Người Singapore đi bộ 5,000 bước.
  • Còn người New York hay London đi bộ 6,000 bước.

Tuy con số có thể khác với mỗi người, nhưng nếu xét toàn diện, người Việt đúng là ít đi bộ hơn. Nhất là người ở các thành phố lớn. Nếu bạn đang ở Sài Gòn hay Hà Nội thì có thể xác nhận điều này.

Riêng mình, khi còn sống ở Sài Gòn thì cũng ít đi bộ. Trừ khi ở phố đi bộ, khu dân cư, hay trong trung tâm thương mại. Còn khi mình đến các thành phố nhỏ hơn như Đà Lạt và Buôn Ma Thuột, tự dưng mình muốn đi bộ trở lại. Nó khiến mình cảm thấy dễ chịu vì không phải sống vội.

Nhưng vì sao người Việt lại ít đi bộ? Vì lười, vì bận, vì lựa chọn, hay vì các yếu tố khác. Mình đã đi từ Nam ra Bắc, trong và ngoài nước. Tuy không biết tất cả, nhưng hiểu đủ nhiều để trả lời.

Đây là các lý do.

  1. Người Việt làm việc nhiều giờ hơn.
  2. Văn hóa xe máy.
  3. Vỉa hè đã bị lấn chiếm.
  4. Tác động của quy hoạch đô thị.
  5. Thời tiết nóng và ô nhiễm không khí.

Hãy cùng mình suy luận.

Người Việt làm việc nhiều giờ hơn

Dựa theo Bộ Lao Động, số giờ làm việc trung bình của cả nước là 44 tiếng/tuần. Còn theo UBS, một người Hà Nội bình quân làm 2,691 tiếng/năm hoặc 51 tiếng/tuần. Trong khi đó, mức lương bình quân dao động 10 triệu/tháng.

Tại sao lại có sự khác biệt này? Có thể là vì đối tượng khảo sát và có nhiều thứ thống kê không thấy. Lấy ví dụ.

  • Một nhân viên marketing thường xuyên làm từ sáng đến tối, nhưng trên giấy chỉ được trả 8 tiếng.
  • Một công nhân thường xuyên tăng ca và chỉ nghỉ vài ngày mỗi tháng.

Trong khi đó, một người ở các nước phát triển như Mỹ hay Châu Âu chỉ làm việc 35 đến 40 tiếng mỗi tuần. Đúng 5 giờ chiều, họ sẽ ngừng và ra khỏi công ty. Vì năng suất cao hơn nên họ có nhiều thời gian để thư giãn hơn.

Ngược lại, kinh tế Việt Nam chưa đạt đến mức độ đó. Sẽ là không sai nếu nói người Việt làm nhiều giờ hơn người ở các nước phát triển. Để bù đắp cho thu nhập chưa cao, chúng ta thường xuyên làm thêm giờ hoặc nhận thêm việc bên ngoài. Khi mọi việc đã xong thì đã đến giờ ngủ.

Nói vậy không phải là ngụy biện cho việc lười vận động hay đi bộ. Tuy không có nghiên cứu nào, nhưng nếu bạn đi đến các phòng tập, thì sẽ thấy nó luôn đông. Cho thấy là nhu cầu tập thể dục không thấp.

Con người ở đâu cũng có nhu cầu đi bộ, nhưng nếu nơi họ sống không tạo điều kiện thì họ sẽ chọn cách khác. Điển hình là văn hóa xe máy.

Văn hóa xe máy

Điều này không mới nhưng cần được nói lại. Vì chúng ta sử dụng xe máy quá thường xuyên nên mất dần cảm giác với thói quen đi bộ.

Nếu đã đến Đài Bắc, bạn sẽ bất ngờ khi thấy người Đài Loan cũng dùng xe máy nhiều như chúng ta. Nếu Sài Gòn có 8.3 triệu chiếc xe máy cho dân số 9.3 triệu, thì Đài Bắc có 1.4 triệu chiếc xe máy cho 2.6 triệu người.

Nhưng có điểm khác biệt.

Người ở nơi khác chỉ dùng xe máy để đi từ nhà đến ga tàu, trạm xe buýt, hay đi dạo. Họ chỉ dùng nếu thực sự cần. Khi đi học, đi làm, hay đi trong thành phố, họ sẽ dùng Metro.

