Vì sao tôi ghét du lịch Việt Nam

Vào tháng 9 năm 2022, mình đã làm một chuyến xuyên Việt Nam. Vì thời gian có giới hạn nên không thể đi hết 63 tỉnh thành.

Tuy chỉ là một phần nhỏ nhưng đủ để mình thấy và cảm nhận rằng đất nước của chúng ta là một món quà tuyệt đỉnh của tạo hóa. Nói vậy không phải là để kích thích tinh thân dân tộc, mà đó là sự thật, Việt Nam của chúng ta quá đẹp.

Từ Núi Lớn ở Vũng Tàu, đồi chè ở Bảo Lộc, rừng thông ở Đà Lạt, vườn nho ở Phan Rang, Hòn Tre ở Nha Trang, Đèo Hải Vân ở Đà Nẵng, Vịnh Hạ Long cho đến núi đồi ở vùng Tây Bắc. Nếu chưa đi, thì bạn hãy cố xếp thời gian và mình tin chắc rằng bạn sẽ nói điều tương tự.

Ngoài cảnh đẹp tự nhiên, mình may mắn được gặp những người bạn mới và đa số vẫn còn nói chuyện đến bây giờ. Không có gì vui bằng nói chuyện bên Hồ Gươm, đi bộ qua sông Hàn và uống ly cà phê trước Chợ Đà Lạt. Thêm lý do để mình nói lại, đất nước Việt Nam của chúng ta thật đẹp.

Đó là lời mở đầu cho nội dung, “Vì sao tôi ghét du lịch Việt Nam.”

Đây có thể là một nghịch lý, tại sao mình có thể vừa yêu và ghét cùng một thứ được? Bởi vì dù cảm mến cảnh đẹp cỡ nào đi nữa, bạn cũng khó mà làm lơ hay bác bỏ những bất cập khiến vẻ đẹp của nơi này khó trở nên trọn vẹn.

Cảnh Việt Nam đẹp, nhưng cách sử dụng và làm dịch vụ thì không. Nếu nói nhẹ, du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế và có vấn đề. Còn nếu nói nặng, du lịch Việt Nam khiến du khách trong và ngoài nước một đi không trở lại. Như cách báo chí hay miêu tả.

Khi bàn về điều này, bạn sẽ nhớ đến những tiêu đề này:

  • “Vì sao tôi sẽ không trở lại Việt Nam.”
  • “Vì sao 90% du khách không quay lại Việt Nam.”
  • “Ngại ngùng sau chuyến du lịch Việt Nam.”
  • “Mệt mỏi khi đặt chân xuống sân bay ở Việt Nam.”
  • “Tận thu du khách.”
  • “Đi du lịch nhưng chỉ thêm bực bội.”

Nếu lên TripAdvisor hay các blog về du lịch, phần lớn các nhận xét cũng tương tự. Các du khách cảm thấy mệt mỏi và khó chịu với những gì họ gặp phải. Nói ngắn gọn theo cách trẻ trung, “sản phẩm du lịch Việt Nam bị chê.” Mình cũng không khó hiểu vì sao.

So sánh với các nước trong khu vực, bạn sẽ thấy bức tranh toàn diện. Khi Việt Nam trong năm 2022 chỉ đón dưới 3 triệu khách đến chơi thì Thái Lan đã đón hơn 10 triệu khách. Tuy mở cửa sau đợt dịch COVID-19 sớm hơn, nhưng chúng ta vẫn thua họ.

Khi bàn về những điều này, mục đích không phải là để tự hạ thấp bản thân hay chê bai đất nước, mà là để cùng nhau nhìn nhận lại. Khi đủ người có cùng suy nghĩ, chúng ta sẽ có sự thay đổi về tư duy.

Đây không phải là nhận xét của một chuyên gia, vì mình chỉ là một cá nhân bình thường may mắn được đi hơn chục nước. Cho nên cũng đủ để thấy vấn đề với du lịch Việt Nam là gì và vì sao du khách lại một đi không trở lại.

Với tinh thần xây dựng, chúng ta có thể bắt đầu.

[1] Visa, rào cản và tầm nhìn

Dựa theo trang Vietnam Visa, đến tháng 1 năm 2023, Việt Nam chỉ miễn visa cho 25 trên 195 quốc gia với thời hạn nhập cảnh từ 15 đến 90 ngày cho mục đích du lịch. Đó là các nước trong khối Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, và vài nước Tây Âu. Tiếc thay, Mỹ tuy là thị trường lớn nhất nhưng lại không được hưởng đặc ân này.

