Tuần rồi, mình cô bạn thân lên kế hoạch để sang Singapore chơi vào cuối tuần. Hơn nửa năm rồi, hai đứa không gặp nhau. Nhưng ý tưởng đó đã bị bác bỏ. Cô ấy mới bắt đầu ở một công ty mới và họ làm việc sáu ngày một tuần, từ thứ 2 đến thứ 7.
Mình ghét công ty nào bắt đi làm vào thứ 7. Tuy đó là ý kiến cá nhân nhưng mình tin chắc rằng nhiều người cũng có chung suy nghĩ đó. Đây là một điều mình tìm hoài không ra câu trả lời và hỏi cũng không ai có thể giải thích được.
Tại sao cho tới bây giờ, nhiều công ty ở Việt Nam vẫn bắt nhân viên phải đi làm vào thứ 7, chủ yếu là buổi sáng? Trong khi ở các nước khác, họ chỉ làm từ thứ 2 đến thứ 6, và hiện tại đang có xu hướng làm việc bốn ngày.
Không phải công ty nào cũng vậy, nhưng phần lớn, tới mức nó trở thành thông lệ. Ai cũng ghét nhưng vẫn coi là bình thường vì khi nói ra, cũng không có câu trả lời thỏa đáng.
Nếu khoảng 5 năm trở về trước, bạn sẽ dễ dàng tìm được những công ty cho nghỉ ngày thứ 7, nhưng hiện nay điều này gần như xa xỉ. Nếu không làm cả ngày thì cũng phải làm đến 12 giờ trưa. Mình thử tìm một cái thống kê nào nhưng không ra.
Nội dung này không phải là một nghiên cứu khoa học, phân tích thị trường, hay bình luận của chuyên gia. Nó đơn thuần chỉ là cảm nhận của một cá nhân, chính xác hơn là của một nhóm bạn. Nhưng cho dù bạn nhìn từ góc độ chuyên gia thì cũng khó giải thích được. Nếu Google “Vì sao các công ty Việt Nam bắt làm thứ 7” thì cũng không ra câu trả lời.
Mình dùng từ ghét không phải lên án công ty nào, mà nó chỉ là cảm xúc của bản thân khi nghĩ về điều này, và mình tin nhiều người cũng có cảm xúc tương tự.
Mình ghét đi làm vào thứ 7 và ghét công ty nào bắt nhân viên đi làm thứ 7. Sau đây là vì sao.
- Đi làm vào thứ 7 lấy đi nửa đến nguyên ngày cuối tuần. Đáng lẽ ra thì mình được ngủ nướng, hẹn cà phê với bạn, đi ăn quán, phượt ra tỉnh, hay đi chơi ở đâu đó. Nhưng những ý tưởng đó đều bị dập tắt vì phải mất buổi sáng thứ 7 để lên công ty làm việc. Một tuần làm việc như vậy nên cảm thấy như dài vô tận.
- Năng suất không tăng mà còn giảm vì tinh thần mệt mỏi. Làm nhiều giờ, không có nghĩa là làm được nhiều việc. Cho dù có mặt ở văn phòng vào sáng thứ 7 để làm việc, nhưng mình chỉ giả vờ, vì đầu óc đang mơ tưởng về việc khác hay bị trôi đến chỗ khác rồi. Không phải vì mình lười, mà vì cơ thể con người chỉ muốn nghỉ ngơi vào cuối tuần và thứ 7 đáng lẽ ra là một ngày để làm điều đó. Không chỉ mỗi mình nói vậy đâu, khi hỏi những người bạn thì họ cũng có nhận xét y chang như vậy. Cái xác tuy ở văn phòng, nhưng cái hồn thì nằm đâu đó rồi. Ngồi làm việc mà chỉ nghĩ đến lúc 12 giờ để ra về thật nhanh. Tất cả những việc được giao trong tuần đều có thể được thực hiện trong 5 ngày. Tại sao không dồn hết mà phải chia thành 6 ngày? Từ góc độ của người đi làm, nó là sự lãng phí về thời gian.
- Tốn thêm chi phí xăng dầu và chi phí cơ hội. Mỗi lần đi làm thì mình phải chạy xe từ nhà tới văn phòng rồi về, đó là chi phí vì xe đâu có chạy bằng không khí. Nếu là nữ thì phải tốn thêm son phấn vì không ai muốn mình trông như con quạ. Chưa hết, để làm những điều đó thì phải dậy sớm, đó là chi phí thời gian. Mình phải tốn vài tiếng đồng hồ chỉ để đến văn phòng làm việc nửa ngày rồi về. Mình thực sự hỏi, “Nó có đáng không?”
- Công ty phải tốn thêm tiền. Khoan nói về tiền lương. Cái chi phí ở đây là tiền điện, hao mòn máy móc, quản lý giám sát và cơ hội để nhân viên phát triển. Khi hỏi một số quản lý trung cấp, thì ngay cả họ cũng không thể biện hộ được cho việc đi làm vào thứ 7 vì họ cũng muốn nghỉ.
