Mỹ có phải là đế quốc?

Bộ phim Civil War của nhà sản xuất A24 kể về một viễn cảnh hư cấu trong tương lai khi nước Mỹ bị chia đôi và dẫn đến cuộc nội chiến. Điều làm mình ấn tượng không phải là kịch bản hay diễn xuất, mà là cách tiêu đề được chuyển ngữ.

Thay vì dịch thẳng Civil War thành “Nội Chiến,” nó lại trở thành “Ngày tàn của đế quốc.”

Điều đó cũng là chủ đề của bài viết này. Mỹ có phải là đế quốc? Để trả lời, chúng ta có thể suy luận.

Định nghĩa của “Đế quốc” là gì? Đó là:

  • Một nước quân chủ do hoàng đế đứng đầu.
  • Một nước đi xâm lược nước khác và biến nơi đó thành thuộc địa.

Nói bình dân hơn, đế quốc là một nước có vua và đi xâm chiếm nước khác. Vài ví dụ tiêu biểu trong quá khứ là La Mã, Trung Quốc, Tây Ban Nha, và Nga.

Vậy còn Mỹ thì sao? Chúng ta có thể nhận xét qua:

  • Nền tảng thành lập
  • Cơ chế vận hành
  • Hành động trong quá khứ
  • Hành động trong hiện tại

Lưu ý, đây không phải là bài chuyên môn mà chỉ là nhận xét cá nhân. Bắt đầu với nền tảng thành lập.

Nền tảng thành lập

Tuy ban đầu là 13 thuộc địa của Anh, nhưng vào năm 1776, Mỹ đã tuyên bố độc lập. Nếu đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Jefferson, bạn sẽ biết rằng nó như lời tuyên bố ly khai và lên án nhà vua Anh. Từ “He” hoặc “Ông ấy” được dùng nhiều nhất.

Nếu khái niệm “Đế quốc” có liên quan, thì là sự bác bỏ của khái niệm đó. Được minh chứng bằng cơ chế vận hành.

Cơ chế vận hành

Đây là một câu hỏi nhiều người hay ngộ nhận, “Mỹ là nền dân chủ hay cộng hòa?” Sự thật là cả hai.

  • Cộng hòa là bởi vì quyền lực và người đứng đầu không phải là một nhà vua, mà là một người được bầu chọn bởi người dân.
  • Dân chủ là bởi vì nó được vận hành bởi một nhóm người đại diện được bầu chọn bởi người dân. Thuật ngữ phổ biến nhất được dùng là “Dân chủ đại nghị.”

Nhìn rộng hơn, nó là sự kết hợp bởi các tiểu bang nhỏ, mỗi nơi có nghị viện riêng. Hiện tại chính là 50 tiểu bang, Hạ Viện với 435 ghế, Thượng Viện với 100 ghế, và tổng thống được bầu chọn theo hình thức đại cử tri đoàn.

Cộng với các cơ quan và tòa án độc lập, quyền lực vì vậy được chia nhỏ thành nhiều mảnh và không ai có thể nắm tất cả. Giả sử bây giờ một ai đó muốn làm vua, thì cũng không thể.

Ngay từ nền tảng và cách điều hành, đế quốc là một điều không thể xảy ra. Nhưng còn các hành động trong quá khứ thì sao?

Hành động trong quá khứ

Điều này có thể làm nhiều người bất ngờ. Mỹ chưa bao giờ sở hữu bất cứ thuộc địa nào. Hay ít ra là theo hình thức cai trị của La Mã, Tây Ban Nha, Pháp, hay Nhật Bản. Đó chính là xâm chiếm lãnh thổ khác, bóc lột tài nguyên, nô lệ hóa người dân, hay độc quyền điều hành.

Không những vậy, khi nhìn lại, Mỹ được coi là lực lượng khai sáng và bảo vệ. Tương tự như đế chế Anh, nhưng là phiên bản tử tế hơn.

Đây là ví dụ tiêu biểu.

Sau khi Thế Chiến 2 chấm dứt, Mỹ vào thời điểm đó là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân và nắm vị thế độc tôn. Trong quá khứ, khi tình huống tương tự xảy ra, tất cả các đế quốc khác đều tận dụng để làm giàu cho bản thân. La Mã chiếm Tây Âu, Tây Ban Nha chiếm Châu Mỹ, hay Nhật chiếm Hàn Quốc.

Nếu muốn, Truman có thể ra lệnh để đô hộ thế giới và không ai có đủ sức mạnh để cản trở. Ông ấy đã có cơ hội để làm một hoàng đế. Nhưng thay vì tận dụng thời cơ để nô lệ hóa nhân loại, Truman đã thực hiện đúng lý tưởng của Locke và Jefferson.

Bắt đầu với sự tái thiết lập trật tự. Các lãnh đạo phát xít đã bị bắt và xử. Người dân Đức và Nhật được trở lại cuộc sống bình thường.

Truman và chính quyền Mỹ đã tạo áp lực để ép các đế quốc Châu Âu trả độc lập cho các thuộc địa và không cần vũ lực. Kế hoạch Phục Hồi Kinh Tế, hay Kế Hoạch Marshall 1948 đã cung cấp kinh phí để Châu Âu xây dựng lại sau chiến tranh để trở thành khối thịnh vượng như chưa có gì xảy ra.

Nhưng đó chưa phải là hành động tiêu biểu nhất.

Bắt đầu vào tháng 8 năm 1961, chính quyền Đông Đức đã xây bức tường chia đôi Berlin nhằm cô lập hóa thành phố này. Đây không chỉ là một đô thị mà còn là biểu tượng của tất cả những thứ đại diện cho Tây Âu.

Vào ngày 26 tháng 6 năm 1963, Kennedy đã đứng trước bức tường Berlin và thực hiện bài diễn văn nổi tiếng nhất trong sự nghiệp.

“All free men, wherever they may live, are citizens of Berlin, and, therefore, as a free man, I take pride in the words “Ich bin ein Berliner.””

[Tất cả con người tự do, dù sống ở đâu, đều là công dân của Berlin. Cho nên, là một người tự do, tôi tự hào khi nói “Ich bin ein Berliner” [Tôi là một người Berlin].

Ông ấy chấp nhận rủi ro của chiến tranh hạt nhân để bảo vệ không chỉ Berlin, mà phần còn lại Tây Âu và trái đất. Nếu không, hiện tại của chúng ta có lẽ đã theo chiều hướng khác.

Hành động trong hiện tại

Hành động trong hiện tại cũng tương tự. Cùng với Pháp và Anh, Mỹ giúp giữ gìn trật tự. Sự hiện diện của hải quân Mỹ ở biển Đông bảo đảm sự lưu thông của hàng hóa. Ngư dân có thể an tâm đánh cá mà không sợ hải tặc.

Về giáo dục, Mỹ đã giúp đào tạo vô số lãnh đạo và trí thức để thúc đẩy thịnh vượng ở các nước đang phát triển. Khả năng cao là bạn đang hưởng lợi nhưng ít khi nào nghĩ đến.

Về công nghệ và thương mại, bạn đang sử dụng những sản phẩm tri thức từ Mỹ để làm giàu. Từ cái iPhone cho đến YouTube và Facebook. Còn hàng loạt thứ khác không thể nói hết ở đây được.

Quay lại câu hỏi ban đầu, Mỹ có phải là đế quốc? Sau tất cả những thứ đã nêu trên, có lẽ chúng ta không cần phải trả lời.

Nguyễn Trọng Nhân, 29.5.2024