Điều này sẽ khiến bạn tự hỏi, “Vì sao và vấn đề là gì?” Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của một người đang ở trong 170 quốc gia còn lại không được miễn visa.

Bạn đang lướt coi giá chuyến bay trên iPhone hay coi YouTube về các quốc gia. Bạn chợt tìm thấy Việt Nam mà háo hức muốn đến để trải nghiệm trong chuyến du lịch sắp tới. Nhưng khi đặt vé, bạn lại nhận ra rằng mình phải mất thời gian xin visa trước.

Nghĩa là bạn phải liên hệ Lãnh Sự Quán Việt Nam gần nhất, điền đơn và chờ đợi hộ chiếu mình được chấp nhận. Có thể chỉ là vài ngày cho đến vài tuần, nhưng bấy nhiêu cũng gây phiền hà và làm bạn khó chịu. Vì quá phức tạp, bạn quyết định hủy luôn chuyến đến Việt Nam. Thay vào đó, sẽ chọn đi đến Singapore hay Thái Lan, vì chỉ cần đặt vé là xong.

Chỉ để thu vài chục đô cho mỗi người, chúng ta đã vô tình bỏ lỡ hàng ngàn đô họ có thể tiêu khi đến mua sắm hay tham quan. Chỉ vì rào cản visa và số phí nhỏ, Việt Nam đã thất bại từ vòng đầu.

[2] Thiếu hệ thống giao thông công cộng

Nếu quá hao hức muốn đến Việt Nam và đủ kiên nhẫn để xin visa, thì khi đã đến đây và ra khỏi sân bay, bạn sẽ phải đối mặt với một hệ thống vận chuyển lộn. Nói mỉa mai và hài hước, không nước nào có hệ thống vận chuyển như Việt Nam.

Với hơn 65 triệu chiếc xe máy là cách để đi lại chính, nếu là một người mới đến, bạn sẽ như thiếu đi đôi chân. Để hình dung thì hãy tự hỏi “Nếu phải đi từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Quận 1, thì bạn sẽ làm gì?

  • Bắt taxi đang chờ sẵn? Đó là lựa chọn phổ biến nhất. Nếu tài xế minh bạch giá cả với bạn và không lợi dụng.
  • Bắt Grab? Đó là nếu bạn đã có app, số điện thoại Việt Nam, biết cách sử dụng và nói tiếng Việt đủ để người khác hiểu.
  • Xe buýt? Bạn biết bắt ở đâu, tuyến nào và bao lâu mới có không. Nhớ điều này nhé, bạn là một người mới đến và không hề biết gì. Mình cá là sẽ rất khó.
  • Xe điện? Cái đó thì Hà Nội và Sài Gòn chưa có.

Đi từ sân bay vào trung tâm thành phố thì không có gì quá khó. Vậy nếu phải đi từ Phạm Ngũ Lão đến Nguyễn Văn Linh thì sao? Bạn sẽ bắt tuyến xe buýt số mấy? Hay đi từ Phố Cổ đến Cầu Giấy, giờ phải chờ xe buýt ở đâu?

Chính vì thiếu hệ thống giao thông công cộng, nên cách duy nhất là taxi và Grab. Nó không vấn đề gì, nhưng chi phí sẽ bị đội lên rất nhiều. Bạn là người địa phương nên sẽ không gặp rắc rối gì, nhưng với những ai mới đến, giao thông Việt Nam là một ma trận.

Trong khi đó, nếu bạn một mình đi đến Bangkok mà không biết tiếng Thái, thì cũng tự mò cách bắt xe điện vào trung tâm thành phố. Hay nếu du lịch bụi ở Đài Bắc, chỉ cần dùng Google Map thì bạn có thể đi khắp nơi.

Mình chỉ bàn về hai thành phố lớn nhất Việt Nam thôi chứ chưa nói đến các tỉnh. Ở những Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sapa hay Huế, hệ thống công cộng là thứ gần như không tồn tại, trừ vài tuyến xe buýt. Cho nên không trách sao các du khách chỉ biết lòng vòng ở khu Phố Tây hay trung tâm. Vì dù muốn đi khám phá, họ cũng không thể hoặc có quá nhiều rào cản.

Trừ khi bạn có xe máy và đó là vấn đề tiếp theo.