Còn người Việt, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn, dùng xe máy cho gần như tất cả công việc. Đi học, đi làm, đi chợ, đi chơi, cho đến chở hàng.

Gọi là “Văn hóa xe máy” là vì chúng ta sử dụng nó như đôi chân của mình. Chỉ cần ra khỏi nhà là dùng xe máy, dù địa điểm chỉ cách 100m. Dần dần, chúng ta coi đó là điều hiển nhiên.

Mặc dù muốn từ bỏ, nhưng cũng không thể vì không có lựa chọn nào tốt hơn. Cho dù muốn để xe máy ở nhà để đi bộ thì cũng khó vì vỉa hè đã bị lấn chiếm.

Vỉa hè đã bị lấn chiếm

Bạn không cần phải là chuyên gia để thấy vấn đề với quy hoạch đô thị hiện nay. Hãy đến bất cứ con đường nào ở Sài Gòn và thử đi bộ. Bạn sẽ nhận ra sự phiền hà. Rồi sau một thời gian, bạn sẽ chủ động di chuyển bằng xe máy trở lại.

Vỉa hè trên lý thuyết là dành cho người đi bộ, nhưng trong thực tế, nó đã bị chiếm dụng. Người bán hàng rong coi vỉa hè là mặt bằng để kinh doanh. Các cửa hàng coi vỉa hè là nơi để gửi xe. Vào giờ cao điểm, không ít xe máy sẽ leo lên vỉa hè để lách giao thông.

Khi cộng những thứ đó lại, việc đi bộ trên vỉa hè ở Sài Gòn là điều quá mệt mỏi. Bạn phải thường xuyên xuống lòng đường. Không những vậy, nó còn nguy hiểm, nhất là với trẻ em. Cho nên không khó hiểu vì sao người Việt ngại đi bộ.

Ngược lại, khi đến các thành phố phát triển khác như Đài Bắc, Hong Kong, Melbourne, hay London, chúng ta lại thích đi bộ.

Cái tư duy sử dụng xe máy bỗng dưng biến mất. Tại sao phải dùng xe cá nhân khi đã có Metro và xe buýt? Nó là kết quả của quy hoạch đô thị bài bản.

Tác động của quy hoạch đô thị

Hãy nhìn các đường phố ở Melbourne, New York, và Đài Bắc. Họ đều có chung vài điểm.

  • Đường xá ngăn nắp.
  • Vỉa hè rộng để cho người đi bộ thoải mái.
  • Không có gánh hàng rong lấn chiếm.
  • Metro và xe buýt bao phủ toàn thành phố.

Khi sống ở những nơi được quy hoạch bài bản như vậy, nó khiến con người muốn từ bỏ xe cá nhân để đi bộ. Đó là vì sao người New York đi bộ trung bình 6,000 bước/ngày, gần gấp đôi một người ở Sài Gòn. Không phải vì họ siêng năng hơn, mà vì họ có điều kiện.

Ở ngoại ô thì người đi bộ được ưu ái nhiều hơn nữa. Mỗi khu phố sẽ có công viên, vỉa hè trước nhà, và không khí trong lành. Mỗi chiều là muốn đi bộ để đầu óc thư giãn.

Đó là vì sao các căn nhà ở khu yên tĩnh lại có giá cao hơn ở ngoài đường lớn. Vì nó phù hợp để trẻ em ra ngoài chơi và an toàn hơn.

Quy hoạch đô thị ảnh hưởng ít nhiều đến lối sống của con người. Nếu người Sài Gòn sống ở New York thì cũng sẽ như vậy. Ngược lại, người New York mà ở Sài Gòn thì có lẽ sẽ làm quen với xe máy.

Hiện tại, các khu dân cư cao cấp ở Sài Gòn luôn thu hút người mua vì họ có không gian xanh. Nếu bạn đến khu gần sông Sài Gòn hay Phú Mỹ Hưng thì sẽ thấy không ít người đi bộ. Nó cho thấy nơi sinh sống ảnh hưởng đến hành vi.

