Lòng GATO, ghét người giàu và tư duy thất bại | Nếu tôi phải cho bạn một lý do để không ghét người giàu thì sẽ là như sau. Vì sự ghen tị đó sẽ không có ích gì mà chỉ tiêu diệt sự phát triển của chính bạn. Đây là bài học tôi tích lũy được trong cuộc đời. Chỉ khi thay đổi tư duy thì mới bắt đầu gặt hái được thành quả.
Bạn sẽ phản ứng thế nào với một người tài giỏi, giàu có, thành công và nổi tiếng hơn mình. Liệu bạn có muốn dìm hàng hay khen thưởng, ganh ghét hay ngưỡng mộ và cảm thấy bực tức hay vui vẻ. Câu trả lời sẽ nói lên rất nhiều về tư duy, tính cách, triết lý, tầm nhìn, kết quả và tương lai. Trong một xã hội phân cấp giàu nghèo như Việt Nam thì thái độ của đám đông quá rõ, không phải tất cả nhưng đa số.
Tôi để ý điều này mỗi lần đọc bài báo nào đó nói về một người thành đạt, một bạn trẻ thành công hay đơn thuần chỉ là câu chuyện đứa con của ai đó có lợi thế nhờ gia đình.
Đó là nếu đọc những bình luận trực tiếp và gián tiếp thì sẽ thấy một nguồn năng lượng tiêu cực đả kích cá nhân như thể người trong cuộc là kẻ thù.
- “Ôi thằng đó thành công nhờ gia đình chứ có tài ba gì.”
- “Tưởng gì, cũng chỉ nhờ cha mẹ.”
- “Giỏi đi làm như người ta đi, nhờ gia đình có gì mà khoe.”
Tôi thực sự không hiểu tư duy này xuất phát từ đâu. Nhưng khi tìm hiểu thì nguyên nhân dần lộ ra. Nó đã có từ rất lâu trong tiềm thức của người dân nơi này. Đây không chỉ là hiện tượng hiện đại mà đã có từ xưa.
Đọc cổ tích thì bạn sẽ hay gặp mẫu truyện như sau. “Ngày xưa có ông phú hộ giàu có nhưng ác độc, còn anh nông dân nghèo thì chất phác thật thà.”
Trong âm nhạc cũng vậy. Trong bài “Chuyện giàu nghèo” Đan Trường hát có những câu ca ngợi cái nghèo và chỉ trích cái giàu.
- “Nhà giàu, ai hiểu được ai. Nhiều khi đêm xuống, thở than một mình.”
- “Nhà nghèo vách lá đơn sơ, nhưng mà tình cảm xanh hơn bạc vàng.”
Ngay cả trong văn học và các bài hát, xung đột giàu nghèo lại được cổ vũ ngầm. Sống trong một môi trường như vậy thì không bất ngờ khi tư duy của đa số người dân là chỉ trích và ghen tị. Vì từ khi sinh ra, họ đã được bơm vào não những triết lý ngược đời.
Khi thấy một người nào đó thành công hơn mình, tôi ngưỡng mộ họ. Khi thấy một bạn trẻ giàu có, tôi ngưỡng mộ họ và cha mẹ họ. Một cô con gái hay trai của một doanh nhân nào đó chẳng lấy của ai cái gì. Bạn có thể không thích họ nhưng sẽ là lố nếu bác bỏ nỗ lực cá nhân.
Nếu bạn chỉ trích vì họ thành công nhờ gia đình thì chính bạn đang lên án quy luật tự kế thừa và tích lũy, vốn là điều tự nhiên trong việc định hình sự phát triển của xã hội. Tất cả những kiến thức và vốn chúng ta có được không bao giờ đến từ hư vô mà đã được truyền lại từ người này sang người khác, thế hệ này sang thế hệ khác.
Điều này cần được nhắc lại vạn lận đề ghi khắc.
Hãy nhìn lại chính bạn. Ai là người đã sinh bạn ra, dìu bạn đi, cho bạn ăn và dạy bạn nói. Mỗi chúng ta trước khi là thành viên của xã hội thì là thành phần của gia đình. Vậy thì có gì sai khi một ai đó tiếp quản công lao của cha mẹ. Nếu không có người đi trước chỉ dẫn, bạn chỉ là tờ giấy trắng.
Đừng nói với tôi là bạn tin những câu chuyện khởi nghiệp hay làm giàu từ bàn tay trắng nhé. Những tiêu đề như “Từ tay không, bây giờ tôi có vài triệu đô” hay “Tôi khởi nghiệp từ vài triệu đồng lên vài chục tỷ.” Nó chỉ có thể đánh lừa những kẻ khờ dại tin vào cổ tích vì bất cứ ai có kinh nghiệm cũng thấy sự tầm phào trong logic.
Chẳng có gì đến từ hư không cả. Trong đời tôi chỉ biết hai loại người tin vào cái gọi là “Thành công tự lực.” Đó là một sinh viên đang học hoặc một kẻ ngáo. Việc ai đó kế thừa là quy luật để xây dựng thịnh vượng từ ngàn xưa chứ không phải là cá biệt.
Nếu bạn lên án thì chỉ chứng tỏ bạn là kẻ ngốc, lòng đầy đố kỵ và cùn trong tư duy. Xin đừng, vì điều đó sẽ không làm bạn tốt hơn. Có thể trong mắt những người bạn thân, bạn đang nói gì đó rất hay ho. Nhưng với thế giới rộng lớn, bạn chỉ là kẻ thất bại.
Đừng ghét người giàu mà hãy ngưỡng mộ họ. Đừng ghét một ai đó thành công hơn mình, mà hãy học hỏi. Từ đó, năng lượng của họ sẽ lan tỏa vào bên trong và kéo bạn lên. Không phải ai giàu có cũng tài giỏi và tích cực. Nhưng gần như tất cả những cá nhân tài giỏi và tích cực tôi biết đều ít nhiều thành công và giàu có.
Hãy nhìn xa hơn nữa. Có thể bây giờ bạn đứng cách họ vài trăm bước, biết qua các bài báo hay lời truyền miệng. Nhưng vào một ngày không xa, bạn sẽ đứng trước một nhóm người thành đạt để trình bày ý tưởng của mình. Nếu đi làm, thì đó có thể bắt đầu bằng cuộc điện thoại, một cái bắt tay để rồi đôi bên cùng tiến.
Nếu trong lòng ganh ghét sự thành công của người khác thì bạn sẽ không bao giờ tiến xa. Bạn sẽ tự khóa mình ở thế bị động ảo tưởng. Như một con ếch dưới đáy giếng hoặc con vịt bơi trong ao làng.
Đừng bao giờ ganh đua với người giỏi hơn vì họ sẽ càng bỏ xa bạn. Cũng đừng kéo ai đó xuống vì họ sẽ mãi ở đẳng cấp hơn bạn. Đó là vì sao tôi ngưỡng mộ những ai giàu có hơn tôi, vì tôi muốn được như họ.
Còn bạn sẽ đối xử ra sao với người tài giỏi, thành công và giàu có hơn mình? Hãy tự trả lời. Đây là sự thách thức tư duy để quyết định tương lai.
Bóc Phốt Tài Chính | 29.3.2021