[3] Xe máy và sự nguy hiểm của 2 bánh

Xe 2 bánh rất nguy hiểm. Chúng ta vì đã quá quen với nó nên đa số khó hình dung ra nếu một ngày nào đó, nó bị dẹp bỏ thì sẽ ra sao. Nó đặc trưng đến mức nếu người nước ngoài phải miêu tả Việt Nam, họ sẽ tóm gọn trong ba thứ: phở, cà phê sữa đá và xe máy.

Thậm chí, mình đố bạn tìm ra một đất nước nào có số lượng xe máy nhiều như Việt Nam. Trên đường, mỗi người một chiếc, và mạnh ai nấy chạy. Mình gọi đó là sự hỗn loạn ngăn nắp.

Vậy vấn đề là gì? Đó là dùng xe máy dễ bị tai nạn hơn xe hơi vì 2 bánh dễ mất cân bằng hơn 4 bánh và không được bảo vệ an toàn như ngồi trong xe hơi. 90% nạn nhân của tai nạn giao thông ở Việt Nam là người đi xe máy.

Rồi xe máy thì liên quan gì tới du lịch?

  • Nó gây nguy hiểm cho du khách, nhất là những ai chưa quen với giao thông Việt Nam.
  • Nếu muốn lái hợp pháp thì bạn phải có bằng lái Việt Nam. Đó là vì sao đa số du khách lách luật và chúng ta cũng làm ngơ bỏ qua.

Nhưng đó không phải là điều xấu vì nhiều người cảm thấy thích thú với văn hóa xe máy. Cảm giác chạy lòng vòng trên chiếc 2 bánh cũng là một trải nghiệm thú vị. Cho đến khi bạn nhìn ven đường, đập vào mắt bạn là rác.

[4] Rác khắp nơi

Chỉ cần đi ra đường, bạn sẽ thấy rác xuất hiện khắp nơi. Từ trong quán ăn, ra đến quán vỉa hè, cho tới công viên. Nhiều lúc mình không hiểu tại sao lại có nhiều rác đến vậy? Ngay cả ở các khu du lịch và bãi biển. Sự hiện diện của rác đã phần nào tiêu diệt nét đẹp tự nhiên của Việt Nam.

Bạn có thấy khó chịu không, khi tay cầm ly đậu nành nóng, người đi cùng cầm bánh tráng nướng, cả hai đang ngắm Hồ Xuân Hương thơ mông, và ở dưới chân là đầy rác.

“Đà Lạt Trăng Mờ” bỗng dưng thành “Đà Lạt Rác.” Nếu Hàn Mặc Tử còn sống, cảm hứng để viết lên những câu thơ kinh điển kia chắc sẽ biến mất.

Đi đến bất cứ nơi đâu bạn cũng sẽ thấy cảnh gây phẫn nộ này.

  • Lễ hội ẩm thực ven sông Sài Gòn. Hậu trường là một bãi rác.
  • Buổi liveshow của anh chị ca sĩ hạng A nào đó. Hậu quả là một chiến trường rác.
  • Festival hoa hay biển? Sau đó là một mớ rác.

Nói vậy không phải để chê bai đất nước. Mà để hiểu cảm giác của các du khách khi đến đây. Thay vì chứng kiến sự văn minh, thiên nhiên, cảnh đẹp và nụ cười, họ chỉ nhận lại chuyến du lịch rác.

[5] Giá cả chặt chém

Mình là một người không giỏi trả giá. Cho nên mỗi lần cần gì thì ít khi nào ra chợ hay các cửa hàng độc lập. Vì mỗi lần muốn mua món hàng nào thì phải hỏi giá. Nếu là vì vài lần thì không sao, nhưng khi bị lặp đi lặp lại thì điều đó trở thành một sự phiền hà.

Khi đi du lịch ở tỉnh khác cũng vậy. Người bán chỉ cần nghe giọng nói khác vùng thì sẽ tận dụng cơ hội để trục lợi. Hay dùng từ ngữ của các bạn du lịch là “bị chặt chém.”

Nó bắt nguồn từ việc giá cả không được niêm yết công khai cho nên người bán có thể linh hoạt thay đổi. Tô phở ở Hà Nội bình thường chỉ 40,000 đồng, nhưng nếu nói giọng miền Nam, nó sẽ thành 60,000 đồng. Cuốc xe ở Huế cho người địa phương chỉ 100,000 đồng, nhưng sẽ thành 200,000 đồng nếu bạn từ nơi khác đến. Tô bún ở Nha Trang từ 30,000 đồng lại nhảy lên 40,000 đồng nếu bạn là du khách.