Nhưng phần lớn dân số không có được sự may mắn đó. Đa số sống trong các chung cư chật chội, căn nhà nhỏ, và khu phố lao động. Cùng với thời tiết nóng và ô nhiễm không khí, đi bộ là một cực hình.

Thời tiết nóng và ô nhiễm không khí

Khi so sánh, chúng ta cũng nên nhớ rằng Việt Nam là một xứ nhiệt đới. Nghĩa là thời tiết nóng quanh năm. Đây là nhiệt độ bình quân vào tháng 3.

  • Sài Gòn: 25 đến 33 độ.
  • Đài Bắc: 15 đến 22 độ.
  • New York: 7 đến 18 độ.

Đó là nhiệt độ chứ chưa nói đến chất lượng không khí. Dựa theo IQAir, chỉ số đo lường chất lượng không khí, AQI là:

  • Sài Gòn: 53.
  • Đài Bắc: 36.
  • New York: 45.8.

Nếu đang sống ở Sài Gòn hay Hà Nội, bạn biết thực tế hơn. Chỉ cần bạn ra đường là phải hít khói bụi. Mình không trách, vì chúng ta là nền kinh tế đang phát triển. Nhưng cũng chính vì điều này, nên đi bộ trong ở một nơi thiếu không khí không trong lành, bạn sẽ mất nhiều hơn được.

Đi bộ ở xứ nhiệt đới, chỉ sau vài phút thì cơ thể bạn sẽ đầy mồ hôi. Bạn sẽ cảm thấy nóng nực và không muốn làm gì khác. Ở các khu vực nóng hơn như miền Trung thì đi bộ là điều càng mệt vì nhiệt độ quá cao. Khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đi bộ sẽ phản tác dụng và lấy đi thời gian lẫn sức khỏe của bạn.

Đó là vì sao Sài Gòn có văn hóa kinh tế đêm. Vì khi không có mặt trời, thời tiết trở nên mát mẻ và dễ chịu hơn. Các bạn trẻ hay đi bộ ở Nguyễn Huệ hay Hồ Bán Nguyệt, chứ họ không có lười như nhiều người ngộ nhận.

Kết luận

Đúng là người Việt ít đi bộ. Nhưng theo trải nghiệm cá nhân mình, không phải nơi nào cũng vậy. Vấn đề này chỉ tập trung ở Sài Gòn và Hà Nội. Nếu bạn đi đến các thành phố khác ở tỉnh, thì sẽ thấy văn hóa đi bộ phổ biến hơn.

Sau đây là vài thành phố ở trong nước phù hợp để đi bộ.

  • Đà Lạt. Dễ hiểu vì khí hậu ở thành phố này mát quanh năm. Tuy hiện nay nóng hơn trước, nhưng vẫn mát để đi bộ. Nơi chạy bộ lý tưởng nhất là xung quanh Hồ Xuân Hương.
  • Buôn Ma Thuột. Cũng là một thành phố ở Tây Nguyên nên thời tiết mát mẻ. Khu bàn cờ ở đây quy hoạch bài bản.
  • Măng Đen. Tuy chỉ là thị trấn nhỏ. Nhưng khi đến đây, bạn có thể chạy bộ vòng vòng.

Đó chỉ là trải nghiệm của mình. Ngoài ra như đã nói, hiện tại đang có một số khu dân cư cao cấp với không gian xanh. Chủ đầu tư bất động sản bây giờ cũng chú trọng đến môi trường và chất lượng sống.

Nói “Người Việt ít đi bộ” là không sai, nhưng nó không công bằng. Mình là người theo giả thuyết “Môi trường ảnh hưởng đến hành vi.” Con người sẽ thích nghi vào nơi họ sống để cảm thấy thoải mái nhất. Thay vì đổ lỗi thì chúng ta nên xét các yếu tố bên ngoài.

Người Sài Gòn, người Hà Nội, người Đà Nẵng, hay người ở Việt Nam sẽ có thói quen đi bộ khi cơ sở hạ tầng phát triển. Nghĩa là khi hệ thống xe buýt và Metro khiến đi lại dễ dàng hơn. Lúc đó, họ sẽ thấy sự phiền hà của xe máy. Còn bây giờ, đi bộ vẫn là khái niệm phi thực tế với đa số người.

Nguyễn Trọng Nhân, 14.6.2024