Như nói ở trên, đây chỉ là quan điểm cá nhân, cho nên đừng ai bắt mình phải trình bày số liệu khoa học hay dẫn chứng chuyên môn. Bạn cũng sẽ không tìm ra vì lời giải thích nào vì các nước tư bản tiên tiến đã quy định “1 tuần làm 40 tiếng” từ năm 1940. Mà nếu có thì nó cũng không bảo vệ được mô hình làm việc này.
Nhưng chúng ta khi chỉ trích thì cũng nên hiểu vì sao ở Việt Nam lại đi làm vào thứ 7.
- Theo quy định của Bộ Luật Lao Động, thời gian làm việc tối đa trong một tuần là 48 tiếng. Nếu bạn nào đó đã từng đi du học hay làm việc ở ngoài nước thì có thể sẽ hơi bất ngờ, vì những nước phát triển khác chỉ làm việc 35 đến 40 tiếng. Nhưng đây là Việt Nam. Vì sao các công ty có thể làm vậy? Câu trả lời đơn giản là, vì họ có thể, ở Việt Nam.
- Đất nước chúng ta là một nền kinh tế đang phát triển và số lượng người cần việc luôn đông hơn số lượng công việc. Doanh nghiệp muốn tối đa hóa giờ làm việc. Nếu giảm số giờ làm thì có lẽ lương cũng giảm theo. Xét thực tế hơn, rất khó để sao chép cơ chế làm việc của Châu Âu hay Mỹ, vì họ đã phát triển trước chúng ta.
Không phải công ty nào cũng bắt nhân viên làm thứ 7. Những doanh nghiệp quốc tế thì ít khi nào yêu cầu điều này. Phần lớn là các công ty Việt Nam.
Tùy theo ngành nghề nữa. Những công việc lao động, phục vụ, chăm sóc khách hàng, lễ tân hay bán hàng thì phải làm vào thứ 7 vì đó là ngày có nhiều khách nhất. Quy luật cho các vị trí đó là mỗi tháng chỉ được nghỉ 2 ngày.
Tuy nhiên, những công việc trí óc như marketing, nội dung, hành chính và công nghệ thì được đánh giá bằng kết quả chứ không phải số giờ làm việc. Lúc này, sẽ là vô lý để bắt một nhân viên làm thứ 7 vì cho rằng năng suất sẽ cao hơn. Nhiều nghiên cứu cho rằng, nhân viên chỉ có năng suất cao trong tầm 2 đến 4 giờ làm việc. Sau đó, sự tập trung sẽ giảm dần. Cái này thì có lẽ không cần bằng chứng khoa học chứ, vì nó quá hiển nhiên.
Ở các nước phát triển, một số công ty đang theo đuổi mô hình làm việc hybrid, nghĩa là bạn có thể tới công ty hay làm ở nhà, miễn sao đáp ứng được yêu cầu công việc. Bạn có thể ngồi trong phòng ngủ từ thứ 2 đến 5, rồi đến văn phòng vào thứ 6 để họp. Thay vì phải tốn 2 đến 4 tiếng chỉ để di chuyển từ nhà đến công ty.
Chưa hết. Xu hướng hiện nay là làm việc 4 ngày một tuần. Nó đã được một số công ty ở Mỹ, Châu Âu, Anh và New Zealand thí nghiệm khá thành công. Vì theo quy luật Pareto, 80% năng suất đến từ 20% thời gian, nhân viên chỉ cần tập trung vào một khoảng thời gian nhất định, chứ không cần phải ngồi rồi giả vờ.
Một tư duy trái nghịch với quan điểm của một vị cá mập nào đó. “Đi làm không nên về trước 7 giờ, vậy là quá sớm.”
Mình hiểu, Việt Nam chưa phải là một nước phát triển, cho nên không thể yêu cầu điều tương tự. Nhưng cái nói đến ở đây là tư duy quản lý và vận hành, đi đầu là việc bắt nhân viên đi làm vào thứ 7.
Mình sẽ hỏi ngược lại.
- Đi làm vào thứ 7 thì nhân viên có thực sự làm việc không, hay họ chỉ ngồi trước màn hình rồi đầu óc đang chạy ở đâu đó.
- Đi làm vào thứ 7 thì năng suất công việc có tăng không, hay chỉ để thỏa mãn số giờ làm việc theo quy định mà không ai hiểu vì sao.
- Đi làm vào thứ 7 thì có còn hợp lý vào thời đại kinh tế tri thức nữa hay không.
Nếu ai đó muốn làm thêm thì vẫn có thể. Đó có thể là nhân viên kinh doanh đang có động lực vì họ ăn hoa hồng. Hay là một nhân viên ngân hàng cần giải quyết một thương vụ triệu đô. Nhưng họ làm vì họ được hưởng lợi và bản chất công việc yêu cầu điều đó. Còn đa số công việc khác thì không.
Cho nên, việc bắt nhân viên đi làm vào thứ 7 không chỉ là sự vô lý, nó còn là sự lãng phí tài nguyên cho chính công ty. Hãy để họ có hai ngày cuối tuần trọn vẹn và trở lại vào sáng thứ 2 với đầu óc minh mẫn.
Đó là vì sao mình ghét đi làm vào thứ 7 và tin chắc rằng đa số độc giả cũng có suy nghĩ tương tự, dù chỉ là suy nghĩ cá nhân.
Nguyễn Trọng Nhân, 11.4.2024