Nói ra không phải để chê bai vì những trường hợp đó chỉ là thiểu số, nó không hề đại diện cho toàn bộ người địa phương. Nhưng dấu ấn để lại trong người từ xa đến là sự bực bội. Cảm giác như bị lợi dụng và không ai thích điều đó.

Suy cho cùng, giá thị trường là con số người mua và người bán cùng tự thỏa thuận. Đôi bên đều đồng ý chứ không hề bị ép. Nếu không thích, bạn có thể tìm chỗ khác.

Nhưng nếu suy nghĩ đơn giản như vậy thì đừng hỏi sao du khách nước ngoài không có thiện cảm khi đến Việt Nam. Họ không hiểu ngôn ngữ, chưa rành giá cả địa phương, và là đối tượng dễ “chặt chém” nhất.

  • Giá tour cho người Việt: 5 triệu đồng. Cho người nước ngoài: 6 triệu.
  • Du khách đi taxi từ Phố Cổ đế Hai Bà Trưng: 400,000 đồng.

Những trường hợp được báo chí nhắc đến chỉ là một phần nhỏ thôi. Muốn biết thêm thì bạn hãy vào các diễn đàn quốc tế. Họ đến đây để khám phá, nhưng chỉ nhận lại sự lừa dối và phiền hà.

Không phải người Việt Nam nào cũng lợi dụng, nhưng số lượng vừa đủ để tạo ấn tượng xấu. Mặc dù tình hình đã được cải thiện, nhất là khi có nhiều thông tin được chia sẻ, nhưng vấn đề vẫn tiếp diễn.

Nếu phải miêu tả, thì đó là kinh doanh khôn vặt. Chỉ thấy cái trước mắt và bỏ quên cái dài hạn. Món ăn có thể ngon, cảnh có thể đẹp, nhưng khi biết mình bị tận dụng để kiếm tiền triệt để, thì hình ảnh một Việt Nam thân thiện bỗng dưng biến mất.

[6] Thiếu toilet công cộng

Nếu muốn thấy mức độ văn minh của một quốc gia, hãy nhìn cái toilet của họ. Đây là điều ít ai để ý đến vì tế nhị, nhưng hậu quả để lại đủ để gây ám ảnh.

Hãy tưởng tượng bạn đang đi ăn ngoài đường hoặc dạo phố. Bỗng nhiên cần giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân. Nhìn trái qua phải, gần như không có một toilet nào.

Rồi khi đi vào một toilet bẩn, bao năng lượng về một buổi ăn tối và sự phấn khích để khám phá ẩm thực lại ngay lập tức biến mất.

Những Phố Cổ Hà Nội và Hội An với sự cổ kính nhưng lại thiếu nhà vệ sinh sạch. Mình vẫn nhớ tới tận bây giờ cảnh phải xếp hàng ở Hội An. Rồi khi vào giải quyết vấn đề, mình như muốn ói mửa vì. Nhìn nét mặt của các du khách đi cùng thì cũng thấy rõ điều đó, chỉ là nó đi kèm với sự im lặng.

Tình hình không tồi tệ đến mức đó. Hiện nay, vì nắm bắt tâm lý nên nhiều quán đã cho du khách sử dụng toilet miễn phí. Nhiều trung tâm thương mại đã mọc lên và kèm theo đó là nhà vệ sinh sạch. Nhưng số lượng vẫn chưa đủ nhiều và chủ yếu nằm ở trung tâm thành phố.

Việt Nam chưa phải là một nước giàu nên chúng ta không thể nào đòi hỏi tiêu chuẩn vệ sinh cao. Nhưng nếu muốn phát triển du lịch thì cái toilet là một nơi cần được chú trọng.

[7] Sản phẩm du lịch nghèo nàn

Đó không phải là nhận xét cá nhân, mà là tiêu đề của một tờ báo hàng đầu khi nói về ngành du lịch Việt Nam. Nghèo nàn ở đây không phải là về vật chất, mà là nét đặc trưng.

Bây giờ nếu đến những Đà Lạt hay Sapa, bạn sẽ thấy thành phố bị bê tông hóa. Cảnh đồi núi bị thay thế bằng các tòa nhà lộn xộn, và sương mờ giờ chỉ tồn tại trong các bài viết quảng cáo.

