[Hỏi] Điều này đúng hay sai?
Bỏ qua chính kiến của bạn về Bảo Hiểm Xã Hội [BHXH] của Việt Nam, thì đúng là vậy.
Không có một nước nào trên thế giới cho phép người dân rút sớm tiền BHXH trước tuổi về hưu. Mỹ, Úc, Anh, Nhật hay Pháp cũng có chung quy định. Nếu được rút trước hạn thì sẽ bị trừ tiền và bãi bỏ phần ưu đãi lợi tức, cho quỹ BHXH và hưu trí cá nhân.
Mô hình bảo hiểm hưu trí tập trung dựa theo nguyên lý số đông góp tiền để bảo vệ rủi cho cho số ít.
Khi Social Security Insurance [phiên bản BHXH của Mỹ] được thiết lập vào năm 1935, tuổi về hưu quy định là 65, còn tuổi thọ trung bình vào thời đó là 59 cho nam và 63 cho nữ.
Nghĩa là mô hình của họ dự đoán là phần lớn người đóng sẽ qua đời trước tuổi về hưu. Nhưng trong thực tế, con người ngày càng sống lâu hơn vì cải tiến trong y khoa và chất lượng sống. Chính điều đó dẫn đến sự mất cân bằng giữa số tiền chi trả và đóng. Nhưng Mỹ có thể kéo dài hơn vì Dollar là tiền dự trữ của thế giới.
[Hỏi] Vậy nếu trước tuổi về hưu mà gặp khó khăn thì sao?
Trong trường hợp bạn chết, người nhà sẽ nhận tiền bồi thường. Còn nếu gặp khó khăn, sẽ có trợ cấp từ cơ quan y tế và thất nghiệp.
Tuy Mỹ Âu không cho người dân rút BHXH trước hạn, nhưng từ khi đi làm cho đến lúc về hưu, họ luôn có cơ chế an sinh xã hội.
[Hỏi] Còn Việt Nam thì sao?
Việt Nam cũng tương tự nhưng vì VND không có trạng thái đặc biệt nên vấn đề được lộ ra nhanh hơn.
Bộ Trưởng Bộ Lao Động nói tiếp, “20 năm đóng bảo hiểm, người lao động không chờ được.”
[Hỏi] Nhưng tại sao Việt Nam lại có vấn nạn người lao động rút BHXH trước hạn?
Để hiểu, bạn cần đặt bản thân vào vị trí của người lao động.
Nếu bạn là một nhân viên văn phòng hay viên chức nhà nước, bạn có thể làm việc đến 60 tuổi vì bản chất công việc không yêu cầu nhiều sức lực. Bạn có thể chờ mà không cần số tiền đã góp vào BHXH.
Nhưng vấn đề là chỉ 9% lực lượng lao động Việt Nam có trình độ cao, 91% còn lại là lao động phổ thông hay tự do.
Nếu bạn là một công nhân trong nhà máy, công việc sẽ nặng và cơ thể sẽ xuống sức nhanh hơn một người làm văn phòng. Sau 30 tuổi, sức khỏe sẽ giảm, tay chân không còn nhanh nhẹn, và nhà tuyển dụng sẽ kén chọn.
Còn nếu phải làm 20 năm liên tục, từ 20 tuổi đến 40 tuổi, thì đó là khoảng thời gian vàng của một người lao động. Cho nên không thể nào quy chung người làm văn phòng với công nhân, vì mức độ nặng nhọc khác nhau.
[Kết] Các nước khác tuy không cho người dân rút BHXH trước hạn, nhưng họ có cơ chế an sinh xã hội để điều đó trở nên không cần thiết. Còn Việt Nam vì không có những điều đó, nên người lao động mới muốn rút tiền sớm.