Nghỉ Tết làm Việt Nam nghèo

Cứ mỗi lần những ngày cuối cùng của Âm Lịch đến, trên báo chí và mạng xã hội lại bàn tán về việc có nên bỏ Tết ta hay không. Mặc dù đã được nói nhiều lần nhưng quan điểm vẫn không thay đổi. Đó là “Nghỉ Tết ta làm đất nước nghèo.” Hay ý chính là vậy.

Đến mức, câu hỏi này còn được đưa vào kỳ thi văn ở một trường THPT tại Sài Gòn.

Câu 5: Những năm gần đây, có ý kiến cho rằng nên bỏ Tết ta [Tết Nguyên Đán] vì “Còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo mãi.” Hãy viết một đoạn văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề trên.

Nếu là một học sinh và phải trả lời câu hỏi đó, bạn sẽ làm gì? Nghỉ Tết có làm đất nước nghèo không. Nếu không thì điều gì làm đất nước nghèo?

Để có cái nhìn tổng quát, chúng ta cần so sánh với các nước khác về số ngày nghỉ mỗi năm.

Hằng năm, người Việt Nam được nghỉ những ngày sau:

  • 5 ngày lễ Tết theo luật lao động.
  • 6 ngày lễ bao gồm 30 tháng 4, 2 tháng 9 và năm mới.
  • 12 ngày nghỉ phép theo hợp đồng lao động, nếu có.

Tổng cộng, một người Việt Nam bình quân nghỉ 23 ngày mỗi năm. Nhìn thì bạn sẽ nghĩ rằng người Việt Nam thật lười biếng và ham chơi. Nhưng con số này nhiều hay ít?

Sau đây là số ngày nghỉ ở một số nước khác.

  • Mỹ: 10 ngày lễ, 10 ngày phép, tổng cộng 20 ngày.
  • Trung Quốc: 7 ngày lễ, 15 ngày phép, tổng cộng 23 ngày.
  • Hong Kong: 17 ngày lễ, 7 ngày phép, tổng cộng 24.
  • Thái: 19 ngày lễ, 6 ngày phép, tổng cộng 25 ngày.
  • Úc: 7 ngày lễ, 20 ngày phép, tổng cộng 27 ngày.
  • Đức: 10 ngày lễ, 30 ngày phép, tổng cộng 40 ngày.

Nếu so với các nước trong khu vực, người Việt Nam có số ngày nghỉ tương đương. Còn nếu so với các nước Mỹ Âu, số ngày nghỉ của họ gần gấp đôi chúng ta.

Nhưng GDP đầu người và thu nhập của họ lại cao hơn chúng ta rất nhiều.

  • Mỹ: $70,000.
  • Trung Quốc: $12,000.
  • Hong Kong: $49,000.
  • Thái: $8,000.
  • Úc: $60,000
  • Đức: $51,000.

Trong khi đó, Việt Nam chỉ $3,900. Làm cả năm nhưng chỉ bằng 4 tháng của người Trung Quốc và 1 tháng của người Mỹ Âu.

Những Mỹ và Đức cũng không bao giờ đổ lỗi cho việc nghỉ lễ là vấn đề dẫn đến nghèo đói. Những Trung Quốc và Hong Kong cũng không kêu gọi bỏ những ngày lễ cuối năm vì nó làm chậm sự phát triển.

Bởi vì sự giàu có của đất nước và nghỉ Tết gần như không liên quan gì đến nhau.

Giả sử bây giờ Việt Nam bỏ nghỉ Tết, dẹp luôn các ngày lễ, vứt cả ngày phép, và làm việc 365 ngày không ngừng nghỉ thì GDP cũng chỉ là $6,000. Còn nếu làm liên tục không ngủ, nghĩa là lao động 24 trên 24, GDP sẽ là $18,000.

Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình. Hoàn toàn không có chuyện đó xảy ra vì con người không phải là cái máy. Ngay cả robot cũng phải nghỉ mệt.

Cho nên đổi lỗi sự nghèo đói lên ngày Tết là một điều nghịch tư duy.

Một quốc gia thành công hay thất bại là kết quả của nhiều yếu tố. Bao gồm văn hóa, địa lý, khí hậu, tư duy, và trên hết, chính sách điều hành.

Cho nên, hãy nghỉ Tết. Dùng tiền tiết kiệm để mua sắm, đi ăn với gia đình, thăm những người bạn cũ và kích thích nền kinh tế.

Việt Nam nghèo không phải vì người dân nghỉ Tết, mà là những yếu tố khác. Nhưng đó là chủ đề cho lần sau.

Bóc Phốt Tài Chính, 17.1.2023