Rồi khi đi chợ đêm, đó bạn mua được cái gì đó đặc trưng vùng miền, vì gần như tất cả sản phẩm đều là hàng nhập. Nếu phải mua quà đó để tặng cho người thân, bạn sẽ chọn cái gì? Bạn sẽ suy ngẫm và lắc đầu.

Ở Phú Quốc, các bãi biển đã bị bán cho doanh nghiệp tư nhân để khai thác thương mại, còn người địa phương thì không biết đi đâu để tắm. Họ xây dựng những khu vui chơi với tên gọi quốc tế, nhưng sau khi đi, mình không hiểu nó có gì đặc biệt. Thay vì để Phú Quốc làm thiên đường biển, một số người thích xây một khu nhà nhân tạo rồi tự gọi là “Venice Thủ Nhỏ.”

Nói như trên thì hơi cực đoan quá mức. Vì đô thị hóa là xu hướng không thể đổi ngược. Nhưng cái đáng nói ở đây là sự tàn phá của nét đẹp tự nhiên để theo đuổi hình thức giả tạo. Nếu đó là chiến lược, thì Việt Nam khó mà cạnh tranh lại các nước khác.

[8] Việt Nam giá cả đắt đỏ

Không chỉ sơ sài, du lịch Việt Nam còn đắt đỏ. Nếu bạn nghĩ Việt Nam còn nghèo nên chi phí sẽ rẻ thì tư duy có lẽ đang mắc kẹt vào những năm 2000. Bây giờ, giá cả đã ngang với Thái và Mã Lai rồi, chỉ có lương là thấp hơn thôi.

Để hình dung thì không cần phải so sánh từng sản phẩm. Giá tour cho chuyến 5 ngày 4 đêm đi Thái từ Sài Gòn chỉ 9 triệu đồng. Trong khi đó, giá tour cho khu vực Hà Nội cũng từ Sài Gòn, lại tương đương 9 triệu đồng hoặc mắc hơn.

Nếu bạn là du khách thì sẽ chọn nơi nào? Ngay cả những ai đã từng đi Thái cũng tự hiểu vì sao họ thu hút khách nhiều hơn Việt Nam. Vì về cơ bản, chi phí phải chăng trong khi phục vụ quá tốt. Nghĩa là du lịch Việt Nam thua toàn diện từ chi phí, sản phẩm, trải nghiệm và dịch vụ.

[Kết luận]

Cho dù bạn yêu Việt Nam, say mê những cảnh đẹp, hay tự hào về ẩm thực đường phố, thì cũng không thể nào bác bỏ sự thật rằng du lịch của chúng ta cần phải làm rất nhiều. Khoan nói đến việc cạnh tranh với Thái hay Singapore, mà bắt đầu với việc thuyết phục du khách nội địa. Vì nếu ngay cả người Việt Nam còn ngán du lịch Việt Nam, thì không có lý do gì để thu hút khách quốc tế.

Những vấn đề trên chỉ là một phần nhỏ. Nếu phải nêu ra hết thì có lẽ sẽ cần một cuốn sách hay bộ phim tài liệu. Như nạn cướp vặt, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, và hành chính rườm rà. Nhưng không cần phải nói ra hết vì bấy nhiêu là quá đủ.

Để xây dựng một thương hiệu thì cần thời gian và nỗ lực không ngừng. Nhưng cô bán phở đầu đường hay chú lái xe không thể nào gánh trách nhiệm đó được. Nó yêu cần sự hợp tác từ mọi người. Bắt đầu với việc gỡ bỏ rào cản visa, xây dựng hệ thống giao thông, minh bạch giá cả, và tính trung thực. Tất cả cộng lại thành một hình ảnh Việt Nam thân thiện trong mắt thế giới. Đừng để người khác có ấn tượng xấu chỉ vì một số người chụp giật.

Đi từ Nam ra Bắc, mình cảm thấy tiếc. Vì với những bờ biển cát vàng, đồi núi xanh, và vô số danh lam thắng cảnh, Việt Nam xứng đáng có vị thể cao hơn trong thị trường du lịch.

Nhưng thay vì bảo tồn những di sản trời cho, một số người lại đập phá và bào bới, để dựng lên các công trình với kiến trúc sao chép. Rồi hỏi sao, du khách một đến không quay lại.

Đó là vì sao du lịch Việt Nam thất bại.

Bóc Phốt Tài Chính, 26.1.2023